Xưa có một người tên là Trịnh Tô Tiên. Một hôm Trịnh Tô Tiên nằm mộng, thấy bản thân đi xuống âm phủ và chứng kiến cảnh Diêm Vương thẩm phán các vong hồn…

Một bà lão ở thôn bên mà Trịnh biết bị giải ra công đường. Diêm Vương lập tức đổi ngay nét mặt, hai tay cung nghênh đón tiếp rồi sai người dâng trà mời lão phu nhân. Tiếp sau đó, ngài lệnh thuộc hạ đưa bà lão đến một nơi tốt đẹp ở nhân gian để đầu thai.

Trịnh Tô Tiên thấy vậy, trong lòng không khỏi hiếu kỳ: Diêm Vương sao lại cung kính với một bà lão bình thường ở nhân gian đến vậy? Ông khẽ hỏi một quan sai đứng bên cạnh:

– Một bà lão làm ruộng bình thường thì có công đức gì?

Quan sai đáp:

– Nói cho cùng, hiền minh, quân tử đều chẳng qua ở tấm lòng, vị kỉ hay vị tha. Lão phu nhân đây cả đời không bao giờ vì lợi mình mà làm tổn hại người khác. Phàm thì cái gì có lợi cho mình thì thường hại cho kẻ khác, do đó mới nảy sinh ra giảo quyệt, dối trá, dần dẫn đến tội ác, thậm chí gây hậu họa lớn cho đương thời, cho hậu thế. Lão phu nhân đây, tuy chỉ là một người làm ruộng bình thường, nhưng khắc chế được tâm lí vị kỉ, cho nên, đứng trước bà lão này, thì những kẻ đọc sách Thánh hiền nhưng lòng dạ dơ thỉu… cũng thấy hổ thẹn. Cho nên được Diêm Vương trân trọng như vậy, cũng không có gì lạ đâu!

Trịnh Tô Tiên vốn là người mưu mô, tính toán, luôn muốn chiếm lợi cho mình. Nghe quan sai nói vậy, trong lòng cũng thấy không yên.

Bà lão vừa rời đi, Trịnh Tô Tiên trông thấy một viên quan mặc phẩm phục rất uy nghi được đưa vào. Vị này tự nhận lúc sinh thời không làm điều xấu, dù đến đâu cũng chỉ uống một bát nước, bây giờ đến điện Diêm Vương không có gì phải áy náy, sợ hãi. Diêm Vương cười nhạt:

– Làm quan là để lo liệu công việc cho dân, tiếp tới là quản lý những việc như trạm dịch, sông ngòi, đây đều là những việc cần làm. Nếu như không ăn tiền của dân đã tự cho mình là quan tốt, vậy thì lấy tượng gỗ để ở đại điện là được rồi, ngay cả một bát nước cũng không cần uống, như vậy chả tốt hơn so với nhà ngươi hay sao?

Viên quan bao biện:

– Tôi không có công lao gì lớn nhưng cũng không có tội trạng gì đáng kể!

Diêm Vương phán:

– Nhà ngươi một đời chỉ chăm chăm giữ thân. Vụ án nào cũng như vụ án nào, ngươi chỉ sợ chiêu thù chuốc oán, mà không chịu lên tiếng, không chịu gánh vác trách nhiệm. Sợ phiền đến mình, sợ gian khó, đây chẳng phải là có lỗi với quốc gia hay sao? Bao năm làm quan, ngươi làm được những gì? Làm quan mà không có công lao thì chẳng phải chính là có tội hay sao?

Vị quan kia nghe xong nét mặt biến sắc, thần khí có vẻ đang bay biến dần. Diêm Vương thấy thế cười mà phán tiếp :

– Chỉ trách nhà ngươi có chút vênh váo. So với những viên quan cấp thấp nhất, làm được những việc ích lợi cho trăm dân, họ hơn ngươi nhiều lắm!

Rồi lệnh cho quan sai chuyển viên quan này sang cho Chuyển Luân Vương xử lí tiếp.

***

Cách nhìn nhận bình thường, từ những nghĩ suy, tình cảm của con người, dù nhỏ dù lớn cũng không qua được quỷ thần. Dẫu là hiền minh, là quân tử cũng không tránh nổi sự phán quyết, cũng không tránh khỏi trách nhiệm.

Người xưa quan niệm, “Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên địa tận giai tri” là ý muốn nói tâm người sản sinh ra bất kể ý niệm thiện ác nào thì cả Trời, cả Đất đều thông tỏ. Cổ nhân cũng giảng “Trên đầu ba thước có thần linh”, người đang làm, Trời đang nhìn, tất cả hành vi và từng ý niệm của con người đều có Thần linh giám sát, ai ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi và lời nói của bản thân mình.

Người ta đến thế gian không phân cao thấp, sang hèn. Tiền bạc, danh vọng, yêu ghét sau khi chết đều không thể mang theo vậy hỏi có thể mang theo gì? Người xưa tin rằng người ta làm việc tốt, sống lương thiện chính là “Tích đức”, làm việc xấu chính là đang “Tích nghiệp”. Nghiệp và đức này có thể mang theo đến đời sau, chuyển hóa thành tai họa hay phúc phận.

Điều này có thật hay không? Nó tùy vào nhận thức của từng người. Nhưng nếu những lời này là sự thật, vậy những người hành ác vô độ kia, trong u minh mà tạo nghiệp, chẳng phải tương lai sẽ rất đáng sợ sao? Còn người lương thiện, giữ cho bản thân liêm chính, không theo đuổi dục vọng, vì lợi ích cá nhân mà làm tổn hại người khác chính là đang trồng cây phúc đức cho mình.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Các bậc Thánh hiền đều coi trọng sự thành thật, lương thiện, dạy người ta không lừa dối, sống ngay thẳng, không đi tranh đoạt với người. Người quân tử thì tấm lòng sáng sủa, không e sợ dù là giữa chốn đông người hay khi không ai hay biết cũng đều giữ mình, không làm chuyện thất đức.

Vì sao họ có thể kiên định như vậy? Một lý do có lẽ là bởi sự thành tín của họ đối với Thần. Cổ nhân tín Thần, quan niệm làm việc thất đức, dù không ai biết nhưng ông Trời có mắt, tất phải chịu trừng phạt. Cho nên có thể thấy tín Thần chính là nền tảng giúp người xưa giữ gìn đạo hạnh, nâng cao tiêu chuẩn đạo đức. Tất nhiên, bản thân việc khắc chế vị tư cũng là một quá trình rèn sửa bản thân, đạt tới cảnh giới đạo đức cao thượng hơn.

Tin tưởng và sống có nguyên tắc dựa trên các giá trị đạo đức phổ quát sẽ chỉ mang tới những điều tốt đẹp, vậy phải chăng chúng ta nên dốc tâm sức tu sửa khiến bản thân ngày càng thăng hoa, ngày càng trở thành người tốt hơn nữa?

Tham khảo Duyệt vi thảo đường bút ký, Kỷ Hiểu Lam
Ngọc Mai

Video xem thêm: Một câu nói ác ý có thể làm hao tổn phúc báo cả đời người

videoinfo__video3.dkn.tv||ab2e68952__