Người Việt Nam muôn thuở vẫn kính phục Văn Thiên Tường (1236-1283), vị anh hùng dân tộc, Tể tướng Tống triều vong quốc. Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm khi đi sứ Trung Hoa đều làm thơ tưởng nhớ, ca ngợi chính khí lẫm liệt của Văn Thiên Tường. Hai câu thơ của Văn Thừa tướng vẫn được bao người Việt Nam ghi khắc trong tim trong những cơn bĩ vận của nước nhà:

“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.

Nghĩa là:

“Người đời tự cổ ai không chết,

Lưu giữ lòng son sáng sử xanh”.

Thừa tướng họ Văn, tự Thiên Tường, hiệu Văn Sơn – tên ngọn núi trước nhà. Ông xuất thân từ Cát Châu Lô Lăng, bây giờ là huyện Cát An, tỉnh Giang Tây. Lúc còn nhỏ, Văn Thiên Tường chăm học, đọc nhiều sách, ông thích nhất là những câu chuyện về trung thần nghĩa sĩ. Tinh thần yêu nước đã ăn sâu vào tâm hồn ông.

Năm 1255, Văn Thiên Tường thi đỗ Trạng nguyên. Chủ khảo là Vương Ứng Lân thán phục quyển văn ông, nói: “Thử quyển trung can như thiết thạch”, nghĩa là quyển văn này có tâm can trung nghĩa như sắt đá. Đúng lúc này, Văn Thiên Tường được tin cha mất. Ông trở về quê hương chịu tang cha khi chưa kịp nhận chức quan. Mãi đến năm 1259, Văn Thiên Tường mới được bổ nhiệm Công sự phán quan, một chức quan xử kiện.

Vào lúc này, quân Mông Cổ phương Bắc đang vùng lên, tiêu diệt nước Kim và càn quét đến Âu lục. Nam Tống bấy giờ ngày càng suy yếu, Tống Độ Tông tín nhiệm gian thần, giao phó quyền hành cho gian thần. Năm 1273, Độ Tông nghe tin quân Mông Cổ công phá Tương Dương, nhất thời khóc lóc bất tỉnh, càng ngày càng ủ rũ, mượn rượu quên sầu, một năm sau thì mắc bệnh qua đời. Tình thế Nam Tống thời bấy giờ như ngọn đèn lay lắt trước gió.

Năm 1275, quân đội Mông Cổ hoàn toàn xâm chiếm được miền Nam, Tạ Thái Hậu đau xót chiêu mời hào kiệt cần vương bảo vệ tứ phía. Văn Thiên Tường ở Giang Tây nhận được tin, lấy hết gia tài tạo dựng một đội quân ba chục ngàn nghĩa binh, chạy tới Lâm An nhưng vẫn không thể địch lại, cuối cùng chiến bại mà thu quân về. Tạ Thái Hậu bổ nhiệm Văn Thiên Tường làm Hữu Thừa tướng, Khu mật sứ, Đô đốc thống quản quân mã, cử ông đến đại bản doanh Thừa tướng triều Nguyên là Bá Nhan đàm phán cầu hàng. Lúc này tình thế đã vô cùng quẫn bách.

(Ảnh minh họa: kknews.cc)

“Uy vũ bất năng khuất”

Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt thấy Văn Thiên Tường là người có tài và có khí tiết, định giam giữ dụ theo nhà Nguyên. Khi Nguyên Thừa tướng Bá Nhan lấy cái chết đe doạ, ông đã khẳng khái nói: “Tôi hiện đang là Tể tướng triều Tống, chỉ lấy cái chết để đền nợ nước, nếu lấy gươm đao dọa nạt, chẳng làm gì được đâu”.

Bá Nhan sai hàng tướng Lã Văn Hoán vào Lâm An, tra xét thành trì, treo bảng vàng vỗ về quân dân trong ngoài. Bá Nhan giam giữ Văn Thiên Tường trong quân, Thiên Tường mắng Bá Nhan thất tín. Văn Hoán ở bên cạnh khuyên giải, Thiên Tường mắng Hoán là loạn tặc, Văn Hoán rất hổ thẹn nói: “Thừa tướng sao lại mắng Hoán là loạn tặc?”

Văn Thiên Tường nói: “Quốc gia bất hạnh đến hôm nay, mày gây tội đầu, mày không phải loạn tặc thì ai? Trẻ con 3 thước đều mắng mày, có riêng gì ta?”

Lữ Văn Hoán biện luận: “Tôi giữ Tương Dương 6 năm không được cứu”.

Văn Thiên Tường nói: “Sức cùng viện tuyệt, thì chết để báo nước là được. Mày yêu thân tiếc vợ con, đã phụ nước, còn phá hoại tiếng tăm cả nhà. Nay mày họp cả họ làm chuyện phản nghịch, là tặc thần muôn đời đấy!” Tướng Nguyên là Toa Đô cũng phải khen: “Thừa tướng mắng họ Lã hay lắm!”

Vào cuối năm 1277, Văn Thiên Tường trốn thoát khi đang trên đường bị cưỡng bức lên phương Bắc ra mắt Nguyên Thế Tổ – Hốt Tất Liệt. Sau đó một thời gian, vào một buổi trưa tháng 12, Văn Thiên Tường xuất quân từ Hải Phong lên phía bắc, khi đi qua một quãng đường hẹp đã bị quân phục kích, rơi vào bẫy, không kịp trở tay và bị quân Nguyên bắt sống. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này quân Nguyên canh phòng ông nghiêm mật. Nhiều lần Văn Thiên Tường đã tìm cách trốn nhưng vô hiệu.

Một thời gian sau, bị nhà Nguyên tấn công cả hai phía Nam và Bắc, nhà Tống thất thủ. Thừa tướng triều Tống Lục Tú Phu cõng vị hoàng đế hãy còn ít tuổi nhảy xuống biển tuẫn tiết. Chiến tranh kết thúc, quân Nguyên bày yến tiệc để mừng công, Văn Thiên Tường cũng được mời đến. Trương Hoằng Phạm, đô đốc quân thủy nhà Nguyên nói với ông:

“Hiện nay, triều Tống đã mất, trung hiếu của ông cũng hết rồi. Thừa tướng có thể thay đổi ý kiến được không, làm việc cho triều Nguyên, mà Tể tướng triều Nguyên không phải là ông thì ai vào đó?”

Ông khẳng khái trả lời:

“Nước mất không thể cứu được, làm quan đại thần thì tội quả đáng chết, lẽ nào còn tham sống sợ chết, phản bội Tổ quốc được?”

“Đọc sách Thánh hiền, học được chuyện gì? Ngày nay, ngày sau khỏi hổ thẹn”

Nguyên Thế Tổ cảm thấy bội phục khí tiết và tài năng của Văn Thiên Tường, liền bảo Thừa tướng đã hàng của Nam Tống là Lưu Mộng Viêm khuyên Thiên Tường đầu hàng, thì ông tức giận, chửi rủa Lưu Mộng Viêm thậm tệ. Hốt Tất Liệt lại bảo ấu chúa Tống Cung Đế tới khuyên hàng, Văn Thiên Tường chỉ quỳ dưới đất, khóc mà nói: “Mời Thánh giá hồi cung!”. Văn Bích, em trai ông đã đầu hàng giặc đến, Văn Thiên Tường kiên quyết: “Anh em một người là tù, một người cưỡi ngựa, cùng cha mẹ nhưng không đội một trời”. Con gái ông là Liêu Nương viết thư cho ông, Văn Thiên Tường vẫn không thay đổi chí khí. Hốt Tất Liệt làm đủ mọi cách nhưng không thể lay chuyển ý chí của ông, đành phải đưa ông nhốt vào đại lao.

(Ảnh minh họa: shenzhouwqn.com)

Năm 1283, Văn Thiên Tường biết được Hốt Tất Liệt sắp triệu kiến mình để xử tử, thần sắc ông rất bình tĩnh, lấy giấy cùng nghiên mực viết một bài ca mang tên “Chính Khí Ca”.

Lời dẫn của bài thơ như sau:

“Ta bị nhốt ở Bắc Đình, trong một căn nhà bằng đất. Nhà rộng tám thước sâu xuống lòng đất bốn tầm, có mỗi một cánh cửa thấp nhỏ, khoảng trống hẹp, ẩm thấp và tối tăm. Vào ngày hè, các mùi bốc lên nồng nặc, gồm mấy thứ khí hơi nước, khí đất, hơi nóng của mặt trời, hơi lửa, khí của gạo và uế khí, vẫn không bị các bệnh dịch xâm hại đến, và ta sống ở nơi này đã hai năm rồi, không sao cả. Đó là có sự nuôi dưỡng bên trong mới được như vậy, chắc các ngươi cũng chẳng biết nguồn nuôi dưỡng đó từ đâu? Mạnh Tử nói ‘Ta biết bồi bổ hạo khí của ta’. Ở đây có bẩy khí, ta có một khí, một địch lại bẩy ta còn lo gì nữa. Huống hạo khí là chính khí vậy, nên làm bài Chính khí ca”.

