Các cây cầu ở thành Rome của nước Ý không chỉ nối đôi bờ sông mà còn kết nối quá khứ với hiện tại. Chúng không chỉ đẹp mà còn mang theo những mẩu chuyện lịch sử thú vị.

Kể từ khi được thành lập bởi Romulus vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, “Thành phố vĩnh cửu” này đã bị chia cắt vĩnh viễn bởi con sông Tiber chảy thẳng qua trung tâm của nó. Trên bờ phía tây là khu phố cổ Trastevere yên tĩnh, đồi Janiculum tuyệt đẹp, thành phố Vatican và Nhà thờ Thánh Peter. Ở phía đông hầu hết là các di tích cổ đại của thành Rome: những ngôi đền và nhà hát, đấu trường và quảng trường – trung tâm của thủ đô La Mã cổ đại.

Kết nối hai bờ sông là một số cây cầu cổ đẹp đẽ – những cấu trúc đáng yêu thu hẹp khoảng cách giữa các trung tâm cổ xưa, trung cổ và hiện đại của thành phố. Có nhiều người đã đi qua những chiếc cầu này, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng nhưng không biết rõ lịch sử của cầu.

1. Cầu Sant’Angelo

Cầu Sant’Angelo ban đầu được gọi là Pons Aelius, theo tên đệm của vị hoàng đế đã xây dựng nó – Publius Aelius Traianus Hadrianus Augustus (được gọi tắt là ‘Vua Hadrian’). Cây cầu có từ năm 134 sau Công nguyên, vào thời kỳ hòa bình và thịnh vượng của Đế chế La Mã. Vua Hadrian đã cho xây dựng cây cầu này để kết nối phía đông của thành phố với lăng mộ dành cho triều đại của mình mà ông đã xây dựng ở phía bên kia cầu, mà ngày nay được gọi là Castel Sant’Angelo.

Cầu Sant’Angelo (ảnh: WALKS INSIDE ROME)

Kể từ thời Phục hưng, cầu Pons Aelius đã có một tên khác – Ponte Sant’Angelo, Điều này là do cây cầu được bổ sung 10 tác phẩm điêu khắc hình thiên thần xếp hàng trên thành cầu, trong đó có 2 bản sao tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng Gian Bernini (1598-1680). Cây cầu đóng vai trò là con đường chính mà những người hành hương sẽ vượt sông để đến Vatican.

Tranh “Lâu đài bên cầu Sant’sAngelo” (ảnh: WALKS INSIDE ROME)

Cầu Sant’Angelo là một trong hai cây cầu cổ ở Rome vẫn giữ nguyên cấu trúc ban đầu (cầu kia là Cầu Fabricius mà sẽ được nhắc tới dưới đây). Ba trong năm vòm cầu hiện nay có nguyên gốc từ thời La Mã.

2. Cầu Fabricius

Cây cầu này kết nối phía đông của thành phố với đảo Tiber từ năm 62 trước Công nguyên, vào khoảng thời gian của Julius Caesar. Cầu Fabricius là cây cầu cổ nhất ở Rome tồn tại cho đến ngày nay.

Cầu Fabricius (ảnh: WALKS INSIDE ROME).

Cây cầu được đặt theo tên của người quản lý đường bộ ở Rome vào năm nó được xây dựng: Lucius Fabricius. Bởi vì nó được đặt ngay bên cạnh khu người Do Thái kể từ khi thành lập vào thời Trung cổ, cây cầu này trong một thời gian dài đã được gọi là Cầu Do Thái (Pons Iudaeorum).

Nước dâng cao dưới chân cầu Fabricius (ảnh: WALKS INSIDE ROME).

Chỉ có hai yếu tố của cây cầu này có tuổi đời ít hơn. Thứ nhất là 2 bức tượng của vị thần hai mặt Janus chào đón khách ở hai đầu cầu, có niên đại từ thế kỷ 14. Thứ hai, là mặt gạch lát khá hiện đại của cầu. Còn tất cả chi tiết khác như vật liệu lõi và cấu trúc đá và cung vòm đều là nguyên gốc.

3. Cầu Vittorio Emanuele II

Cầu Vittorio Emanuele II là một trong những cây cầu “trẻ nhất” ở Rome. Được thiết kế vào năm 1886 và khánh thành vào năm 1911, chỉ vài năm trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ.

Cầu Vittorio Emanuele II (ảnh: WALKS INSIDE ROME).

Cây cầu này kết nối Thành phố Vatican với đại lộ Corso Vittorio Emanuele, dẫn đến quảng trường trung tâm Piazza Venezia và Đồi Capitoline. Ở hai đầu cầu là những bức tượng của nữ thần Chiến thắng có cánh. Bên dưới là những tàn tích của cầu Neroniaus, được xây dựng bởi hoàng đế chuyên chế Nero.

Cầu Vittorio Emanuele II (ảnh: pxhere).

4. Cầu Milvio

Cây cầu này ở khá xa về phía bắc trung tâm lịch sử của Rome, đánh dấu ranh giới phía bắc của thành phố cổ. Tuy nhiên trong số các cây cầu ở Rome, cầu Milvio mang theo một câu chuyện lịch sử thú vị.

Cầu Milvio (ảnh: WALKS INSIDE ROME).

Chính tại cây cầu này vào sáng ngày 28 tháng 10 năm 312 sau Công nguyên, hai hoàng đế La Mã đối địch đã rút quân đội của họ về để tranh giành ngai vàng. Một bên là Maxentius, kẻ giả danh hoàng đế. Bên kia là Constantine, người trở về từ chiến dịch để đòi quyền kế vị hợp pháp ngai vàng.

Cầu Milvio (ảnh: ReidsItaly)

Constantine rất tự tin. Bởi vì vào đêm trước trận chiến, ông ta đã nhìn thấy một điềm báo từ bầu trời – một hình chữ thập mà bên dưới có hàng chữ “Ngươi sẽ giành chiến thắng”. Đêm đó, ông ta còn mơ thấy Chúa Kitô đến thăm và bảo đảm cho ông về chiến thắng sắp tới, nếu và chỉ nếu ông có thể chỉ huy quân lính của mình viết được những hình chữ thập lên các tấm khiên của kẻ địch.

Bức tranh “Trận chiến bên cầu Milvio (1520-1524) của họa sĩ Giulio Romano (ảnh: WALKS INSIDE ROME).

Hoàng đế Constantine đang khao khát giành lại ngôi vương đã làm theo lời khuyên của Chúa và nhận được phần thưởng xứng đáng. Quân đội của ông ta đã giành chiến thắng trong trận chiến ác liệt tại cầu Milvio, như được mô tả trên một bức bích họa trang trí trong Phòng Raphael của Vatican. Dưới sự truy đuổi của quân đội Constantine, Maxentius đã dẫn quân lính của hắn ta chạy trở lại Rome qua một cây cầu phao tạm bằng gỗ được xây dựng vội vã. Cây cầu đó bị vỡ tung dưới sức nặng của đoàn quân, hất Maxentius và binh lính của hắn ta xuống sông Tiber. Với sức nặng của những bộ áo giáp đang mặc trên người, chúng đã không thể thoát khỏi bị chết chìm.

Theo WALKS INSIDE ROME

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||b99d0edf1__