Người xưa nói “Nhân vô thập toàn“, trong đời ai cũng ít nhất một lần mắc lỗi. Nếu không thể dùng lòng tha thứ, khoan dung mà đối đãi với nhau, chắc hẳn bạn sẽ thấy cuộc sống này toàn là phiền muộn mà thôi. 

Phạm Thuần Nhân là một học giả đồng thời cũng là một nhà chính trị lỗi lạc thời Tống. Ông thường xuyên nhắc nhở các con mình rằng: “Dù là kẻ ngu dốt nhất, người ấy cũng có thể là hết sức sáng suốt khi quở trách người khác. Còn người thông minh cũng có thể vô cùng hồ đồ trong lúc tự tha thứ cho lỗi lầm của bản thân mình. Vì vậy, nếu các con có thể tự lấy tâm trách người để trách mình, và khoan dung tha thứ cho người khác như khi tha thứ cho chính bản thân mình, thì các con chắc chắn có thể trở thành bậc Thánh hiền”.

Bậc Thánh Hiền luôn khoan dung và tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Có một lần, một người học trò xin Phạm Thuần Nhân cho mình một lời khuyên về đối nhân xử thế. Ông trả lời: “Chỉ có cần kiệm mới có thể bồi dưỡng liêm sỉ, chỉ có khoan dung tha thứ mới có thể trở thành người nhân đức”.

Cổ nhân có nói: “Nhân tuy chí ngu, trách nhân tắc minh, thứ kỷ tắc hôn”. Có nghĩa là người ta tuy ngu xuẩn đến cực điểm, nhưng đối với thói hư tật xấu của kẻ khác thì lại có thể kể ra rất rõ ràng, rành rẽ. Người ấy nói chuyện thị phi của kẻ khác thì thao thao bất tuyệt, có bài có bản nhưng đối với việc của chính mình thì lại mê muội hồ đồ, tùy tiện cẩu thả, không thể biện biệt rõ ràng, phạm sai sót cũng chẳng quan tâm, thậm chí còn che giấu lỗi lầm nữa. Đây là do bị lòng tư tâm chi phối, xúi giục, khiến người ấy gây ra những điều sai trái, và luôn luôn tự tha thứ cho chính mình!

Còn như người thông minh thì thế nào? Họ chính là lấy tâm trách người để trách mình, lấy tâm tha thứ mình để tha thứ người. Một người có thể “lấy tâm trách người để trách mình”, tức là biết phản tỉnh, quay lại tìm cầu ở chính mình, dùng lòng khoan dung tha thứ cho chính mình mà khoan dung tha thứ cho người khác. Lại có thể xử sự cao thượng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn không làm cho người), thấy việc nghĩa thì dũng cảm đứng ra gánh vác. Làm được thế thì không lo gì chuyện đạt được địa vị của Thánh hiền nữa cả.

Người xưa chú trọng vào tu thân dưỡng tính, lúc nào cũng chú trọng kiểm tra lại bản thân mình, đồng thời có thể dùng lòng khoan dung mà lượng thứ cho khuyết điểm của người khác. Điều đó không chỉ khiến cho đức hạnh của bản thân mình có thể nâng cao mà còn có thể cảm hóa, thiện hóa người khác.

Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi ông rằng: “Thưa thầy! Có hay không có một chữ mà có thể làm nguyên tắc khiến con người cả đời làm theo?”. 

Khổng Tử nói: “Chính là chữ “Thứ”. Chữ “Thứ” này chính là mang ý nghĩa khoan dung, độ lượng”. 

Một học trò khác của Khổng Tử là Nhan Hồi cũng từng nói: “Người đối tốt với ta, ta cũng đối tốt với người. Người không đối tốt với ta, ta vẫn đối tốt với người”. 

Người xưa chú trọng vào tu thân dưỡng tính, lúc nào cũng chú trọng kiểm tra lại bản thân mình. Ảnh dẫn theo vietq.vn

Nhiều nhân sĩ thời Đường cũng đã chọn cách giải quyết thù oán bằng sự khoan dung, độ lượng như trong câu chuyện của Đỗ Sở Khách dưới đây: 

Đỗ Sở Khách và người chú là Đỗ Yêm cùng phục vụ trong quân đội của Vương Thế Sung. Triển vọng thăng quan của Sở Khách rất thấp, vì Vương Thế Sung, người đã nổi lên sau khi phế truất vị vua cuối cùng của nhà Tùy đang bị quân đội nhà Đường vây khốn ở phía Tây.

Đỗ Yêm rất ghét anh em nhà Đỗ Sở Khách. Đỗ Yêm đã vu oan cho người anh cả của Đỗ Sở Khách, khiến Vương Thế Sung ra lệnh giết chết người này. Đỗ Sở Khách cũng bị bỏ đói đến gần chết ở trong tù ngục. Tuy nhiên, Đỗ Sở Khách đã không hề oán hận người chú của mình.

Sau khi Lý Thế Dân đánh bại Vương Thế Sung, Đỗ Yêm bị định tội chết. Một người anh trai khác của Đỗ Sở Khách là Đỗ Như Hối, mưu sĩ thân tín của Lý Thế Dân. Đỗ Sở Khách không nghĩ gì đến hiềm khích trước kia, đến gặp anh trai của mình, nước mắt lưng tròng van xin anh trai cứu mạng cho người chú của họ.

Ban đầu tất nhiên Đỗ Như Hối từ chối. Tuy nhiên Đỗ Sở Khách kiên trì thuyết phục: “Thúc thúc đã hại chết đại ca của chúng ta. Nếu huynh cứ theo oán hận cũ mà không cứu thúc thúc, trong gia tộc của chúng ta cứ giết hại qua lại như thế, huynh không thấy đau lòng hay sao?”. 

Nghe Đỗ Sở Khách nói như vậy, Đỗ Như Hối đã rất cảm động. Ông đã vứt bỏ mối thù cũ và đáp lại sự oán hận của người chú bằng tấm lòng khoan dung. Theo thỉnh cầu của Như Hối, Lý Thế Dân đã tha mạng cho Đỗ Yêm.

Sau khi được thả, Đỗ Yêm lại chuẩn bị đầu quân cho Thái tử Lý Kiến Thành, anh trai cả và cũng là đối thủ của Lý Thế Dân. Phòng Huyền Linh, một cố vấn cao cấp của Lý Thế Dân lo ngại rằng Lý Kiến Thành sẽ bày ra gian kế nếu có được Đỗ Yêm. Phòng Huyền Linh đã đề nghị Lý Thế Dân phong cho Đỗ Yêm một chức vụ tương xứng với tài năng của ông ta.

Năm 625, Khánh Châu tổng quản Dương Văn Can nổi dậy. Sau khi bị trấn áp, bọn phiến quân thú tội là chúng đã làm theo lệnh của Lý Kiến Thành, nhưng lại đổ lỗi cho Đỗ Yêm đã xúi giục, gây ra bất hòa giữa Lý Thế Dân và Lý Kiến Thành. Lý Thế Dân biết rõ rằng Đỗ Yêm vô tội, đã thưởng cho ông ta 300 lượng vàng.

Sau khi Lý Thế Dân lên ngôi vua, trở thành Đường Thái Tông vào năm 626, ông đã chỉ định Đỗ Yêm làm Thượng thư bộ Lại, phụ trách quản lý mọi cấp bậc quan lại trong triều. Đỗ Yêm đã tiến cử hơn 40 chức quan để phục vụ triều đình, đa số họ đã trở thành những nhân tài nổi tiếng.

Sau khi cứu mạng Đỗ Yêm, Đỗ Sở Khách sống ẩn dật ở núi Tung thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay, cách xa hàng trăm dặm về phía Đông của kinh đô nhà Đường. Năm Trinh Quán thứ tư, Đỗ Sở Khách quay lại phục vụ triều đình, và được thăng quan tới chức Thượng thư.

Đỗ Sở Khách khoan dung độ lượng được thăng quan tới chức Thượng Thư. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Đỗ Sở Khách bị bắt vì trợ giúp Ngụy Vương Lý Thái, con trai thứ tư của Đường Thái Tông hối lộ các triều thần hòng tranh đoạt ngai vàng, phá vỡ kế hoạch truyền ngôi trị vì do Đường Thái Tông chuẩn bị trước.

Khi Đường Thái Tông biết được vai trò của Sở Khách, ông đã nhẫn nại giữ im lặng. Chỉ đến khi sự việc bị bại lộ, ông mới công bố sai phạm của Sở Khách, nhưng đã tha mạng cho Sở Khách. Không lâu sau, Hoàng đế bổ nhiệm Sở Khách làm huyện lệnh, cấp cho ông ta cơ hội bù đắp lại lỗi lầm bằng cách phục vụ đất nước.

Khi Đỗ Yêm phạm sai lầm, Đỗ Sở Khách đã khoan dung và tha thứ cho người chú của mình. Sau này khi chính mình phạm lỗi, ông đã được Hoàng đế tha thứ. Như vậy, Đỗ Sở Khách cuối cùng đã được thiện báo vì đã đối xử tốt với người chú của mình trong quá khứ.

***

Có câu thành ngữ: “Nhân vô thập toàn”, trên đời thực chẳng có ai hoàn hảo muôn phần. Có nhiều người ở mặt này thì hiền đức, nhưng ở mặt khác thì lại mắc rất nhiều sai lầm. Có thể nói rằng ai cũng có thể mắc lỗi trong đời. Bởi vậy, nếu không thể khoan dung với họ thì bạn sẽ chỉ thấy cuộc đời này toàn là điều không như ý mà thôi. 

Có những người luôn chỉ thấy bản thân mình đúng đắn, còn người khác thì sai lầm. Mỗi khi phát sinh mâu thuẫn, họ đều đổ lỗi cho người khác, cứ như đó chính là kẻ thù của họ vậy. Như vậy rất có thể người ta sẽ tạo nên những nhân duyên không lành, gây thù chuốc oán. Khi họ không thể khoan dung, lượng thứ và thiện đãi người khác thì đương nhiên người khác cũng khó mà khoan dung, lượng thứ cho họ được. 

Chân Tâm