Thân an nhàn nhưng tâm không an nhàn, thân sung sướng nhưng tinh thần không sung sướng.

Những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế, điều kiện vật chất nâng dần lên thì điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại, vui chơi giải trí cũng được nâng cao nhanh chóng. Hầu hết chúng ta ngày nay ai ai cũng có thể dễ dàng, bất cứ lúc nào mình muốn, xem những bộ phim mình yêu thích, nghe những bản nhạc, bài hát mình say mê. Rất nhiều người có khả năng và điều kiện đi đến bất cứ nơi nào họ muốn, ăn bất cứ món gì họ thích, mặc bất kỳ thời trang nào họ muốn.

Cùng với phát triển của công nghệ, mức độ tự động hóa cao, các thiết bị thông minh ngày càng nhiều, nên chúng ta hiện nay càng ít phải động chân động tay, thậm chí ít cả động não hơn xưa rất nhiều. Nhiều gia đình có điều kiện thuê người giúp việc, nên hầu như ngoài công việc (cũng không lấy gì làm vất vả lắm) ra, thì hầu như chỉ nghỉ ngơi, thụ hưởng, đi chơi, tụ tập bạn bè, giải trí, du lịch. 

Trẻ em lại càng có điều kiện thụ hưởng những tiện nghi cuộc sống an nhàn sung sướng hơn. Các gia đình hiện đại, kinh tế khá giả hơn mà lại chỉ có 1 hoặc 2 con, nên từ ông bà cha mẹ cho đến cô dì chú bác đều quan tâm chăm lo cho các em. Các em được cung cấp điều kiện vật chất tốt nhất, được học thêm các môn nghệ thuật, thể thao, ngoại ngữ, kỹ năng sống, được tham gia các lớp ngoại khóa, các trò chơi, hoạt động ngoài giờ học…

Con người thời nay nhìn bề ngoài thì có cuộc sống an nhàn thoải mái hơn rất nhiều. (Ảnh: vietstock.vn)

Nếu nhìn điều kiện sinh sống, ăn học, làm việc thì so với trước đây, thời hiện nay con người an nhàn nhất, sung sướng nhất, hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, chỉ cần hỏi những người xung quanh chúng ta, từ người già đến trẻ em, thì có lẽ phần lớn câu trả lời lại là phủ định. Người thì nói, tôi trông vậy thôi chứ có sung sướng gì đâu, người nhàn chứ tâm không nhàn.

Người thì nói, chỉ an nhàn chân tay thôi chứ đầu óc suy nghĩ lắm, ngủ cũng không ngon. Người thì nói, đời sống vật chất tôi khá đầy đủ, không phải lo nghĩ gì nhưng áp lực tinh thần lớn lắm. Còn các em nhỏ thì đứa nói không thích học môn này, không thích học môn kia, đứa thì nói bị cha mẹ bắt học nhiều quá, học ở trường, rồi học thêm ở trường, học thêm ở nhà thầy cô, học thêm ngoài trung tâm, học thêm với gia sư…. Ai ai cũng thấy mình không an nhàn, không sung sướng, không hạnh phúc như mọi người nhìn thấy từ bề ngoài.

Hầu hết mọi người đều nói, được an nhàn thân nhưng cái tâm không an nhàn, có nhiều chuyện phải lo lắng suy nghĩ, được sung sướng vật chất nhưng tinh thần không sung sướng.

Con người là anh linh của vạn vật, hoàn toàn vượt trên vạn vật, vì con người còn có hoạt động đầu óc, trí tuệ, tâm lý tình cảm. Ngoài cuộc sống vật chất, cần các điều kiện vật chất, tự nhiên, môi trường để tồn tại như vạn vật ra, con người còn cần các điều kiện, nhân tố cho đời sống tinh thần của mình.

Trong cuộc sống, sự nghiệp, khi phải đối mặt với khó khăn cực khổ thiếu thốn các điều kiện vật chất thì ít người bị suy sụp, thường chúng ta đều cố gắng một chút là vượt qua được. Những trước thất bại, suy sụp về tinh thần thì phần nhiều chúng ta bị đánh quỵ: người suy sụp tinh thần sinh bệnh tật, người chán nản mất hết ý chí, người bê tha sa đà buông thả trác táng, người suy nghĩ quá phát bệnh tinh thần, có người thì muốn kết thúc cuộc đời, quyên sinh…

Người thời nay đầy đủ vật chất hơn nhưng vẫn không hạnh phúc hơn người xưa, có phải là do thiếu thốn về đời sống tinh thần? (Ảnh: tinnuocmy.com)

Thân an nhàn sung sướng trái lại chính là khởi đầu của đau khổ, sa đọa. Trạng thái này gọi chính xác là tâm an dật, tâm lý muốn nhàn nhã chân tay, hưởng thụ sự dễ chịu của các giác quan của thân xác.

Trong cuộc sống phần nhiều là không được như ý. Thành công nào cũng phải trải qua hàng chục hàng trăm lần thất bại, hoặc phải trải qua một quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, chuẩn bị đầy đủ điều kiện, thời cơ, ẩn mình chờ đợi trong gian khổ. Nếu có tâm lý an dật, thì không thể rèn luyện tinh thần vững vàng, trái tim bao dung, nhẫn nại, tinh thần sắt đá vượt qua chông gai hiểm ác để đi đến thành công và hạnh phúc được.

Hạnh phúc đích thực có được khi tâm an nhàn, không vướng bận 

Thời Xuân Thu, nước Hình bị Rợ địch phương bắc xâm lược, bèn cầu cứu nước Tề. Tướng quốc nước Tề là Quản Trọng lập tức báo cáo Tề Hoàn Công. Tề Hoàn Công sau khi được Quản Trọng, Bào Thúc Nha giúp thành bá nghiệp, bắt đầu nảy sinh tâm an dật hưởng thụ, không muốn động binh. Quản Trọng nói: “Chúng ta không thể bỏ mặc hậu thế của Chu Công. Một quốc gia chìm đắm trong an nhàn hưởng lạc thì giống như uống rượu độc giải khát vậy”. Tề Hoàn Công bừng tỉnh, quyết tâm vứt bỏ tâm an dật, đem quân cứu nước Hình, khiến các nước chư hầu thần phục, giữ được bá nghiệp lâu dài.

Trong cuộc đời luôn có nhiều biến động, nhiều bất ngờ xảy ra, nếu không có sự chuẩn bị tốt, đủ khả năng ứng biến với dòng đời vạn biến, thì cầm chắc thất bại, thậm chí diệt vong. Khổng Tử nói: “Người không lo xa, ắt sẽ có họa hoạn sắp đến gần”. 

Cuộc đời luôn có nhiều biến động, cũng vì thế mỗi người trong chúng ta đều cần giữ tâm thái ung dung không vướng bận để đối đãi. Không nên để nước cuốn theo dòng. (Ảnh: sohu.com )

Trong 3000 học trò của Khổng Tử, có rất nhiều con em các gia đinh danh gia thế tộc, quý tộc, vương hầu, hầu hết họ đều vứt bỏ tâm an dật, khắc khổ học tập. Tu dưỡng thành tài. Tuy nhiên cũng có một số học trò được bọc trong nhung lụa từ bé, có người hầu kẻ hạ quanh mình, vẫn sống an nhàn hưởng thụ. Với những học trò này, Khổng Tử dạy: “Cơm no cả ngày, chẳng dụng tâm làm gì, sao có thể như thế được! Chẳng phải có người chơi cờ đó sao? Hãy chơi cờ, còn có tác dụng tốt với bản thân”. Khổng Tử cho rằng khi nhàn rỗi vô sự, hãy chơi cờ, vì nó là trò chơi vừa tiêu khiển mà lại vừa mở mang trí tuệ.

Trí thức xưa được gọi là Nho sinh, học trò, kẻ sỹ, cuộc sống, học tập, vui chơi giải trí của họ được Khổng Tử hướng dẫn như sau: “Chí ư đạo, cư ư đức, y ư nhân, du ư nghệ”, nghĩa là: Lập chí hướng cao cả học Đạo, kiên định giữ vững phẩm đức, dựa vào lòng nhân ái đối nhân xử thế, vui chơi bằng các môn nghệ thuật tao nhã (Lục nghệ). 

Lục nghệ là sáu môn nghệ thuật bao gồm: lễ (lễ nghĩa), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa) thư (thư pháp) và số (Toán học). Trí thức xuất sắc trong sáu nghệ thuật này được cho là đã đạt đến trạng thái hoàn hảo, gọi là một quân tử.

Vì vậy xưa nay, giới trí thức đều cho rằng:

Hữu thư chân phú quý,
Vô sự tiểu thần tiên.

Nghĩa là:

Có sách tốt để học tập tu dưỡng là giàu sang đích thực
Bình an vô sự, lòng không vướng bận, ấy chính là như Thần Tiên

Với người trí thức, bậc quân tử, họ hiểu rõ quyền lực rồi cũng mất, tiền tài chẳng phải vạn năng, mỹ nữ chỉ làm tiêu tan ý chí, hư danh chỉ trong thoáng chốc, chỉ có bộ kinh sách chính Đạo để tu dưỡng đạo đức, phẩm hạnh, mở mang trí tuệ, du ngoạn vui chơi thỏa thích trong cảnh giới tinh thần, tâm hồn, đó mới thực sự là phú quý.

Nếu có bộ kinh sách chính Đạo để tu dưỡng đạo đức, phẩm hạnh, mở mang trí tuệ, khám phá tìm tòi những giá trị đích thực của tinh thần thì đây mới là hạnh phúc thực sự. (Ảnh: hongnhanh24.com)

Họ cũng không quá coi trọng công danh lợi lộc, vinh nhục được mất, mà thuận theo tự nhiên, tùy theo duyên. Thời lai vận đến, có thì giữ, thời đi vật hết, mất thì buông, tự nhiên, thanh thản, không bận tâm lo nghĩ. Trong lòng lúc nào cũng giữ được tâm nhân từ, độ lượng, khoan dung, gặp chuyện gì cũng an vui tường hòa, chẳng cầu chẳng mong cái gì, việc gì, cứ để tùy theo duyên đến duyên đi, sống tự nhiên, tự tại, thanh nhàn như bậc Thần Tiên.

Hãy sống như khóm trúc ngay thẳng chính trực:

“Gió qua lay trúc
Gió đi rồi nhưng không lưu luyến âm thanh”

Hãy sống như hồ nước trong lành, sâu sắc:

“Nhạn lướt mặt hồ
Nhạn đi mà hồ không nắm bắt hình ảnh”

Hãy sống như người quân tử:

“Việc xảy ra tâm mới tiếp xử
Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi”

Nam Phương