Vài nét sơ lược về tác giả: Nhà văn, nhà thơ Bùi Thị Biên Linh (bút danh Bùi Thị Sóng Biển khi còn nhỏ) sáng tác văn thơ từ khi còn nhỏ, chị là thành viên nhóm “Búp trên cành” –nhóm những thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học nghệ thuật trong hệ đào tạo đầu tiên của cả nước từ năm 1976-1980. Từ năm 11 tuổi chị đã có các tác phẩm đăng trên các báo dành cho thiếu niên và báo Văn nghệ của hội nhà văn Việt Nam. Truyện thơ của chị được đọc trên đài phát thanh, chương trình thiếu nhi của đài tiếng nói Việt Nam từ thời ấy.

Chị làm thơ, viết văn, viết tiểu luận phê bình văn học, tập thơ ‘Ý nghĩ ban mai’ của chị được nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam xuất bản. Các tác phẩm của chị cũng được giới thiệu nhiều trên các báo: Người Hà Nội, Sinh viên Việt Nam, được in trong tuyển tập “Bạn thơ quê hương”… Chị cũng nhận vô số giải thưởng thơ và truyện trong suốt cuộc đời văn chương của mình

Văn thơ của chị hiền dịu, nữ tính, hết sức dung dị, đúng chất quê hương mộc mạc sâu lắng.

***

Lứa học trò đầu tiên

Năm 1985, tôi phơi phới yêu đời và đầy khao khát trong ngần của tuổi 20

Thi tốt nghiệp xong, thầy Trần Chấn Quyên hiệu trưởng và thầy Tạ Sĩ Lục – Trưởng phòng tổ chức của trường CĐSP Sông Bé gọi tôi lên Văn phòng đế trả lời về việc tôi có đồng ý ở lại làm cán bộ giảng dạy ở trường không, vẫn biết đó là mơ ước của bao sinh viên, nhưng tôi vẫn phải lễ phép từ chối vì từ lâu tôi đã nhủ lòng: Học xong sẽ về gần nhà, phụ giúp cha mẹ để các em tôi được tiếp tục học hành. Nghe tôi trình bày lí do không ở lại thầy hiệu trưởng thở dài:

– Em không ở lại là rất tiếc!

Một tuần sau thì nhận quyết định ra trường, tôi về Phước Long. Lần ấy có 17 sinh viên đủ các môn. Xe của phòng giáo dục Phước Long xuống tận trường đón. Chúng tôi lên xe là hát vang từ khi xuất phát cho đến lúc xuống xe. Tưởng được về gần nhà nhưng tôi lại bị phân công về trường cấp III Phước Long (Trường cũ của tôi).

Đây là trường lớn nhất huyện Phước Long hồi đó. Nhiều bạn đã nhờ người xin trước thì không được về, còn tôi thì bị giữ lại với lí do: “Để dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi cho ngành giáo dục huyện nhà. Tôi là học sinh cũ lại là học sinh đầu tiên ở Phước Long thi học sinh giỏi quốc gia, rồi lại là học sinh của các nhà văn, nhà thơ lớn nên hồ sơ của tôi “đã được lãnh đạo nghiên cứu” kỹ.

(Ảnh: Pinterest.com)

Xin mãi không được về gần nhà, tôi chỉ còn biết khóc nhớ đến cảnh bố mẹ vất vả mà mình chẳng giúp được gì. Anh Phó phòng giáo dục bảo tôi:

Em về dạy ở cấp III Phước Long là tốt. cố gắng bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi nhé!

Tôi “dạ…dạ…” mà nước mắt lưng tròng vì đó đâu phải là mong ước của tôi lúc ấy.

May quá! Hôm ấy, Phòng giáo dục có tổ chức bữa liên hoan đón tân sinh viên nên có mời bác Phó chủ tịch huyện sang dự. Tôi vui mừng nhận ra đó là bác Phú thông gia với bác tôi. Bác tôi hay khoe về tôi mỗi khi có bác Phú sang chơi. Tôi cũng đã vài lần được trò chuyện với Bác ấy.

Nhanh như chớp, ý nghĩ nhờ bác Phú xin giùm cho về trường cấp II Long Hưng gần nhà lóe lên trong óc tôi. Tôi bỏ cả ăn, chạy lại chỗ bác Phú đang đứng nói chuyện với bác Trản Trưởng phòng giáo dục và chị Ngộ Trưởng Ban tổ chức. Nghe tôi trình bày xong, bác Phú quay sang nói với bác Trản và chi Ngộ:

– Cháu nó đã có tâm nguyện vậy thì các bác giải quyết cho về, khi nào cần ôn thi cho học sinh giỏi thì điều lên dạy. Nhà nó cũng còn khó khăn lắm!

Thế là được đổi lấy quyết định về gần nhà. Tôi vui sướng quá! Dù tôi biết rõ trường cấp I, II Long Hưng khi ấy rất nhỏ và nghèo. Nhưng có hề gì! Nơi ấy, tôi có cha mẹ và các em tôi đang ngóng đợi. về cùng tôi còn có Hương dạy Sử – địa (Suốt thời sinh viên, nó luôn là chỗ dựa cho tôi). Hương cao lớn, da ngăm đen khỏe khoắn, nhanh nhẹn, còn tôi thì be bé trắng trẻo, chậm và vụng nên cứ mỗi lần về thăm nhà, Hương lại vác tất cả gạo, mít, chuối, mía… bố mẹ cho xuống trường của cả hai đứa còn tôi thì lẽo đẽo xách 2 túi quần áo. Giờ được về cùng trường thật thích.

Ngày đầu tiên đi nộp quyết định đầy hăm hở. Bác Hiệu trưởng khoảng gần 50 tuổi tiếp chúng tôi ở Văn phòng của trường. Gọi là Văn phòng nhưng thực ra đó là một căn nhà vách lồ ô, mái lợp tranh đã cũ được ngăn thành từng phòng bằng những tấm cót đan bằng tre. Một phòng nhỏ làm nơi họp của giáo viên và làm việc của hiệu trưởng. Các phòng còn lại là chỗ ở của các giáo viên ở xa đến đây công tác. Trước cửa Văn phòng treo một cái kẻng bằng mảnh bom. Bác Hiệu trưởng xem giấy giới thiệu rồi hỏi:

– Cô là con ông bà Phô chứ gì! Người làng cả, tôi phân công cô đi chủ nhiệm lớp 8A dạy Văn lớp 8 và lớp 6. Còn cô Hương thì chủ nhiệm lớp 6B, dạy Sử – Địa cả các khối.

Cả đêm ấy, tôi đã hồi hộp không ngủ được, háo hức mong chờ đến sáng mai ra nhận lớp, hướng dẫn học sinh lao động để chuẩn bị khai giảng.

(Ảnh: Youtube.com)

Người ta bảo “Bụt chùa nhà không thiêng” nên dù đã từng được xếp loại xuất sắc về công tác chủ nhiệm và giảng dạy khi đi thực tập nhưng tôi vẫn cứ lo. Không biết mình có dạy tốt được không hay lại làm mẹ cha xấu hổ với xóm làng.

Thế rồi sáng hôm sau cũng đến. Đứng trước mặt tôi là gần 30 đứa học sinh. Phần đông là cao lớn, đen nhẻm, đứa nào cũng đầu trần, chân đất. Mỗi đứa vác trên vai một cái cuốc hoặc một con dao quắm thành thạo như nông dân thực thụ. Ở vùng kinh tế mới này học sinh hầu hết là con nhà nghèo quen lao động nên đứa nào ngần ấy tuổi cũng thạo việc.

Nghe giới thiệu tôi sẽ chủ nhiệm lớp, khuôn mặt lũ trẻ vui hẳn lên. Chúng ngoan ngoãn theo tôi làm phần việc được phân công. Mấy chục cô trò chẳng mấy chốc đã hạ gục đám cỏ tranh cao ngút ngàn sau lớp học. Mấy tháng hè lại gặp mưa cỏ tranh tốt nhanh kinh khiếp. Rồi dọn trong phòng, lau bàn toàn đất đỏ của bụi, vết chân người, vết chân chó vì phòng học không có khóa.

Lao động xong, tôi cũng đã biết tên cả lớp. Sau đó thì bầu Ban cán sự, Lớp Trưởng là Bùi Ngọc Long, lớp phó học tập là Nguyễn Văn Khải, lớp phó lao động là Bùi Tiến Thành, lớp Phó văn thể mĩ là Nguyễn Thị Hương.

Vừa bầu xong thì ở cuối lớp một cánh tay đưa lên cao khỏi đầu,

– Em thưa cô, cô cho em làm Thủ quỹ ạ.

Cả lớp lao nhao.

– Đúng đẩy cô ạ! Cô cho thằng Kham làm Thủ quỹ đi cô. Nó giữ tiền cẩn thận cực!

Như để chứng minh cho lời các bạn, thằng bé tên Kham móc trong túi áo ra một xấp tiền khoảng hơn 10 tờ vừa 5 đồng, vừa 2 đồng được xếp lại và buộc bằng sợi dây chuối xé nhỏ rất cẩn thận.

– Dạ đây là tiền quỹ của lớp thừa năm ngoái ạ. Em nộp cô!

Tôi cười bảo:

– Em cất đi! Năm nay em lại được làm thủ quỹ nữa cơ mà!

Cả lớp vỗ tay.

Buổi gặp gỡ học trò đầu tiên của tôi như thế đấy.

Khai giảng xong là bắt đầu vào học. Tiết đầu tiên tôi dạy là ngữ pháp. Tôi dã soạn bài thật kĩ và dạy thật tận tình. Dạy xong hỏi lại, đứa nào cũng hớn hở và rất hiểu bài, thuộc bài ngay tại lớp.

Lúc đó và cả sau này, tôi nghiệm ra rằng: Với người giáo viên, cách chinh phục học trò nhanh nhất là phải dạy cho thật tốt, thật dễ hiểu, thật thoải mái nhẹ nhàng.

(Ảnh: Blogspot.com)

Ngày nối ngày qua đi, tôi được học trò vô cùng yêu quý. Nhà tôi cách trường chừng hơn 300m nên sáng nào chúng cũng đến tận ngõ chờ tôi rồi cô trò cùng tới lớp. Chúng tranh nhau xách cặp cho tôi.

Nhà đứa nào có món gì ngon cũng mang theo giấu dưới ngăn bàn, lúc tan trường lại chạy theo.

– Cô giáo ơi! Chúng em bảo cô này!

(Học trò thôn quê gốc miền Bắc có kiểu nói năng buồn cười thế đấy)

Rồi dúi vào tay tôi khi thì bắp ngô luộc, khi thì cái bánh gói bằng bột củ sắn mài ra thêm tí mỡ hành….

Giờ sinh hoạt lớp rất ít khi tôi phải kiểm điểm vì đứa nào cũng ngoan. Cô trò chỉ dạy nhau học hát hoặc tôi kể chuyện cho chúng nghe, say sưa, hết giờ lâu mới chịu về. Học sinh các lớp khác tha hồ thèm. Phụ huynh cũng tin tưởng tôi nhiều lắm. Tôi không còn sợ “Bụt chùa nhà không thiêng” nữa. Bố mẹ tôi rất vui.

Dạy được một năm, dù chưa hết thời gian tập sự, tôi đã được bổ nhiệm chức quyền Hiệu phó phụ trách chuyên môn. Tôi ngỡ ngàng nhưng không lo lắng vì từ nhỏ đến khi học cấp III và cả khi là sinh viên, tôi luôn làm “cán bộ” nên việc quản lí chuyên môn của một trường cấp II với chưa đến 20 giáo viên cũng không quá khó.

Nhớ nhất là những đêm văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Vốn là người khởi xướng lại được đồng nghiệp nhiệt tình ủng hộ nên tôi luôn kiêm vai trò “tổng đạo diễn” và người dẫn chương trình. Cả công việc này cũng là sở truờng của tôi nên tôi say mê lắm. Hồi còn đi học, rồi khi là sinh viên, tôi cũng thường đảm nhận vai trò này. Những đêm văn nghệ làm cho mọi người vui tươi hơn, xích lại gần nhau hơn, học sinh thấy gắn bó với trường hơn. Dù sân khấu chỉ là vài cái bàn học được kê sát lại xung quanh chăng vào tấm ri đô (màn gió bằng vải) của các cô giáo trong khu tập thể, loa đài thì đi thuê (tiền thuê là tiền công của các thầy cô giáo trong chi đoàn giáo viên đi phát cỏ cao su thuê cho nông trường mà có). Người diễn, người xem đầy say mê.

Học trò vùng sâu, nhưng có nhiều em học rất giỏi. Năm đầu ra trường, tôi đã bồi dưỡng được 3 em dự thi học sinh giỏi vòng tỉnh, riêng em Nguyễn Văn Khải học sinh giỏi Quốc gia, bác Trưởng phòng giáo dục khen “Cô nào thì có trò ấy”. Cô trò tôi rất vui.

Tôi yêu ngôi trường bé nhỏ của tôi, yêu học trò của tôi đến mức ngày nào không có tiết ở trường, tôi cứ có cảm giác mình bị ốm. Học trò yêu quý tôi bằng một tình yêu ấm áp và trong trẻo đầy tin cậy.

Nhà tôi làm nghề nông, nên ngoài giờ lên lớp, tôi vẫn cùng cha mẹ đi làm rẫy: Làm cỏ, tỉa lúa, gặt hái, trồng rau… Có hôm vừa vác cuốc ra ngõ đã thấy một nhóm học sinh vác cuốc đứng chờ. Biết chiều nào tôi cũng đi làm nên chúng rủ nhau làm giúp. Đám rẫy rộng, bọn học trò dàn hàng ngang mỗi đứa một đường, chúng cuốc rất khỏe. Cô trò vừa làm vừa trò chuyện, mới quá nửa chiều đã xong. Mấy đứa con trai vác dao đi chặt chuối rừng, mít rừng về liên hoan. Tiếng cười rộn cả một vùng đồi vốn yên vắng.

(Ảnh: Flickr.com)

Hết tập sự, tôi được bổ nhiệm chính thức là Hiệu phó chuyên môn và được cử đi học đào tạo cán bộ quản lý cho ngành giáo dục của tỉnh, toàn huyện chỉ có 5 người. Bốn là cán bộ phòng, nữ chỉ có mình tôi, lại là cán bộ cấp trường và trẻ nhất. Tôi khi đó chưa tròn 22 tuổi. Thấy tôi còn chần chừ vì mùa gặt sắp đến, bố mẹ tôi đều bảo:

– Con đi học đi! Ở nhà bố mẹ thu xếp được.

Thế là tôi từ giã gia đình, mái trường và đàn trò nhỏ lên đường học thêm để lấy tiếp văn bằng thứ hai. Ngày chia tay bao nhiêu bịn rịn. Cái đêm trước ngày tôi lên đường, học trò từng tốp đến nhà, từ ngoài ngõ, trong sân, trong nhà… chỗ nào cùng trò. Trăng mùa khô sáng trong vằng vặc, con đường đất đỏ trước nhà tôi sáng lên, dịu dàng và như rộng thêm ra. Cô trò tôi quây quần trong sân. Ánh trăng trong ngần trên những gương mặt, đôi mắt đứa trò nào cũng rời rợi ánh trăng. Dù đã bao năm qua, tôi vẫn nhớ như in đêm trăng ấy.

Sáng hôm sau, tôi lên trường, học trò theo tiễn rất đông. Những đứa có xe đạp thì chở cho tôi tư trang, giỏ xách, còn tất cả cô trò cùng đi gần 3 km, vượt qua con đốc dài cao đường đất đỏ. Khi chiếc xe đò Phước Long – Bến xe miền Đông tới, tôi lên xe, học trò cứ đứng bên đường vẫy mãi, xe chạy một đoạn xa rồi trong mịt mù bụi đỏ tôi vẫn thấy những bàn tay vẫy vẫy. Nước mắt tôi rưng rưng bao nhiêu yêu thương, nhớ nhung, nuối tiếc và cả niềm hạnh phúc làm lòng tôi nghẹn lại. Tôi đã giữ đúng lòi hứa ngày ra đi rằng: “Cô sẽ trở về: Dù ngày về, lứa học trò ấy đã ra trường những nhiều em thỉnh thoảng vẫn đến thăm cô.

Gần 30 năm đã qua, lứa học trò ngày ấy bây giờ đứa đã thành bố vợ, mẹ chồng, nhiều đứa tóc đã nhiều sợi bạc. Mấy đứa con gái, có đứa còn già hơn cả tôi vì phải chịu nhiều vất vả. Thế mà năm 2012 bố tôi mất, lớp chủ nhiệm của tôi năm nào đã về không thiếu một em. Vòng hoa viếng, chúng còn ghi dòng chữ “Học trò đầu tiên của cô Biên Linh kính viếng”. Gia đình tôi là đại gia đình nhà giáo nên đồng nghiệp và học trò khắp nơi đến dự đám tang, nhiều người tò mò, thán phục khi nghe giới thiệu “lứa học trò đầu tiên của cô Biên Linh vào kính viếng”.

Ân tình các em giành cho tôi ngọt lành và ấm áp biết bao! Cái lứa học trò đầu tay ấy!

Bùi Thị Biên Linh