Có một nhạc khúc được đánh giá là bi ai nhất trong thập đại danh khúc của Trung Hoa cổ xưa, đó chính là bản: Hồ già thập bát phách, có nghĩa bản nhạc được tạo dựng trên 18 điệu phách, mỗi một phách đều chứa đựng một bi ai khổ hạnh, nỗi nhớ cố hương, trái tim tha thiết nhung nhớ tới con khi phải li biệt…. Bản nhạc được diễn tấu trên cổ cầm, càng làm cho sự bi ai, khổ lụy như cào xé tâm can người nghe.

Hồ già thập bát phách (Mười tám điệu phách của kèn Hồ Già) là một thiên trong kiệt tác Bi phẫn thi của nữ sĩ Thái Văn Cơ thời Kiến An. Miêu tả lên trạng thái đau khổ tới tột cùng, sự giằng xé tâm can khi một nửa lưu luyến con, một nửa muốn trở về cố hương, nỗi đau đớn nhục nhã ê chề của phận má hồng lạc lõng nơi đất khách. Tất cả những cung bậc tình cảm được truyền tải qua tiếng đàn cổ cầm, lấy âm điệu từ dây Vũ làm chủ đạo.

Thái Văn Cơ hay Thái Diễm là con của ông Thái Ung (132-192), một nhà văn, nhà sử học và làm quan cuối thời Đông Hán. Thái Ung còn là người thông thạo âm luật.

Thời Hán mạt, nàng Văn Cơ bị quân của Đổng Trác bắt đi lưu đàỳ ở đất Hung Nô (sử Trung Quốc thường gọi là rợ Hồ) để kết hôn với vua Tả Hiền Vương. Bà sống ở đó 20 năm và sinh được hai con. Sau nhờ Tào Tháo, vốn là bạn thân của Thái Ung, thương xót bà nên cho sứ giả đem vàng ngọc tới chuộc về nhưng hai con bà bị giữ lại. Trong sự mâu thuẫn giữ niềm vui hồi hương và bị nỗi đau chia lìa cốt nhục bà sáng tác Bi Phẫn Thi nói trên.

(Ảnh: WordPress.com)

Tiếng đàn là lời tự sự của nỗi nhục bị bắt đi ép hôn mà bơ vơ nơi xứ lạ.

Ngay đoạn đầu của nhạc khúc, người nghe đã cảm nhận được nỗi đau khổ, nhục nhã ê chề của phận má hồng với lời than thở nỉ non. Trách thân phận bọt bèo sinh ra thời loạn lạc li tán, tiếng oán thán thấu trời đảo địa. Ngoảnh đi ngoảnh lại nơi đâu cũng gươm giáo bủa vây, cùng kiếp chốn chạy như những người dân vô tội, lưu lạc đi đâu khi bốn bể binh đao.

Ngã sinh chi sơ thượng vô vi
Ngã sinh chi hậu Hán tộ suy
Thiên bất nhân hề giáng loạn ly
Địa bất nhân hề ngã phùng thử thì!

Thiên qua nhật tầm hề đạo lộ nguy
Dân tốt lưu vong hề cộng ai bi
Yên trần tế dã hề Hồ Lỗ thịnh
Chí ý thừa hề tiết nghĩa khuy

Đối thù tục hề phi ngã nghi
Tao ô nhục hề đương cáo thùy ?
Già nhất hội hề cầm nhất phách
Tâm phẫn oán hề vô nhân tri!

Dịch thơ:

Tôi sinh ra không làm gì (nên tội)
Tôi bước vào đời nhà Hán suy vong
Trời không có lòng nhân, giáng xuống tao loạn chia cách
Đất cũng độc ác, sinh tôi ra gặp thời loạn

Ngàn giáo mác gặp hàng ngày, đường sá nguy hiểm
Dân chúng lưu vong, cùng chung nỗi buồn sợ
Khói bụi che lấp, người Hồ Lỗ thịnh
Ý chí dư thừa, tình nghĩa không có

Tục lạ xứ người, tôi không thích hợp
Gặp điều ô nhục, than thở cùng ai
Sáo nổi một hồi, đàn một phách
Nỗi lòng buồn oán, không ai biết cho!

Rồi tới khi bị bắt phải làm thê, nỗi nhục ấy khiến lệ tuôn trào thành máu. Con đường trở về cố hương càng xa vạn dặm, mịt mờ tăm tối chẳng lối thoát thân. Vô vọng mà gảy lên khúc đàn phẫn uất, dây kia căng như muốn đứt lìa, chẳng còn hi vọng về quê cũ, muốn chết đi để hết kiếp người. Phách thứ 2 là nỗi lòng tuyệt vọng chẳng còn tìm đâu một chỗ để dung thân.

Nhung Yết bức ngã hề vi gia thất
Tương ngã hành hề hướng thiên nhai
Vân sơn vạn trùng hề quy lộ hà
Tật phong thiên lý hề dương trần sa

Nhân đa bạo mãnh hề như hủy xà
Khống huyền bị giáp hề vi kiêu xa
Lưỡng phách trương huyền hề huyền dục tuyệt
Chí suy tâm chiết hề tự bi ta

Tạm dịch:

Người Hung Nô buộc tôi thành thân lập thất
Đẩy tôi đi về phía trời xa
Mây núi trùng trùng đường về mờ mịt
Như con cuồng phong thổi tung ngàn dặm bụi

Người quá hung bạo hiểm như rắn rết
Giương cung mặc giáp ngạo mạn kiêu kỳ
Đàn bài thứ hai dây căng như muốn đứt
Ý Chí lụi tàn, tâm nát tự sầu bi.

(Ảnh: pinterest.com)

Nỗi đau khi rời khỏi cố hương, đặt bàn chân lên miền đất lạ.

Ở tam phách là sự thống khổ của cảnh li hương biệt xứ, bơ vơ trong cảnh xiêm y bằng lều vải, nổi thống khổ như không còn gì để tả, chỉ biết đàn lên cho hả nỗi khôn nguôi.

Việt Hán quốc hề nhập Hồ thành
Vong gia thất thân hề bất như vô sinh
Chiên cừu vi thường hề cốt nhục chấn kinh
Yết thiện vi vị hề uổng át tình

Bề cổ huyên hề tòng dạ đạt minh
Hồ phong hạo hạo hề ảm tái doanh
Thương kim cảm tích hề tam phách thành
Hàm bi súc hận hề hà thời bình ?

Tạm dịch:

Vượt đất Hán vào thành Hồ
Nhà tan thân mất như chẳng sinh ra
Vải lều làm áo mà da thịt đau đớn
Mùi Yết làm thơm ngăn cấm ý mình

Trống trận vang rền suốt đêm đến sáng
Gió Hồ khắp nơi mịt mờ cả doanh trại
Thương nay nhớ xưa thành bài ba
Ngậm sầu nuôi hận lúc nào bình yên.

Ở những phách tiếp theo là nỗi nhớ quê hương da diết, nỗi nhớ thương cuộn trào khiến tiếng thổn thức mà than cảnh đời bạc mệnh. Nhìn cánh chim nhạn bay mà như thấy lẻ loi, mãi nghĩ xa xôi những viễn tưởng được trở về, cái rét lạnh ở đất Hồ chẳng làm tấm thân mảnh mai sợ, cái đói kia chẳng làm được cái cảm giác thèm ăn. Có lẽ chẳng cơn giá lạnh nào như lòng người tẻ nhạt, chẳng có cái nào ngon miệng khi là lệ rơi mặn đắng đầu môi.

Có lẽ chẳng cơn giá lạnh nào như lòng người tẻ nhạt, chẳng có cái nào ngon miệng khi là lệ rơi mặn đắng đầu môi. (Ảnh: pinterest.com)

Rồi trách ông trời sao giận người mà tạo tác, để rồi chính ta mang mối sầu vô biên, hỏi trời mà sao im lặng, giọt lệ kia chẳng làm ướt đất đơn côi. Nỗi oán hận chiến tranh li tán, cảnh biệt xứ bơ vơ đất người.

Tiếng đàn nỉ non đau khổ, làm người nghe như đứt từng khúc ruột. Tấm thân nhỏ liễu yếu đào tơ, mà nổi trôi nơi binh đao chiến mạc, khao khát được thoát khỏi chốn đây, nhưng bất lực với sự xoay vần của con tạo. Chỉ biết khóc than bên cây đàn tủi phận nhi nữ má hồng, tài làm chi rồi lại truân chuyên, nổi chìm trong bể dâu bao giờ mới được bình yên.

Phải nói rằng những đoạn nhạc với tiết tấu nỉ non trên nhịp phách chậm, giống như là sự cào xé và nỗi đau thấm chậm của Văn Cơ.

Có nhiều người khi lằng nghe Hồ gia thập bát phách mà cảm thấy sự chua xót cho thân phận của kiếp người, sinh ra đã khổ sở buồn tủi lại bị rơi vào đúng cảnh binh đao loạn lạc, biệt xứ dời quê bơ vơ nơi đất khách, giống như một kẻ tha hương mong muốn được trở về.

Tiếng khóc ròng làm cho người ta thêm tê tái, khúc nhạc thực sự là đại bi ai của kiếp người.

Nhưng nỗi đau lớn hơn tất cả, là cảnh biệt li chia cắt tình mẫu tử của nàng Văn Cơ.

Nếu như Văn Cơ được đánh là một trong tứ đại tài nữ Trung Hoa cổ xưa, thì người ta cũng gọi bà là một người mẹ bất hạnh nhất trong lịch sử thủa bấy giờ, bởi những áng thơ văn, những nốt nhạc mà bà gửi gắm, chính là tâm tình đau khổ ngút trời cao.

Khi hạnh phúc trào dâng được quay về với quê hương, bà ôm ấp hi vọng được hồi hương với 2 con mình, nhưng chẳng thể buộc bà phải lựa chọn, giữa ngã ba đường mà đau khổ mà không sao bày tỏ, sống chẳng tham chết chẳng màng, nhưng bà mong mỏi được hoàn viên đoàn tụ cùng với khúc ruột của mình.

Nỗi lòng của người xa sứ…. (Ảnh: pinterest.com)

Khi được sứ giả nhà Hán đón bà về quê cũ, trong lòng mâu thuẫn cào xé, khiến từng nốt nhạc như muốn làm đứt cả dây đàn.

Bà ôm theo tiếng khóc thê thảm biệt con rời khỏi nước Hồ, về đất Hán mà hồn trong mộng vẫn dắt bà về với hai con, nỗi nhớ nhung khao khát theo bà từng phút giây nằm mộng, nhớ con đau đáu suốt canh dài.

Xuyên suốt bản nhạc, cung dây Vũ tạo ra âm điệu buồn bã thê lương, khúc nhạc réo rắt với nhịp điệu chậm chãi, giống như nỗi đau kia chậm rãi cứa sâu vào tận tim gan, khi ngưng lại như tiếng thổn thức của nỗi uất hẹn nghẹn ngào.
Bản nhạc khiến nhiều người nhỏ lệ, tiếc thương cho thận phận con người nổi trôi trong cuộc đời bể dâu, quá nhỏ bé mà bươn chải với dòng đời, như cánh nhạn cút côi trong giông tố.

Hồ già thập bát phách là một thiên trong kiệt tác Bi phẫn thi, đạt được sự tận cùng của cung bậc cảm xúc, người nghe như hòa mình cùng nốt nhạc, cảm nhận từng nốt chậm rãi mà thấu được sự bi ai trong nhạc khúc.

Nếu như Bình sa lạc nhạn mang theo nỗi buồn khổ của một mĩ nhân biệt xứ rời quê bơ vơ trên đất khách, thì Hồ già thập bát phách là một tấn bi phẫn thi mang theo đầy đủ nỗi khổ của một người phụ nữ, một người mẹ, một số phận bèo trôi trong thời binh đao loạn lạc, nỗi đau của bà như trăm ngàn nỗi đau khác của những người phụ nữ cũng cam chịu cảnh sống như bà, tiếng đàn hay giọng thi ca của bà chính là lời nói của những người cùng cảnh ngộ. Chính vì vậy mà bản nhạc được người đời ghi nhớ như là lời tự bạch về nỗi sợ hãi chiến tranh và li biệt thân nhân.

Tịnh Tâm