Trong số các vị hoàng đế Trung Hoa thời cổ, một số người có những tài năng nghệ thuật đặc biệt, đó là hoàng đế Minh Tuyên Tông – Tuyên Đức. “Triển lãm thư họa Tuyên Đức – Minh Tuyên Tông” tại Bảo tàng Cố cung trưng bày những bức tranh và thư pháp của hoàng đế Tuyên Tông, cùng với những tác phẩm được hậu thế mô phỏng lại.

Minh Tuyên Tông (1399 – 1435), họ Chu, tên là Chiêm Cơ, hiệu là Trường Xuân Chân Nhân, là vị vua thứ 5 đời nhà Minh. Trong 10 năm trị vì, ông thể hiện là một vị hoàng đế đức hạnh tài năng, được các nhà sử gia đời sau gọi là “Nhân Tuyên chi trị”, nổi tiếng là vị quân vương giữ nước giữ thành, một nhân vật được đánh giá rất cao trong lịch sử Trung Hoa; ngoài ra ông còn rất nổi danh là vị hoàng đế kiêm nghệ thuật gia.

Tuyên Tông rất yêu thích văn chương và nghệ thuật hội họa, công việc triều chính của ông thường đi cùng với thú vui thực hành thư pháp; ông thường ban thưởng những cận thần của mình bằng những tác phẩm thư họa do tự ông sáng tác. Những bức tranh phong cảnh, nhân vật, muông thú, hoa điểu, cỏ trùng đều là thế mạnh của vị vua này. Hầu như các tác phẩm đều lấy những hình tượng có ý nghĩa hàm ẩn trong đó như: hoa, chim, trúc v.v. Phong cách của ông chịu ảnh hưởng lớn bởi những bức tranh của văn nhân nhã sĩ các đời trước, chú trọng vào những đường nét cong và khí vận.

Ngoài ra, Minh Tuyên Tông còn rất chú trọng vào việc khôi phục sự phồn vinh của họa viện nhà Tống. Theo các ghi chép, mỗi bức tranh của họa gia trong cung, Tuyên Tông đều xem xét rất tỉ mỉ và đưa ra bình phẩm, vì vậy mà khiến cho hội họa trong cung đình nhà Minh vô cùng cường thịnh, có thể sánh ngang với họa viện thời Bắc Tống của Tống Huy Tông (1082 – 1135).

Chân dung vua Tuyên Đức (Ảnh: PChome Online)

Minh Tuyên Tông là cháu trai của Minh Thành Tổ, trị vì từ năm 1426 đến năm 1435. Bức tranh chân dung bên trên khắc họa gương mặt của Tuyên Tông với các màu đỏ đen, bộ râu rậm rạp, đầu đội mũ ô sa, mặc hoàng bào vân rồng, tay vịn lên chiếc đai lưng khảm châu báu, ngồi ngay ngắn trên ghế rồng trạm trổ; dưới chân là tấm thảm thổ cẩm hình rồng, thể hiện một sự oai phong lẫm liệt của vị hoàng đế. Toàn bộ bức tranh mang phong cách tả thực, với các đường gấp nếp của y phục rất rõ ràng, khuôn mặt nhấn mạnh vào những đặc điểm của cá nhân của vua, với sắc thái diễm lệ. Bức tranh này do một họa gia cung đình nhà Minh sáng tác.

“Tam dương khai thái đồ”

“Tam dương khai thái đồ” – Tuyên Đức (Ảnh: PChome Online)

Tác phẩm “Tam dương khai thái đồ” của Minh Tuyên Tông là một tác phẩm thư họa được sáng tác dựa trên bối cảnh rất tự nhiên và tình cờ. Bức tranh này được sáng tác vào năm trị vì thứ tư của ông (1429) với màu sắc đạm nhã, với hình ảnh mẹ con sơn dương (dê núi); một dê mẹ và hai dê con, trên bối cảnh cây tre, đá thạch và hoa trà, lấy âm “tam dương khai thái” làm ngụ ý (tam dương khai thái mang ý nghĩa ba mặt trời mở ra sự thái bình, chữ dương trong từ ánh dương đồng âm với chữ dương trong từ con dê). “Tam dương khai thái” thuộc quẻ thứ 11 “Địa thiên thái” trong 64 quẻ của “Kinh dịch”, ngụ ý thiên địa trên dưới giao thông cùng thái bình.

Hoàng đế Càn Long sau này đã bắt chước vẽ theo bức “Tam dương khai thái”, đồng thời cũng bắt chước hình dáng sơn dương trong “Khai thái đồ” của họa gia Lang Thế Ninh, vẽ thành một bức tranh mà cũng được trưng bày trong triển lãm này.

