Vào cuối đời Minh, có một nhà sưu tập thư họa nổi tiếng là Ngô Hồng Dụ. Trước khi mất, ông chỉ vào một bức họa và nói: “Tôi phải đem theo bức tranh này đi cùng, mọi người đốt nó đi giùm tôi”.

Bức họa đó chính là bức “Phú Xuân Sơn Cư Đồ” của một người tên là Hoàng Công Vọng.

Có lẽ cũng cần nói thêm một chút về bức tranh này.

“Phú Xuân Sơn Cư Đồ” là một trong 10 bức tranh nổi tiếng nhất Trung Quốc, cũng là tranh sơn thủy thủy mặc thời cổ Trung Quốc đạt trình độ nghệ thuật cao nhất. Bức tranh thể hiện phong cảnh tươi đẹp của hai bờ sông Phú Xuân tỉnh Chiết Giang vào đầu mùa thu. Họa sĩ là Hoàng Công Vọng đời nhà Nguyên. Bức tranh hoàn thành chưa được bao lâu thì ông qua đời. Đến đời vua Thuận Trị nhà Thanh, bức tranh này từng bị hỏa hoạn, chia thành hai phần. Hiện nay, phần đầu được đặt tên là “Thặng Sơn Đồ” với chiều dài khoảng 50 cm, cất giữ ở Viện bảo tàng tỉnh Chiết Giang; phần sau được đặt tên “Vô Dụng Sư Quyển” với chiều dài khoảng 640 cm, cất giữ ở Viện bảo tàng Cố Cung Đài Bắc.

Một tác phẩm lớn như vậy chắc chắn sẽ có một giai thoại tương ứng cho sự ra đời của nó. Chính xác thì nó là bức tranh thực hiện bởi một họa gia có một sự nghiệp rất ly kỳ. Ông chính là Hoàng Công Vọng, họa sĩ thời Nguyên.

Vào thời đó, ông đã trải qua nửa đời coi như là một kẻ thất bại. Ông trải qua hàng chục năm thi cử mới làm được một chức lại nhỏ, sau đó bị vướng án oan mà phải vào tù. Lúc ra tù thì đã nửa đời người, tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Một đời Hoàng Công Vọng long đong trắc trở, dường như tưởng đã đến lúc cuối đời.

Mãi đến năm 50 tuổi, ông mới bái đại danh họa Vương Mông làm thầy.

Hoàng Công Vọng mất 4 năm để tâm sự với dòng sông

Danh họa Vương Mông khi thấy người đàn ông 50 tuổi này xin làm học trò thì không chịu được đã nói thẳng: “Đã quá muộn để học, ông quay về đi thôi”. Nhưng Hoàng Công Vọng không cho đó là muộn, ông cũng không để tâm lời nói thẳng của Vương Mông, mỗi ngày đều dành vài tiếng đồng hồ trèo lên một tảng đá lớn mà ngắm cảnh núi sông.

(Ảnh minh họa: jianshu.com)

Qua một tháng thì tài nghệ vẽ của ông đã tăng lên nhiều, Vương Mông lấy làm lạ hỏi: “Mỗi ngày ông leo lên tảng đá to kia làm gì vậy?”

Hoàng Công Vọng trả lời: “Tôi ngắm nhìn núi sông, những bãi cỏ dài và các ngư dân quay về lúc chiều muộn”.

Hoàng Công Vọng quả thật đã bị mê hoặc với hội họa phong cảnh. Suốt 29 năm sau đó ông đi khắp danh sơn đại xuyên các nơi.

Vào mùa thu năm ông 79 tuổi, ông cùng sư đệ nhân lúc rảnh rỗi đến chơi Phú Dương, Chiết Giang. Chỉ thấy vào buổi sáng dòng sông trong vắt như một tấm gương đồng, đến tối thì các ngôi sao như rơi xuống vắt ngang lưng trời.

Hoàng Công Vọng quyết định không rời đi nữa mà ở lại nơi này. Ông đã ở lại nơi này hết 4 năm. Trong 4 năm đó, ngày nào ông cũng đầu đội nón tơi, chân đi giày cỏ mà đi bộ hàng chục dặm dọc theo bờ sông. Bất kể nắng mưa cũng chưa từng dừng lại.

Người dân quanh vùng thấy một ông già đầu bạc trắng ngày nào cũng đi như thế, mới bảo rằng: “Ông đã già sắp chết rồi, hà tất mỗi ngày phải làm thế”.

Nhưng đối với Hoàng Công Vọng thì cái chết không phải là việc do ông quyết định, nên ông cũng không quan tâm đến nó. Điều duy nhất mà Hoàng Công Vọng có thể quyết định chính là vẽ, bởi vì có những bức tranh vẫn còn đang dang dở. Vào năm 80 tuổi, ông bắt đầu vẽ kiệt tác “Phú Xuân Sơn Cư Đồ”.

Trong lịch sử Trung Quốc, chưa từng có ai bỏ ra 4 năm ròng để đối thoại với một dòng sông. Và cũng chưa từng có ai quan sát sông Phú Xuân để hiểu về nó như ông. Bốn năm sau, danh tác “Phú Xuân Sơn Cư Đồ” hoàn thành.

Một phần của bức tranh Phú Xuân Sơn Cư Đồ dài khoảng 50cm tách ra từ bức họa gốc dài 8,5m. (Ảnh: anxinpiao.com)

Khi sư đệ của ông thấy bức tranh, đã bật khóc đến nỗi không nói nên lời.

Lúc bức tranh vẽ xong, Hoàng Công Vọng giơ bút lên và ném nó xuống sông. Ông hét to sung sướng: “Tôi đã hoàn thành”.

Thanh Nguyên Duy Tín – Thiền sư đời Tống sau khi giác ngộ có giảng:

“Lão tăng trong 30 năm trước, khi chưa học Thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Sau nhân theo bậc thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước. Rồi nay khi đắc Đạo quy về bản thể y nhiên của mình thì thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”. 

Hoàng Công Vọng chính là đã làm được như thế, ông không chấp vào sự thất bại trong 50 năm đầu đời của mình. Không oán thán phàn nàn, mà chỉ là bỏ hết rồi bắt đầu lại. Trong 30 năm tiếp theo của cuộc đời mình, đi khắp nơi ngắm núi xem sông, không cầu làm nên việc có thể dương danh ở đời, mà chỉ đơn giản là tìm ra bản ngã chân thực của mình.

Đời người vốn không có con đường nào bằng phẳng cả, mỗi bước đi đều gập ghềnh trắc trở. Để vượt qua chông gai trong đời, chỉ cần mỗi ngày đều thực hiện tốt, từng bước mà vượt qua.

(Ảnh minh họa: quwenge.com)

Hãy hoàn thiện chính mình, thành công sẽ tự đến

Tôi từng đọc một câu như thế này: “Cuộc sống không thiếu những kẻ truy cầu, nhưng cuộc sống chỉ thành toàn cho những người hoàn thiện chính mình”.

Điều này làm tôi nhớ đến một bộ phim “Ba chàng ngốc” (3 Idiot) của  Bollywood. Nhân vật nam chính Rancho có nói: “Hãy hoàn thiện chính mình, thành công sẽ tự đến”.

Một ngày nọ vào năm lớp 6, Rancho gặp vấn đề với môn Toán và bị thầy giáo phát hiện. Việc này cũng không hoàn toàn do Rancho, vì cậu ta vốn dĩ là con của một người làm vườn, vốn ham thích học tập nên hay lấy cắp đồng phục của cậu chủ nhỏ vì cậu chủ không thích học. Sau khi bị phát hiện thân phận, ông chủ quyết định rằng việc này đã lỡ sai rồi thì cứ để như vậy. Ông cho phép cậu bé Rancho thay con ông ta tiếp tục đi học nhưng toàn bộ văn bằng tốt nghiệp phải trao cho cậu con trai ông. Cơ hội này khiến cho Rancho có thể tiếp tục học và được nhận vào những trường đại học chuyên ngành kỹ thuật tốt nhất.

Người bạn của cậu khi biết sự thật rất ngạc nhiên vì nếu không có bằng cấp sẽ không có được công việc tốt, cũng không thể có vợ đẹp, thẻ tín dụng và địa vị xã hội.

Nhưng tất cả điều này thì Rancho ngược lại chẳng quan tâm, anh cũng không quan tâm các kỳ thi là đầu tiên hay là kỳ thi cuối cùng.

Mỗi ngày của Rancho tại trường rất thú vị, vì là người đam mê kỹ thuật nên anh thường hay tự tay tháo dỡ các thiết bị, có khi còn tháo cả thiết bị nhà bếp của trường để quan sát cấu tạo.

Có lần nhìn thấy một tác phẩm tốt nghiệp là một chiếc máy bay bị ném vào thùng rác do chủ nhân của nó không đủ sức hoàn thành. Rancho không chịu nổi bèn nhặt nó lên và sửa lại đến khi nó có thể bay được.

Khi Mona, con gái của hiệu trường (chị của Pia) đang bị đau đẻ nhưng do bão lớn không thể đưa tới bệnh viện được. Qua điện thoại, Pia bảo họ đem Mona vào phòng sinh hoạt tập thể và làm theo hướng dẫn của Pia để giúp cho Mona sinh. Rancho đã tự mình chế tạo thiết bị kiểm soát sinh sản và cứu sống 2 mẹ con.

Anh chàng Rancho và Pia trong phim. (Ảnh từ youtube)

Bốn năm sau, thực hiện đúng lời hứa với ông chủ, Rancho đã không lấy tấm bằng kỹ sư duy nhất chứng minh rằng anh đã tốt nghiệp đại học.

Nhưng anh đã lấy được tất cả kiến thức về kỹ thuật đủ để có thể thay đổi cuộc đời mình. Thế giới sẽ thiếu đi một kỹ sư Rancho, nhưng lại có thêm một nhà phát minh Rancho.

Rancho từng nói với bạn bè của mình rằng, anh ta không truy cầu bất cứ thứ gì mà chỉ là theo đuổi đam mê của bản thân.

Mọi thứ trên thế gian đến và đi đều đã có định số. Cuộc đời con người cũng thế. Bạn phải xem cuộc đời như một trường tu hành và rèn luyện, thông qua đó bổ sung cho những khiếm khuyết của bản thân. Cuối cùng đến một ngày nhất định bạn sẽ tìm thấy bản ngã chân thật vô cùng tốt đẹp của mình. Cuộc sống không thể cứ mãi nghĩ đến thành công, thật sự chỉ có “Thủy đáo cừ thành”, nghĩa là khi mọi sự đều đã đầy đủ thì thành công sẽ tự đến giống như nước chảy thành sông, hoàn toàn tự nhiên mà không cần phải truy cầu.

Tĩnh Thủy 
Nguồn tham khảo: secretchina.com