Bản Nocturne No. 20 cung Đô thăng thứ của Chopin được chọn sử dụng làm nhạc nền cho phần đầu và lúc kết thúc của bộ phim cảm động: The Pianist (2002), kể về niềm tin, nghị lực sống mãnh liệt của người nghệ sĩ Do Thái. Trong lúc cùng khổ và tuyệt vọng nhất, chính âm nhạc của nghệ sĩ dương cầm người Do Thái đã xóa tan sự giết chóc, ranh giới quốc gia trong tâm hồn viên sĩ quan phát xít Đức – thay vào đó là sự đồng cảm và lòng nhân ái trong tâm hồn.

Frédéric François Chopin (1810-1849)

Nocturne No. 20 cung Đô thăng thứ được Frédéric Chopin sáng tác năm 1830 còn có thể gọi là bản là nocturne xa xứ, vì ông viết bản này trước khi rời đất nước Ba lan ngày 2 tháng 11 năm 1830, và mãi mãi không quay trở lại. Vài năm sau khi Chopin qua đời, năm 1870 bản dạ khúc này mới được xuất bản.

“The Pianist”: Chopin Nocturne C sharp minor

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Nocturne No. 20 cung Đô thăng thứ mở đầu bằng một đoạn ngắn phần giới thiệu, giai điệu chậm rãi, trang nghiêm, u buồn, sầu não.

Tiếp theo, chủ đề chính u sầu được trình bày với những nốt láy duyên dáng, gợi nhắc không khí tĩnh mịch của đêm tối.

Và, bầu không khí xúc cảm dần dần sáng sủa hơn nhưng vẫn không thể nào xua tan được tính chất hoang vắng cô liêu mà giai điệu mở đầu tạo thành.

Chủ đề chính trở lại ở nửa sau bản nocturne nhưng giờ đây nó day dứt hơn. Nỗi buồn dần trở thành nỗi thất vọng tràn trề khi âm nhạc dịu dàng tắt lặng kết thúc tác phẩm.

Bộ phim “The Pianist”

Bộ phim chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên của nghệ sĩ dương cầm Ba lan gốc Do thái Wladyslaw Szpilman, người may mắn sống sót trong đợt tàn sát người Do thái của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Phim The Pianist (Ảnh: youtube.com)

“The Pianist” tái hiện lại cho người xem về tội ác của phát xít Đức trong những cảnh bắt bớ lúc đêm khuya, lúc hành hình những người vô tội.

Trên phim, người Do Thái chết đói, chết cóng, chết vì bị đánh đập… Chính trong hoàn cảnh ấy, nghị lực sống của người nghệ sĩ dương cầm trở nên phi thường hơn bao giờ hết.

Phim The Pianist (Ảnh: youtube.com)

Từ một nghệ sĩ hào hoa vẫn chơi những bản nhạc đẹp đẽ của Chopin, Szpilman sẵn sàng ăn cả những lát khoai tây thối và bị ngộ độc.

Anh lang thang trong những khu phố đổ nát, chui lủi trong các gác mái, uống nước thải của bệnh viện… Anh làm tất cả, chỉ cần được sống, và thèm khát được chơi đàn.

Điểm nhấn nhiều ý nghĩa nhất của bộ phim là cảnh nghệ sĩ Szpilman chơi đàn cho một sĩ quan Đức nghe vào lúc gần cuối phim.

Phim The Pianist (Ảnh: youtube.com)

Khi biết được mình đang gặp một nghệ sĩ dương cầm, viên sĩ quan Đức thay vì tặng anh một viên đạn vào đầu, đã yêu cầu anh chơi nhạc. Szpilman đã chơi đàn với tất cả những lo lắng, sợ hãi và cũng là say mê, thanh thản. Anh đã chọn chơi một bản của Chopin về tình yêu nước của những người dân Ba Lan, những ngón tay điêu luyện lướt trên phim đàn như được chơi lần cuối.

Phim The Pianist (Ảnh: youtube.com)

Sau khi nghe tiếng đàn, viên sĩ quan đã say đắm trước tài năng của Szpilman, thậm chí còn mang thức ăn, áo khoác giúp người nghệ sĩ vượt qua mùa đông buốt giá.

Phim The Pianist (Ảnh: youtube.com)

Không còn ranh giới về quốc gia, dân tộc, tư tưởng, nhiệm vụ hay bất cứ rào cản nào, trước âm nhạc và nghệ thuật, giữa hai con người xa lạ chỉ còn tình yêu. Chiến tranh không thể xóa bỏ những giá trị nhân văn của con người – có lẽ đây là thông điệp đẹp đẽ nhất mà bộ phim mang lại.

Hoàng Hà