“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng?”

(Ca dao)

Từ xưa đến nay, mối quan hệ mẹ kế – con chồng vẫn thường gợi nhắc tới những câu chuyện oan trái, thương tâm. Từ cô Tấm bị dì ghẻ ghen ghét hãm hại, vợ kế của Phạm Công đuổi hai con nàng Cúc Hoa đi ăn mày… tới những chuyện đời nay như mẹ kế tranh giành tài sản với con chồng, con chồng hỗn hào với mẹ kế. 

Người ta thường đứng vào vị trí của người con chẳng may mất mẹ ruột mà thương xót, cảm thông; trong khi thực ra, làm mẹ kế cũng gặp nhiều cái khó. Để có được lòng tin, sự kính trọng và yêu thương của con chồng, người mẹ kế phải vô cùng nỗ lực.

Dưới đây là một câu chuyện có thật trong lịch sử về một người mẹ kế đã cảm hoá những đứa con của chồng mình bằng lòng nhân ái và trí tuệ của bà.

***

Ngụy Mang từ mẫu là con gái của Mạnh Dương thị nước Ngụy, là vợ kế của Mang Mão. Bà có ba người con, vợ trước có năm người con, đều không yêu mến bà. Tuy Từ mẫu đối xử với chúng rất tốt, nhưng chúng vẫn không yêu mến bà. Thế là Từ mẫu để cho con đẻ của mình ăn mặc khác với năm người con của vợ trước, cuộc sống sinh hoạt kém xa với con của người vợ trước, nhưng con của người vợ trước vẫn không yêu mến bà. 

Sau này, một người con của người vợ trước vi phạm pháp luật của Vua Ngụy bị xử tội chết. Từ mẫu vô cùng lo âu, do vậy gầy rộc người đi, vòng eo giảm hơn thước, hàng ngày bận rộn bôn ba khắp nơi để cứu đứa con phạm tội. Có người nói với Từ mẫu:Con người ta vốn không quý mến bà. Sao bà lại vì chuyện của nó mà bận tâm lo lắng đến mức này?”. 

Từ mẫu nói: “Nếu như là con đẻ của ta, cho dù không yêu quý ta, ta cũng phải cứu nó, giúp nó tránh khỏi tai họa. Đối với con của vợ trước lại không làm như vậy thì có khác gì với những người vợ kế bình thường! Cha của chúng do chúng mất mẹ trở thành mồ côi nên mới lấy ta làm mẹ kế của chúng. Mẹ kế cũng là mẹ. Người làm mẹ mà không yêu con, vậy có được coi là từ ái không! Chỉ yêu thương con đẻ của mình, không yêu thương con vợ trước của chồng, vậy có được coi là nhân không! Không từ ái lại không nhân nghĩa, sao có thể đứng trong thế gian. Tuy chúng không yêu quý ta, nhưng ta sao có thể quên hết nhân nghĩa được!”. Thế là vẫn bôn ba khắp nơi để cứu con chồng.

Ngụy An Ly Vương biết được việc này, thấy bà là người cao thượng lại có tình nghĩa, bèn nói: “Có người mẹ hiền như này, sao có thể không cứu con của bà!”, thế rồi tha người con phạm tội, thả nó về nhà. 

Từ đó về sau, năm người con của vợ trước thân cận, nương tựa vào Từ mẫu, cả nhà vui vẻ hòa thuận. Từ mẫu thường dùng lễ nghĩa tận tâm dạy bảo tám người con. Sau này họ đều trở thành các quan đại phu, khanh sĩ của nước Ngụy. Mỗi người đều tự lấy lễ nghĩa để lập thân, có được thành tựu.

Bậc quân tử nói Từ mẫu có thể dùng một tấm lòng để nuôi dưỡng các con. Kinh Thi có nói: “Thi cưu tại tang, kỳ tử thất hề. Thục nhân quân tử, kỳ nghi nhất hề, kỳ nghi nhất hề, tâm như kết hề”. Dịch thơ như sau:

Chim cú nó đậu cành dâu,
Thêm đàn cu nhỏ đếm đầu bảy con.
Thục nhân quân tử sắt son,
Trước sau như một há mòn mỏi vay.
Trước sau một dạ chẳng thay,
Như gắn như bó, lòng này thủy chung. 

Ý nói nhân tâm đồng nhất, chim cu dùng cái tâm như nhau để nuôi bảy con. Người quân tử dùng lễ nghĩa như nhau để dưỡng dục vạn vật. Một lòng có thể phụng sự trăm Vua, mà trăm tấm lòng (trăm tư tưởng) không thể phụng sự một Vua là có ý nói điều này. 

Lại có thơ khen rằng: “Mang Mão chi thê, ngũ tử hậu mẫu, từ huệ nhân nghĩa, phù dưỡng giả tử, tuy bất ngô ái, quyền quyền nhược thân, kế mẫu nhược tư, diệc thành khả tôn”.

Tạm dịch: Vợ của Mang Mão, mẹ kế năm con, hiền từ nhân nghĩa, nuôi dưỡng con chồng, tuy không yêu mình, vẫn coi như con đẻ, mẹ kế như vậy, đáng được tôn kính.

***

Qua câu chuyện của Nguỵ Mang từ mẫu, chúng ta có thể thấy rằng duyên phận mẹ kế – con chồng tồn tại những oan oán từ kiếp trước, khiến kiếp này muốn hoà thuận với nhau không dễ. Thói thường, con chồng sẽ cảm thấy không thoải mái khi có một người phụ nữ lạ xen vào cuộc sống gia đình mình, gần gũi cha mình, chiếm giữ vị trí của mẹ mình. Mẹ ruột có thể đánh có thể mắng, còn mẹ kế chỉ cần nghiêm khắc giáo huấn một chút dễ dàng bị mang tiếng là “ác”. 

Đối với thiện duyên, người ta có thể gắn bó với nhau một cách vui vẻ tự nhiên; còn đối với ác duyên như mẹ kế – con chồng, người trong cuộc cần dùng Thiện tâm và lòng Nhẫn nại Chân thành để cảm hoá. Quá trình Nguỵ Mang từ mẫu kiên trì đối xử tốt với con của người vợ trước, bất chấp việc bà bị họ lạnh nhạt, cũng là quá trình tiêu trừ, chuyển hóa nghiệp lực, oan oán từ kiếp trước giữa đôi bên. Do Nguỵ Mang từ mẫu có thể kiên định một lòng, chiểu theo đạo lý mà làm, chứ không thuận theo cảm xúc tư lợi mà làm, nên cuối cùng đã cảm động được cả quân vương, từ đó nhận được sự yêu kính của con chồng.

(Tham khảo: “Liệt Nữ truyện” của Lưu Hướng thời Tây Hán)

Thanh Ngọc