Mùa thi năm nay đã bắt đầu, trong tâm trạng hồi hộp của các sĩ tử, nét lo âu trên gương mặt mẹ và vẻ bồn chồn trong ánh mắt cha. Đã là thi thì có người thành, kẻ bại; không phải cứ học lực giỏi là nhất định sẽ đỗ đạt cao, “học tài, thi phận” mà.

Bốn chữ “học tài, thi phận” ngày nay ít người còn hiểu được nội hàm chân thực của nó. Hầu hết mọi người đều hiểu theo nghĩa thụ động, đổ lỗi sự thất bại cho số phận mà bản thân không có quyền làm chủ. Thực ra, cái gọi là “phận đỗ đạt”, “phận công thành danh toại” đều do con người tự thân quyết định lấy, bởi mọi sự trên đời đều tuân theo quy luật Nhân Quả.

Cái “Nhân” của việc đỗ đạt có thể là sự chuyên tâm học tập, cẩn thận, đầu tư thích đáng trong đời này, nhưng không dừng lại ở đó. Người xưa đã lưu lại trí huệ của mình qua những câu chuyện có thật để hậu thế cùng suy ngẫm.

Tổ tiên cứu người gặp nạn, con cháu đỗ đạt vinh hiển

Cuốn sách “Liễu Phàm Tứ Huấn” đời nhà Minh ghi lại một câu chuyện như sau: Có một vị quan đã từng giữ chức Thiếu sư, họ Vương tên Vinh, người ở Kiến Ninh tỉnh Phúc Kiến. Gia đình Vương Vinh nhiều đời sống bằng nghề đưa đò. Một lần mưa quá lâu, sông suối ngập đầy, thế nước hoành hành dữ dội, cuốn trôi tất cả đê điều phòng hộ, người chết đuối theo dòng nước trôi xuống. Các thuyền khác đều lo vớt các thứ của cải trôi về, chỉ có ông cố và ông nội của Vương Vinh là chuyên lo cứu vớt những người dân bị nạn đang trôi nổi trong dòng nước, còn tài vật thì không vớt một thứ nào.

Người làng đều cười thầm, cho rằng họ ngu dại. Cho đến khi cha của Vương Vinh ra đời, cảnh nhà mới dần dần khá lên. Có lần, một vị đạo sĩ đã nói với cha của Vương Vinh rằng: “Ông nội và cha của ông đã tích rất nhiều công đức. Con cháu sinh ra tất phát đạt làm quan lớn…”.

Về sau Vương Vinh ra đời, đến năm 20 tuổi thi đỗ tiến sỹ, ra làm quan nhận chức Thiếu sư thuộc bậc Tam công. Nhà vua còn ban tặng cho ông cố, ông nội và cha của Thiếu sư tước vị như Thiếu sư. Con cháu đời sau của Thiếu sư Vương Vinh cũng đều hưng vượng phi thường, tài năng đức độ.

(Ảnh minh họa: dkn)

Bỏ ác hành thiện, 5 con trai đều đỗ Tiến sĩ

Đậu Yên Sơn tên thật là Đậu Vũ Quân, là người sống vào thời Hậu Tấn thuộc thời kỳ Ngũ Đại ở Trung Quốc. Gia đình ông vô cùng giàu có, thế nhưng tâm ông lại bất chính, thường khinh rẻ người nghèo, làm việc thất đức, cũng vì thế mà 30 tuổi vẫn chưa có con (Chuyện này ở thời xưa là một điều cực kỳ hổ thẹn).

Một đêm, ông nằm mộng thấy ông nội và người cha đã qua đời của mình trở về, nói: “Con tâm địa bất chính, đức hạnh không đứng đắn, lại làm việc ác như vậy, chẳng trách giờ chưa có con mà còn đoản mệnh nữa. Con nhất định phải cải tà quy chính, giúp người tích đức, có như vậy mới hy vọng thay đổi được số mệnh”.

Đậu Vũ Quân tỉnh lại từ giấc mộng, lời khuyên của cha già vẫn quanh quẩn bên tai. Từ đó về sau, Đậu Vũ Quân cả đời đều làm việc tốt.

Trong nhà có một người hầu lấy trộm tiền của ông. Người hầu này không còn tiền trả nên đã viết một tờ giấy nợ buộc trên lưng con gái hơn mười tuổi, Đậu Vũ Quân đọc thấy trên giấy nợ viết: “Bán đứa bé này, đền bù số tiền nợ”. Người hầu này sau đó cũng trốn đi biệt xứ.

Đậu Vũ Quân thương xót đứa bé gái, ông liền đốt tờ giấy nợ, nói: “Ta sẽ nuôi con gái của anh ta, đợi con bé lớn lên, tìm cho nó một gia đình khá giả”. Đứa bé gái sau này trưởng thành, Đậu Vũ Quân thay cô chuẩn bị đồ cưới, tìm cho cô một phu quân hiền đức.

Cả nhà người hầu cảm ơn vô cùng, từ nơi khác trở về, đến nhà của Đậu Vũ Quân khóc lóc sám hối lỗi lầm. Đậu Vũ Quân không truy cứu chuyện cũ, còn khuyên ông ta quay đầu, trở về làm người lương thiện.

Bản thân Đậu Yên Sơn sống cần kiệm, không bao giờ hoang phí; thu nhập hàng năm, ngoại trừ tiền sinh hoạt tất yếu của gia đình, còn lại đều dùng để cứu giúp người khác.

Một đêm nọ, Đậu Yên Sơn lại nằm mộng thấy cha. Lần này cha ông nói: “Hiện giờ con đã tích được rất nhiều đức, ông Trời sẽ ban cho con năm đứa con trai, và thọ mệnh của con cũng được kéo dài 36 năm, năm đứa con con sau này đều được danh vọng vinh hoa”.

Sau khi tỉnh dậy, Đậu Vũ Quân biết rằng đây chỉ là một giấc mơ, nhưng ông càng tu dưỡng bản thân hơn nữa, làm nhiều việc thiện. Sau đó, vợ ông quả nhiên sinh hạ được năm người con trai.

Đậu Vũ Quân rất coi trọng giáo dục con trẻ, thường dạy chúng thái độ đối nhân xử thế và đạo lý Thánh hiền. Năm người con dưới sự dạy dỗ của ông đều đỗ tiến sỹ, người quê ông không ai không ca tụng.

(Ảnh minh họa: shijian.org)

***

Tư Mã Ôn Công từng nói: “Tích trữ vàng để lại cho con cháu, chưa chắc con cháu giữ gìn được; tích trữ sách vở để cho con cháu, chưa chắc con cháu sẽ học được; sao bằng tích trữ cái âm đức không ai thấy để mà mưu toan lâu dài vĩnh viễn cho con cháu”. 

Kinh Dịch cũng có câu: “Nhà tích thiện, ắt có dư phúc lành; nhà tích bất thiện, ắt có thừa tai ương”. Nếu muốn con cháu học hành thi cử đỗ đạt, công thành danh toại, thì tổ tiên cha mẹ cần thành tâm làm việc thiện, để đức lại cho cháu con.

Có người ngày nay cũng đi chùa bố thí, làm công đức, quyên góp từ thiện v.v. với mong muốn gia đình hưng thịnh, con cháu đỗ đạt, nhưng lại không linh nghiệm. Tại vì sao? “Chu Tử trị gia cách ngôn” có câu:

“Làm thiện muốn người ta thấy, chẳng phải chân thiện.

Làm ác sợ người ta biết, chính là đại ác”.

Hành thiện cầu phúc báo thì không phải chân thiện, cũng chính là ác vậy. Chỉ có tâm thiện lương chân thật, làm việc tốt không cầu báo đáp thì mới có thể trồng cây phúc cho đời sau.

Khiêm Từ

Bạn đang đọc bài viết: “Gieo nhân gì thì gặt phúc báo thi cử đỗ đạt?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi:  facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||0c40b247b__