Lời tòa soạn: Tam Quốc diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết chương hồi huyền thoại của lịch sử văn học Á Đông. Người đọc Tam Quốc rất đa dạng, tâm thái nào cũng có: đọc để thưởng thức, đọc để học hỏi người xưa, đọc để giải trí hay đọc để “ấm vào thân”. Nhưng một tác phẩm kinh điển ắt là bên trong phải có nội hàm mênh mông, nhất thời một lát một chốc là không thể nào nắm hết được. Xưa nay cũng chưa từng nghe bậc danh sĩ nào tự vỗ ngực xưng rằng mình đã hiểu thấu được Tam Quốc. Người ta khám phá Tam Quốc chẳng khác nào những kẻ leo núi, kẻ mạnh dạn thì leo cao hơn, kẻ bồn chồn thì chỉ leo một chút rồi tụt xuống, nào ai đã từng đứng trên đỉnh cao mà thấu triệt được toàn bộ cái lý thâm sâu của câu chuyện? Thế nên, chút cố gắng của chúng tôi hòng giải mã Tam Quốc cũng từa tựa như kẻ leo núi kia vậy, không dám cố quá, leo được chừng nào xin hầu độc giả chừng ấy mà thôi.

Trọn bộ: Luận đàm Tam Quốc

***

Giờ là lúc ta cùng nhau giở cuốn sách ra. Đập vào mắt là bài từ mở đầu cả trăm năm loạn lạc bi tráng. Thơ rằng:

Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thị phi thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
Non xanh nguyên vẻ cũ
Bao độ ánh chiều hồng
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Một vò rượu nếp vui gặp gỡ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng

Anh hùng thời loạn, mỗi người một chí, mỗi người một vai, đều diễn vở kịch đã được an bài của lịch sử. Ba nước hợp rồi chia, chia rồi lại hợp, phải chăng cũng là thiên ý? Trăm năm, nghìn năm ngoái đầu nhìn lại chỉ tựa như ánh chớp đêm giông, chỉ tựa hồ một cái nháy mắt. Thế mà tên tuổi xưa đã phủ bụi thời gian, thành quách, binh đao, khói lửa nay cũng lùi cả vào thời quá vãng. Chẳng còn ai nhớ mặt gọi tên, chẳng còn ai làm người tri kỷ, thảm thương biết mấy, sầu bao nhiêu. Chỉ thấy dòng sông dài chảy mãi về đông, chứng kiến biết bao hưng phế…

Tam Quốc, thời đại loạn ly nhưng cũng đầy hùng tráng, là thời tranh giành, sát phạt nhưng cũng là nơi mà trung nghĩa được coi như “giấy thông hành” để người ta đi khắp thiên hạ. Hôm nay, hãy cùng hòa vào không khí của thời đại bi tráng ấy, mở chiếc khóa cửa đầu tiên của “Tam phân”…

Và người cầm chiếc khóa ấy, không ai khác ngoài Đổng Trác – Đổng Trọng Dĩnh.

Đổng Trác (132 – 192), tự Trọng Dĩnh, là một quyền thần nổi tiếng cuối thời Đông Hán. Trác nổi tiếng không phải vì tài thao lược hay chí lớn bao trùm thiên hạ mà chủ yếu là vì tàn bạo. Trác vốn chỉ là một thứ sử nhỏ ở Tinh Châu (một quận xa xôi, hẻo lánh), nhân hoàng cung có sự biến hoạn quan mà mang đại quân tiến vào kinh thành.

Ảnh minh hoạ: Youtube.

Sau khi vào kinh, Trác lộng quyền, phế vua cũ lập vua mới, tự mình làm Tướng quốc, ra mặt chuyên quyền. Nhưng cái sai lầm của Trác chính là quá phóng túng dục vọng, làm nhiều chuyện ác: thao túng triều chính, vơ vét quốc khố làm của riêng, chiếm hết cung nữ về làm vợ, hãm hiếp nhiều công chúa con Hán Linh Đế. Tướng sĩ dưới quyền ông cũng theo đó mà làm loạn, hãm hiếp phụ nữ nhà lành, cướp bóc, giết hại dân đen.

Ở đây bàn thêm một chút, cách đối đãi này của Trác trở thành một vết xe đổ không ai muốn giẫm vào. Trong tay cầm quyền lớn thiên hạ, dưới một người trên vạn người (mà có khi cũng chẳng chịu dưới ai), Trác hoàn toàn không cần phải làm ra những điều thương luân bại lý như thế. Cứ ngỡ Trác dám phế lập ngôi vua thì cũng phải là tay quyền mưu, không ngờ càng ngày càng lộ rõ là một tên thất phu, chỉ biết thỏa mãn dục vọng thấp hèn. Kẻ ấy sao làm nổi đại sự đây? Tào Tháo, một quyền thần khác của nhà Hán, xuất hiện sau Đổng Trác đã rút kinh nghiệm sâu sắc từ “người tiền nhiệm” của mình. Tháo luôn tự ước chế bản thân, dành hết tâm sức để củng cố quyền lực của mình, tuyệt nhiên không tàn hại bách tính, tỉnh táo, sáng suốt mà một tay cầm nắm thiên tử, một tay chinh phạt chư hầu. Còn Trác thì chưa đủ tầm.

Bản thân Trác vốn là võ quan, lại được ở chung với người Khương (một dân tộc nổi tiếng thiện chiến), học cưỡi ngựa bắn cung nên từ nhỏ đã tỏ ra hung bạo. Sau này khi cầm quyền bính trong tay, bản tính cũ vẫn không đổi, Trác càng bạo ngược hơn. Tất cả mọi người xung quanh đều khiếp sợ và căm giận Trác, từ hoàng đế, đồng liêu trong triều, tướng sĩ tả hữu dưới trướng. Ngay cả Lã Bố là con nuôi, cận vệ trung thành mà cũng Bị Trác mấy lần làm nhục (cướp vợ, phóng kích đuổi đánh). Thế là Trác tự rước họa vào thân mà không hay. Cả thiên hạ bấy giờ đều chửi rủa cho Trác chết không toàn thây.

Viên Thiệu dẫn đầu chư hầu 18 lộ cắt máu ăn thề quyết diệt Đổng Trác. Trong những chư hầu này có rất nhiều anh hùng sau này hứa hẹn sẽ chọc trời khuấy nước như: Tôn Kiên, Tào Tháo, Mã Đằng, ba anh em Lưu Quan Trương… Trác hoảng sợ, bắt bách tính phải rời bỏ Lạc Dương, thiên đô về Trường An. Hàng trăm vạn dân lành bị cưỡng bức phải theo Đổng Trác về phía Tây. Cần nói thêm Trường An từng là kinh đô cũ của các vua triều Hán thời kỳ đầu, gọi là Tây Hán. Còn Lạc Dương là kinh đô của các vua Hán thời sau, tức Đông Hán. Trác bỏ kinh đô Lạc Dương trù phú về lại mảnh đất Trường An hoang phế sau mấy trăm năm, có phải là đi ngược dòng lịch sử, tự viết cáo chung cho mình?

Ảnh minh họa: Youtube.

Rời sang phía Tây, Trác giữ được mạng và vẫn khống chế thiên tử. Các lộ chư hầu thấy Trác bỏ chạy cũng không truy kích nữa, lại quay sang chém giết lẫn nhau. Những người có tâm như Tào Tháo, anh em Lưu Quan Trương hay Tôn Kiên cũng rời đi tìm đất dụng võ mới cho mình. Trác được thể càng hung hăng, càn quấy, ép hoàng đế phong mình làm Thái sư, quyền nghiêng thiên hạ, dùng toàn lễ nghi thiên tử. Trác vơ vét của cải, gái đẹp, ngọc ngà châu báu vào chứa ở thành My Ổ để an dưỡng tuổi già, sau cùng còn muốn ép Hán Hiến Đế phải nhường ngôi báu cho mình.

Ở đây lại cho thấy một sai lầm nữa về chiến thuật của Đổng Trác. Các chư hầu quay sang bất hòa đánh lộn lẫn nhau chính là thời cơ vàng để Trác chỉnh đốn lại binh mã, sĩ khí. Có Lã Bố làm tiên phong, Trác chỉ cần dưỡng sức vài tháng đến nửa năm rồi đem đại binh sang phía đông, có lẽ chỉ đánh một trận là chư hầu tan tác cả. Nhưng Trác lại sinh thói dâm dật, ưa thú kiêu sa, muốn lộng quyền làm hoàng đế, dành hết tâm trí để hưởng lạc, vơ vét của nả trong dân, họa sát thân đã ở bên mà vẫn u mê chẳng tỉnh. Trác phung phí sức dân, sức quân, chẳng biết trị nước ra sao, triều đình rối như tơ vò, chẳng khác nào ngồi chờ chết. Trác phóng túng cho binh sĩ dưới quyền, đến lượt binh sĩ lại cũng phóng túng, điên loạn như y. Trên dưới đều loạn, chẳng sớm thì muộn cũng tự rước lấy tai họa.

Trác muốn phế luôn Hán đế mà tự lập triều đình họ Đổng. Thế nhưng y chỉ có dã tâm, còn thực lực lúc ấy đã quá yếu đuối. Chỉ một kế liên hoàn của tư đồ Vương Doãn đã khiến giấc mộng đế vương của Trác tan thành mây khói. Lã Bố, con nuôi của y tự tay cầm kích đâm chết y. Ba họ nhà Trác bị mang ra chém, thiên hạ thấy Trác chết mà nhảy múa ăn mừng. Có một điều đặc biệt là trước khi Trác vào cung dự buổi chầu định mệnh hôm bị ám sát đã có rất nhiều điềm báo chẳng lành. Kể rằng, khi Trác mới bước lên xe, con ngựa đã lồng lên hất y ngã xuống đất làm quần áo lấm lem hết. Trác phải về nhà thay quần áo, có người vợ trẻ khuyên Trác đừng vào chầu nhưng Trác không nghe, tiếp tục lên đường vào cung. Đi chưa được 30 dặm, chiếc xe của Trác đột nhiên gãy một bánh, Trác phải cưỡi ngựa. Sau đó lại thấy mây đen gió dữ nổi lên ầm ầm, đen kịt cả bầu trời. Tất cả đều là điềm báo Trác phải chết, vậy mà Trác vẫn cứ vô tư đi vào núi đao biển lửa. Âu cũng là quả báo nhãn tiền vậy!

Một con người vụng về, thô lỗ và kém cỏi về quyền mưu như Trác thế mà lại mở ra cả một thời Tam Quốc đầy rẫy anh hùng hào kiệt? Nói ra thực là chuyện đáng cười, đáng cười. Nhưng lịch sử là như vậy, dẫu là điều trớ trêu song cũng là đã được ý Trời an bài. Chẳng phải câu chuyện của Đổng Trác ngay đầu tiên đã nhắc người ta về thiên lý nhân quả báo ứng đó sao? Kẻ mạnh mà hành ác thì cuối cùng cũng tự đào huyệt chôn mình. Bởi vì chẳng có kẻ nào mạnh hơn thiên lý, mạnh hơn nhân quả. Đổng Trác chết để lại bài học đầy sinh động cho những quyền thần, chư hầu sau này biết cách ứng xử trong thời loạn. Dùng một kẻ vô tín, vô nghĩa để mở ra một thời đại của tín nghĩa, La Quán Trung quả thực là có một bút pháp cao siêu! 

Bạn đang đọc bài viết: “Luận đàm Tam Quốc (Kỳ 1): Đổng Trác và cái chết đã được báo trước” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||41fd9f6bb__