Thư pháp hay còn gọi là nghệ thuật viết chữ Hán được coi là một loại hình nghệ thuật rất tinh tế và uyên thâm. Không phải chỉ đơn thuần là viết đẹp, mà còn ẩn chứa rất nhiều hàm ý thâm sâu về nội tâm của người viết.

Vì sao gọi thư pháp là một nghệ thuật?

Bởi nó nói lên rằng nét chữ trở thành một nét đẹp khi con người ta thả hồn, trao tâm mình ở nét chữ để làm lộ ra tính cách, tâm tư – Khi đó nét chữ trở thành nghệ thuật.

Thư pháp bắt nguồn từ Trung Hoa cổ xưa, dựa trên kết quả của các nhà khảo cổ, họ đã tìm thấy những hệ văn tự đầu tiên được tìm thấy từ mấy ngàn năm trước, được dự đoán từ 1200 năm trước công nguyên.

Hệ văn tự đầu tiên này trên mai và yếm rùa, nó có tên gọi là giáp cốt, tiếp sau đó là những hệ văn tự được khắc trên xương thú gọi là thú cốt, hay khắc trên kim loại như lư, đỉnh… gọi là kim cốt. Sau này người ta tạo ra bút lông và nghiên mực để viết chữ lên giấy, lụa.

Giáp cốt trên mai rùa (Ảnh: pixabay.com)

Nghệ thuật thư pháp của Trung Hoa mang tầm ảnh hướng rất lớn cũng như hệ văn tự của người Trung Hoa ảnh hưởng toàn diện tới văn hóa các nước Á Đông, tạo nên nét riêng biệt đặc trưng cho cả một vùng địa lý rộng lớn, bao gồm cả Nhật Bản Hàn Quốc và Việt nam.

Sự ra đời của chữ Hán và nền móng đặt định cho nghệ thuật thư pháp.

Tương truyền rằng, người tạo ra chữ Hán là Thương Hiệt, huyền sử này theo ghi chép của cuốn Lã thị xuân thu như sau:

Thời thượng cổ, tại vùng Quan Trung thuộc Thiểm Tây có một người tên là Thương Hiệt, họ Hầu Cương, bút hiệu Sử Hoàng Thị, biệt hiệu Song đồng tứ mục, tục xưng Thương Hiệt tiên sư, Thương Hiệt thánh nhân, Thương Hiệt chí thánh, Chế tự tiên sư, Chế tự tiên thánh, Hữu sử Thương thánh nhân.

Thương Hiệt bẩm sinh đã có 4 con mắt (Ảnh: Wikipedia)

Thương Hiệt bẩm sinh có 4 mắt, từ hai đôi mắt đó phát ra tia sáng dị thường, quan sát sự vật vô cùng rõ ràng. Thương Hiệt xõa tóc, để râu, mình mặc da thú, ngồi trên tấm da của một loài mãnh thú, tay luôn cầm bút, nói chuyện cùng với người đối diện, dường như đang suy nghĩ điều gì. Đầu của ông cũng khác với người thường, đỉnh đầu nhô cao lộ vẻ thông minh đặc biệt.

Ông thường cưỡi lừa bôn ba khắp cao nguyên hoàng thổ ở Thiểm Tây, vượt núi băng sông, đi khắp các châu các quận, tìm hiểu phong tục tập quán dân gian, thu thập phù hiệu ngôn ngữ lưu hành trong dân gian. Lúc bấy giờ chưa có giấy, ông đem những tài liệu thu thập được viết lên lá lau sậy rồi bỏ vào trong túi để lừa thồ đi. Tư liệu mà Thương Hiệt thu thập rất nhiều, đựng đến mấy túi, con lừa đi đến huyện Kỳ Sơn vì quá mệt mà chết.

Ông mang những túi này, không có lừa không thể đi tiếp nên đã tìm một gian lều cỏ lưu lại. Thương Hiệt không ngừng quan sát thiên tượng, ngẩng đầu nhìn kỹ mặt trăng biến hóa khi tròn khi khuyết, còn thấy rõ hiện tượng diễn biến của núi sông mưa gió, phân biệt được dấu chân của các loài điểu thú, hoặc dấu tích của dã thú, xe cộ lưu lại khi đi qua, khu biệt được sự giống nhau và khác nhau của các loại dấu vết, đồng thời bắt đầu sáng tạo ra văn tự. Thương Hiệt không quản ngày đêm, chăm chỉ quan sát suy ngẫm.

Ông đã tìm một gian nhà cỏ để lưu lại (Ảnh: meodulich.info)

Một đêm nọ, Thương Hiệt mệt đến nỗi đầu óc tối tăm, lại thêm cóc trong ao kêu liên tục, quấy rầy sự suy nghĩ của ông. Lúc đó, Thương Hiệt đang nghĩ đến việc làm sao tạo ra 2 chữ “xuất” (ra) và “trọng” (nặng). Bỗng cóc kêu lên một tiếng, kết quả ý nghĩa của chữ bị đảo lộn. Chữ 山 (sơn) ở trên có thêm chữ 山 nữa vốn có nghĩa là nặng, chữ 千 (thiên) chữ 里 (lý) vốn có nghĩa là xa; nhưng Thương Hiệt lại cho chữ 出 (xuất) có nghĩa là “ra”, cho chữ 重 (trọng) có nghĩa là nặng. Đêm đã khuya, Thương Hiệt nhấc bút lên chấm đầy mực, tức giận quẳng bút mực văng đến miệng cóc.

Theo truyền thuyết, mãi đến nay, bên mép của cóc ở Kỳ Sơn đều đen cả. Như vậy, Thương Hiệt hội ý tạo chữ, sáng tạo ra 24 chữ cổ. Sau khi Thương Hiệt tạo ra chữ đã cảm động thần linh, gạo từ trên trời rơi xuống, quỷ thần ban đêm cũng kinh hãi khóc rống. Chẳng bao lâu, Thương Hiệt vâng mệnh thống nhất văn tự và cùng chỉ dẫn các quan viên cải cách văn tự. Thương Hiệt còn là vị sử quan của Hoàng Đế, ghi chép sự việc, những việc lớn liên quan đến biên chép của thị tộc đều do Thương Hiệt nắm giữ, nên từ đó mà diễn dịch thành truyện Thương Hiệt có liên quan mật thiết đến việc sáng tạo văn tự.

Thương Hiệt còn là vị sử quan của Hoàng Đế, ghi chép sự việc, những việc lớn liên quan đến biên chép của thị tộc đều do Thương Hiệt nắm giữ. (Ảnh: blogspot.com)

Do vậy mà Hán tự khởi nguyên là chữ tượng hình, nghĩa là mô tả hình dáng các vật thể trong thiên nhiên. Trải qua một giai đoạn thời kì lịch sử, Hán tự đã có nhiều biến đổi, xong nó vẫn giữ được giá trị hàm nghĩa và câu chuyện về mỗi chữ đó.

Vào khoảng thế kỉ thứ II và thế kỉ thứ IV CN, nghệ thuật viết chữ hay gọi là thư pháp hay thư đạo trở thành một môn nghệ thuật tao nhã, cao siêu được các cao nhân mặc khách và một số đại danh sĩ có trình độ học vấn cao thâm đặt định.

Một trong số những đại danh sĩ đó có tên là Vương Hi Chi ( 330-361) là một đại quan với kiến thức thâm sâu và cũng là một đại thư gia mà người đời tôn ông làm: Thảo thánh.

Thư pháp của Vương Hi Chi (Ảnh: pixabay)

Do sự ảnh hưởng rất sâu của Hán tự, sau này nó được phổ biến ở các nước Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Tạo thành nét riêng biệt độc đáo của thư pháp Á Đông.

Thư pháp không chỉ là một môn nghệ thuật cao siêu bởi nó không chỉ đạt được cái đẹp mà còn phản ánh tâm hồn của người cầm bút

Nghệ thuật Thư pháp được thể hiện bằng chữ Hán, sử dụng bút lông, mực tàu, giấy và nghiên mài mực hay còn gọi là “văn phong tứ bảo”. Với người Trung Hoa đã đưa nghệ thuật viết chữ đẹp thành một môn nghệ thuật, cao quý có tính chất phô diễn, mang khí phách của con người, và thêm vào đó là cá tính của người cầm bút. Ở Nhật bản người ta gọi nghệ thuật viết chữ đẹp là Thư đạo, ở Hàn Quốc người ta gọi là Nghệ thư, ở Việt Nam gọi là Thư pháp.

(Ảnh: thuphapquanglinh.com)

Khi đánh giá thư pháp là một môn nghệ thuật cao siêu, bởi các tiêu chí đánh giá một bức thư pháp rất khắt khe. Một thư gia có thể hành bút, thì phải trải qua thời gian khổ luyện. Nắm được tiêu chí cơ bản về: Điểm hoạch (đường nét), kết thể (bố cục), thần vận (cái hồn) của tác phẩm, và cao hơn thế nữa chính là cảnh giới tư tưởng của thư gia.

Một nhà thư pháp đòi hỏi có kiến thức sâu rộng và khả năng cảm thụ thẩm mỹ. Điều này đòi hỏi người ta phải có nền tảng kiến thức thâm sâu về kết hợp và phân bố hình khối, tạo nét dáng qua từng đường nét. Khi có óc tưởng tượng kết hợp với khả năng cảm thụ thì người ta mới thể hiện thành công ý tưởng trên tác phẩm của mình.

Sư đòi hỏi đối với một thư gia không phải chỉ đơn thuần ở luyện tập về kiến trúc, kiến thức tạo hình, tạo màu mà còn phải là một tu luyện tâm thân. Tại sao lại phải tu luyện tâm thân?

Tác phẩm thư pháp đẹp là tác phẩm không chỉ dựa trên kiến thức, mà còn thể hiện ra cảnh giới tư tưởng, một thư gia đạt trạng thái:

Tâm bình tĩnh khí, thì nét bút thể hiện sự ổn định trong trạng thái tư tưởng, mềm mại nhưng không lỏng lẻo, cứng cỏi nhưng không khô khan, trong cương có nhu, trong động có tĩnh. Đó chính là phần hồn của một thư pháp.

Một thư gia có tâm hồn hòa ái, sự kiên trì nhẫn nại, hay tính tình nóng vội, tự cao, đều thể hiện ra nét bút của mình, độ đậm nhạt của nét bút, tốc độ viết nhanh chậm đều thể hiện trạng thái tâm tư của người đó khi cầm bút.

Nên đối với người Nhật, họ không chỉ coi thư pháp là một môn nghệ thuật tinh tế cao siêu, mà họ gọi đó là một môn để họ tu dưỡng tâm thân, nhấn mạnh đạo lý làm người, nên họ gọi đó là thư đạo.

Người Nhật, họ không chỉ coi thư pháp là một môn nghệ thuật tinh tế cao siêu, một môn để họ tu dưỡng tâm thân, nhấn mạnh đạo lý làm người, nên họ gọi đó là thư đạo. (Ảnh: WordPress.com)

Tương tự như vậy, hân thưởng một bức thư pháp cũng đòi hỏi một kiến thức và cách cảm thụ rất sâu. Họ cảm thụ bút pháp và sự sáng tạo của tác giả qua từng nét bút với tiết tấu nhanh chậm, nét mực ướt đẫm lâm li hay ủy mị thướt tha và với độ đậm nhạt của nét bút cũng như cách phối hợp với màu giấy trắng mực đen một cách hài hòa sắc cạnh.

Sự am tường về chữ Hán, và quy luật thứ tự nét bút, số nét bút của từng chữ. Từ đó mà người thưởng ngoạn thư pháp sẽ cảm nhận được sự tinh tế của tác phẩm, thông hiểu hàm ý và nội dung của thư gia mà thấy gần gũi và thương mến. Có lẽ đây chính là những cảm xúc đặc biệt đặc sắc mà ít một môn nghệ thuật nào có thể làm được.

Có một đại thư gia đời Bắc Tống có tên là Mễ Phất đã có nhận xét như sau khi thưởng ngoạn một bức thư pháp của cổ nhân:

Một khi tôi trải một bức thư pháp của cổ nhân mà ngắm, tôi ngất ngây đến độ sấm động bên tai cũng không hay, thức ăn thơm ngon ngào ngạt  bên cạnh cũng không màng… Tôi ngờ rằng sau này khi tôi lìa đời hồn tôi sẽ biến thành con cá nhập vào những bức họa mà tung tăng bơi lội trong đó.

Thưởng ngoạn thư pháp (Ảnh: pinterest.com)

Đôi nét về nghệ thuật thư pháp Nhật bản và Việt nam

Ở Nhật bản: Thư pháp được gọi là thư đạo, thường được thể hiện bởi các thư gia là những nhà thiền sư, tu luyện tới cảnh giới tâm tĩnh không động, nên khi khai bút, nét tĩnh không thể phá trong tác phẩm, sự bình không thể loạn trong hàm ý được bộc lộ rất rõ. Người cầm bút biết rõ mình là ai, và mình như thế nào, tức biết rõ bản thân để bộc bạch qua nét bút. Nên họ coi trọng tâm tính, bởi vậy mà không chỉ khái niệm là viết chữ đẹp, nghệ thuật cao siêu, mà còn gọi là thư đạo.

Ở Nhật Bản họ coi trọng tâm tính, bởi vậy mà không chỉ khái niệm là viết chữ đẹp, nghệ thuật cao siêu, mà còn gọi là thư đạo. (Ảnh: soi.today)

Ở Việt nam, thư pháp được bắt đầu từ thư pháp chữ Hán, trong thời kỳ Bắc thuộc người Hán đã truyền bá văn hóa và cả chữ viết vào nước ta, trong đó có cả nghệ thuật thư pháp, trải qua hàng nghìn năm thư pháp chữ Hán tại nước ta cũng phát triển rộng rãi. Đến khi chữ Quốc Ngữ ra đời dần thay thế cho chữ Hán thì thư pháp chữ Quốc Ngữ từ đó cũng được hình thành.

Thư pháp chữ Việt dễ dàng thể hiện theo nhiều cách khác nhau, tự do sáng tạo không ràng buộc trong khuôn khổ như chữ Hán, nhưng phải luôn giữ vững cấu trúc của chữ. Là chữ Latin không phải chữ tượng hình như chữ Hán nên khó biểu đạt được tâm ý và nội dung của câu chữ, chính vì vậy người viết thường cố tình tạo nên những tác phẩm mang hình ảnh cần biểu đạt mà dễ làm mất đi cấu trúc chính của chữ khiến người xem khó đọc được.

Thư pháp chữ Việt dễ dàng thể hiện theo nhiều cách khác nhau, tự do sáng tạo không ràng buộc trong khuôn khổ như chữ Hán, nhưng phải luôn giữ vững cấu trúc của chữ. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Có thể nói rằng thư pháp là một loại hình nghệ thuật biểu thị sự cao siêu trong kiến thức, tinh thông trong hội họa, lịch sử và vẻ đẹp của nó gắn liền với những bức tranh thủy mặc. Không chỉ vậy, nó còn bộc lộ rất rõ nét hàm ý cũng như tâm tư của người cầm bút, một loại trạng thái cảm xúc rất tao nhã. Chính vì đó mà người xưa nhìn nét chữ là đánh giá được con người.

Bởi nó chính là sự mô phỏng tâm tư tình cảm, cảnh giới tư tưởng của một thư gia. Tâm tính bình ổn, an hòa, bức thư pháp như một bức họa tuyệt mĩ, tâm thái bất ổn, khí phách bậc trung hay hạ sĩ, nét bút như gà bới ổ rơm.

Cho đến ngày nay, thư pháp phát triển rất mạnh mẽ ở Việt nam hay một số nước khác, mặc dù không giữ được nhiều về giá trị hàm ý thâm sâu, xong nó luôn được coi là một loại hình nghệ thuật thanh tao.

Tịnh Tâm