Có một câu chuyện cảm động lòng người, lan truyền mãi ở quê tôi. Mọi người kể cho nhau nghe như chuyện cổ tích về chị Xuân, một phụ nữ chân chất, thật thà, đã vượt qua mọi khó khăn thử thách bằng chính sự thiện lương của mình, cuối cùng được Thần Phật ban hưởng phúc báo.

Phần 1. Sóng gió cuộc đời

Chị Xuân sinh ra vào thời đói nghèo năm 1975 tại vùng quê chiêm trũng nghèo khó. Chị là người rất hiền lành, thật thà, chất phác chân quê; khuôn mặt trái xoan thanh tú, không phải là “nghiêng nước, nghiêng thành” nhưng rất có duyên, ai cũng nói chỉ cần nhìn vào khuôn mặt chị là thấy rõ sự chân thiện của người quê ấy rồi.

Quê chị ở xã Yên Lợi, Ý Yên, Nam Định, bên dòng sông Sắt, một nhánh sông Đáy, nơi từng là trung tâm tôn giáo người Việt xưa, đất Chương Sơn với tháp Vạn Phong Thành Thiện được xây dựng với quy mô lớn vào bậc nhất nhì thời ấy, cách cố đô Hoa Lư hơn hai mươi cây.

Cái nôi tôn giáo và tâm linh hàng ngàn đời làm cho người dân quê luôn luôn tin vào các giá trị “Chân”, “Thiện” của nhà Phật, con người nơi ấy dường như đã có tâm tín Phật ngay từ lúc mới sinh. Họ tin rằng đời người là bể khổ, rằng khổ là do tự mình làm việc xấu ác mà sinh ra, rằng muốn được hưởng phúc báo thì phải làm người tốt, sống chân thật, thiện lương. Chị cũng luôn mang trong tâm những giá trị văn hóa truyền thống ấy, thực hành và mong mỏi điều tốt lành.

Núi Ngô Xá đất Chương Sơn nơi từng là trung tâm tôn giáo người Việt xưa với tháp Vạn Phong Thành Thiện . (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Ngày nay, những giá trị văn hóa truyền thống cùng với tình người đã vơi đi cùng với cái nghèo ở quê chị. Có người chỉ mải mê lo cuộc sống, mải miết kiếm tiền, có người còn vì tiền mà đánh mất bản tính chân thật, thiện lương của bản thân mình.

Chị và anh từng là bạn học cùng lớp, nổi tiếng là đôi trai tài gái sắc của trường, yêu nhau từ ngày lớp mười. Học hết phổ thông, anh chị không đỗ đại học nên quyết định làm đám cưới, lại được bố mẹ chồng xây cho căn nhà nhỏ ra ở riêng. Ở quê chị xưa nay, khi đã dựng vợ, gả chồng cho con và làm cho con nếp nhà thì coi như cha mẹ đã hoàn thành nghĩa vụ lớn. Hai vợ chồng chị cùng tuổi, các cụ vẫn nói “vợ chồng bằng tuổi nằm duỗi mà ăn” nhưng chị chỉ thấy khổ, chưa thấy sướng bao giờ.

Làng quê nghèo nên anh chị cũng túng thiếu lắm, hai vợ chồng lăn lưng làm quần quật cả ngày mà chẳng kiếm đủ để nuôi con. Nếu không ở vào hoàn cảnh khó khăn của người nông dân vùng chiêm trũng, không nhìn thấy thực tế cuộc sống của họ thì bạn khó mà tưởng tượng nổi cái khó của chị cũng như những người nông dân nghèo ở vùng quê này.

Khổ thân con gái chị, bé Ban Mai, ở nhà vẫn gọi là Nghé, mới 4 tuổi đang tuổi ăn tuổi lớn mà ngày chỉ được lót dạ hai bữa, còn sáng thì nhịn đói, cũng chưa bao giờ được ăn no căng rốn, thức ăn thì chẳng khi nào được thịt cá tươm tất. Thường thì cả tuần hai bữa chỉ có khoảng vài ba nghìn đồng để mua thức ăn, chị đi chợ khéo lắm mới có đủ tiền mua món mặn đủ cho con có cái mà gắp, tuần thì mớ cá tép, tuần thì mấy bìa đậu phụ, tuần thì lạng thịt bạc nhạc, tuần thì cái đầu cá về nấu canh dưa, tuần thì bộ lòng cá, còn rau dưa cà thì hái ở quanh vườn… Chị cố gắng lo cho con ăn đủ chất để nó khỏi bị còi cọc. Con bé xinh lắm, mỗi tội gầy như sếu, lại bẩn thỉu do nó phải tự tắm chứ anh chị chẳng có thời gian đâu mà chăm sóc cho con.

Công việc nhà nông vất vả bận rộn khiến chị chẳng có thời gian chăm lo cho Nghé. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Nghèo là thế nhưng anh chị hạnh phúc lắm, tối về ôm Nghé cưng hôn hít rồi ru nó ngủ. Nghé thì ríu rít kể chuyện chơi với bạn cùng xóm, với chó, với mèo và các con vật nhỏ như bươm bướm, cào cào, châu chấu, dế mèn… Nó kể hôm nay nó cứu được một em chuồn chuồn và một em dế mèn khỏi bị bạn hàng xóm vặt chân, có bạn ác lắm vẫn hay bắt các con vật để nghịch như thế. Nghé rất thương các loài vật, nên xin các bạn thả ra không làm hại các con vật bé bỏng ấy. Có lúc bạn còn bắt Nghé phải quỳ xuống xin thì mới tha, Nghé cũng làm theo. Có hôm Nghé kể đã bắc cầu cứu cả đàn kiến trong cái tổ đang bị ngập ở rãnh nước sau nhà.

Tiếng sét giữa bầu trời bão tố

Thỉnh thoảng Nghé kể, chân con đau đau thế nào ấy, chị bảo Nghé bớt chạy nhảy thì sẽ hết đau. Một hôm đi làm về nhìn thấy con nằm bẹp ở nền bếp, chị hốt hoảng bế con vào giường, lấy khăn ấm lau người và cạo gió bằng vôi, lúc sau thì Nghé mở mắt nói con đau chân quá, không thể dậy được. Chị nghĩ có thể con bị cảm gió thông thường thôi.

Sáng sau con vẫn đau, lo quá nên chị vội vàng đưa lên bệnh viện tỉnh khám thì thật ngỡ ngàng ai oán. Nghé của chị có thể bị liệt, chị không muốn tin, xin chuyển viện lên bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội. Hai vợ chồng bỏ hết ruộng vườn, tay nải lên Hà Nội trông con. Sau một tuần khám xét kỹ thì bác sĩ kết luận con chị bị liệt, một ca bệnh rất khó chữa bằng Tây y, nên cho chuyển sang bệnh viện Y học Dân tộc Cổ truyền.

Nghiệt ngã làm sao, đứa con biết bao tâm huyết lại bị liệt, anh chị choáng váng không dám tin vào sự thật ấy. Vào viện một thời gian bệnh tình không giảm, mà còn kéo thêm mắt bị lác, chị thương nó là con gái sau này biết làm sao đây, chị khóc hết nước mắt.

Chỉ ba tháng ở viện mà anh chị phải bán hết tài sản tích cóp hàng mấy năm trời, cộng với khoản nợ vay đến hàng chục triệu đồng. Anh chị bàn nhau phải tá túc ở Hà Nội để tiện chữa bệnh cho con, nhưng ở lại thì phải lao động tự kiếm sống. Khó khăn trăm bề, không có tiền, không có nghề, không họ hàng ở đây… May mà có rất nhiều người quen cùng quê lên đây mưu sinh kiếm sống từ lâu. Người thì làm thợ xây, người thì xe ôm, người thì nhặt rác, người thì bán hàng rong, người làm osin, người làm lau dọn nhà… Họ rất tốt, đã giúp đỡ anh chị tận tình. Anh làm xe ôm, chị làm lau dọn, thuê nhà ở bãi rác Thành Công, nếu chăm chỉ thì có thể sống được, đủ tiền chăm con ở viện. Rất nhiều người chăm con ốm ở các bệnh viện Hà Nội đều đang tự giải quyết kiếm sống như vậy. Họ vẫn tồn tại.

Được sự giúp đỡ tận tình của người quê ấy, anh chị đã tá túc lại Hà Nội, anh thì làm xe ôm, chị đi lau dọn thuê kiềm tiền lo cho con. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Được sự giúp đỡ tận tình của người quê ấy, anh chị đã tá túc lại Hà Nội, cảnh khổ trước kia ở quê, bây giờ nghĩ lại mới thấy quê vẫn là Thiên đường. Cái khổ của những người nghèo tỉnh lẻ về tạm trú ở Hà Nội thật là không bút nào tả xiết. Nếu bạn đã từng đi vào những con ngõ ngoằn nghèo ở khu bãi rác Thành Công gần phố Thái Hà thì sẽ phần nào hình dung được. Những phòng trọ vài mét vuông khép kín ẩm thấp, chật chội, ngột ngạt, thường là nhà tạm lợp bằng tấm fibro… rất nhiều người từ các tỉnh đến đang sống ở đó. Nhưng chị không than phiền gì, chỉ cần có chỗ trú che mưa nắng là được rồi. Cuộc sống vật chất thiếu thốn vốn đã quen rồi, mọi người ở được thì mình ở được, những người hàng xóm nghèo ở đây rất tốt, quan tâm, giúp đỡ nhau.

Chị hết lòng chăm sóc cho con, hàng ngày chỉ làm lau dọn một ca sáng. Việc kiếm tiền chủ yếu là do chồng làm xe ôm, chị còn phải dành thời gian để ở với con, chăm sóc nó từng li từng tí để nó khỏi tủi thân. Chị tự đi chợ nấu cơm mang vào cho con, tối ngủ lại luôn ở viện. Con bé nhút nhát lắm, ngủ hay mơ, nó nói có em dế trách nó đã không xin được, để bạn vặt mất chân nó đau quá… Tối chị thường ngủ cạnh, tay đặt lên người để Nghé ngủ yên tâm.

Khổ thân con bé, đã biết sự thiệt thòi của số phận, nó buồn lắm, nhưng cũng giấu kín trong lòng. Lúc nào nó cũng cười, nó còn hay làm trò để động viên mẹ. Lòng chị cũng quặn đau, chị thương, chị biết nó làm thế cho mẹ vui, chứ nó cũng buồn lắm.

Lúc rảnh rỗi chị kể những chuyện người tốt việc tốt, nếu làm người tốt sẽ được phúc báo; kể chuyện cổ tích Tấm Cám, chuyện nàng Lọ Lem, chuyện nàng Bạch Tuyết và rất nhiều những chuyện thần thoại mà chị biết đều là dạy người làm điều tốt, kết thúc có hậu với những người ở hiền sẽ gặp lành. Nó hỏi: Nếu con làm người tốt thì con có được khỏe mạnh bình thường lại không? Tất nhiên là thế rồi, Phật sẽ độ cho người tốt chứ con, mẹ hoàn toàn tin tưởng điều đó mà. Chị trả lời nó. Chị thực sự tin tưởng vào câu trả lời ấy, chị sẽ quyết tâm làm người tốt để có thể xin Phật cải mệnh cho con.

Thương mẹ, nó nói, mẹ sinh em bé đi, để sau này còn có người đỡ đần, con tàn tật thì không đi làm nuôi bố mẹ được. Chị quay mặt đi giấu những giọt nước mắt và nói, mẹ có con rồi, cả nhà mình ba người sẽ thương yêu nhau mãi mãi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo con nhé, bố mẹ sẽ dành công sức để chăm cho con và chữa chạy cho con khỏi, con cũng phải cố gắng lên để nhanh khỏi còn đi học.

Chị lo rằng con gái mà tàn tật thì tương lai rất khổ. Chị thương xót, muốn bằng mọi cách cứu con và bù đắp cho nó. Chị cũng tranh thủ dạy con học chữ, chị mua sách dạy mẫu giáo lớn về tự học cách để dạy cho con, chị quyết tâm để con được đi học, dần dần nó cũng đã đọc được, nó thích thú lắm, chăm chỉ đọc và tiến bộ rất nhanh.

Chị cũng tranh thủ dạy con học chữ, chị mua sách dạy mẫu giáo lớn về tự học cách để dạy cho con, chị quyết tâm để con được đi học. (Ảnh minh họa: lilyapp.me)

Dẫu chỉ là cỏ non, vẫn đứng vững giữa những ngày giông bão

Con bé ở viện đã hơn năm mà không chuyển biến là bao, chỉ khỏi mắt lác, còn chân thì vẫn chưa thể cử động được. Bác sĩ nói may mà hai chân vẫn phát triển bình thường, không teo cơ, vẫn có khả năng cứu. Mặc dù các bác sĩ đã hết sức cứu chữa, ai cũng thương con bé xinh xắn ấy, mà sắp đến tuổi đi học rồi, làm sao đây? Lo lắng! Thất vọng! Buồn! Nhưng chị vẫn không mất niềm tin. Năm con 6 tuổi, bác sĩ đồng ý cho chị đưa con về nhà trọ để đi học lớp một, hàng tuần đến viện châm cứu, xoa bóp theo lịch hẹn.

Vì không có hộ khẩu Hà Nội nên xin học lớp một cho em bé tàn tật là một việc rất khó khăn. Nhưng vận may cũng đến, cô hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa xúc động trước hoàn cảnh này và đứng ra làm giúp thủ tục cho Nghé vào lớp một. Nghé được đi học thêm một tháng trước ngày khai giảng để bổ sung kiến thức mẫu giáo lớn.

Để cho con đi học, anh chị phải chuẩn bị từ trước đó hàng tháng trời. Anh đi làm gần hai mươi tiếng một ngày liên tục trong tháng về đưa tiền để mua sắm quần áo, giày dép, cặp sách… Chị ra chợ hàng thùng chọn được mấy bộ rất đẹp, rất rẻ, mà vẫn hợp thời nên đưa về con bé thích lắm, nó ôm lấy xuýt xoa, ướm thử và đòi mặc thử ngay, mặc xong nó lăn xe ra trước tấm gương cũ chị mới nhặt về treo ngay gần cửa. Nó quay bên này, quay bên kia, nghiêng mặt làm duyên, ngắm vuốt thích thú. Chị lặng nhìn, vui nhưng trong lòng tràn nỗi buồn. Nghèo khổ thế, chị nghĩ sẽ cố gắng làm việc hơn nữa, sẽ có ngày chị mua được bộ quần áo mới cho con.

Khỏi phải nói ngày đầu đi học cả nhà vui thế nào, Nghé mặc quần áo mới, đi giày mới, thắt thêm cái nơ rất xinh, ngồi trên xe lăn do cả bố mẹ cùng đưa đến trường. Cô giáo chủ nhiệm biết trước hoàn cảnh thương tâm nên đã thông báo để các bạn cùng lớp ra đón và dành cho Ban Mai những tình cảm thân thương nhất. Ban Mai thì bẽn lẽn ngại ngùng nhưng các bạn trong lớp lại thực sự tốt, thực sự quý mến Mai, thông qua những ánh mắt, cử chỉ của các bạn mà Mai cảm thấy ấm áp trong lòng.

Vì con học ở Hà Nội nên chi phí tăng lên rất nhiều, tiền thu nhập từ xe ôm của anh không đủ đáp ứng. Thời thế khó khăn, ra đường là thấy xe ôm, ở điểm chờ thì xe nhiều hơn khách, dù có làm thêm suốt buổi tối cũng không thêm được bao nhiêu tiền. Nên anh vừa đi xe ôm vừa nhận luôn việc đưa con đi học, đón con về, đưa con đến bệnh viện chữa bệnh, đến các thầy lang khắp nơi để tìm cách chữa bệnh cho con.

Anh là người tốt, đẹp trai, giỏi giang, nhiều ước mơ. Trước đây, anh mơ đi lao động nước ngoài để có tiền xây nhà. Nhưng con ốm thế này làm ước mơ của anh tạm gác lại, anh nghĩ khi con khỏe anh sẽ quyết tâm đi nước ngoài lao động. Anh thích đi Nhật, nghe nói xứ ấy vừa văn minh, con người đối xử với nhau thân thiện, văn hóa lắm, lại lương cao, nhiều lần trong giấc mơ anh thấy mình đã đến nước Nhật. Anh cũng như những người đàn ông khác ấp ủ có dịp được trổ hết khả năng, có tiền để vợ con không phải mặc quần áo hàng thùng, có đủ cái ăn, cái mặc, anh vẫn hy vọng sẽ có ngày như thế.

Còn chị lại nhận việc kiếm tiền thay chồng. Chị nhận được nhiều việc lau dọn nhà, bởi chị hiền lành chăm chỉ, chân thực, được các chủ nhà rất tin tưởng, qua một thời gian thử thách họ đã giao hẳn nhà để chị lau dọn trong khi họ đi làm, lau xong chỉ việc bấm khóa cửa giúp họ. Thử thách mà chủ nhà đưa ra cũng rất kỳ cục, người thì để tiền ở những chỗ hớ hênh xem có mất không, người thì để đồ ăn ngon sẵn ra bàn xem có bị ăn không, người thì mở sẵn máy tính mà không để khóa xem chị có tò mò không, người thì dùng camera theo dõi mọi hoạt động trong nhà xem chị làm việc thế nào, có bật tivi, gọi điện thoại không… Chị không biết những thử thách đó, nhưng bản chất chị là người tốt, không màng những thứ của người khác, chỉ lẳng lặng làm việc hết mình nên ai cũng quý mến.

Chị làm việc cẩn thận, sạch sẽ, ngăn nắp nên mọi người rất thích, họ giới thiệu nhau muốn nhờ chị dọn nhà, còn có cả chi nhánh ngân hàng nhờ chị dọn ca tối sau giờ làm việc. Chị làm không xuể, mỗi ngày làm cả ba ca, mỗi ca ba tiếng làm cật lực được hai trăm ngàn, bình quân mỗi tháng được khoảng mười triệu đồng, có tiền để sinh hoạt, cho con đi học thêm và chữa bệnh cho con. Chị cũng không ngờ là mình chẳng học hành gì mà lại có thể thu nhập được như vậy, chị mong tích lũy được ít tiền để đưa con đi chữa bệnh.

Mai rất ngoan ngoãn, thông minh, thương bố mẹ nên cố gắng chăm chỉ học, đạt điểm cao mang về để bố mẹ yên tâm. Mai còn mong muốn sẽ học thật giỏi để sau này lao động ở Nhật có tiền nuôi bố mẹ, nên chỉ thời gian sau Mai đã vượt lên dẫn đầu lớp về kết quả học tập.

Mai rất ngoan ngoãn, thông minh, thương bố mẹ nên cố gắng chăm chỉ học, đạt điểm cao mang về để bố mẹ yên tâm. (Ảnh minh họa: britishcouncil.vn)

Khó ai có thể tưởng tượng được những khó khăn của ba người họ trong ngôi nhà trọ mười mét vuông ở bãi rác Thành Công ấy. Mùa hè thì nắng gắt trên mái tôn, mưa rào dột khắp nhà, mùa đông thì gió lùa vào nhà như ngoài sân… Hết mùa đông đến mùa xuân và mùa hè lại tới, thấm thoắt đã ba năm nữa trôi qua, Mai đã học lớp bốn. Bất kể là ngày mưa nắng gió rét, Mai vẫn đi học đều đặn, luôn đứng đầu lớp. Anh chị mừng lắm, cả nhà họ vui, hạnh phúc đơn sơ trong căn nhà ổ chuột ở khu bãi rác Thành Công. Ngôi nhà nhỏ ấy bao năm qua luôn đầm ấm, không hề có tiếng cãi vã, không hề ca thán than thân, trách phận, chỉ có những lời động viên nhau, tình yêu của ba con người thương nhau, hy sinh vì nhau hết mình.

(Còn nữa)

Nắng Mới