Trong xã hội cổ đại, “Lễ” là một phạm trù trong quy chế pháp luật và quy phạm đạo đức. Khi là phạm trù quy chế pháp luật, nó là thể hiện của chế độ chính trị xã hội, là giữ gìn kiến trúc thượng tầng và nghi thức lễ tiết trong kết giao giữa người với người.

Khi là quy phạm đạo đức, “Lễ” là tiêu chuẩn và yêu cầu của hết thảy hành vi của mọi người thuộc các tầng lớp trong xã hội.

Trong hệ thống tư tưởng của Khổng Tử, thì “Lễ” gắn liền với “Nhân”, giữa chúng không có sự tách biệt. Khổng Tử nói: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà?” (Tạm dịch: Một người mà không có lòng nhân từ thì sao có lễ được?)

Khổng Tử chủ trương dùng đức trị quốc: “Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ”, tức là lấy đức dẫn dắt, lấy lễ để ổn định lòng dân, như vậy có thể phá bỏ được giới hạn “lễ không xuống được thường dân”.

Đến thời kỳ Chiến Quốc, Mạnh Tử lại đem “Nhân, nghĩa, lễ, trí” làm quy phạm đạo đức căn bản. Lễ là thể hiện của lòng khiêm tốn và trở thành một trong những đức hạnh được coi trọng của con người.

Ông cho rằng, “lễ” là yếu tố khiến cho mỗi một người sang quý hay bần tiện, lớn hay nhỏ có được vị trí thỏa đáng của mình trong xã hội.

Trong tiến trình phát triển của lịch sử, “Lễ” luôn là quy phạm đạo đức, là chuẩn tắc của cuộc sống của con người trong xã hội. Nó có tác dụng vô cùng quan trọng trong việc tu dưỡng đạo đức tinh thần của con người.

Đồng thời, thuận theo sự biến đổi và phát triển của xã hội, “lễ” không ngừng được cấp thêm lên những nội hàm mới, không ngừng phát sinh sự điều chỉnh và biến đổi.

Trong xã hội xưa, “lễ” có tác dụng duy trì hình thái xã hội, trật tự chính trị, củng cố chế độ, điều chỉnh quy phạm và chuẩn tắc về quyền lợi, nghĩa vụ và mối quan hệ xã hội giữa người với người.

Lễ đã là một trong những cội nguồn và cũng là một phần trọng yếu hình thành nên thể chế pháp luật thời xưa.

Khổng Tử cả đời dùng kinh thi lễ nhạc để giáo huấn, dạy bảo học trò của mình. Trong “Luận ngữ” có 34 chỗ Khổng Tử luận về lễ. Trong những lời luận của ông, lễ có tầm quan trọng và ảnh hưởng vô cùng to lớn.

Ông cũng cho rằng, trong tu dưỡng của con người và trong trị quốc đều không thể không có “lễ”. “Lễ” cùng với “Nhân, Nghĩa” là trung tâm, là nòng cốt của học thuyết Nho gia.

Dù là thời đại xưa hay thời đại ngày nay, người có “lễ nghĩa”, hiểu biết và tuân thủ “lễ nghĩa” vẫn luôn được coi trọng, được mọi người đề cao. Cho dù có thể họ vì giữ “lễ nghĩa” mà bị thua thiệt một chút nhưng xét cho cùng thì họ đã là người hiểu đạo lý và giác ngộ rồi!

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: