Trong lịch sử nhân loại, bệnh tật thông thường không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thân thể, tính mạng con người, mà còn có thể quyết định sự tồn vong của cả một dân tộc, sự hưng suy của một vương triều, thay đổi tương lai phát triển của lịch sử, thay đổi triều đại từ Đông sang Tây.

Đại ôn dịch ở thành Lạc Dương, nhà Hán thoái trào

Những năm cuối cùng của nhà Hán, bên ngoài thành Lạc Dương rất ít dấu vết của con người sống, cỏ dại mọc um tùm, không biết tự lúc nào đã không còn cảnh “xa thủy mã long” phồn hoa thuở nào.

Bi ai thay, ngoại trừ do chiến loạn gây ra, cũng chỉ có ôn dịch là “kẻ sát nhân” có thể gây nên cảnh tượng bi thảm cỡ này. Những năm cuối thời Đông Hán, hoạn quan loạn chính, quan lại thối nát, Đổng Trác soán quyền, sưu cao thuế nặng, dân chúng trăm họ lầm than, thiên tai, nhân họa đồng thời giáng xuống.

Sử ghi chép lại, chỉ trong mấy chục năm ngắn ngủi cuối triều đại Đông Hán, đã xuất hiện hàng chục trận đại ôn dịch, lúc đó mọi người gọi là bệnh “thương hàn”. Người mắc bệnh thường có triệu chứng sốt cao thở dốc, khó thở dẫn đến chết. Khi mắc bệnh thì phát rất nhanh, tỷ lệ mắc bệnh không qua khỏi cao, trên người có các vết tụ máu. Dưới thời Hán Hoàn Đế, năm 166, sử chép: “Hôm nay xuất hiện dị tượng, đất nhả ra yêu quái, người bị ôn dịch quấn thân”. Hay năm thứ hai Kiến Ninh (niên hiệu của Hán Linh Đế) tức năm 169: “Bệnh dịch ngày càng lan xa, người chết vô số”.

Trương Trọng Cảnh (một trong những vị thầy thuốc quan trọng bậc nhất trong lịch sử Trung Y) trong cuốn Thương hàn luận có ghi lại: “Những năm đầu Kiến An (niên hiệu Hán Hiến Đế), cả gia tộc vốn có hơn 200 người, chết mất hai phần ba, trong số đó có đến bảy phần là chết do mắc thương hàn. Trong thành Lạc Dương, quá nửa người chết do ôn dịch. Tào Thực từng nói: “Người người đều có nỗi đau chết con, mỗi nhà đều có tiếng khóc thét bi ai”.

Ảnh chụp tác phẩm nổi tiếng Thương hàn luận của thần y Trương Trọng Cảnh (ảnh: The Epoch Times).

Bệnh dịch tới, văn nhân quý tộc cũng trốn không thoát móng vuốt của nó, Kiến An thất tử (bảy vị nhà thơ nổi tiếng thời Đông Hán) bảy vị chết bốn, bao gồm Lưu Trinh, Trần Lâm, Từ Cán, Ứng Sướng. Sử ghi chép lại cho thấy mức độ hủy diệt kinh khủng của trận đại ôn dịch: “Từ năm Vĩnh Thọ (niên hiệu Hán Hoàn Đế) đến Thái Khang (niên hiệu Tấn Vũ Đế), dân số cả nước từ hơn 56 triệu người giảm xuống chỉ còn hơn 16 triệu người”. Khoảng thời gian này nằm vào khoảng từ năm 157 tới 280. 

Cuối thời nhà Hán, chính trị thối nát, xã hội rối loạn cùng ôn dịch hoành hành, khiến cho anh hùng hào kiệt, dân chúng nổi dậy khởi nghĩa khắp nơi. Tam Quốc phân tranh Nguỵ – Thục – Ngô, cuối cùng là nhà Tấn thống nhất thiên hạ, mở ra một triều đại mới.

Đại ôn dịch những năm cuối triều Minh, Thanh, khúc nhạc dạo cho sự thay đổi triều đại

Dịch hạch có thể được coi là kẻ thù lớn nhất trong lịch sử nhân loại, chỉ những con chuột nho nhỏ lại trở thành nguyên nhân tạo nên sự thoái trào của một triều đại. Con người có sinh, lão, bệnh, tử thì một vương triều cũng thoát không khỏi vòng xoáy của thành, trụ, hoại, diệt.

Đại Minh trong những năm Sùng Trinh tại vị đã bước sang giai đoạn “diệt”, bộ máy rệu rã hệt như một ông lão chân trước chân sau gần đất xa trời. Quân vương vô lực, quan lại mang nặng tư tâm, phủ dịch sưu cao thuế nặng, trăm họ rơi vào cảnh dầu sôi lửa bỏng, toàn triều đình đều đang đi ngược lại với mệnh của Thiên đạo.

