Trước đây có một người đàn ông họ Vương. Ông là một người tốt bụng, nhiệt tâm giúp người, một lòng hướng Phật, vậy nên mọi người đều quý mến ông, và gọi ông là “Vương Thiện Nhân”. 

Một ngày kia, ông Vương Thiện Nhân đến chùa xin một quẻ xăm, xem xem khi nào mình có thể tu thành chính quả. Lão hòa thượng trong chùa bảo ông rằng: “Ông phải ngày ngày lễ bái dâng hương, thờ phượng Đức Phật. Khi nào được một bao tải tàn hương rồi, ông có thể mang số tàn hương đó đến Tây Phương và dâng lên cho Đức Phật Tổ. Khi đó ông sẽ đắc đạo”.

Sau khi về nhà, Vương Thiện Nhân thành tâm làm y theo lời lão hòa thượng, hàng ngày dâng hương lên bức tượng Phật, cẩn thận thu thập chút tàn hương một. Góp nhặt từng ngày, cuối cùng sau bao nhiêu năm chờ đợi mỏi mòn, ông cũng đã tích lũy được một bao tải tàn hương. Ông bèn mua một con lừa, cho bao tàn hương lên trên lưng con lừa, hân hoan lên đường.

Vương Thiện Nhân cùng con lừa đi một ngày đường, mắt thấy mặt trời đã sắp xuống núi, cổ họng cũng đã khát khô, sắc trời tối dần, liền chuẩn bị tìm một quán trọ tá túc qua đêm. Bỗng ông thấy trên đường phía tây có một ông lão đang đứng chắn giữa đường đi, ông lão hỏi: “Ông là người ở đâu, tên họ là gì? Mang theo đồ vật nhiều thế để làm gì vậy?”. Vương Thiện Nhân nhất nhất trả lời các câu hỏi của ông lão.

Ông lão nói: “Thế thì tốt quá, chúng ta là người cùng đường cả, ắt là có duyên rồi. Giờ tôi có chuyện muốn nhờ, không biết ông có nhận lời không?”.

Vương Thiện Nhân hỏi chuyện gì, ông lão nói: “Tôi đã đi bộ cả một ngày trời, hiện giờ quả thật không thể đi nổi nữa, mong ông đồng ý cho tôi cưỡi lừa một đoạn, không biết có được không?”. Nghe vậy, Vương Thiện Nhân không khỏi băn khoăn, nhưng ông lại nghĩ: “Mình đã là người tu đức hành thiện, trông thấy người ta mệt mỏi như vậy, lẽ nào lại làm ngơ không giúp”. Ông bèn sang nửa bao tàn hương trên lưng con lừa vào một cái bao khác để mình vác, rồi bảo ông lão cưỡi lên lưng lừa tiếp tục cuộc hành trình.

Ảnh minh họa: Thecreative.

Ông lão ngồi trên lưng lừa, cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn hẳn, bèn hỏi Vương Thiện Nhân: “Này! Khi nãy ông nói là đi đâu vậy? Ông xem tôi lớn tuổi như vậy rồi, thành ra đãng trí quá, mới đó đã quên rồi!”.

Vương Thiện Nhân lại nhẫn nại nói với ông lão: “Tôi đang đi tây phương bái kiến Phật Tổ để tỏ rõ lòng thành của tôi”.

Ông lão nói: “Ồ! Tôi hiểu rồi!”.

Trời tối, hai người cùng nghỉ chân tại một khách điếm. Vương Thiện Nhân trầm tư, dẫn theo một ông lão như vậy, vừa chậm lại vừa mệt, không biết đến khi nào mới đến được Tây Thiên diện kiến Phật Tổ? Không được, sáng mai ta phải khởi hành thật sớm để cắt đuôi ông lão phiền phức này.

Trời tờ mờ sáng, Vương Thiện Nhân liền rón rén dắt theo con lừa, mang theo bao tàn hương lặng lẽ lên đường. Đi đến cổng làng  phía tây, chợt thấy ông lão đã chờ sẵn ở đó, ông lão lớn tiếng gọi: “Này! Vương Thiện Nhân, ông làm vậy là sao. Tôi thấy ông mặt mày hiền lành, nếu chúng ta đã có duyên đi chung con đường, sao ông nỡ lòng nào bỏ lại người bạn đồng hành không một lời từ giã? May mà tôi dậy sớm mới không lỡ việc. Nào! Nào! Nào! Hãy để tôi cưỡi lừa đi thêm một đoạn nữa nhé!”.

Vương Thiện Nhân không tiện từ chối, đành để ông lão cưỡi trên con lừa, còn mình thì vác nửa bao tàn hương trên lưng.

Ông lão vừa đi vừa hỏi: “Ôi, hỏng thật rồi! Ông xem tôi già như vậy rồi, thành ra lú lẩn hết cả. Hôm qua mới hỏi ông xong, hôm nay lại quên sạch cả rồi. Ông có thể nói cho tôi biết ông đến Tây Thiên để làm gì vậy?”. Vương Thiện Nhân lòng không khỏi bực bội, đáp lại cộc lốc rằng: “Đến Tây Thiên bái Phật”.

Một lúc sau, ông lão lại hỏi: “Ôi, không xong rồi! Tôi chỉ nhớ ông là Vương Thiện Nhân thôi, còn ông đi đâu, tôi thật sự không sao nhớ nổi nữa, phiền ông nói lại lần nữa được không?”.

Vương Thiện Nhân lửa giận bốc lên, nhưng đứng trước một người “nhiệt tình” lại lớn tuổi như vậy, thì không cách nào bùng phát được, ông đành nén cơn giận lại trả lời một lần nữa.

Một ngày từ sáng đến tối như vậy, cùng một câu mà không biết ông lão đã hỏi bao nhiêu lần. Vương Thiện Nhân tức muốn nổ tung. Khó khăn lắm mới đợi đến trời tối, ông tìm quán trọ nghỉ chân, ăn cơm, dưỡng thần. Vương Thiện Nhân liền nghĩ: “Lần này dù nói thế nào cũng phải dậy sớm chuồn sớm để cắt đuôi ông lão phiền phức này!”. Ông cho lừa ăn uống no nê. Sáng hôm sau chưa đến canh ba, liền cho bao tàn hương lên lưng con lừa, rồi mò mẫm đi trong đêm khuya.

Ai ngờ vừa mới ra đến cổng, thấy thấp thoáng bóng người chặn ở cổng: “Ông Vương Thiện Nhân ơi là ông Vương Thiện Nhân, ông mang trên người cái tên này, sao lại không làm người hành thiện! Chúng ta kết bạn đồng hành, tôi thì tuổi tác đã cao, chân tay lại chậm, ông nỡ lòng nào bỏ tôi lại mà đi một mình. Ngày sau sớm hơn ngày trước đều muốn bỏ rơi tôi, sao ông lại nhẫn tâm như vậy?”.

Hết cách, Vương Thiện Nhân đành phải nén cơn tức giận, lại sang nửa bao tàn hương trên lưng lừa ra một nửa để mình vác. Ông lão ngồi trên lưng lừa, đi chưa được vài bước, ông lại hỏi: “Ông Vương Thiện Nhân này, ông lặn lội ngày đêm, rốt cuộc là đang đi đâu vậy, ông có chuyện gấp gì sao? Có thể cho tôi biết được không?”.

Ông Vương Thiện Nhân nhất thời lửa giận bộc phát: “Tôi nói cái ông lão nhà ông, không biết đến nỗi khổ của người khác ư? Tôi đã cho ông cưỡi lừa, còn tôi thì đi bộ, hơn nữa còn phải vác cả nửa bao tàn hương trên lưng, vừa khổ vừa mệt. Chỉ mình ông không biết tốt xấu, hỏi hết lượt này đến lượt khác. Dẫu mồm ông hỏi không mệt, nhưng tôi trả lời mệt lắm đó, ông có biết không hả?”. Sau đó ông còn bù thêm một câu: “Lẽ nào lương tâm của ông bị chó tha mất rồi!”.

Lúc này, ông lão nhẹ nhàng nhảy xuống lưng lừa, chỉ Vương Thiện Nhân nói: “Ông về đi, không cần phải đến Tây Thiên nữa đâu. Đức Phật sẽ không thu nhận loại người ‘tu thiện’ như ông đâu”. Nói xong, ông lão bay lên không trung, biến mất trên bầu trời phía tây.

Vương Thiện Nhân giật mình tỉnh ngộ: Thì ra ông lão này chính là Đức Phật biến hóa để khảo nghiệm ông! Ngồi trên mặt đất, đấm ngực dậm chân, ân hận vô cùng, nhưng nào có ích gì đây?

Ảnh minh họa: Thereaderwiki.

***

Người tu hành hoặc mang tâm muốn tu luyện đều phải quý trọng đức “Nhẫn”. Nhẫn khó nhất là với những chuyện vặt vãnh, tưởng chừng vô cùng nhỏ mọn, lại lặp đi lặp lại đến… phát ngán, chán chường. Nhưng nhẫn chịu qua được những khảo nghiệm nhỏ nhoi ấy lại đòi hỏi người ta càng phải có một ý chí kiên cường hơn. Người xưa nói: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu”, việc nhỏ không nhịn được ắt là hỏng việc lớn. Cho nên phàm là người ôm chí lớn thì lại càng phải có lòng nhẫn chịu và ý chí kiên định lớn hơn. Nhẫn chính là chìa khoá trong ứng xử đời thường, cũng chính là chìa khoá mở ra những cơ hội mới. 

Vũ Dương
Theo Sound of Hope

Video: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__

Từ Khóa: