Đào Uyên Minh xưa nổi tiếng với câu: “Thải cúc đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn” (Hái hoa cúc dưới bờ rào phía đông, nhàn nhã ngắm núi ở phía nam). Phong cách sống và cảnh giới tâm hồn như vậy đã khiến cho không ít văn nhân nhã sĩ yêu thích và say mê; mà một phần quan trọng của sắc thái sinh động trong cảnh giới này chính là do hoa cúc tạo thành.

Văn hóa vẽ tranh hoa cúc

Phong thái thưởng thức hoa cúc từ trước đến nay của người dân phương Đông luôn rất thịnh. Mỗi khi mùa thu tới, hoa cúc cũng đúng hẹn nở ra, khoác lên mùa thu một trang phục rực rỡ, trong suốt không gì sánh kịp. Con người thường sử dụng văn học, thơ ca, hội họa hay những món đồ thủ công để thể hiện sự trân trọng và ca ngợi nó.

Hoa cúc có một nét đặc biệt: trong những ngày cuối thu, sau khi muôn hoa khác đều héo tàn, thì là lúc hoa cúc nở giữa trời sương lạnh. Sự đặc sắc này đem lại sự hãnh diện riêng cho loài hoa này; không sợ sương gió là tinh thần của loài hoa này, được nhiều người tán thưởng; vì thế mà hoa cúc được gọi như một vị quân tử, cùng với mai, lan, trúc xưng thành “Tứ quân tử”.

“Ngũ sắc cúc hoa đồ” – Uẩn Thọ Bình (nhà Thanh). (Ảnh: epochtimes)

Hoa cúc vừa có thể đưa vào thơ ca, vừa có thể đưa vào hội họa. Nhiều văn nhân nhã sĩ đều thích vịnh ngâm cúc, nhiều họa gia cũng thích vẽ cúc. Trong “Tuyên cùng họa phổ” có ghi lại: nhà Tống có danh gia Vàng Thuyên, Triệu Xương, Từ Hi, Đằng Xương Hữu, Hoàng Cư Thải từng vẽ hoa cúc, đặc biệt có bức “Hàn cúc đồ”. Đến thời Nguyên, thời Minh, tranh thủy mặc hưng thịnh, sự thể hiện của hoa cúc lại càng được biểu hiện mạnh mẽ hơn nữa, nội hàm cũng sâu hơn, hoa cúc trở thành một chủ đề phổ biến. Xin mời quý độc giả cùng thưởng thức vài bức họa hoa cúc của các họa gia nổi tiếng qua các triều đại.

“Cúc hoa đồ” – Trương Đồng Tằng (nhà Thanh)

“Cúc hoa đồ” – Trương Đồng Tằng (nhà Thanh) Hiện đang được cất giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Kinh. (Ảnh: epochtimes)

Bức họa bao gồm bốn màu hoa cúc: hồng, vàng nhạt, trắng kết hợp xanh lá và tím đậm. Cách dùng bút ngay ngắn, màu sắc thanh tú nhã nhặn. Phần viết chữ là bắt chước phương pháp của Uẩn Thọ Bình.

Trên phương diện kỹ thuật và khí vận, Trương Đồng Tằng cũng bắt chước Uẩn Thọ Bình, hình ảnh hiện lên thanh tú đoan trang, khiến người thưởng thức có cảm giác tinh thần sảng khoái, cảm giác thư thái. Đặc biệt là khi vẽ các cánh hoa, ông trực tiếp lấy màu sắc của bông hoa để tạo đường viền, tăng thêm độ nhọn của cánh hoa, những đường cong của cánh hoa rất đều đặn và cân đối nhau; cả đóa hoa trở nên trong suốt óng ánh lạ thường.

Bố cục của bức họa này cũng rất sáng tạo, trong bốn cành hoa, Trương Đồng Tằng đã sắp xếp một cành nằm ngang, nhìn giống như hàng rào bụi cúc trước cửa nhà, do mọc rất cao và không có sự chống đỡ kịp thời nên xuất hiện trang thái nghiêng ngả. Đây là sự sắp xếp khôn khéo của họa gia, khiến toàn bộ bức tranh hiện lên một cách tự nhiên và thú vị.

Một góc bức “Cúc hoa đồ” – Trương Đồng Tằng (nhà Thanh) Hiện đang được cất giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Kinh. (Ảnh: epochtimes)

Màu sắc của những phiến lá cũng là nơi mà Trương Đồng Tằng đặt tâm tư và thời gian để vẽ; mặt trái và mặt phải của lá có thể thấy những biến hóa về màu sắc rõ ràng, đậm nhạt riêng biệt, tiếp theo là phần gân lá cũng được họa sĩ khắc họa rõ nét.

“Cúc tùng phi điệp đồ” – Chu Thiệu Tông (nhà Tống)

“Cúc tùng phi điệp đồ” – Chu Thiệu Tông (nhà Tống). (Ảnh: epochtimes)

Ở phía bên cạnh bức tranh có đề ký: “Chu Thiệu Tông cúc tùng phi điệp”. Chúng ta có thể nhìn thấy một vài loại hoa cúc khác nhau đang thi nhau nở rộ, chen chúc nhau rực rỡ hoa mỹ, mang khí chất rất sang trọng, tao nhã.

Điều nổi bật nhất của bức họa này là những bông hoa có những hình dáng và màu sắc khác nhau, mỗi đóa đều thể hiện một sinh mệnh cùng cá tính tươi sáng, chúng đều muốn bộc lộ những nét riêng của mình.

Nhìn vào bông hoa to tròn ở trên đỉnh,thấy cánh hoa tự nhiên hướng về phía sau chống đỡ; một đóa hoa khác với phương hướng bất đồng đưa nhụy họa hướng ra ngoài, đây lại là một tư thế khác. lúc này một con bướm vô tình bay tới, là là hạ xuống. Những bông hoa có tư thế khác nhau như vì quá phấn khích khi thấy con bươm bướm tới, nên tranh nhau hé nhìn. Có bao nhiêu bông hoa thì có bấy nhiêu tư thế khác nhau. Nếu như ai có thể hiểu được ngôn ngữ của loài hoa, không biết lúc đó họ sẽ nghe được chúng nói những gì?

“Cúc thạch đồ” – Ngô Xương Thạc (nhà Thanh)

“Cúc thạch đồ” – Ngô Xương Thạc (nhà Thanh). (Ảnh: epochtimes)

Ngô Xương Thạc thường bố trí bức họa theo kết cấu đường chéo, nhìn vào bức tranh ta có thể thấy rõ đường chéo này. Bức tranh này thuộc về bản vẽ tự do, phía trên đỉnh bức tranh được khởi đầu bởi một đóa đại cúc vàng; cánh hoa được vẽ nhờ kết hợp giữa hai móc đôi, sau đó sử dụng mực đậm để điểm lá. Phía bên dưới là một tảng đá lớn; vẽ bề mặt của đá sử dụng “suân pháp” (một lối vẽ của Trung Quốc, đặt nghiêng ngọn bút lông quệt mực khô nhạt để thể hiện vân đá và mặt nam mặt bắc của núi, sau khi phác ra đường nét chung) theo lối đơn giản, vừa vặn khai thông cho khóm hoa bên dưới phồn thịnh. Những chiếc lá dùng mực đậm đã làm nổi bật đóa hoa.

Ngô Xương Thạc đã dùng bút pháp viết chữ triện để vẽ hoa cúc, với tinh thần hiên ngang cứng cỏi trong bút pháp thể hiện trên hoa cúc hết sức xuất sắc. Ông còn sử dụng bút pháp phong cách phía bắc để tăng thêm ý vị. Phong cách vẽ của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến bậc thầy thư pháp và hội họa Tề Bạch Thạch sau này.

“Cúc tửu duyên niên” – Tề Bạch Thạch

“Cúc tửu duyên niên” – Tề Bạch Thạch. (Ảnh: epochtimes)

Tề Bạch Thạch là một bậc thầy với nhiều thành tựu cao trong các lĩnh vực cũng như các đề tài về hội họa. Những bức tranh sơn thủy, hoa điểu, trùng cá, nhân vật, thư pháp, khắc chữ v.v. không một điều gì mà ông không tinh thông, tất cả mọi lĩnh vực đều cực kì xuất sắc. Ông cùng Ngô Xương Thạc đã mở rộng kỹ thuật hội họa khi đưa cách viết thư pháp vào trong tranh, khiến thư họa hợp nhất, khắp nơi đều triển hiện sự khoáng đạt không trói buộc, trầm hậu rộng rãi. Trong cách bố trí, sử dụng màu sắc và múa bút vận mực đều mang tính thẩm mỹ sâu sắc, chỉ cần một bút một giấy, ở đâu cũng có thể vẽ theo ý muốn.

Hoa cúc của ông phần lớn đều mang nhiều màu sắc hồn nhiên phong phú. Cánh hoa cùng lá cây đều đậm mực và mạnh mẽ, đều là “bút hàm mực bão”, vang vang có lực. Bình rượu phía sau sử dụng phương pháp vẽ không cần khung viền mà thành, đều màu xám bạc nhạt; thân bình được tạo hình tròn đều đặn, khiến cho người xem cảm thấy một cái đẹp dịu dàng. Họa gia sắp xếp bình rượu lui về phía sau hoa lá có dụng ý là mượn sức nặng của bình rượu tạo một bối cảnh vững chắc cho chủ thể hoa lá.

Thư pháp và khắc chữ triện của ông cũng vô cùng đặc sắc, chúng ta có thể nhìn thấy bốn chữ triện lớn nhất trên bức họa “Cúc tửu duyên niên”, lực bút được cân bằng tốt. Hơn nữa Bạch Thạch còn có một tinh thần hài hước, ông đem các bộ thủ đầu tiên trong chữ “Tửu” (bộ chấm thủy) tạo thành hình như dòng nước chảy, lối viết này tự nhiên mang đến một mạch nước lưu động đẹp đẽ.

Trong những bức họa hoa cúc của cổ nhân, bất kể là bướm, đá tảng hay, rượu tới làm bạn, đều luôn làm nổi bật tinh thần dũng mãnh trước sương gió của loài hoa cúc. Hoa cúc kiêu ngạo trước gió rét lạnh giá là một nét quen thuộc trong văn hóa truyền thống phương Đông. Từ thế giới hàng trăm, nghìn năm trước của những họa sĩ, văn nhân, cho đến tận bây giờ, cúc quân tử vẫn luôn có một vị trí quan trọng trong con mắt người dân nước Hoa Hạ.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch