Yên Tử là ngọn núi được rất nhiều người hành hương tìm đến, không chỉ bởi lòng ngưỡng mộ chốn tu hành thiêng liêng, mà còn là nơi họ tìm lại sự bình yên thanh thản trong cõi đời vô thường. Đây cũng là nơi gắn liền với địa danh nổi tiếng cùng những câu chuyện ly kỳ bao quanh: suối Giải Oan.

Ly kỳ chuyện người xưa đòi nợ

Một ngày giữa năm 2007, khi đang lang thang ở suối Giải Oan, ông Lê Quang (phó giám đốc trung tâm quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử) gặp một cảnh tượng khá lạ: mấy chục người phụ nữ vừa quỳ lạy, vừa khóc bên bờ suối. Có người chấp tay với nén hương nghi ngút khói vái lấy vái để.

image02
Suối Giải Oan, nơi có những câu chuyện kỳ bí về những hồn ma cung nữ.

Ông Quang liền tìm gặp tài xế chở những người phụ nữ này hỏi chuyện thì được biết, hồi đầu năm, anh chở 50 chị em thuộc hội phụ nữ ở một phường của thành phố Lạng Sơn về trẩy hội Yên Tử. Trong chuyến đi này, chị em có xuống suối Giải Oan rửa chân, rửa tay.

Tuy vậy, lúc về nhóm người này có nhặt vài hòn cuội cho vào túi với tâm niệm rằng trong mỗi hòn cuội đều ẩn chứa linh hồn các cung nữ, nên dùng sỏi cuội này kỳ cọ thân thể, sẽ khiến da dẻ trắng đẹp, mịn màng giống như cung nữ thời Trần. Thấy vậy, anh tài xế cũng nhảy xuống nhặt vài viên về làm kỷ niệm.

Khi đem về nhà, vợ của anh tài xế cũng dùng những hòn đá này để kỳ cọ. Thế nhưng ngay ngày hôm sau, chị vợ anh này hoảng hồn bảo rằng, cả đêm hễ cứ nhắm mắt là lại mơ thấy những cung nữ xinh đẹp với màu áo trắng, làn da trắng muốt, nhìn chị bằng đôi mắt giận dữ và hét lên: “Trả đá cuội cho ta”. Sau nhiều đêm gặp ác mộng, chị này không dùng để tắm nữa mà đặt viên đá ngay ngắn trên nóc tủ.

image03
Những hòn cuội dưới chân cầu do những người từng lấy ở suối Giải Oan, mang trả lại.

Vài hôm sau, doanh nghiệp vận tải gọi anh lái xe này lên và phân công chở 50 người phụ nữ ở phường nọ về lại Yên Tử. Lúc lên xe, anh mới kinh hoàng khi biết rằng, 50 phụ nữ từng lấy đá cuội ở Yên Tử về kỳ cọ cơ thể, đều gặp những chuyện khác thường. Anh bèn gọi vợ thắp hương rồi mang hòn đá đến ngay chỗ anh. Suốt hành trình 4 tiếng đồng hồ từ Lạng Sơn về Yên Tử, anh tài xế được nghe 50 chuyện kinh hãi từ chị em phụ nữ, chúng đều là những cơn ác mộng khiến họ mất ngủ, ai cũng phờ phạc, lo lắng …

Đến Yên Tử, việc đầu tiên của chị em là tìm lên chùa Giải Oan cúng bái. Sau đó chị em vội mang đá cuội ra suối Giải Oan, vái lạy khẩn thiết, cầu xin các “cung nữ” nơi đây tha mạng và xin được trả lại vật thiêng.

Một câu chuyện khác cũng liên quan tới việc gặp oan hồn của các cung nữ nơi đây. Sư Yến (trụ trì chùa Giải Oan) chỉ vào một phiến đá có khắc dòng chữ: Tòa nhà trung tâm triển lãm quốc tế H. rồi nói chủ nhân của tòa nhà này là một đại gia ở Hải Phòng. Nhân một chuyến đi đến đây, sau khi cúng bái ở chùa Giải Oan, vị đại gia này đã xin phép sư Yến cho lấy một tảng đá ở suối mang về. Sư Yến đã ra sức can ngăn song vị đại gia này không nghe. Sau khi làm lễ ở miếu Bạch Mẫu Giải Oan, anh này xuống suối tự tay lựa một tảng đá to cỡ cái thúng và chở về Hải Phòng.

Phiến đá này được vị đại gia xẻ làm tấm bảng khắc tên tòa nhà lớn cao hàng chục tầng giữa thành phố Hải Phòng. Hôm chuẩn bị xẻ khối đá, vị đại gia này còn thuê một ông thầy cúng bái, yểm tâm. Thế nhưng chừng 10 tháng sau, vị đại gia này cùng gia đình và một số cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp tìm đến suối Giải Oan với khuôn mặt phờ phạc, méo xệch.

Kể từ khi mang khối đá về, đêm nào anh ta cũng nằm mơ thấy các cung nữ, mặc quần áo trắng đòi lại khối đá. Sau đó, doanh nghiệp của đại gia này khủng hoảng trầm trọng. Một số cán bộ trực tiếp tham gia vào việc khênh tảng đá ở suối Giải Oan về toàn gặp việc xui xẻo, trục trặc trong cuộc sống, gặp tai nạn.

Anh ta tìm đến vị thầy bói nổi tiếng tại Hải Phòng thì được hỏi: “Anh có lấy thứ gì của chùa chiền, miếu mạo không?”. Vị đại gia kia nghĩ đến hành động khênh khối đá từ suối Giải Oan về bèn làm mấy mâm lễ rất lớn, đem cả xe tải chở vàng mã nhờ sư Yến làm lễ trả lại đá …

image00
Những phiến đá được trả lại cho chùa Giải Oan.

Ông Quang còn cho biết thêm bản thân ông cũng để ý theo dõi và được chứng kiến rất nhiều chuyện lạ quanh suối Giải Oan. Ông Quang tin tin rằng linh hồn các cung nữ rất thương những người bất hạnh. Nhiều cô gái có hoàn cảnh éo le như trót mang bầu bị ruồng bỏ, mắc AIDS, hoặc gặp cảnh trớ trêu, sau khi ngồi bên suối Giải Oan khóc lóc, tâm sự với oan hồn các cung nữ, tự dưng thấy lòng cực kỳ thanh thản và tìm được cách giải thoát cho sự bế tắc trong cuộc đời mình.

Huyền thoại suối Giải Oan

Tương truyền vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) “từ thuở nhỏ, đã sớm ý thức được nguyên lý đạo Phật, ham chuộng cửa Không, chí muốn đi tu, chứ không ưng làm vua hưởng vinh hoa phú quý” (Theo sách Thiền môn ghi lại).

Lúc đó vua Thánh Tông phải khuyên bảo: “Sứ mệnh giao phó rất nặng nề, phải lo gánh vác trước hết. Nước nhà đang gặp buổi khó khăn trước cơn gian nguy do người phương Bắc sớm muộn gì cũng sẽ sang mưu sự thôn tính nước ta. Bổn phận cứu muôn dân trăm họ là trên hết, có được làm nổi thì sau mới có thể tính đến sự tu hành giải thoát bản thân và chúng sinh”.

image01

Vua Nhân Tông lúc đó phải tuân lời lãnh nhiệm vụ chăm dân cứu nước. Sau khi đã làm tròn sứ mệnh bình đắc định nam xong, yên việc nước nhà, vua Nhân Tông mới lại đi tu, đắc đạo. Đó cũng là lúc ông lập ra Thiền phái Trúc lâm Yên tử.

Hành trình bắt đầu sự nghiệp đi tu của vua Trần tại Yên Tử phải qua một con suối nhỏ, chính là suối Giải Oan ngày nay. Chuyện kể lại rằng khi Trần Nhân Tông xuất gia đến núi Yên Tử tu hành, vì không muốn vua cha vào Yên Tử nên Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mỹ nữ tìm đến can ngăn, nhưng Trần Nhân Tông vẫn một lòng theo đạo và khuyên mọi người hãy trở về với triều đình hoặc quay về quê cũ làm ăn. Để tỏ lòng trung với vua, họ đã trầm mình dưới suối.

Một số trong các cung phi đó bị chết đuối nên Trần Nhân Tông đã cho lập đàn cúng để giải oan cho linh hồn của họ. Số cung nữ ấy định tự tử hết cả, vua Trần đành phải cấp ruộng và nhà bên dưới chân núi, lập thành làng có tên là Năm Mẫu (mẫu ở đây chỉ cung nữ được hoàn trả về với cuộc sống thường ngày). Dòng suối ấy từ câu chuyện trên mà có tên là suối Giải Oan. Suối Giải Oan trở thành ranh giới giữa đời thường và sự nghiệp hành đạo.

Lý giải về việc cung nữ báo oán

Khi sự việc xảy ra, rất nhiều người tin rằng câu chuyện những cung nữ nhà Trần trầm mình xuống tự tử là nguyên nhân dẫn đến việc oan hồn họ tìm đến những người lấy đá để đòi lại. Nhưng một số lại nhìn theo một góc độ khác, họ không hoàn toàn tin vào điều này.

Theo lời chị Nguyễn Thị X., người thuê một gian nhà nhỏ của trung tâm quản lý di tích – danh thắng Yên Tử để bán hàng thì du khách đến suối Giải Oan đều mang nhiều tâm sự. Về lời đồn cung nữ báo oán những người lấy đá sỏi, chị nói: “Cuộc sống mỗi người không ai trọn vẹn cả. Gặp hạn thì lại đổ cho lấy đá, oan cho các cung nữ lắm. Cung nữ giờ được phong là Bạch Mẫu chứ có phải oan hồn vất vưởng đói ăn đâu mà hại người lành. Tôi ở đây thấy người lấy đá thì nhiều, nhưng thỉnh thoảng mới có người trả lại. Những người trả lại đá cuội chắc là gặp vận đen trong cuộc sống thôi”.

Chị tin rằng, linh hồn các cung nữ luôn bảo vệ người hiền, người bị oan trái, người yếu đuối. Vì thế, người dân quanh vùng hễ gặp chuyện buồn, chuyện oan đều tìm đến miếu Bạch Mẫu tâm sự, trút bỏ nỗi lòng.

Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi chưa được làm rõ, đó là tại sao cả 50 người phụ nữ dùng đá tại suối cùng gặp chung một hiện tượng, vợ của anh tài xế dù không có mặt tại suối cũng gặp các cung nữ trong mơ… Khi chưa có kết luận rõ ràng và lời giải thích đáng cho những sự  việc trên thì những người dân vẫn tin vào truyền thuyết về những cung nữ trầm mình xuống nơi đây và giữ lòng tôn trọng sự linh thiêng ở con suối này.

Thủy Tiên tổng hợp

Xem thêm: