Như một may mắn tình cờ, hay sắp đặt của tạo hóa, thiên tài hội họa Canaletto, tên thật là Giovanni Antonio Cannal (1697-1768), được sinh ra tại thành phố nổi tuyệt diệu Venice của nước Ý, nơi đã cung cấp những khung cảnh tuyệt vời cho các bức họa của ông sau này. Những con kênh nổi tiếng của Venice trong các bức tranh của ông đã trở thành một di sản quý giá không chỉ của thành phố quê hương ông, mà còn là một báu vật của quốc gia và cả nhân loại.

“Piazza San Marco với Basilica”, Canaletto, 1730. Bảo tàng Nghệ thuật Fogg. Chất liệu: Sơn dầu trên vải. (Ảnh: Vi.m.wikipedia.org)

Trong triển lãm với chủ đề Canaletto & Nghệ thuật Venice diễn ra gần đây tại Rome, có tới hơn 200 bức tranh, bản vẽ và bản in về đề tài Thành phố Venice, đã chứng tỏ giá trị nghệ thuật vô song của bộ sưu tập này.

“Trở về Bucentaus”. Chất liệu: Sơn dầu. (Ảnh: Printerest.com)

Trong bức ‘Trở về Bucentau’, Canaletto đã kỳ công miêu tả chi tiết quang cảnh một lễ hội tại Venice, với không khí và cảnh sắc vô cùng sinh động. Thậm chí người xem tranh có thể cảm nhận được rõ ràng sự náo nhiệt của lễ hội đang diễn ra tại thời điểm đó.

“Đấu trường La Mã”. Chất liệu: Sơn dầu. (Ảnh: Printerest.com)

Các tác phẩm mà Canaletto vẽ vào thời kỳ đầu trong sự nghiệp sáng tác của ông vẫn được nhiều nhà sưu tập ao ước nhất, và theo nhiều nhà phê bình nghệ thuật thì đây là những tác phẩm tốt nhất của ông. Tuy nhiên trong thời gian sau đó, Canaletto bắt đầu nổi tiếng nhờ những tác phẩm mà ông vẽ về Venice, với cảnh quan quy mô lớn thường miêu tả cuộc sống sinh hoạt của cư dân thành phố và những hoạt động truyền thống, sử dụng sáng tạo các hiệu ứng khí quyển và màu sắc đặc trưng mạnh mẽ của địa phương. Các đặc trưng đó khiến ông được cho là có xu hướng theo họa phái Tân cổ điển.

Những tác phẩm theo phong cách của Canaletto luôn mang lại giá trị nghệ thuật rất cao, và cả giá trị kinh tế. Ngay từ thế kỷ 18. Nữ Hoàng Nga Catherine Great và các vị vua khác của châu Âu đã đưa ra đấu giá những tác phẩm đẹp nhất của ông. Tháng 7 năm 2005, nhà đấu giá Sotheby’s ở London đã đấu giá thành công tác phẩm ‘Kênh lớn, nhìn từ Palazzo Balbi đến cầu Rialto’ của Canaletto với giá 18,6 triệu bảng.

Venice: Kênh lớn, nhìn từ Palazzo Balbi đến cầu Rialto. Chất liệu: Sơn dầu. (Ảnh: Wikiart.org)
“Kênh Lớn giữa The Palazzo Bembo và The Palazzo Vendramin”, Giovanni Antonio Canal (Canaletto), Chất liệu: Sơn dầu. (Ảnh: Printerest.com)

Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, ông đã từng bôn ba sang cả xứ sở sương mù, với kỳ vọng chiếm được tình yêu của các khách hàng ở đây. Ông cũng đã vẽ một số công trình nổi tiếng ở London như cầu Westminster hay cầu Old Walton. Nhưng hình như nước Anh không phải là ‘miền đất hứa’ cho các tác phẩm của ông. Ông buộc phải rời khỏi Anh vào năm 1755 và lịch sử đã chứng tỏ rằng ông là chỉ thuộc về Venice và tên tuổi của ông sẽ mãi mãi gắn liền với địa danh nổi tiếng này.

“Cầu Westminster từ phía bắc với Cung điện Lambeth xa xa”, Canaletto”. Chất liệu: Sơn dầu. (Ảnh: fineartamerica.com)

Khi quay trở lại nước Ý, thời kỳ đỉnh cao sáng tạo của ông đã qua. Ông thường làm việc với các phác thảo cũ; nhưng dường như vẫn còn quả chín dành cho ông.với các sáng tác mới lạ, với những thay đổi tinh tế để tạo nên hiệu ứng nghệ thuật mới mẻ.

Piazza San Marco với The Basilica).1742-1746. Chất liệu: Sơn dầu . (Ảnh: Artgallery.nsw.gov.au)

Điều trớ trêu là phần lớn bộ sưu tập tranh của Canalettos lại thuộc về sở hữu của Bộ sưu tập của Hoàng gia Anh. Có rất nhiều bản phác thảo tác phẩm của ông cũng nằm trong các bộ sưu tập khác của Hoàng Gia Anh, chẳng hạn một số trong bộ sưu tập của cung điện Wallace Collection và một bộ tranh trưng bày trong 24 phòng ăn ở dinh thự Woburn Abbey thuộc gia đình công tước xứ Bedford.

“Lối vào Kênh lớn và nhà thờ Santa Maria della Salute, Venice”. Chất liệu: Sơn dầu. (Ảnh: Magnoliabox.com)

Sau này thành phố Venice đã xây dựng một bộ phim lịch sử về Canaletto và những tác phẩm huyền thoại của ông. Bộ phim này cũng cho khán giả cơ hội cơ hội vào bên trong hai dinh thự nổi tiếng của Hoàng gia Anh – cung điện Buckingham và Lâu đài Windsor – để chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh của họa sĩ Canaletto ở đó.

“Kênh lớn, Venice, nhìn theo hướng Đông Nam từ San Stae tới Fabbriche Nuove di Rialto”, Canaletto – Bộ sưu tập gia đình The Paul G. Allen, 1738. Chất liệu: sơn dầu. Kích thước: 47 x 77.8 cm.

Trong các học trò của ông, những cái tên như Bernardo Bellotto, Francesco Guardi, Michele Marieschi, Gabriele Bella, Giuseppe Moretti và Giuseppe Bernardino Bison, sau này đều trở thành những họa sĩ nổi tiếng thế giới. Đặc biệt là người cháu trai của ông, Bernardo Bellotto, đã nối tiếp thành công phong cách của ông và làm cho phong cách đó thậm chí còn trở lên hoàn hảo hơn trong mắt những người đam mê nghệ thuật . Trong một số tác phẩm, Bernardo còn sử dụng nghệ danh Canaletto để ký, thể hiện niềm kính ngưỡng của ông với vị thầy của mình.

“Lối vào Kênh lớn, Venice”. Chất liệu: sơn dầu. (Ảnh: En.wikipedia.org)
“Kênh lớn gần cầu Rialto”. Chất liệu: sơn dầu. (Ảnh: Visualelsewhere.wordpress.com)

Không chỉ người dân Venice tự hào về Canaletto, người dân thủ đô Roma của nước Ý, nơi có 2.800 năm lịch sử, và được tôn vinh như một “thành phố vĩnh hằng”, cũng cực kỳ tự hào về người con ưu tú của đất nước, đã tôn vinh ông cùng Venice trong một triển lãm nghệ thuật hình ảnh thường niên mới nhất ở thành phố này, một triển lãm chỉ dành riêng cho ông.

Thiện Lương

Từ Khóa: