“Florenz” tiếng Ý tức là “Thành phố của hoa”; vào thời cổ đại thành phố này được đặt tên để kỷ niệm lễ hội hoa thần. Được thành lập bởi người La Mã, Florence ban đầu chỉ là một thị trấn bình thường. Sự phát triển mang tính nghệ thuật trong kiến trúc của thành phố chỉ bắt đầu từ thế kỷ 15 và trở nên rực rỡ trong thời kỳ Phục Hưng.

Gia đình Medici có công đặt nền móng cho văn nghệ Phục Hưng

Vào thế kỷ 15 và 16, Florence đã là một trong những thành phố lớn ở châu Âu. Các vấn đề của thành phố chủ yếu được hai gia tộc nắm giữ: gia đình Obic và gia đình Medici. Không giống như gia đình Albizzi trước đó chèn ép người nghèo, gia đình Medici rất hào phóng, được đa số người dân nơi đây ủng hộ, họ đã trở thành người cai trị được trọng vọng của thành phố.

Vào thế kỷ 13 đến thế kỷ 17, gia đình Medici có quyền lực mạnh mẽ ở châu Âu; những người thừa kế thế hệ thứ hai và thứ tư của dòng họ là Cosimo de ‘Medici (1434 – 1462) và Lorenzo de’ Medici (1478 – 1492) đặc biệt chú trọng đến việc quảng bá văn học, nghệ thuật, triết học và khoa học. Họ cũng thành lập một học viện nghệ thuật, tách biệt các bộ môn hội họa, điêu khắc, kiến trúc và các ngành khác, thuê các bậc thầy nghệ thuật làm giáo viên để đào tạo cho sinh viên các kỹ năng cơ bản. Dưới sự tài trợ của họ, một số lượng lớn các tài năng nghệ thuật xuất chúng đã tập trung về Florence. Do đó, gia đình Medici đã tập hợp được một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật; những thành tựu đáng kinh ngạc này đã tạo ra xu hướng cho thời kỳ Phục Hưng lan rộng khắp châu Âu. Do đó gia đình Medici đã được gọi là “Người đỡ đầu phong trào Phục Hưng”.

Kiến trúc thời Phục hưng, Cung điện Medici. (Ảnh: wanghoward)

Bên cạnh đó, dưới ảnh hưởng của bầu không khí văn hóa nghệ thuật mạnh mẽ này, người dân thành phố Florence cho dù thuộc tầng lớp nào cũng đều yêu thích nghệ thuật. Mỗi công trình thiết kế mới sẽ luôn thu hút mọi người đến xem, các quý tộc cạnh tranh nhau để thu thập các kiệt tác và thuê kiến trúc sư giỏi xây dựng các tòa nhà, lăng mộ, biệt thự v.v. cho gia đình họ.

Quan sát và nghiên cứu: Thân thể hoàn mỹ của con người là do thần tạo ra.

Vào thời Trung cổ, các học thuyết, công trình điêu khắc và các di tích văn hóa khác của Hy Lạp và La Mã đã bị giáo hội coi là “dị giáo” và bị cấm lưu truyền, phong trào Phục Hưng xuất hiện vào thế kỷ 14 nhen nhóm việc tái tạo vinh quang của các nền văn minh cổ đại. Ban đầu, chỉ là những mô hình đơn giản phỏng theo tất cả mọi thứ ở Hy Lạp và La Mã cổ đại. Dần dần, trên cơ sở của những nền văn minh cổ đại này, những người sáng tạo đã tìm ra con đường của riêng mình và tạo ra những giá trị và phong cách mới, khác với thời Trung cổ – chủ nghĩa tinh thần lý tính và nhân văn.

Trong “cơn sốt” này, các tác phẩm điêu khắc của Hy Lạp và La Mã cổ đại đã được mô phỏng lại cẩn thận. Các cuốn sách điển tịch trước đây về văn hóa Cơ Đốc giáo, như của Plato, Aristotle, Virgil v.v., bắt đầu được dịch và nghiên cứu với số lượng lớn. Phát minh về in ấn đã làm cho các bản thảo cổ điển được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, lan rộng khắp lục địa châu Âu, đẩy nhanh tốc độ phát triển của phong trào Phục Hưng. Sinh ra ở Florence, Leone Battista Alberti (1404 – 1472) được coi là bậc thầy Phục Hưng tài năng nhất bấy giờ. Những cuộc thảo luận của mọi người trong cuốn sách “10 tập kiến trúc” của ông có thể giải thích sự hiểu biết về khái niệm “con người” trong thời Phục Hưng.

