Đời người mấy ai dám khẳng định là đều hanh thông, như ý. Họa phúc vốn luôn song hành, nhưng đắc ý hay thất trí là nhờ thấu hiểu đạo lý mà lựa chọn, từ đó có được cuộc sống nhẹ nhàng, thản đãng tựa mây trời.

Hạnh phúc như ý là mong ước lớn nhất cả đời người, muốn đời người vui vẻ, hãy học Tô Đông Pha. Cuộc sống không được như ý, hãy hiểu cách sống của Quách Tử Nghi. Trong số các hiền nhân cổ xưa, có lẽ đây là hai vị có cuộc sống bình thản, phúc lộc song toàn, biết hưởng thụ đời người với những triết lý sống đều rất đáng để học tập.

Tô Đông Pha: “Trong thiên hạ không có ai là người không tốt”

Tận hưởng cuộc sống không có nghĩa là một người được sở hữu, hưởng thụ nhiều vật chất, hoặc có được danh tiếng và địa vị xã hội lớn.

Tận hưởng cuộc sống có nghĩa là sống một cuộc sống thanh nhàn, đồng thời bất kể là thuận cảnh hay nghịch cảnh vẫn từ đó khám phá ra được những điều hạnh phúc. 

Tô Đông Pha đối xử với mọi người với sự nhiệt tình và chân thành, ông chưa từng phòng bị ai, thậm chí đã nói với em trai mình rằng: “Trước mắt ta, trong thiên hạ không có ai là người không tốt”.

Phần lớn cuộc đời của Tô Đông Pha đều ở trong cảnh bị giáng chức mà phải bươn bả, vật lộn sinh sống. Nhưng nó vẫn không thể làm khó một người đầy lạc quan như ông. Tô Thức luôn tìm thấy được sự nhàn nhã trong lúc mưu sinh.

Bị bãi chức quan và bị điều về Hàng Châu, Tô Đông Pha đã tự khai khẩn đất hoang, trồng rau, nuôi cá, xây đập, tưới tiêu, ông nhờ người nhà mang các loại giống cây trồng quê hương Tứ Xuyên về trồng.

Nhưng ông không có một chút gì gọi là không vui cả, ông cho rằng, tránh xa tranh chấp là tiến lại gần với cuộc đời an nhàn, mỗi ngày đều ngủ đến lúc tự tỉnh, mưa thì nghỉ, nắng mới làm việc… Khi ăn rau do chính mình trồng ra, ông nói: “Đây là vị thanh đạm nhất của thế gian”.

Tranh vẽ Tô Đông Pha đến ngắm cảnh tại Xích Bích (ảnh: Sohu).

Trước vẻ đẹp của thiên nhiên, ông tự hào nói: “Non nước trăng gió, vốn không có chủ, người an nhàn chính là chủ nhân”. Ông cũng là chuyên gia ẩm thực tài ba, những món Đông Pha thịt, Đông Pha giò, đều là do ông phát minh ra. Tô Thức có lúc còn tự may mũ Đông Pha đội đi khắp nơi. Ông tự nhận là “nguời không được thời”, nhưng không uất hận, yếm thế. Ông vì dân chúng mà tự xây dựng công trình thuỷ lợi, đối với những tranh chấp trong triều đình đều không can dự nhưng có can đảm nói thẳng trước cái xấu. 

Đối với sự ngăn trở, đả kích của thế nhân, trong mắt ông nó tựa hồ cũng như đang đi đường thì gặp mưa, mưa thì trú tạm vậy. Trước khi lâm chung, ông còn nói: “Cả đời ta chưa từng mơ thấy ác mộng, tin chắc rằng chết sẽ không xuống địa ngục”.

Quách Tử Nghi: Để cửa nhà luôn rộng mở

Trong lịch sử của Đường triều, Quách Tử Nghi đã sống qua 4 đời vua, ông liên tục để lại công đức của mình cho những người đời sau và được sắc phong là “Trung hưng danh tướng”, “Nguyên lão tứ triều”, cuối cùng được phong chức Phần Dương quận Vương.

Quách Tử Nghi có địa vị rất cao trong xã hội, có 8 người con trai và 7 người con gái, tất cả đều có địa vị cao trong triều, con cháu có hơn 90 người, cả gia đình có hơn 3.000 thành viên.

Quách Tử Nghi không chỉ giàu có mà còn sống rất thọ, ông qua đời năm 85 tuổi, để lại rất nhiều tiếc nuối cho người đời. Có thể nói, cả đời Quách Tử Nghi, phúc lộc đều có cả, cũng là một trong những trung thần của lịch sử.

Nhưng cuộc đời Quách Tử Nghi không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, vạn sự như ý. Sở dĩ ông có thể làm chủ số phận của mình bởi vì ông lương thiện, lại biết tiến biết lui, tự tạo vận may cho bản thân.

Trong cuộc binh biến Loạn An Sử, rất nhiều người đã khuyên nhà vua nên lấy lại binh quyền từ tay ông, nếu không ông sẽ tạo phản. Vua liền hạ lệnh giao binh quyền ra, ông làm theo, tất cả quân đội đều trao cho nhà vua chỉ để là vài chục binh lính già yếu về quê trồng rau, nuôi gà.

Quách Tử Nghi là danh tướng phục quốc lẫy lừng của nhà Đường (ảnh: Jianshu).

Sau này Tây Khương tạo phản, không ai có thể chống trả, nhà vua lại hạ lệnh cho ông xuất binh. Trong tay ông, đến một binh lính khỏe mạnh cũng không có, nhưng nhận được chiếu chỉ liền mặc áo giáp, mang theo những người lính già yếu lên đường. Cả chặng đường, ông chiêu mộ binh lính, chẳng mấy chốc mà ông có cả một đoàn quân tinh nhuệ.

Sau khi dẹp loạn Tây Khương ông lại giao nộp quân đội, về nhà cùng với những người binh lính già yếu tiếp tục công việc nhà nông. Hoàng đế nhìn thấy ông không có lòng tạo phản, hơn nữa an định thiên hạ chỉ có ông mới có thể làm được, nên mới trọng thưởng và phong Vương cho ông.

Làm đến vương hầu nhưng Quách Tử Nghi không hề phô trương thanh thế, mà kiểm soát rất chặt gia đình mình, dạy dỗ con cháu không được làm gì trái với đạo đức. 

Ông có một người con trai lấy công chúa, hai người xảy ra tranh chấp, cãi nhau. Công chúa liền nói: “Cha ta là hoàng đế”. Con trai ông nói lại: “Cha ta có cho làm hoàng đế ông ấy cũng không làm”. Công chúa liền đến hoàng cung cáo trạng, nói Quách Tử Nghi phạm thượng, kiêu ngạo đến cả chức vua cũng không thèm làm, hơn nữa quân đội trong tay ông ta còn lớn hơn quân đội của vua. Cuối cùng, Quách Tử Nghi phải tự tay trói con trai mình đưa lên triều chịu tội.

Vương phủ của Quách Tử Nghi rất khác với những vương phủ khác vì ông lúc nào cũng mở rộng cửa để mọi người ra vào, điều này khiến các con ông phàn nàn rằng bất tiện. Quách Tử Nghi liền nói:

“Vị thế, quyền lực và danh tiếng của gia đình ta đã lên đến đỉnh cao. Nếu chúng ta đóng cửa không giao du với ai, nếu ai đó ghen tị với gia đình ta, rồi cố tình giá họa, điều tiếng không hay truyền đến tai hoàng thượng, làm không tốt thì cả gia đình sẽ mất đầu. Nay cửa nhà ta rộng mở, mặc người ra vào, hết thảy đều rõ ràng trước mắt mọi người, ai muốn hại ta chẳng phải là sẽ không viện được cớ gì?”.

Tô Đông Pha và Quách Tử Nghi dạy chúng ta về cách sống vô ưu, không lo lắng và lý niệm về thế nào là cuộc đời như ý cát tường. Học theo phương châm sống của họ, có thể có được nhiều hạnh phúc hơn, ít rắc rối hơn, nhiều thành công hơn, ít thất vọng hơn, nhiều vui vẻ hơn, và tất cả thống khổ đều trở thành hồi ức mà thôi.

Ngọc Linh
Theo Aboluowang