Thơ có đoạn:

“Trong trời đất chính khí,

Tỏa sáng cho muôn loài.

Cho sông núi dưới đất,

Cho trăng sao trên trời.

Bao trùm cả vũ trụ,

Khí hạo nhiên con người.

Gặp lúc thời bình trị,

Triều thịnh vang lời vui,

Khi cùng tiết tháo tỏ,

Sử xanh ghi muôn đời”.

Khi bị đưa đến Kim Loan điện để gặp Hốt Tất Liệt, Văn Thiên Tường đứng sừng sững, bị lính đánh đến gãy xương, vẫn không chịu quỳ. Hốt Tất Liệt đề nghị ông theo nhà Nguyên, sẽ phong ông làm Thừa tướng, nhưng ông không chấp nhận.

Thấy không thể khuất phục được ông, vua Nguyên hết cách bèn đem ông giết, nhưng vẫn khen là “chân nam tử”. Bấy giờ ông nói: “Ngô sự tất hỹ”, nghĩa là: “Công việc của ta thế là xong rồi”.

Khi hậu táng Văn Thiên Tường, người ta phát hiện có một tờ giấy quấn quanh đai lưng của thi thể ông, tờ giấy đã được viết thay cho lời trăn trối:

“Chức vụ tôi là Tể tướng, mà không cứu được xã tắc, ổn định thiên hạ, quân bại nước nhục, tội đáng chết từ lâu. Từ ngày bị bắt đến nay, không làm điều gì gian dối. Ngày nay cơ sự thế này, xin hướng về phương Nam lạy trăm lạy. Xin được nói: Khổng Tử nói muốn có nhân đức phải giữ nghĩa, tôi giữ nghĩa đến cùng nên có nhân. Đọc sách Thánh hiền, học được chuyện gì? Ngày nay, ngày sau khỏi hổ thẹn. Tống thừa tướng Văn Thiên Tường tuyệt bút”.

Sau khi Văn Thiên Tường tử tiết, người Nguyên kính trọng lập bài vị, sai làm lễ tế viết bài vị là “Đại Nguyên Thừa Tướng”, bỗng có trận cuồng phong kéo đến cuốn bài vị bay mất. Người Nguyên sợ hãi, đổi lại là “Cố Tống Thừa Tướng” lễ tế mới thành.

Một tấc lòng son chiếu sử xanh

Văn Thiên Tường tuy chết, nhưng phẩm chất đạo đức cao thượng của ông mãi mãi được người đời sau kính ngưỡng. Ông cùng với Lục Tú Phu và Trương Thế Kiệt được lịch sử gọi là “Tống vong tam kiệt” (ba bậc hào kiệt lúc nhà Tống mất).

Văn Thiên Tường là bậc anh hùng hào kiệt, bởi sinh vào thời mạt kiếp, nhân tâm xiêu lạc, nên ông đã dùng cả sinh mệnh của mình trình diễn ra nội hàm của chữ “Chính” cho hậu nhân. Hai câu thơ cuối cùng trong bài “Qua biển lênh đênh” (Quá Linh Đinh dương) của Văn Thiên Tường đã trở thành nguồn sức mạnh bất diệt cho những con người xả thân vì chính nghĩa muôn vạn đời sau.

“Tân khổ tao phùng khởi nhất kinh,

Can qua liêu lạc tứ châu tinh.

Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ,

Thân thế phù trầm vũ đả bình.

Hoàng khủng than đầu thuyết hoàng khủng,

Linh đinh dương lý thán linh đinh.

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.

Bản dịch thơ của Đông A:

“Cay đắng gian nan phận đã đành,

Can qua lưu lạc bốn năm quanh.

Cuộc đời bèo bọt mưa trôi dạt,

Sông núi hoa cành gió tướp banh.

Hãi sợ bến đầu nghe sợ hãi,

Lênh đênh bể tận thán lênh đênh.

Người đời tự cổ ai không chết,

Lưu giữ lòng son sáng sử xanh”.

Thanh Ngọc

videoinfo__video2.dkn.tv||0b245357e__