Hồng Lâu Mộng, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim và thu hút được sự chú ý của nhiều thế hệ độc giả. Được đánh giá là một trong tứ đại kỳ thư có giá trị lớn trong kho tàng nghệ thuật Trung Hoa, Hồng Lâu Mộng một lần nữa cho người đời thêm hiểu về cảm ngộ danh lợi ở đời như kiếp bèo trôi, vinh hoa phú quý là hư vô thoảng phất, tình ái ngọt ngào như gió thổi mây trôi.

Là một tác phẩm tiểu thuyết ra đời vào khoảng giữa thế kỉ XVIII, đời nhà Thanh, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần sáng tác, Hồng Lâu Mộng là một tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về một danh gia vọng tộc. Xoay quanh chuyện tình trắc trở của cặp trai gái con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời Minh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy tàn trong vòng tám năm. Tác phẩm miêu tả sâu sắc và rõ nét về cuộc sống vương giả trong nhung lụa của hai phủ dòng họ Giả.

(Ảnh: imdb.com)

Số phận định mệnh của con người không thể nào thoát khỏi sợi dây ràng buộc vô hình mà thắt chặt, đó chính là nhân duyên

Tiểu thuyết mở đầu bằng một huyền thoại: Nữ Oa luyện đá ngũ sắc vá trời, luyện được năm vạn lẻ một viên. Viên linh thạch còn thừa được đưa về trời chăm sóc cây tiên Giáng Châu. Thần Anh và Giáng Châu duyên nợ, chịu ơn nhau nên phải đầu thai xuống hạ giới để “lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại cho chàng“. Từ đó dẫn ra bao nhiêu oan gia phong lưu đều phải xuống trần để trả duyên nợ, sinh ra bao nhiêu chuyện sau này.

Đá thiêng hóa thành Giả Bảo Ngọc. Cây thiêng hóa thành Lâm Đại Ngọc.

Ngay từ khi mở đầu cho tác phẩm, người đọc đã thấy được một mối nhân duyên vô cùng lớn mà hình thành lên món nợ tình nghĩa giữa đá thiêng và cây thiêng. Mối duyên tình chưa trả hết thì nay đắc thân người mà một đời trả sạch món nợ ân nghĩa.

(Ảnh: blogspot.com)

Phủ Vinh quốc cho xây dựng vườn Đại quan cực kì tráng lệ huy hoàng. Khu vườn Đại quan này chỉ dành cho 12 cô tiểu thư xinh đẹp của hai phủ Vinh và phủ Ninh lui tới vui chơi, Giả Bảo Ngọc là cậu ấm duy nhất được lui tới và tìm được người tâm đầu ý hợp là Lâm Đại Ngọc. Nhưng mọi người trong gia đình không muốn cuộc hôn nhân này diễn ra.

Lâm Đại Ngọc là người con gái dung mạo tuyệt sắc, là một tâm hồn thi phú đích thực nhưng vô cùng nhạy cảm và mảnh mai, lại cám cảnh ăn nhờ ở đậu nên tính tình càng thêm sầu bi, cô độc. Cho nên nàng thương hoa, khóc hoa, chôn hoa, tâm hồn nàng như một sợi tơ đàn mảnh mai, bất kể một giọt mưa thu hay tơ liễu bay đều âm vang một điều bi thương đứt ruột. Nàng cho rằng Bảo Ngọc không cần thi cử làm quan, lánh xa công danh phú quý.

Mối tình gặp phải sự ngăn cản và cấm đoán giữa dòng họ, nhưng càng cấm đoán họ lại càng yêu nhau, trong một cố gắng cuối cùng nhằm cứu vãn gia tộc, trong hôn lễ của Bảo Ngọc với Đại Ngọc, Phượng Thư (chị dâu của Bảo Ngọc) đã đặt kế tráo hôn. Khi mở khăn che mặt cô dâu thấy không phải Đại Ngọc, Bảo Ngọc bỏ đi, về sau hóa thành đá. Lâm Đại Ngọc nghe tiếng pháo đám cưới của Bảo Ngọc, uất ức phát bệnh, ho ra máu mà chết.

(Ảnh: netnews.vn)

Cái kết chính là sự kết thúc của món nợ của tiền duyên kiếp trước. Đây là một sợi dây vô hình, nhưng lại có sức ràng buộc chặt chẽ tới cuộc đời của hai con người.

Con người vốn vô cùng nhỏ trước sự an bài của định mệnh. An bài đó chịu sự khống chế của nhân duyên, nếu vì nợ mà đến, thì hết nợ sẽ đi, nếu vì tình mà đến thì hết nợ tình cũng tan. Thảy mọi mối nhân duyên nhân quả đều là một định luật an bài lên mỗi số phận của con người.

Nhưng trong thế gian người ta lại nghĩ rằng, sự cố gắng nỗ lực của bản thân họ sẽ thay đổi được mọi việc, nên họ càng tranh giành cướp đoạt, càng lao thân thì càng chuốc lấy khổ đau bất hạnh.

(Ảnh: netnews.vn)

Câu chuyện tình dẫu có đẹp, người dẫu có hương sắc say mê, thì rồi cũng hết. Thời gian là cỗ máy trở theo nhân duyên mà định đoạt. Say đắm vào tình là sự đau khổ tới khôn nguôi.

Công danh, tiền tài, địa vị chốn nhân gian như bong bóng xà phòng, đẹp là thế, lung linh là thế nhưng cũng vội vỡ tan khi trời chưa nổi gió

Câu chuyện mô tả gia đình họ Giả vốn có nhiều công lao với triều đình, số lượng kẻ hầu người hạ có lúc lên tới 448 người, sống trong hai tòa dinh cơ tráng lệ bậc nhất Kinh thành.

Nếu như sự xa hoa và nhung lụa được khắc họa vào giây phút đầu, thì sự điêu tàn và đẫm lệ lại  là một bức tranh tương phản cho sự suy sụp của danh thế dòng tộc.

Nếu như sự xa hoa và nhung lụa được khắc họa vào giây phút đầu, thì sự điêu tàn và đẫm lệ lại  là một bức tranh tương phản cho sự suy sụp của danh thế dòng tộc. (Ảnh: thegioidienanh.vn)

Vương giả, nhung lụa giàu sang cũng theo gió mà đi. Dòng tộc ly tán, kẻ chết, người đi đày. Tang thương giày xéo kiếp người nhanh hơn cả danh gia vọng tộc. Chuỗi ngày khổ đau, bất hạnh ập tới khiến sự tráng lệ, xa hoa chẳng kịp chống đỡ.

Phải chăng đó là sự đắng cay của định mệnh, những thứ hư vô như kiếp bèo trôi.

Khi vị ngọt chưa được nếm đủ thì đã là những cay đắng của cuộc đời, tiền bạc như bị con lũ đời cuốn sạch, địa vị kia mất trong một sớm một chiều, sự xa hoa, vương giả, quyền quý cao sang giờ đây là sự lụi tàn đầy đau khổ.

Pho truyện là một khúc nhạc ai oán cho cuộc sống vương giả như mây tan bèo dạt, như một “giấc mộng trong chiếc lầu hồng” như một sự chiêm nghiệm về lẽ đời của họ Tào.

Như một “giấc mộng trong chiếc lầu hồng”. (Ảnh: pinterest.com)

Chiêm nghiệm đó không chỉ là của cá nhân tác giả, mà nó để lại cho người đời một cái nhìn sâu sắc về kiếp nhân sinh. Một giấc mộng với ảo ảnh huyền diệu mê hoặc con người là danh, lợi, tình. Những đắm say dù vô cùng ngắn ngủi nhưng cũng đủ xót xa cả đời.

Hồng Lâu Mộng  là một bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội triều đại Trung Quốc trên chặng đường suy tàn, như quy luật Thành – Trụ – Hoại.

Cuộc sống xa hoa, cuộc chiến tranh giành quyền lực cuốn theo sự tàn khốc của các mối quan hệ giữa những con người trong dòng tộc đã đưa Giả phủ vào con đường tàn tạ không cứu vãn được. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc đời Thanh.

Hồng Lâu Mộng là một bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội triều đại Trung Quốc trên chặng đường suy tàn. (Ảnh: twitter.com)

Cám cảnh thay cho cảnh ‘‘giậu đổ bìm leo”, “cây đổ vượn tan”, “chim mỏi về rừng” đã chi phối ngòi bút Tào Tuyết Cần, chứng tỏ ông là nhà văn hiện thực báo hiệu buổi hoàng hôn của vương triều nhà Thanh.

Khép lại cuốn tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, người đọc ở trong trạng thái thương hoa tiếc ngọc, buồn cho đôi lứa yêu nhau, nhưng lại cảm ngộ sâu sắc về sợi dây nhân duyên của định mệnh, chiêm nghiệm thấu đáo về lẽ đời trong kiếp bèo trôi, danh lợi tình thứ hương thoảng đầy mê hoặc cũng bị cuốn theo gió trời. Đời người sớm bị lụi tàn theo nó, chi bằng coi nhẹ để cuộc sống trở nên tự tại, không bị nó cuốn theo rồi vùi dập đến cuối cuộc đời.

Tịnh Tâm