Người xưa có câu: “Trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu” hay cũng nói: “Hiếu thảo là cái gốc của làm người!” Một người nếu không hiếu thảo với cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng mình thì đó là cái tội lớn của con người và cũng không thể nhân từ được với người khác. Cho nên, bất hiếu với cha mẹ là việc trái với luân thường đạo lý và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Thời cổ đại, con người vô cùng coi trọng đạo đức và đặc biệt coi trọng đạo đức của người làm con là phải hiếu kính với cha mẹ. Có rất nhiều câu chuyện kể về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ khiến Thần linh cảm động.

Vào thời rất xa xưa, ở làng nọ có hai mẹ con người phụ nữ mù sinh sống cùng nhau. Gia đình bần cùng, cậu con trai còn nhỏ trong khi người mẹ lại quanh năm ốm phải nằm trên giường mà không dậy được.

Mùa đông năm đó, trời giá rét rất khắc nghiệt, tuyết rơi dày đặc, phủ kín mặt đất. Người mẹ không ăn gì cả một thời gian dài khiến cậu bé vô cùng lo lắng. Cuối cùng, cậu đành hỏi: “Mẹ ơi mẹ muốn ăn gì nhất?”

Người mẹ biết rõ trong nhà chẳng có thứ gì ngoài bốn bức tường, hơn nữa đã ốm nằm giường nhiều năm và trở thành gánh nặng cho cậu bé nền lần này bà quyết không ăn không uống để chờ chết.

Nhưng cậu bé lại vạn phần lo lắng. Cậu luôn ước gì mẹ có thể ăn được một chút gì đó, cho dù chỉ là một chút nước cơm để mẹ cậu có thể khỏe lên một chút. Người mẹ biết rằng đang vào mùa đông giá rét, sông ngòi bị đóng băng hết nên nói lấy lệ rằng: “Mẹ muốn ăn cá!”

Bà nghĩ rằng sông ngòi đã đóng băng hết cả thì cậu con trai sẽ không thể ra ngoài và bà có thể yên tâm khi cậu bé chỉ có thể ở trong nhà mà thôi.

Nhưng cậu bé ấy lại là một người con vô cùng có hiếu. Thấy mẹ nói rằng muốn ăn cá nên cậu vô cùng mừng rỡ, cậu thầm nghĩ: “Vậy là có cách cứu được mẹ rồi!”

(网络图片)

Cậu bé đứng trước cửa nhà nhìn ra ngoài trời, tuyết rơi phủ trắng hết cả, không biết phải đi đâu mới có thể bắt cá. Ngẫm nghĩ một lát, cậu để mẹ chờ ở nhà và một mình liều lĩnh lao ra bờ sông gần nhà tìm cá. Tất cả mặt sông lúc ấy đã được bao phủ bởi một lớp băng tuyết dày đến ba thước. Cậu nhìn mặt sông đóng băng và tự hỏi: “Phải làm sao để bắt được cá đây?”

Nghĩ đến việc mẹ thích ăn cá, cậu nghĩ ra cách dùng chút ấm áp của thân thể mình để làm một khoảng băng trên mặt sông tan chảy. Với dáng vẻ tiều tụy, cậu thành tâm thành ý cầu nguyện. Dường như lời cầu nguyện của cậu đã khiến Thần linh cảm động vì thế mà băng tan ra rất nhanh. Ngay tại chỗ băng tan ấy, một con cá nhảy lên mặt băng. Cậu bé mừng rỡ vội bắt lấy con cá và cảm tạ Thần linh, cảm ơn con cá.

Từ nhỏ cậu bé chưa từng sát sinh, nên cậu ôm con cá và nói: “Ta vốn không muốn làm hại sinh mệnh của ngươi, chỉ là vì muốn cứu mẹ ta nên đành phải khiến ngươi phải oan ức!” Nói xong, cậu cắt một mảnh thịt ở bên lườn cá mà không làm ảnh hưởng đến nội tạng của nó, rồi lại thả con cá bị mất một miếng thịt ấy xuống sông. Từ đó, loài cá này được dân gian gọi là “hiếu ngư” (cá hiếu).

Tối hôm ấy, cậu bé dùng miếng thịt cá nấu thành một bát canh và cho mẹ uống. Không ngờ, người mẹ đang hấp hối sau khi uống xong bát canh cá liền tỉnh táo và thân thể dần dần khỏe mạnh trở lại. Hơn nữa, mắt của bà cũng dần dần nhìn được rõ hơn.

Lòng hiếu thảo, thiện niệm và thiện hạnh của cậu bé thực sự đã làm cảm động Thần linh, nhờ đó mà hai mẹ con đã được phúc báo. Đây cũng là truyền thuyết về loài cá một bên có thịt và một bên không có thịt, hai bên có hai màu sắc khác nhau, bên có thịt có màu nâu thẫm, bên không có thịt có màu trắng mờ được người Trung Hoa gọi là Long Lị.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: