Nói đến Vương Duy, những người yêu thơ Đường đều gọi ông là “Thi Phật”. Thơ của ông ‘trong thơ có họa, trong họa có thơ’, lại toát lên thần thái của những người tu Phật.

Đó là những câu thơ say đắm lòng người trong bài “Sử chí tái thượng”:

“Đại mạc cô yên trực, Trường hà lạc nhật viên”
(Sa mạc làn khói thẳng, Sông dài tịch dương tròn)

Là tình cảm ý nhị, nhẹ nhàng trong bài “Tương tư”:

“Hồng đậu sinh Nam Quốc,
Xuân lai phát kỷ chi,

Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương tư”

(Hồng đậu sinh ở phương nam,
Xuân về thắm nở nẩy bao nhiêu cành.
Xin chàng hãy hái cho nhiều,
Vật ấy mới thật gợi tình tương tư.)

Và hai câu thơ trong “Tống Nguyên Nhị Sử An Tây”:

“Khuyến quân cánh tiến nhất bôi tửu, tây xuất Dương Quan vô cố nhân”
(Chúc bạn rượu thêm một ly nữa, ra khỏi Dương Quan chẳng cố nhân)

Hay bức tranh sơn thủy hữu tình trong bài “Sơn cư thu minh”:

“Minh nguyệt tùng gian chiếu, thanh tuyền thạch thượng lưu”
(Trăng sáng rặng tùng chiếu, Suối trong trên đá trôi)

Thơ ông rung động lòng người, nhưng điều khiến người ta cảm động nhất lại chính là khí tiết của Vương Duy: Dẫu rơi vào hoàn cảnh nào vẫn giữ được khí chất văn nhân cao thượng, là thân ở nơi giặc, nhưng tâm không theo giặc.

Vào năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755), khi An Lộc Sơn chiếm hai kinh đô Lạc Dương và Trường An, Hoàng đế Huyền Tông phải bỏ chạy khỏi Trường An. Vương Duy hộ tống không kịp, bất đắc dĩ rơi vào tay giặc. Vương Duy bèn uống thuốc để đi kiết, giả xưng bị bệnh. Nhưng Lộc Sơn vốn yêu mến ông, nên sai người đón đến Lạc Dương, giữ ở chùa Phổ Thí, rồi ép ông phải nhậm chức. Lộc Sơn mở tiệc thết đãi đệ tử ở Ngưng Bích Cung, các nhạc công phục vụ Lộc Sơn đều từng là đào kép của Hoàng đế Huyền Tông. Vương Duy thấy vậy rất đau lòng, bèn làm bài thơ “Ngưng Bích trì”:

“Vạn hộ thương tâm sinh dã yên,
Bách quan hà nhật tái triều thiên?
Thu hoài hoa lạc không cung lý,
Ngưng bích trì đầu tấu quản huyền”

Dịch nghĩa:

Muôn nhà đau đớn sống trong khói đồng,
Bao giờ trăm quan mới lại có ngày bái triều.
Lá của cây hoè rơi lặng lẽ trong cung vắng,
Ðầu ao Ngưng Bích tấu sáo với đàn.

Cựu Đường thư – Liệt truyện 140 – Văn uyển hạ chép rằng, sau khi giặc An Lộc Sơn bị dẹp loạn, các quan từng làm cho giặc bị định tội theo 3 cấp. Vương Duy có bài thơ “Ngưng Bích thi” được Hoàng đế Đường Túc Tông khen ngợi. Lại nhờ có Vương Tấn, em trai của Vương Duy, xin tước bỏ chức quan hình bộ thị lang của mình để chuộc tội cho anh, nên Vương Duy không những được miễn tội mà còn được phong chức Thái tử trung doãn, sau thăng tới Thượng thư hữu thừa.

Tân Đường thư cũng ghi rằng: “Lộc Sơn mở tiệc lớn bên hồ Ngưng Bích, triệu tất cả các kép hát đào hát phường nhạc hợp diễn, chư công đều rơi lệ, Vương Duy rất đau lòng, làm bài thơ buồn đau”.

Qua đó có thể thấy lập trường kiên định của Vương Duy: Mặc dù ngươi buộc ta làm quan, tâm của ta vẫn không ở bên ngươi. Vương Duy, một phẩm chất cao quý của văn nhân đã thể hiện rõ trong việc này.

Thế nào gọi là “uy vũ bất năng khuất”? Đây chính là uy vũ bất năng khuất. Hậu nhân chú ý nhiều hơn đến thơ và tranh của Vương Duy. Vương Duy và Mạnh Hạo Nhiên đã khai sáng ra trường phái thơ sơn thủy. Đương nhiên, thi họa cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phẩm chất văn nhân. 

Vương Duy và Mạnh Hạo Nhiên đã khai sáng ra trường phái thơ sơn thủy. (Ảnh: gnosticmuse.com)

Vương Duy không thể so sánh được với Khuất Nguyên, cũng không thể so sánh được với Văn Thiên Tường, cũng không thể so sánh được với Nhạc Phi, họ đã dùng sinh mệnh để đổi lấy lời ngợi ca của lịch sử. Nhưng Vương Duy cũng được khẳng định, đó là thân tuy theo giặc nhưng tâm chống giặc. Những năm cuối đời, Vương Duy gửi tình vào điền viên sơn thủy, đã khúc chiết thổ lộ ra cảm ngộ của ông đối với nhân sinh sau thế sự bể dâu. 

Vương Duy, cũng vì có lập trường kiên định, khiến các nhà văn học sử xưa nay không ai có lời chê trách, điều này chẳng phải là một kỳ tích đó sao? Vì vậy, Vương Duy đã dùng thơ tỏ rõ tấm lòng, tỏ rõ yêu và hận. 

Theo Secretchina  
Triêu Lộ biên dịch