Rượu không phải là cuộc đấu sức của Alcohol và thân thể, mà là sự giao hòa tâm hồn giữa người với người, và hiểu được quan hệ giữa “cái tôi” và “thế giới”.

Văn hóa rượu các nước Á Đông, thực chất đó là văn hóa giao tiếp của các nước Á Đông, nó chứa đựng trí tuệ phương Đông vĩ đại. Thông qua tìm hiểu cách uống rượu của cổ nhân, chúng ta có thể thực sự thể hội được: Rượu không phải là cuộc đấu sức của Alcohol và thân thể, mà là sự giao hòa tâm hồn giữa người với người, và hiểu được quan hệ giữa “cái tôi” và “thế giới”.

Văn hóa rượu và văn hóa trà có điểm chung, nhưng cũng có những khác biệt về bản chất. Văn hóa trà chú trọng tu luyện bản thân của “cái tôi”, cảm ngộ bản thân trong trà đạo, do đó độc ẩm trà luôn luôn là một phương thức tu hành bản thân. Văn hóa rượu chú trọng mối quan hệ giữa “cái tôi” và thế giới bên ngoài.

Trong quá trình uống rượu, “quan vật, thức nhân” (quan sát sự vật, hiểu người), từ đó đạt được sự thăng hoa của bản thân. Do đó người xưa thường coi uống rượu là một nghi thức.

Người xưa coi uống rượu là một phương thức dưỡng thân. Rượu có công dụng giãn gân hoạt huyết, thúc đẩy tuần hoàn máu. Chỉ cần kiểm soát được tửu lượng ở mức vừa đủ, thì có ích cho sức khỏe của con người. Do đó người xưa coi uống rượu là đạo dưỡng thân, vậy người xưa đã sử dụng rượu dưỡng thân như thế nào?

Người xưa coi uống rượu là một phương thức dưỡng thân. (Ảnh: comuseum.com)

Đầu tiên là “Chớ quá chén”, tức là không quá tửu lượng

Người xưa uống rượu, tuân theo “ôn khắc”. Cũng có nghĩa là, muốn uống nhiều rượu, nhưng cũng phải giữ vững bản thân, phải đảm bảo bản thân không thất tín, không mất phong thái. Mọi người thông thường rất ghét những người cứ vài chén là bê tha mất phong thái, và những người không biết dừng thích hợp, ừng ực như đổ lỗ chuột.

“Tam tước bất thức” (3 chén không hiểu biết được người ta) là lễ nghi mà người xưa uống rượu phải tuân theo. Nói cách khác, chính là bậc chính nhân quân tử uống 3 chén là đủ rồi, uống hết 3 chén là tự giác bỏ chén xuống, rút lui khỏi bàn tiệc. 3 chén chính là ý “Duy tửu vô lượng bất cập loạn” (Uống rượu đủ lượng không để bị loạn tính) mà trong “Luận ngữ – Hương đảng” nói đến, cũng chính là vừa thích hợp, đủ lượng là được rồi.

Thứ hai là “Bụng rỗng chớ uống”

Cổ nhân có câu “Không phúc thịnh nộ, thiết vật ẩm” (Bụng rỗng, nổi giận, không được uống), cho rằng uống rượu ắt phải có đồ nhắm. Vì sau khi rượu đi vào cơ thể, etanol sẽ được phân giải ở gan. Trong quá trình gan phân giải etanol, cần nhiều loại vitamin duy trì xúc tác, nếu lúc này dạ dày trống rỗng không có thức ăn, etanol rất dễ bị hấp thụ, gây ra rối loạn cơ lý, gan bị tổ thương. Do vậy, khi uống rượu cần phải có các thực phẩm dinh dưỡng cao và trái cây.

Thứ ba là “Chớ uống lẫn”

Uống lẫn nhiều loại rượu sẽ sinh ra một số thành phần có hại, khiến người ta cảm thấy dạ dày khó chịu, đau đầu. Điểm này rất nhiều người chúng ta đã có trải nghiệm.

Cuối cùng là “Uống ấm và không uống trà sau uống rượu”

Từ xưa đến nay, rất nhiều người uống rượu thường thích uống trà sau khi uống rượu, cho rằng uống trà giải rượu, thực ra không phải vậy, uống trà sau khi uống rượu vô cùng có hại cho sức khỏe. Lý Thời Trân nói “Tửu hậu ẩm trà, thương thận tạng, yêu cước trọng trụy, bàng quang lãnh thống, kiêm hoạn đàm ẩm thủy thũng, tiêu khát loan thống chi tật” (Uống trà sau khi uống rượu, tổn thương thận, lưng, chân nặng nề, bàng quang đau lạnh, kèm thêm chứng sưng đờm và đái đường).

rất nhiều người uống rượu thường thích uống trà sau khi uống rượu, cho rằng uống trà giải rượu, thực ra không phải vậy. (Ảnh: trangonviet.com)

Còn điểm nữa là, người xưa coi trọng lễ nghi uống rượu, coi uống rượu là một nghi thức.

Người xưa uống rượu ưu nhã mà chậm rãi, rất coi trọng tiết tấu. Đây là là thú vui rất cao trong cuộc sống, trong khi uống rượu, họ ngâm thơ làm phú, và đã sáng tác ra rất nhiều kiệt tác thiên cổ. Đồng thời với đó là thông qua nghi thức này, có thể hiểu biết được con người.

Người xưa uống rượu cực kỳ coi trọng lễ nghi. Ngay từ thời Tiên Tần, trong “Lễ ký – Hương ẩm tửu nghĩa” đã quy định: “Lễ nghĩa uống rượu làng, chủ nhân nghênh đón vái chào, khách từ ngoài cổng, chắp tay bái 3 lần rồi đến bậc thềm, nhường 3 lần rồi lên nhà, do đó nhường theo tôn ti trật tự”. Các triều đại đều có đặc sắc riêng. Nhưng mấy nghìn năm đã ước định thành thông lệ, chủ yếu là có các lễ nghi sau:

Thứ nhất là chưa uống mà phải làm lễ vẩy rượu trước. Vẩy rượu là vẩy rượu xuống đất. Khi lễ bái Thần thờ cúng tổ tiên, lễ nghi, phong thái phải cung kính, nghiêm trang, tay nâng chén rượu, mặc niệm lời khấn, rồi rót rượu trong chén ra 3 điểm, sau đó vẩy hắt phần còn lại trong chén thành hình nửa vòng tròn.

Thứ hai là khi uống phải cạn chén. Tức là nâng chén chúc rượu, coi trọng “uống cạn trước là kính trọng”, người được chúc rượu cũng đáp lại cùng phương thức, nếu không sẽ bị phạt rượu. Tập quán này có nguồn gốc rất lâu đời, ngay từ thời Đông Hán, Vương Phù đã viết trong “Tiềm phu luận” 6 lễ “Rót đầy chuyển không”, tức là uống cạn rượu trong chén, và chìa đáy chén cho bạn kiểm tra.

Thứ ba là tửu lệnh để góp vui. Tửu lệnh là nghệ thuật yến tiệc, là văn hóa uống rượu, có tác dụng làm không khí sôi nổi, điều tiết tình cảm, thúc đẩy giao lưu, so tài kỹ năng trí tuệ, nâng cao văn hóa yến tiệc. Thông thường mọi người cùng chọn là một người làm lệnh quan, phụ trách phát lệnh, mọi người nghe lệnh. Người trái lệnh, người không thực hiện được lệnh đều bị phạt rượu.

Người xưa uống rượu cực kỳ coi trọng lễ nghi. (Ảnh: gushixuexi.com)

Ngoài ra, người xưa khi uống rượu còn có các lễ tiết rất cầu kỳ khác như khi chủ nhân và khách cùng uống rượu, phải quỳ bái lẫn nhau. Vãn bối uống rượu trước mặt tiền bối, gọi là hầu rượu, thường sẽ quỳ xuống bái lễ, sau đó mới vào vị trí ngồi theo thứ tự tôn ti. Tiền bối bảo vãn bối uống rượu, vãn bối mới được nâng chén. Rượu trong chén tiền bối uống chưa hết, vãn bối cũng không được uống hết trước.

Trên tiệc rượu, chủ nhân phải chúc rượu khách (gọi là thù), khách chúc rượu lại chủ nhân (gọi là tạc). Khi chúc rượu còn phải nói mấy lời chúc rượu. Giữa khách với nhau cũng có thể chúc rượu (gọi là lữ thù). Có khi chúc rượu theo thứ tự (gọi là hành tửu).

Do đó, văn hóa rượu của người xưa hoàn toàn là “dưỡng thân lại dưỡng tâm”. Ngày nay tuy rất nhiều nghi thức đã không hợp với người hiện đại, nhưng đạo lý trong đó vẫn rất đáng để chúng ta học tập.

Theo Kknews
Nam Phương biên dịch