“Hồ trung phú quý đồ”

“Hồ trung phú quý đồ” – Tuyên Đức (Ảnh: npm.gov.tw)
Trích hình chú mèo trong bức “Hồ trung phú quý đồ” – Tuyên Đức (Ảnh: tech2.npm.edu.tw)

Theo lời đề tựa, bức tranh cũng được vẽ vào năm thứ 4 trị vì của hoàng đế Tuyên đức (1429), đây là bức tranh Tuyên Đức vẽ để ban tặng cho đại thần Dương Sĩ Kỳ (1365 – 1444). Trong tranh là hình ảnh chú mèo ngẩng đầu lên nhìn bình hoa mẫu đơn một cách hiếu kỳ, ngơ ngác, giống như đang dò xét để chuẩn bị nhảy lên vồ bình hoa. Âm đọc của từ mèo trong tiếng Hán đồng nghĩa với chữ “mạo”, “mạo” ở đây chỉ người tuổi cao, nên mang hàm ý chúc thọ, sống lâu trăm tuổi, cũng lấy hình tượng hoa mẫu đơn làm ngụ ý chúc giàu sang. Hình ảnh chú mèo với cách dùng ngòi bút rất tinh tế, khóm hoa mẫu đơn được treo cũng được khắc họa vô cùng nhẹ nhàng; ba đóa hoa nở rộ, ở giữa là lá xanh vươn lên cao. Ngoài ra trong bức họa còn xuất hiện một nửa chậu rửa ba chân hình bầu dục đặt trên mặt đất; đây chính là một đồ dùng bằng sứ thường thấy ở thời Minh.

“Thư thượng lâm đông noãn thi”

“Thư thượng lâm đông noãn thi” – Tuyên Đức (Ảnh: npm.gov.tw)

Nghệ thuật thư pháp của Minh Tuyên Tông được kế thừa và học hỏi rất nhiều từ Vương Hy Chi, Triệu Mạnh Phủ và một vài thư pháp gia nổi tiếng khác. Thư pháp của ông vô cùng mạnh mẽ khoáng đạt, dùng bút rất tự nhiên sảng khoái. Hậu nhân bình rằng “thư pháp xuất ra sáng sủa lộng lẫy, lại vừa tròn trịa, lấy sự chắc chắn làm điểm khởi đầu”. Đây là tác phẩm vào năm trị vì thứ 6 của vua Tuyên Đức, được ban tặng cho lang trung Trình Nam Vân; kết cấu của chữ rất gần với thư pháp của Triệu Mạnh Phủ, phản ánh khí thế cao thời đầu nhà Minh, nhưng vận bút hơi nhanh, khởi bút và thu bút không có nhiều điểm nhấn. Trình Nam Vân là quan từ thời Vĩnh Nhạc, rất giỏi thư họa, nhất là chữ triện và chữ lệ. Trong “Tuyên Tông ngự chế thi tập” có ghi chép về việc Tuyên Đức năm thứ 7 tặng cho Trình Nam Vân cuốn “Thảo thư ca”, chứng tỏ Tuyên Đức vô cùng yêu mến Nam Vân.

“Tuyên Tông mã thượng tượng”

“Tuyên Tông mã thượng tượng” – Tuyên Đức (Ảnh: PChome Online)

Bức tranh này không có lời đề khoản, nhưng phía bên trái phần khung có một phù thiếp nổi rõ, ghi bốn chữ “Tuyên Tông hành nhạc”. Bức tranh mô tả cảnh vua Tuyên Tông cưỡi ngựa, trên tay ôm con chim ưng, chạy theo bờ sông, làm bầy chim nhạn giật mình mà tung bay. Sử sách có ghi chép lại rằng, Tuyên Tông rất ưa chuộng cưỡi ngựa bắn cung, cũng là người vô cùng tinh thông trong lĩnh vực này. Trong bức họa, hình tượng Tuyên Tông được khắc họa với mặt mũi đầy đặn, râu rậm, mang một đôi giày trắng cùng với hoàng bào thêu hoa văn, phần trên của chiếc mũ có đính hạt châu; người ta suy đoán rằng phong cách trang phục này bị ảnh hưởng bởi những người du mục từ triều đại nhà Nguyên.

“Hí viên đồ”

“Hí viên đồ” – Tuyên Đức (Ảnh: npm.gov.tw)

Bức tranh “Hí viên đồ” được tạo ra từ năm thứ 2 Tuyên Tông, khi đó ông 29 tuổi. Bức tranh mô tả cảnh một gia đình vượn sinh động ấm áp. Vượn mẹ ôm chặt vượn con ngồi trên tảng đá, vượn con một tay ôm cổ vượn mẹ, một tay giơ về phía cành cây bên kia khe suối; vượn bố đu trên cành cây, tay cầm chùm quả nhìn về phía vượn con như muốn vui đùa với con mình. Với ba hình dáng khác nhau, những chú vượn đều có vẻ mặt sinh động, ngón tay tự nhiên mềm mại, bộ lông cũng được khéo léo vận dụng màu mực nhạt đậm thể thể hiện. Động tác của chúng trông rất linh hoạt khỏe mạnh, cho thấy kỹ năng vẽ tranh tuyệt vời của vua Tuyên Tông.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch