Ngày tôi học cấp 3, bạn thân của tôi đã nói những lời không mấy hay ho sau lưng tôi. Điều đó thực sự làm tôi bị tổn thương vì chúng tôi đã từng là những người tin tưởng nhau rất nhiều…

Khi đối mặt với tôi, anh ấy đã vờ đi rằng mình không có chút ký ức nào về những gì anh đã làm, bỏ ngoài tai những bằng chứng mà rất nhiều người khác đã nói với tôi. Không cần nói một lời nào, chúng tôi đã chấm dứt quan hệ. Tôi tự nhủ lòng rằng mình sẽ không tha thứ cho anh ấy. Lý do là sau chuyện đó, anh ấy chưa từng đưa ra lời xin lỗi tôi.

Khi vào năm nhất đại học, tôi vẫn cảm thấy đau buồn vì chuyện ấy. Tôi quyết tâm bắt đầu một tình bạn mới. Tôi đã có những mối quan hệ tốt với những người bạn của mình. Vào đầu học kỳ thứ hai, chúng tôi đã đồng ý ở chung phòng. Trong học kì đó, tôi hầu như không có thời gian rảnh: đến lớp học thêm, làm thêm 10 – 15 tiếng mỗi tuần và tham gia hàng tá những hoạt động ngoại khóa. Tôi hiếm khi có mặt ở kí túc xá trừ thời gian ngủ. Tôi bắt đầu trở nên xa cách với những người bạn cùng phòng của mình nhưng chúng tôi chưa bao giờ xảy ra bất cứ vấn đề gì. Tôi đã nghĩ mọi chuyện đều ổn.

Tuy nhiên, vào đêm trước ngày chuyển phòng, họ đã nói rằng không muốn ở chung với tôi nữa. Tôi thậm chí còn không có thời gian tìm người khác chung phòng. Tôi bị sụp đổ hoàn toàn, không phải vì chuyện ở chung mà vì những người tôi đã từng coi là tri kỉ lại đẩy tôi ra, từ chối tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như vậy trong đời mình. Và vết thương quá khứ đó càng lớn hơn khi ký ức thời cấp 3 lại quay về. Tôi bắt đầu nghi ngờ và tự đặt nhiều câu hỏi cho bản thân. Thậm chí có khoảng thời gian tôi đã chán ghét chính bản thân mình. Tôi đã đánh mất sự tự tin của chính mình. Điểm số sa sút khiến tôi cảm thấy mình thật vô dụng. Sự kiện lần này ảnh hưởng lớn đến những năm tháng còn lại trên giảng đường đại học của tôi.

Tôi có lúc đã mong chờ để nhận được một lời xin lỗi đến từ họ. Cuối cùng tôi quyết định đối chất với từng người, nói về cảm giác của mình nhưng đổi lại họ chỉ lắng nghe mà không thành thật xin lỗi hay nói bất cứ điều gì. Cho đến hôm nay, tôi không nghĩ là những người bạn ấy hiểu rằng hành động của họ đã gây tổn thương và ảnh hưởng đến tôi như thế nào, ngay cả sau khi tôi đã “ba mặt một lời” với họ. Tại sao họ lại đối xử như vậy với tôi? Họ thậm chí còn không buồn xin lỗi. Và cũng giống như kí ức đáng buồn về người bạn thời trung học của tôi, mặc dù tôi đã can đảm đối đầu những gì họ đã làm, tôi vẫn không thể tha thứ cho họ.

Ảnh minh họa: Tienphong.

Nhìn lại, một trong những sai lầm tồi tệ nhất của tôi ở trường đại học là bản thân đã không thể tha thứ cho họ. Tôi đã không nhận ra rằng mình nên tha thứ và tiếp tục gắn bó với họ. Tôi nghĩ rằng chỉ cần không chơi với họ nữa thì mình sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng tôi đã sai. Sự oán giận không bao giờ biến mất. Và nó đã tàn phá tâm hồn tôi trong những ngày tháng sau này. Phải mất nhiều năm tôi mới nhận ra sức mạnh của sự tha thứ và tôi cảm thấy tự do như thế nào khi cuối cùng cũng có thể tha thứ cho người khác.

Thật khó để tha thứ! Tha thứ khiến người ta cảm thấy như mình phải mất mát, chịu thiệt. Nó giống như cảm giác bạn đã để người khác qua mặt. Tha thứ thậm chí còn trở nên khó khăn hơn khi đối phương không nhận ra lỗi của họ, không cảm nhận được những tổn thương mà họ gây ra cho bạn. Và thực sự đó là một cảm giác cực kỳ đau đớn.

Thông thường sau khi tha thứ, chúng ta sẽ thu mình lại. Nhưng lỗ hổng chính là phát sinh ở đây. Bạn đóng cửa tâm hồn mình bởi vì vẫn phụ thuộc vào việc người khác có thành tâm hối lỗi sau khi đã gây tổn thương bạn nhường ấy hay không. Con người vẫn là con người, luôn có sai sót. Thông thường, người gây tổn thương cho bạn không đủ can đảm để xin lỗi bạn và có lẽ họ sẽ không bao giờ làm thế. Nhưng đã đến lúc bạn nên nhận ra rằng:

Mục đích của sự tha thứ không phải là đợi chờ lời xin lỗi. Tha thứ là để bạn tiến lên, cho dù có hoặc không có lời xin lỗi. Bạn tiếp tục vì có nhiều giá trị tốt đẹp hơn đang chờ bạn phía trước. Bạn bước tiếp vì chính cuộc sống tươi đẹp và huy hoàng này. Bạn tiến lên bởi vì bạn xứng đáng được trở nên tốt hơn thay vì bị xiềng xích bởi sự oán giận và cay đắng.

Tiếp tục oán hận, giữ những đắng cay trong lòng giống như uống thuốc độc nhưng lại mong người khác phải chịu đựng. Khoảnh khắc mà bạn tha thứ, cuộc sống bỗng chốc trở nên tốt đẹp hơn, dễ dàng hơn rất nhiều. Toàn bộ cơ thể bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Và khi thời gian trôi qua, nỗi đau trở thành ký ức xa xăm. Nó là như vậy đấy, rất quan trọng.

Những năm qua, có một điều tôi đã nhận ra là người ta có thể đối xử rất xấu tệ với người này nhưng lại thực sự tử tế với người khác. Và vì bản chất hay thay đổi của con người, họ có thể không cảm thấy đau đớn khi những tổn thương mà họ đem đến xảy ra với bạn. Bạn cảm thấy bất công vì bạn không được đối xử tử tế, nhưng những người khác lại được. Bạn bắt đầu tự đặt câu hỏi và tự trách mình vì đã không xứng đáng có được sự đối xử tốt hơn. Và sự tha thứ cảm giác như bạn đang bỏ qua cho tội lỗi của họ. Nhưng không phải như vậy.

Ảnh: Flickr.

Tha thứ chính là giúp bạn khỏi những tổn thương đang níu giữ bạn lại.

Tha thứ không có nghĩa là quên đi. Bạn có thể tha thứ cho hành động của họ, nhưng không phải quên đi những gì họ đã làm. Điều đó để đảm bảo rằng bạn sẽ không mắc phải sai lầm đó lần nữa. Tha thứ cho phép chúng ta tiến lên, nhưng không quên giúp chúng ta rút bài học từ đó. Chúng ta có thể nhìn nhận lại cuộc sống của mình, học hỏi từ những sai lầm, xem những gì nên cải thiện, đánh giá cách chúng ta trưởng thành và trở thành những người tốt hơn từ đó. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta giả vờ rằng nó không xảy ra. Tôi không giả vờ rằng tôi vẫn là bạn với những người đã làm tổn thương tôi. Tôi sẽ thân thiện với họ nếu tình cờ gặp lại. Tuy nhiên, tôi sẽ không bao giờ để họ trở thành những người bạn của mình một lần nào nữa, vì họ đã đánh mất niềm tin từ tôi. Tôi chỉ coi họ là những nhân vật phụ trong câu chuyện cuộc đời tôi. Và những trải nghiệm của tôi với họ làm tôi trở thành một người tốt hơn, trưởng thành hơn.

Tôi đã học được gì từ trải nghiệm của mình? Tôi đã ngừng tập trung vào việc xây dựng hình ảnh bản thân. Tôi trở thành một người từ bi hơn. Tôi dành nhiều thời gian hơn với mọi người. Tôi chắc chắn sẽ gần gũi và hòa đồng hơn với những người bạn thân nhất và gia đình của mình, sẽ không bao giờ để khoảng cách hay công việc cản trở mối quan hệ của chúng tôi.

Tôi trở nên giỏi hơn trong việc nhìn nhận ra ai là người chân thành và tốt bụng với mình. Quan trọng nhất, tôi đã học cách tha thứ cho chính mình, cho cả hành động của tôi trong năm thứ nhất đại học và sự bất lực trong khả năng tha thứ trong một khoảng thời gian dài. Tôi chỉ là một con người bình thường. Bạn cùng phòng năm nhất của tôi cũng chỉ là một con người. Con người ai cũng phạm sai lầm. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết học hỏi, tiến lên và vượt qua sai lầm đó.

Bởi vì những gì tôi đã học được từ quá khứ của mình, tôi cảm thấy như những tình bạn đó đều có ý nghĩa cả. Hiện tại có một vài người tôi có thể tâm sự bất cứ lúc nào và tôi thực sự biết ơn về điều đó. Và nó có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra nếu tôi vẫn bị bó buộc vào sự bất an của mình. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn và từ bi hơn sau những kinh nghiệm này. 

Quả thực, tha thứ là một trong những điều khó khăn nhất khi chúng ta bị tổn thương hoặc bị phản bội. Nhưng để chấm dứt tổn thương, ta không còn cách nào tốt hơn là tha thứ. 

Video: Vợ chồng yêu thương nhau, xin cứ giả khờ mà bao dung hết thảy

videoinfo__video3.dkn.tv||934c91518__

Từ Khóa: