Cho dù đó là quả báo cho vô số tội nghiệt mà ông gây ra, thì Thần Phật vẫn luôn từ bi. Chỉ cần vào thời khắc cuối cùng có thể tỉnh ngộ, thì ông chính là một sinh mệnh được cứu độ rồi…

Mùa hè năm đó, tôi và chồng đến thăm một người họ hàng. Ông bị bệnh tật hành hạ suốt ba năm trời và đã trải qua nhiều lần phẫu thuật.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc ông vừa trải qua một trận đau kịch liệt, vừa thở vừa ngồi nghỉ trên chiếc ghế dài ở nhà bếp. Con trai ông đang mổ gà, ông ở bên cạnh hướng dẫn con trai nên làm thế nào. Khi ông nhìn thấy chúng tôi, hai con mắt vốn thất thần đã lâu bỗng trở nên long lanh lạ thường, khoé miệng cũng lộ ra nụ cười mừng rỡ. Ông vội vàng bảo chúng tôi ngồi xuống.

Chúng tôi ngồi đối diện với ông, lắng nghe ông kể lại đầu đuôi câu chuyện. Ba năm trước, ông đi kiểm tra sức khỏe thì biết dạ dày có khối u, liền tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau khi phẫu thuật ông cảm thấy sức khỏe hồi phục mau lẹ, hàng ngày vẫn đưa đón cháu nhỏ đi học, chơi đùa cùng con cháu, ngày tháng cũng rất nhàn nhã. Khi cảm thấy sức khoẻ không còn là vấn đề gì lớn nữa, ông quyết định về lại quê nhà, trồng trọt làm ruộng, nuôi gà nuôi heo, muốn dùng tháng ngày lao động chăm chỉ để bù đắp lại nỗi day dứt với bạn già, cũng muốn kiếm thêm chút thu nhập để lại cho con cháu.

Nhưng sự đời lại không như ý muốn. Một năm sau, bệnh tình chuyển biến xấu, ông lại làm phẫu thuật cắt bỏ khối u thêm lần nữa. Sau khi phẫu thuật ông phải làm hóa học trị liệu, tóc trên đầu bắt đầu rụng hết, sức đề kháng cũng suy giảm rõ rệt. Tuy dạ dày có chuyển biến tốt nhưng chức năng của gan và mật ngày càng yếu đi. Đối diện với khoản kinh phí trị liệu trên trời, ông không khỏi tuyệt vọng, dẫu có gắng gượng tiếp nữa cũng chỉ là hoang phí tiền của mà thôi. Ông không muốn để lại gánh nặng nợ nần cho con cháu nên đã quyết định dừng việc trị liệu, chỉ những lúc đau đớn cùng cực mới dùng đến thuốc giảm đau. Để giữ lại chút hơi tàn của sinh mệnh, ông đành phải chấp nhận ba ngày truyền chất lỏng dinh dưỡng một lần.

Ảnh minh họa: Nguoiduatin.

Tôi kinh ngạc trước tâm thái đối diện với cái chết của ông, sao ông lại có thể thản nhiên đến thế, điềm tĩnh đến thế? Ông nói, đứng trước cái chết ông đã không còn gì để sợ hãi hay lo lắng nữa rồi, khi nào nên rời đi thì cứ thản nhiên rời đi thôi, dù có muốn ở lại cũng không được. Sinh lão bệnh tử, đời người chính là xoay vần như thế. Ngoảnh đầu nhìn lại một đời sắp qua, mới giật mình nhận ra trước kia bản thân đã làm không biết bao nhiêu chuyện xấu. Có lẽ đây chính là cái gọi là báo ứng chăng?

Ba người con của ông nay đều đã trưởng thành, đều đã có gia đình nhỏ của mình, cũng rất hiếu thuận, vậy là ông đã làm tròn trách nhiệm của một người cha rồi. Hy vọng duy nhất của ông là có thể sống thêm hai, ba tháng nữa, không phải rời đi giữa tiết trời oi bức nóng nực thế này. Ông nói hôm nay ông cháu ta còn có thể trò chuyện ở đây, lần sau khi các cháu đến e chỉ còn nhìn thấy một nắm tro tàn mà thôi.

Nghe những lời ông kể, tôi không khỏi cảm thấy chua xót, bi thương. Đời người thật đúng là bể khổ, đúng thật là ngắn ngủi mà.

Trước khi chia tay, ông nghiêng người tựa mình vào chiếc gường ở ngôi nhà nhỏ. Tôi đứng bên cạnh, nhỏ nhẹ nói với ông rằng: Sự sống thật là đáng quý, con người ta đến thế gian này cũng không dễ dàng gì, chỉ cần có thể hiểu được ý nghĩa của sinh mệnh thì cũng đã không uổng công đến thế gian lần này. Tôi bảo ông hãy thường xuyên niệm chín chữ chân ngôn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”, sinh mệnh sẽ có được nơi đến tốt đẹp.

Ông niệm theo tôi một lượt, lại lo rằng bản thân sẽ quên mất. Thế là, ông tìm một miếng da được chế tác tinh xảo rồi bảo tôi viết lên đó. Tôi đón lấy miếng da từ bàn tay gầy gộc của ông, cung kính viết chín chữ lên trên bề mặt. Ông cẩn thận nhìn rồi khẽ niệm một lượt, khóe miệng hơi hơi lộ ra nụ cười, không ngừng nói: “Cảm ơn, cảm ơn!”. Tôi nói: “Cháu và ông đều là người một nhà cả, ông đừng nên khách sáo như vậy. Cháu chỉ mong ông khỏe lại, sang năm còn có thể gặp lại ông lần nữa”.

Ảnh minh họa: Studio55.

Những bạn bè và người thân đã từng quen biết ông đều nói: Qua trận ốm này, cả tính cách và tính khí của ông đã thay đổi rất nhiều, trở nên thiện lương hơn. Ngày trước ông ta tính tình nóng nảy, đã làm ra rất nhiều chuyện thương thiên hại lý, làm hại rất nhiều sinh mệnh, nói năng cũng rất độc mồm độc miệng. Nghe những lời họ kể, tôi chỉ im lặng không nói nên lời…

Bao nhiêu năm nay, tôi kiên tín Phật Pháp. “Thiên hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, nhân quả tuần hoàn, đạo trời luôn công bằng, nhất định là như vậy. Cho dù bệnh tật của ông là quả báo cho vô số tội nghiệt mà ông đã gây ra trong bao nhiêu năm qua, thì tôi vẫn luôn tin rằng Thần Phật từ bi. Chỉ cần vào thời khắc cuối cùng ông có thể kịp thời tỉnh ngộ, thì bản thân ông chính là một sinh mệnh được cứu độ, có lẽ kiếp sau sẽ trở thành một người có phúc chăng?

Về sau, đúng như ước nguyện của ông, sau tết Trung Thu tiết trời dần dần trở nên mát mẻ, ông đã bình thản ra đi. Trong thời khắc cuối cùng của sinh mệnh, con cháu đều về nhà cùng nhau hầu hạ chăm sóc và đưa tiễn ông. Bản thân ông cũng yên lòng nhắm mắt, không còn điều gì phải nuối tiếc nữa rồi…

Vũ Dương
Theo bài viết của tác giả Liên Vận, Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Bạn đang đọc bài viết: “Dù gây tội nghiệp lớn đến đâu, chỉ cần tỉnh ngộ con người sẽ được Thần Phật bảo hộ” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! 

 

Từ Khóa: