Trong cuộc sống thường ngày, hãy tích cực nuôi dưỡng một số đức tính tốt. Những đức tính này sẽ giúp ta chiếm được lòng người, đồng thời vận may sẽ đến với bạn.

Năm Hàm Phong thứ 8 (năm 1858), vào một ngày tháng 3, Tăng Quốc Phiên đã viết trong nhật ký của mình rằng làm người: 

Tâm thái nên ổn định, đối xử tốt với mọi người

Luôn khiêm tốn, rộng lượng

Làm việc gì cũng nên làm chắc chắn, làm có trách nhiệm

Luôn biết giúp đỡ người khác.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra 2 tính xấu con người nên tránh, đó là kiêu ngạo và nói nhiều.

Khi còn trẻ, Tăng Quốc Phiên chắc hẳn đã phạm phải sai lầm là kiêu ngạo và nói nhiều, nhưng sau đó ông đã tự ý thức và thay đổi bản thân, cuối cùng đã bỏ được những tính xấu đó. Vì thế ông đã nói, tính xấu là nguyên nhân làm con người bị thất bại. Đây là một đạo lý mà ông đúc kết từ trong kinh nghiệm sống của mình. Chúng ta hãy thử cùng tìm hiểu. 

Con người hễ kiêu ngạo là sẽ bị mất cảnh giác trong mọi hoàn cảnh, vì thế khi nguy hiểm và thất bại ập đến sẽ không kịp trở tay. Kiêu ngạo là con đường tự dẫn mình đến chỗ diệt vong, như cổ nhân có câu “kiêu binh tất bại”. Shakespeare cũng từng nói: “Một người ngạo mạn sẽ có cái kết bi thảm”.

Thất bại của Quan Vũ trong Tam Quốc cũng là do quá ngạo mạn. Bản chất Quan Vũ là một tướng giỏi, là người có năng lực hơn người. Nhưng vì quá ngạo mạn nên Quan Vũ đã phải chịu chết thảm. Trong trận Phàn Thành, Quan Vũ dùng kế dẫn nước sông nhấn chìm 7 đạo quân chết đuối, càng tỏ ra đắc ý. Sau đó, ai can ông cũng không nghe, cho mình là người tài giỏi nhất, cuối cùng dẫn đến cái chết thảm khốc.

Tạo hình Quan Vũ trên màn ảnh (ảnh: Youtube).

Tăng Quốc Phiên đã nhấn mạnh “nói ít” là một đức tính rất quan trọng với mỗi người. 

Để khuyên mọi người không nên nói nhiều, Tăng Quốc Phiên đã dẫn ra câu chuyện của chính bản thân mình. Hồi ông mới vào Hàn Lâm Viện, trong một lần sinh nhật bố mình, vì nhiệt tình tiếp đón mọi người nên ông đã vui quá mà quên đi lễ nghĩa, cuối cùng đã có nhiều hành xử gây phản cảm cho người khác.

Sau đó ông đã rất ái ngại, ghi vào nhật kí của mình rằng: Thứ nhất thường ngày nên biết mình biết người. Thứ hai với những việc mình không biết chắc thì nên nghĩ tới đâu nói tới đó. Thứ ba, khi đã nói lỡ lời thì không nên tiếp tục tranh luận, không nên tranh cãi tới cùng.

Sau này, Tăng Quốc Phiên đã giáo dục con cháu và các em trai của mình theo những đạo lý này. “Không nói nhiều”, bản chất của nó là khi nói chuyện với người khác nên biết khống chế bản thân, tránh nói lỡ lời, tránh nói năng mất kiểm soát, khi gặp chuyện bất đồng quan điểm, không nên ra sức tranh cãi tới cùng.

Khi bạn cãi thắng người khác, bề ngoài bạn tưởng mình là người chiến thắng, nhưng kỳ thực bạn đã làm mất lòng người khác. Vì thế, nên biết khiêm nhường, không vì chút hiếu thắng mà tranh luận tới cùng. Hãy biết giữ thể diện cho mình và cho người khác.

Quỳnh Chi
Theo Secretchina

Từ Khóa: