Vào thời Tây Hán, ở nước Trung Hoa xảy ra một câu chuyện ly kỳ, cảm động lòng người về “làm việc tốt không cầu báo đáp”…

Lúc Hán Vũ Đế tuổi già, trong cung xảy ra vụ án oan hòng vu khống hãm hại Thái tử, sự việc này khiến thê thiếp và con cái Thái tử đều bị liên lụy. Cháu nội của Thái tử vừa mới chào đời được mấy tháng, cũng bị giam vào trong ngục. 

Bính Cát là vị quan tham gia thẩm tra xử lý vụ án này, trong lòng biết Thái tử bị oan, vì thế mấy lần tâu trình Hoàng thượng rằng vụ án này chứng cứ không đủ, nhưng đều bị Vũ Đế mắng nhiếc. Ông thương xót cháu chắt của hoàng tộc không có ai chăm sóc, bèn đặc biệt tuyển chọn và phái một cô gái trung hậu cẩn thận vào bảo hộ và dưỡng dục đám con trẻ. Ông cũng hàng ngày vào ngục thăm viếng cả gia đình Thái tử.

Bạn bè của Bính Cát sợ ông vì thế mà chuốc họa, nhiều lần khuyên ông rằng: “Vụ án Thái tử chính do Hoàng thượng khâm định, tránh đi còn không kịp, ông việc gì phải biện bạch cho hắn, việc gì phải quan tâm đến cháu nội của hắn? Ông không nghĩ tới việc mọi người sẽ hoài nghi ông là đồng đảng của Thái tử à? Đây là việc mà người thông minh làm chăng?”. 

Bính Cát kiên định nói: “Làm người không thể không giảng nhân đức, vốn là án oan, huống hồ chắt Hoàng thượng vẫn còn là một đứa bé sơ sinh, nó có tội tình gì? Tôi không đành lòng mới làm như vậy, làm người không thể đánh mất lương tâm“.

Sau này Vũ Đế lâm bệnh, lại nghe lời đồn đại xúi giục rằng: trong nhà ngục ở Trường An có khí Thiên Tử bốc lên, liền hạ chiếu đem toàn bộ phạm nhân ở Trường An đồng loạt xử tử. Sứ thần của Vũ Đế suốt mấy đêm liền đến nhà ngục nơi giam cầm chắt của Hoàng đế hòng ra tay, Bính Cát đều không để sứ thần vào, ông tức giận nói: “Người vô tội không đáng phải chết, hơn nữa lại là một đứa bé như thế này. Ta sẽ không để cho các người làm như vậy”. 

Sứ thần thấy thế nói: “Đây là chỉ ý của Hoàng thượng, ngươi dám kháng chỉ không tuân mệnh, chẳng phải tự tìm đường chết sao? Ngươi thật là ngu xuẩn!”. 

Bính Cát thề kháng cự sứ thần, kiên quyết nói: “Ta không phải là kẻ bất trí, làm như vậy chỉ vì bảo toàn danh tiếng và tính mạng đứa chắt của Hoàng thượng và những người vô tội. Việc cấp bách như thế này, ta nếu có chút tư tâm, sai lầm to lớn sẽ không cách nào vãn hồi được nữa”.

Sứ giả không thể vào được, chỉ còn cách trở về cấp báo Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế nghe xong tỉnh ngộ, không truy cứu tội kháng chỉ của Bính Cát, lại còn đại xá thiên hạ. Những phạm nhân do Bính Cát quản lý nhờ có ông đều may mắn sống sót.

Hán Vũ Đế. (Ảnh: wikipedia.org)

Mấy năm sau, Xương Ấp Vương bị phế bỏ, chắt của Hoàng đế lên ngôi, xưng hiệu là Hán Tuyên Đế. Bính Cát không hề đề cập đến ân đức ngày trước của mình đối với nhà vua. Biết chuyện này, người nhà của ông từng nói với ông: “Mình đối với Hoàng thượng có ân, nếu ở trước mặt nói cho Hoàng thượng biết, quan tước chắc chắn sẽ thăng thiên. Đây là việc tốt mà người khác nằm mơ còn không dám nghĩ đến, ông tại sao có thể ngậm miệng không nói gì cả vậy?”. 

Bính Cát mỉm cười nói: “Thân là bề tôi, vốn nên như thế, ta có may mắn báo đáp được chút ít ơn vua, nếu từ đó mà mưu cầu danh lợi, ấy là việc làm của người quân tử sao? Loại tư tâm như thế, ta từ trước tới nay tuyệt nhiên không có”.

Sau này, Tuyên Đế nghe người khác nói mới biết được ân đức của Bính Cát, hết sức cảm động, đêm không ngủ được, kính trọng phong Bính Cát làm Bác Dương Hầu.

Lúc ấy chính là lúc Bính Cát đang trong cơn bệnh nặng, Tuyên Đế tỏ ra vô cùng lo lắng. Thấy vậy, Hạ Hầu Thắng vốn là người tinh thông những việc cát hung thiện ác và âm dương ngũ hành, bèn tâu: “Thần nghe nói những người có Đức âm thầm làm việc tốt, chắc chắn sẽ được hưởng phúc lạc cùng với con cháu, hôm nay Bính Cát được hưởng Thiện báo, bệnh tật sẽ chóng qua khỏi, xin bệ hạ yên tâm”. Không lâu sau, bệnh tình Bính Cát quả nhiên khỏi hẳn, ông được thụ phong tước Bác Dương Hầu, làm Thừa tướng nước Ngụy.

***

Trong thời gian Hán Tuyên Đế trị vì, triều đại nhà Hán duy trì được sự thịnh vượng, mở rộng về kinh tế cũng như quân sự. Do từ nhỏ đã phải chịu cảnh thống khổ, Tuyên Đế thấu hiểu nỗi cơ cực của dân chúng, ông cho giảm thuế, giảm nhẹ hình phạt. Những người có tài được sung vào làm quan, chính quyền ngày càng vững mạnh. Sử cũ gọi thời đại của Tuyên Đế và Chiêu Đế là “Chiêu Tuyên chi trị”.

Bính Cát đã xả thân cứu mạng một hoàng đế tốt, cũng là có ơn với muôn dân thiên hạ vậy. Vì thế, Hán Tuyên Đế báo đáp Bính Cát trọng hậu ấy là chuyện tất nhiên. Có người nói, bề ngoài Bính Cát có được vinh dự là do con người trao tặng cho, thực ra là bởi vì việc thiện ông từng làm phù hợp với Thiên lý và lẽ phải, cho nên mới được Thượng Thiên ban cho phúc báo.

Khiêm Từ 

Theo Trí Chân – Minghui.org

Bạn đang đọc bài viết: “Làm việc tốt không cầu báo đáp, phúc lành cũng tự đến” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||db57215da__