Alberti tin rằng Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của chính mình. Ngoài việc có được cơ sở lý thuyết từ các sách cổ điển, các học giả cũng có hiểu biết về cấu trúc cơ thể con người từ giải phẫu thực tế. Những nghiên cứu và quan sát này đã cải thiện các kỹ năng khắc và vẽ, việc miêu tả con người ngày càng trở nên giống như thật.

Đổi mới kiến trúc, tạo một phong cách mới cho thành phố

Đổi mới kiến trúc cũng đã tạo ra một phong cách đô thị mới cho Florence. Mặt tiền xây dựng bằng đá dọc hai bên đường đã tạo thành một hiệu ứng hình ảnh chung, mỗi tòa nhà có một diện mạo nhất quán và đều đặn, làm cho nó trở thành một cảnh quan đô thị đặc trưng thời Phục Hưng.

Trong thiết kế kiến trúc và quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư đã tìm tòi tư liệu từ các học giả thời cổ điển về các công trình kiến trúc, thực hiện các chuyến đi thực địa đến những tàn tích của thời kỳ La Mã cổ điển, tóm tắt các nguyên tắc của kiến trúc cổ điển, lấy cảm hứng từ các trụ và cột của Hy Lạp cổ đại và cấu trúc mái vòm của La Mã cổ đại. Nguyên tắc “hòa hợp” và “cân bằng” như một đại diện của sự hoàn hảo trong thời kỳ cổ điển, một lần nữa lại được các kiến trúc sư thời Phục Hưng ưa chuộng.

(Ảnh: archcollege)

Filippo Brunelle-schi (1377 -1446) là một kiến trúc sư đầu tiên đi theo phong cách Phục Hưng, đã thiết kế mái vòm của Nhà thờ nổi tiếng Santa Maria del Fiore. Mái vòm của nhà thờ này là mái vòm lớn nhất vào thời điểm đó. trong đó Brunelle-schi đã thay thế phong cách kiến trúc Gothic phổ biến vào thời Trung cổ bằng phong cách La Mã cổ đại của Brazil. Nhà thờ với mái vòm lớn này đã trở thành một điểm mốc qua hàng trăm năm.

Mái vòm là một nét đặc trưng của kiến trúc tôn giáo thời Phục Hưng, mặt tiền được phân chia theo chiều ngang và việc sử dụng các cột lớn cũng là những đặc điểm ấn tượng của kiến trúc Phục Hưng. Ngoài ra, các kiến trúc sư thời đó đã đặt tên cho cột là “Order” (trật tự), phản ánh ý nghĩa tâm linh của các kiến trúc sư thời Phục Hưng.

Việc sử dụng các mặt tiền phân chia các ô cửa theo chiều ngang cũng là một đặc điểm của kiến trúc thời Phục Hưng. (Ảnh: yahoo.traveltw)

Biệt thự Medici, đứng sừng sững trên đường phố Florence, chắc chắn là minh chứng tốt nhất cho phong cách kiến trúc Phục Hưng. Tòa nhà Medici được xây dựng vào năm 1444 bởi Michelozzo di Bartolommeo (1396-1472). Ông đã cho xây dựng một tòa nhà ba tầng trên khu đất của quảng trường, ở giữa có một hàng cột trụ. Mặt tiền tòa nhà áp dụng các yếu tố tương phản. Tầng một được xây dựng bằng những tảng đá thô lớn và không đồng đều chồng xếp lên nhau, tầng giữa được sắp xếp gọn gàng, còn tầng ba là bề mặt nhẵn, tỷ lệ tầng lầu cao dần và hẹp, cửa sổ của mỗi tầng nhà giảm dần theo tỷ lệ. Tòa nhà Medici sau đó trở thành mục tiêu bắt chước của những người quý tộc giàu có, sau đó kiến trúc kiểu này có thể được tìm thấy trên khắp nước Ý.

Khái niệm cấu trúc cơ thể người trong “10 tập kiến trúc” của kiến trúc sư La Mã cổ đại Vitruvius. (Ảnh: epochtimes)

Điêu khắc ba chiều sinh động như thật

Về phương diện điêu khắc, Donatello, sinh ra ở Florence, người đầu tiên mở ra các kỹ thuật điêu khắc mới. Donatello đã đi theo kiến trúc sư Brunelneski đến Rome để xem xét các di tích và tượng điêu khắc Hy Lạp và La Mã cổ đại. Sau đó ông đã vận dụng các kỹ xảo cổ điển để tạo ra một phong cách điêu khắc mới; ông được ca ngợi là nhà điêu khắc vĩ đại nhất chỉ sau Michelangelo. Tác phẩm điêu khắc bằng đồng “David” của ông là tác phẩm điêu khắc khỏa thân đầu tiên kể từ thời Trung cổ.

Tượng “David” của Donatello (Ảnh: employees.oneonta)

Lorenzo Ghiberti là người đã thiết kế cánh cửa tại lễ đường rửa tội của Nhà thờ Santa Maria del Fiore. Bức phù điêu trên cánh cửa là lần đầu tiên ông sử dụng phối cảnh, tạo ra một cảnh quan sâu thẳm từ một không gian hạn chế. Tác phẩm của ông cũng được mệnh danh là “cánh cửa thiên đường”, thể hiện khí chất tuyệt vời và sức mạnh tâm linh bên trong, là đại diện tốt nhất cho phong cách Phục Hưng.

Cánh cửa của nhà rửa tội do Ghiberti thiết kế, trên đó có một câu chuyện trong Kinh Thánh (Ảnh: lj-ryf)

Phối cảnh ánh sáng và phương pháp tạo bóng, nền móng của các bức tranh hiện đại

Vào thế kỷ XIV, các nghệ sĩ người Ý đã bắt đầu chú ý đến việc quan sát thiên nhiên và sự xuất hiện thực sự của các vật thể trong văn hóa Hy Lạp – La Mã. Giotto di Bondone (1267 – 1337), họa sĩ sinh ra ở Florence, lần đầu tiên đã làm mờ dần hình thức hội họa cứng nhắc trong thời Trung cổ, để các nhân vật dần lộ ra cảm giác động tĩnh ba chiều. Masaccio (1401 – 1428), tiếp tục xu hướng đó trong thế kỷ 15, nhưng đã đi xa hơn và thành công trong việc tạo ra một không gian ba chiều bằng phương pháp phối cảnh ánh sáng và bóng tối. Phương pháp này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ thuật trong thời Phục Hưng, mà còn đặt nền móng cho hội họa hiện đại.

Ba nhân vật lớn nhất trong văn nghệ thời Phục Hưng

Theo sau các nghệ sĩ nói trên, đã xuất hiện ba bậc thầy vĩ đại của thời Phục Hưng được các thế hệ sau biết đến là Da Vinci, Michelangelo và Raphael. Sinh ra ở thị trấn nhỏ phía tây gần Florence, Da Vinci (1452 – 1519) là người được cho là thông thái và linh hoạt nhất thời Phục Hưng; ông không chỉ để lại nhiều bức tranh đẹp mà còn có nhiều bản thảo trong nhiều lĩnh vực. Các công trình của ông là đối tượng nghiên cứu và khám phá chính của các thế hệ đi sau.

“Thiên sứ báo tin lành” của Da Vinci (Ảnh: epochtimes)

Michelangelo (1475 -1564), cũng sinh ra ở một thị trấn nhỏ gần Florence, chủ yếu thành tựu trong các lĩnh vực điêu khắc, hội họa và kiến trúc. Trong các tác phẩm của ông, cơ thể con người chứa đầy ý nghĩa và sức mạnh tâm linh, trong đó ý thức về sức mạnh của cá nhân là nổi bật hơn cả. Các bức tranh tường trong Nhà nguyện Sistine, bức “Phán quyết cuối cùng” và “Genesis” là những kiệt tác của ông.

Một bậc thầy vĩ đại khác – Raphael (1483 – 1520), đã học ở Florence trong thời gian 4 năm khi còn trẻ và được hấp thu các tinh hoa từ các tác phẩm của hai bậc thầy nói trên. Những bức tranh tôn giáo nổi tiếng của ông, đặc biệt là hình ảnh của Thánh mẫu là thành công nhất, kết hợp thành công giữa niềm tin và thẩm mỹ thế tục, có bố cục hài hòa, phương thức thể hiện tự nhiên, nổi tiếng với phong cách đẹp và thanh lịch. Ba người họ đã tạo ra một số lượng lớn các tác phẩm xuất sắc, đưa nghệ thuật Phục Hưng lên đến đỉnh cao, ảnh hưởng sâu sắc tới người dân thời đó cũng như nền nghệ thuật và thẩm mỹ của nhân loại trong hàng trăm năm qua.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch