Lễ cưới các bạn học khác, bản thân tôi đã tới dự rất nhiều rồi, nói chung bầu không khí đều là tưng bừng hạnh phúc, náo nhiệt rộn ràng. Nhưng lễ cưới của cô bạn học lần này lại khiến tất cả mọi người đều rưng rưng cảm động…

Lúc mới bắt đầu, toàn bộ chương trình được tiến hành vui vẻ, nhưng đến lúc dâng trà thì cô dâu bỗng quỳ xuống sàn khóc mãi không thôi. Người cha già cũng nước mắt lưng tròng, ê ê a a ra hiệu bảo con gái đứng dậy, khiến cho tất cả mọi người quanh đó đều không khỏi chạnh lòng.

Cha cô là một người câm điếc. Vì vợ qua đời từ sớm nên ông vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ nuôi ba đứa con khôn lớn thành người. Ngày ngày ông đều đặn thức khuya dậy sớm làm đậu phụ, đợi đến khi mặt trời lên lại lóc cóc đạp xe qua các ngõ phố để rao hàng.

Sống trong gia cảnh nghèo khó như vậy, lại thêm những lời chế giễu châm chọc của lũ bạn cùng xóm, ngay từ nhỏ cô đã căm ghét người cha câm điếc của mình. Mỗi lần nghe thấy tiếng nói chuyện ê ê a a của cha, cô đều cảm thấy xấu hổ, tự ti, và chỉ muốn trốn đi thật xa.

Ký ức mơ hồ của cô gợi nhớ lại một kỷ niệm năm lớp 3. Hôm ấy mưa gió bão bùng, các bậc cha mẹ đều vội vã đến trường đón con, người cha câm điếc của cô cũng đến. Cô nhận ra ngay giữa những gương mặt xa lạ ấy chính là cha. Một cảm giác tủi thẹn bất ngờ ập đến, vì để tránh mặt cha cô đã lén vòng qua cửa sau của trường để về nhà. Dù phải dầm mưa suốt dọc đường, nhưng cô lại cảm thấy nhẹ nhõm như vừa mới trút bỏ một gánh nặng trong tâm.

Mặc dù được cha yêu thương nhưng cô vẫn luôn căm ghét cha. (Ảnh minh họa từ youtube)

Cứ như vậy, suốt quãng đời niên thiếu cô chưa bao giờ gọi ông một tiếng “cha”, mãi cho đến một ngày…

Buổi chiều hôm ấy, cô đang trên đường trở về nhà, từ xa đã nhìn thấy cha đang bán hàng. Một thằng bé chạy đến mua đậu phụ, khi cha cô tận tay trao cho nó túi đậu phụ thì thằng bé không trả tiền mà co chân chạy vụt đi mất. Cha cô đành bất lực ú ớ kêu lên, mồ hôi thấm ướt hai màu tóc đen trắng. Chứng kiến cảnh này, trái tim cô như nghẹn lại, cô chỉ giận bản thân không thể chạy đến cho đứa nhỏ kia một trận tơi bời.

Nhưng cô vẫn căm ghét cha như ngày nào. Động lực lớn nhất khiến cô lao đầu vào học chính là muốn được thoát khỏi cái căn nhà chật hẹp, thoát khỏi người cha mà khắp làng trên xóm dưới đều biết ông là người câm điếc… Cô không nhớ rõ vì để có tiền cho con đi học, ông đã bán đi bao nhiêu đồ đạc giá trị trong nhà; cô cũng không nhớ rõ mười mấy năm bươn trải bán đậu phụ, ông đã đi rách hết bao nhiêu đôi giày. Những gì cô quan tâm chỉ là ngày đêm vùi đầu vào sách vở. Có những buổi tối khi mệt quá cô ngủ gục ngay trên bàn học, sáng hôm sau tỉnh dậy thì thấy đèn bàn đã tắt, trên người có thêm một tấm chăn đắp lên.

Cuối cùng, sau bao năm cố gắng, cô cũng nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Đó là lần đầu tiên cô thấy khuôn mặt ngăm đen của cha bộc lộ vẻ vui mừng. Ông hãnh diện khoác lên mình chiếc áo màu xanh lam mới tinh mà trước đây ông không bao giờ dám mặc, hai tay trịnh trọng lấy ra một cọc tiền phảng phất mùi đậu phụ đưa cho cô, rồi ông lại lăng xăng chạy ra ngoài khoe tin vui với mọi người. 

Nhìn cha hạnh phúc nâng chén rượu mời hàng xóm láng giềng, miệng reo lên không ngừng bằng những tiếng ê ê a a như thơ trẻ, cô bất giác trào dâng nước mắt. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời cô bày tỏ tình cảm với cha, cô gắp mời cha một miếng thịt heo mà nghẹn ngào nói: “Cha, cha ơi, cha hãy ăn nhiều vào”. Ông không nghe thấy những lời con gái nói, nhưng nhìn ánh mắt rưng rưng của con, ông đã ngồi ngây ra một lúc, rồi nước mắt tuôn ra như suối, ông khóc òa lên giống như một đứa trẻ.

Cũng kể từ đó, cô đã làm tất cả để bù đắp cho cha những tháng ngày lạnh lùng trong quá khứ mà cô đã đối xử với ông như nước lã người dưng. Cô đã tưởng như có thể ở bên cạnh ông đến trọn đời, không bao giờ rời xa ông hay bỏ ông ở lại một mình.

Vậy mà giờ đây cô sắp phải bước chân về nhà chồng…

Trong buổi lễ cảm động ấy, cô quá nghẹn ngào không nói nên lời. Trước khi bước chân lên xe hoa, cô lại đứng lặng một hồi lâu nhìn cha, đầu cúi xuống như một cái lạy tạ cha giữa đất trời. Tôi hiểu rằng trong lòng cô lúc ấy có ngàn lời muốn nói, nhưng lại không thể thốt lên thành tiếng.

Giờ đây khi sắp phải xa cha về nhà chồng, cô ngẹn ngào không nói lên lời. (Ảnh minh họa từ youtube)

Ai đã trải qua những tháng ngày khốn khó, chứng kiến cha mẹ tần tảo sớm hôm vì con mà hy sinh tất cả, có lẽ cũng cùng chung những cảm xúc ấy. Có thể bạn đã từng thầm ước, giá mà cha mẹ mình sung túc hơn một chút, giá mà cha mẹ mình thành đạt hơn một chút, công danh sự nghiệp hiển hách hơn một chút… rất nhiều những cái “giá mà” từng khiến ta ao ước.

Nhưng rồi, sẽ đến một ngày bạn nhận ra rằng, khoảng thời gian khốn khó nhất lại tạo nên sợi dây tình cảm bền chặt nhất mà không vật chất, không tiền tài hay danh vọng nào có thể sánh được. Và cũng đến một ngày bạn sẽ nhận ra, những khiếm khuyết trên thân thể lại khiến cha trở nên vĩ đại, những nhọc nhằn vất vả lại khiến mẹ trở nên đẹp rạng ngời.

Thiện Sinh