Không phải đến tận thời trị vì của Sùng Trinh thì Minh triều mới sa sút, kỳ thực nó đã sớm tiến sang giai đoạn “hoại” ngay dưới thời cai trị của Minh Thần Tông, ông nội Sùng Trinh. Vạn Lịch (niên hiệu vua Minh Thần Tông) năm thứ tám, tức năm 1581, có một trận ôn dịch khởi phát từ Đại Đồng (Sơn Tây). Lúc đó, cứ mười hộ thì chín hộ có người mắc bệnh. Người mắc bệnh đều có biểu hiện là cổ bị sưng to, chỉ một hai ngày sau khi mắc bệnh là qua đời ngay, lại có tính lây nhiễm cực mạnh. Vì vậy dù người thân bị bệnh hay đã qua đời đều không có ai dám qua hỏi thăm, tất cả đều sợ bị lây nhiễm.

Sùng Trinh năm thứ sáu, tức năm 1633, dịch hạch bắt đầu từ Sơn Tây bùng nổ, đến năm 1641 đã lan đến tận Bắc Kinh. Mùa hạ năm đó, có người chính mắt nhìn thấy lũ chuột đi thành đàn, thành bầy, con này cắn đuôi con kia, cứ thế tiến vào phía Nam vùng Bắc Hà, toàn bộ vùng Hoa Bắc rộng lớn đều bị lũ chuột “chiếm đóng”. Chỉ trong một năm ngắn ngủi, cả đất nước như chìm xuống đống bùn lầy mang tên “thiên tai”, nạn châu chấu, mất mùa cùng ôn dịch cơ hồ đã cướp đi hơn một nửa dân chúng lúc bấy giờ. Những người may mắn thoát chết, phần nhiều nếu không phải đi ăn mày khất thực thì cũng biến thành phường đạo tặc.

Trong kinh thành lúc này, sự khủng hoảng lên đến tột cùng, hễ ai trên người có cục thịt nổi lên, đều bị đem đi chém, gọi là “phòng trừ hậu họa”. Chẳng bao lâu, trong thành đã chết hơn một nửa do dịch bệnh. Cứ thế cho đến những năm cuối cùng của Đại Minh, vương triều chịu không biết bao nhiêu các loại ôn dịch khác nhau nữa. Lấy Chiết Giang làm ví dụ, chỉ riêng địa phương này đã chết mấy triệu người.

Sùng Trinh năm thứ mười bảy (1644), khi 55 vạn binh lính của Lý Tự Thành tấn công vào thành Bắc Kinh, cũng là thời điểm dịch hạch đã tàn phá được hơn một năm, toàn bộ phòng tuyến của Đại Minh đã gần như hoàn toàn sụp đổ.

Cùng năm đó, sau khi Đại Thanh khai quốc, Thuận Trị lên ngôi, một điều kỳ quái xảy ra chính là trận đại dịch hạch trong thành Bắc Kinh đột nhiên biến mất. Toàn quân Đại Thanh, một người cũng không mắc nhiễm bệnh. Quả là chuyện lạ!

Đại dịch lần thứ ba bắt đầu ở Vân Nam, Trung Quốc, năm 1894 bùng nổ ở Quảng Đông rồi lây lan sang Hồng Kông. Chỉ trong vòng mấy chục năm, trận đại ôn dịch đã lan sang tất cả các lục địa có người, hơn 60 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cuối cùng, nó đã giết chết hơn 12 triệu người ở Ấn Độ và Trung Quốc. Là một trong những nơi bị dịch hạch tàn phá mạnh mẽ nhất, Trung Quốc những năm cuối triều đại nhà Thanh cũng thoát không khỏi trận đại ôn dịch này.

Đại dịch hạch tại Hy Lạp cổ

Y học ngày càng phát triển, thuận theo đó, khả năng chống chọi bệnh tật của con người cũng được nâng cao lên rất nhiều. Tuy nhiên, đó là với những căn bệnh nhỏ, còn với những loại dịch bệnh nguy hiểm thì hầu như vẫn chưa tìm ra được cách chữa trị, ví dụ như trận đại dịch hạch quy mô lớn, hủy diệt sức khỏe cùng sinh mệnh con người. Hoặc gần đây nhất là virus Ebola, sốt xuất huyết Dengue, dịch SARS… những trận dịch bệnh lây nhiễm có mức độ hủy hoại rất lớn.

Những trận bệnh dịch có mức độ nguy hiểm cao, chưa có thuốc chữa là loại thiên tai có thể hủy diệt văn minh nhân loại. Bởi về nguyên nhân dẫn khởi, điều kiện duy trì hay biện pháp phòng chống… con người đều hiểu biết rất ít.

Khoảng 2.000 năm trước, Athens là một thành phố bờ biển xinh đẹp, thơ mộng và huy hoàng, rực rỡ nhưng một ngày kia, đại ôn dịch giáng xuống đã hủy hoại đi hoàn toàn nơi này. Người mắc bệnh sau khi lên cơn sốt, tiêu chảy, toàn thân mọc đầy những vết chấm đỏ, tứ chi bắt đầu thối rữa, hoại tử, thậm chí người ta có thể nhìn thấy những con dòi ở bên trong vết thương. Và chỉ bảy, tám ngày sau khi mắc bệnh, bệnh nhân qua đời.

Người nào mắc phải căn bệnh quái ác này đều không có khả năng sống sót, lúc đó các nhà sử học chỉ có thể cố gắng ghi chép lại những thông tin ít ỏi về trận đại dịch kỳ lạ này: “Số người tử vong ngày càng tăng lên, nhưng mãi không truy ra được nguyên nhân, cũng tìm không được biện pháp ngăn chặn. Thi thể người nhiều đến nỗi không đủ chỗ mà chôn, ngay cả động vật, như chim vì cắn xé xác người mà cũng chết…”

Bức tranh của Michiel Sweerts mô tả lại khung cảnh thê lương của Athens khi trận ôn dịch giáng xuống (ảnh: Wikipedia).

Nhưng điều khiến người ta không thể tin được, đó là từ sau năm 426 TCN, cơn dịch bệnh kinh hoàng reo rắc bao khủng hoảng cho con người suốt mấy năm, đã hoàn toàn biến mất, lặng lẽ cũng như cách nó xuất hiện.

Đáng tiếc nhất, chính là trận đại ôn dịch đã khiến cho nền văn minh huy hoàng, sáng chói của Athens đi đến suy bại. Và cho đến ngày nay, nguyên nhân của dịch bệnh vẫn còn là ẩn số. Tuy vậy, người ta nhận thấy rằng thời kỳ ngay trước khi văn minh Athens đi đến hủy diệt, đạo đức xã hội đã rất bại hoại, lối sống xa hoa, phù phiếm, quan hệ đồng tính luyến ái bừa bãi, loạn luân, sát nhân giết chóc… 

Kết hợp với nhiều lần diệt vong của các nền văn minh trong lịch sử, người ta nhận thấy rằng các sự kiện đó thường phát sinh cùng lúc với việc đạo đức của các nền văn minh này đang ngày càng bại hoại.

Đại ôn dịch ở thành Roma, câu chuyện Thần trừng phạt và mộng phục quốc tan biến

Từ năm 65 đến năm 565, La Mã đã trải qua bốn trận đại ôn dịch kinh hoàng, làm chết vô số người, khiến cho một đế chế hùng mạnh như La Mã dần dần suy thoái, tiến đến tiêu vong.

Ba lần trước phát sinh dưới thời trị vì của Nero năm 65, thời cai trị của hoàng đế Marcus Aurelius (164 – 180) và lần thứ ba kéo dài từ năm 250 đến 270. Ba lần ôn dịch hoành hành kéo dài hơn 200 năm cũng là thời điểm Cơ Đốc giáo bị hoàng đế La Mã bức hại nghiêm trọng nhất.

Chúa Jesus năm đó bị lãnh tụ của Do Thái giáo vu cho tội “mưu phản” và bị đem đi đóng đinh lên cây thập giá tự, đồng thời xác chết của các đệ tử Cơ Đốc giáo bị phơi đầy ngoài đường. Để bức hại, các nhà học giả La Mã đã biên tạo lên lời nói dối trắng trợn, vu Chúa Jesus là kẻ uống máu trẻ sơ sinh. Vì thế, các tín đồ Cơ Đốc giáo luôn tin rằng ba lần ôn dịch chính là sự trừng phạt của Thần đối với sự bất kính cùng cực của người La Mã khi bức hại người tu luyện. Trong ba lần đó, các Hoàng đế từ Nero, Marcus Aurelius và Claudius II đều gặp báo ứng nghiêm trọng mà qua đời.

Bức tranh Peste à Rome, (Dịch hạch tại thành Roma) của họa sỹ Jules Elie Delaunay (1828-1891), hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Orsay, Paris (ảnh: Musee-orsay).

Lần thứ tư xảy ra vào năm 541, bệnh dịch hạch xuất hiện dưới thời trị vì vua Justinian I, đây là lần đầu tiên dịch hạch xuất hiện. Các nhà văn miêu tả khung cảnh thê lương thời bấy giờ: “Mỗi ngày đều có người chết, nhiều nhất lên đến 16.000 người. Tất cả mọi người đều giống như những quả nho đang mọng nước chợt bị nghiền nát vậy”.

Các nhà sử học ghi chép lại: “Mọi người đang đứng nói chuyện vui vẻ với nhau, bỗng nhiên họ cảm thấy một cơn run rẩy, sau đó liền ngã xuống đất. Người kia tay cầm đồ thủ công, đang ngồi bên kia đan, tết cũng có thể lập tức ngã rạp xuống…”

Người nhiễm bệnh sẽ sốt cao, nổi hạch ở háng, nách và cổ. Sau khi chết da sẽ trở nên tím tái, xung huyết. Trong các thành phố của La Mã cổ bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong ở Byzantium là cao nhất, lên đến 75%: “Người chết nhiều như ruồi, thi thể họ được xếp chồng lên nhau, ngoài đường đầy những người nửa sống nửa chết đang nhiễm bệnh lăn lộn trên đường”.

Các tín đồ Cơ Đốc giáo đều tin rằng đó chính là sự trừng phạt của Thần giáng xuống. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dịch hạch có thể đã “nhanh chóng xóa bỏ” 25 triệu người ở Địa Trung Hải.

Trước khi dịch hạch bạo phát, các cuộc chinh phạt của Justinian I lên đến đỉnh điểm, bởi ông mang hoài bão khôi phục lại một đế chế La Mã hùng mạnh như thuở đầu. Ông không biết rằng chính hành vi đó đã mang đến cho La Mã một sự trừng phạt khủng khiếp.

Ngược lại, những tín đồ Cơ Đốc giáo, mang theo tấm lòng từ bi, không màng sinh tử, hằng ngày theo giúp những người nhiễm bệnh, chăm sóc và cầu nguyện với Chúa. Những nỗ lực của họ đã khiến cho con người ở Byzantium hoàn toàn hiểu về Cơ Đốc giáo, một lần nữa, mở ra thời kỳ thịnh vượng sau khi lệnh đàn áp được dỡ bỏ.

“Cái chết đen” ở châu Âu: Sự trừng phạt của Chúa

Đợt bùng nổ bệnh dịch hạch lần thứ hai, bắt đầu từ những năm 40 thế kỷ 14, được gọi bằng cái tên “Cái chết đen”, khiến châu Âu mất hàng trăm năm để gượng dậy. 

Lần đại bùng nổ này ước chừng đã giết chết ít nhất 75 triệu người. Toàn châu Âu từ Venice đến Tây Ban Nha, Hy Lạp, Syria, Anh, Pháp và Nga, hầu như không một quốc gia nào may mắn tránh khỏi. Đây được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, dân số Anh và Pháp giảm gần một nửa, còn nhiều hơn số nạn nhân thiệt mạng trong chiến tranh Anh – Pháp.

Bức tranh miêu tả đại ôn dịch ở Florence năm 1348 (ảnh: Wikipedia).

Ôn dịch khiến cho toàn bộ châu Âu rơi vào tình trạng như của ngày tận thế, mọi người đều sống dường như đó đã là ngày cuối cùng. Có người say mê vui chơi, có người xa lánh cuộc đời, người lại quyết không thừa nhận bệnh dịch, chống chọi đến cùng, cũng không thiếu người phát tâm từ bi, vượt qua nỗi sợ sống chết mà hết lòng cứu giúp người khác, lại cũng rất nhiều người ngày đêm khẩu cầu xin Chúa cứu giúp…

Một nhà truyền giáo đã báo cáo lại với Giáo hoàng: “Cảnh tượng kỳ lạ trên bầu trời, chính là điềm báo đại khủng hoảng này. Vào lúc 1 giờ chiều ngày 20/3/1345, ba hành tinh tụ hội tại chòm sao Bảo Bình, đây chính là biểu tượng cho sự tử vong…”. Điều này cũng trùng khớp với phán đoán của nhà chiêm tinh học, sao chổi xuất hiện vào năm 1315 và 1337, năm 1325 sao Mộc và sao Thổ tụ hội lại cùng chỗ, tất cả đều là điềm báo về “Cái chết đen” lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Vì vậy, lúc bấy giờ, rất nhiều người tin rằng, đây chính là sự trừng phạt của Thần giáng xuống cho tội ác đã gây ra.

Nhưng, trong cơn hoảng loạn, con người không bình tâm suy xét, không ý thức được về tội lỗi của mình, mà ngược lại, còn đi sang phía cực đoan. Sau khi đổ lỗi cho các loại nhân tố bên ngoài, bắt đầu thịnh hành một loại tự trừng phạt quất roi. Mọi người đều dùng roi, dùng hết sức mà tự phạt bản thân, mong có thể chuộc lỗi, đổi lấy sự khoan dung của Thượng Đế, có thể tránh khỏi ôn dịch.

Nhưng đây lại không phải điều Ngài muốn, điều Ngài muốn chính là con người có thể nhìn vào trong mà tìm ra tội lỗi ở bản thân. Nhưng họ làm không được, vì thế ôn dịch cũng ngày càng thêm nguy hiểm. 

Hiện tượng kỳ lạ xuất hiện trong trận đại ôn dịch

Chúng ta vẫn luôn cho rằng, khi đại ôn dịch xảy đến, tất cả mọi người đều sẽ trở thành đối tượng có thể bị nhiễm bệnh, vì thế biện pháp nhanh chóng nhất để phòng trừ là đem những người bị bệnh cách ly khỏi những người không bị bệnh.

Tuy vậy, luôn xuất hiện những hiện tượng kỳ lạ. Một nhân chứng còn sống sót trong trận đại dịch hạch chia sẻ: “Có nhiều người khi chạy thoát khỏi thành phố bị nhiễm bệnh, họ vô cùng khỏe mạnh, nhưng lại đem bệnh truyền nhiễm đến những người chưa bị nhiễm bệnh khác. Cũng có một số ít người sống giữa một nhóm người bị bệnh, cùng nhau sinh hoạt, có sự tiếp xúc trực tiếp, nhưng họ lại hoàn toàn không bị lây nhiễm. Thậm chí không thiếu những người đã mất toàn bộ người thân trong bùng nổ dịch bệnh, họ đau lòng muốn được chết theo, thậm chí còn sống cùng người bị bệnh, tiếp xúc các kiểu, nhưng lạ ở chỗ, họ dường như có chất kháng bệnh vậy, mặc dù chịu nhiều dày vò nhưng vẫn luôn khỏe mạnh như cũ”.

Nhiều ghi chép lại, cho biết: “Những người bị nhiễm bệnh, trong lúc phát sốt, sẽ nhìn thấy ma quỷ đang đứng trước mặt, sau đó, các hạch sưng tấy lên, mụn mủ biến đen. Những người trải qua lọai ảo giác ấy nhất định sẽ chết ngay trong ngày”.

Người La Mã cổ gọi đó là u linh, tương đương như chỉ “Hắc Bạch vô thường” mà người châu Á chúng ta thường nhắc đến. Đối với ôn dịch, người phương Tây cho rằng đó là trừng phạt của Thượng Đế, còn văn hóa truyền thống phương Đông luôn tin rằng “Thiên nhân hợp nhất”, khi mà con người ly khai Thiên đạo, đạo đức tiêu vong, ắt phải chịu trừng phạt, ôn dịch, động đất…

Có ghi chép, cuối triều Minh, trong trận đại ôn dịch, có hai tên trộm vô cùng tham lam, dám đến nhà những người đã chết vì bệnh dịch mà ăn trộm. Một tên chui vào trong nhà, một tên đứng trên mái nhà, đợi tên trong nhà ném đồ trộm được lên mái nhà sẽ bắt lấy. Sau khi tên trộm trên mái nhà bắt được đồ, lập tức cả hai tên đều ngã lăn ra đất cùng một lúc và rồi chết vì nhiễm bệnh.

Người đang làm, Trời đang nhìn, đều có luân quả báo ứng, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.

Từ rất lâu về trước, rất nhiều dự ngôn, như Mã tiền khóa của Gia Cát Lượng, Thiêu bính ca của Lưu Bá Ôn, Cách Am Di Lục, còn gọi là Gyeokamyurok trong tiếng Hàn Quốc.. xuất hiện để cảnh tỉnh con người sẽ phải đối mặt với một trận đại hủy diệt. 

Đạo đức nhân loại đang ngày một biến dị, thiện ác khó phân, chỉ vì chút đỉnh lợi ích mà chuyện xấu xa nào cũng dám làm ra, con người trong sự đầu độc ấy trở nên không biết kính sợ và dám khinh nhờn Thần Phật, không biết ăn năn hối cải. Nếu thật sự đại dịch xuất hiện là để trừng phạt, cảnh tỉnh con người, thì liệu đến khi nó thật sự xảy ra, họ liệu có thể chạy thoát được không?

Trâm Anh
Theo The Epoch Times

Video: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__