Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Từ bốn câu chuyện về Bách Lý Hề cùng với cách đối nhân xử thế với người bằng hữu là Kiển Thúc, ta thấy được phẩm chất Nhân – Nghĩa – Trung -Trí của ông. Tần Mục công có thể trở thành một trong ngũ bá thời Xuân Thu là nhờ có sự giúp sức không nhỏ từ Bách Lý Hề…

Ngũ Cổ Đại phu – Bách Lý Hề

Ở phần trước chúng ta đã nói về câu chuyện thứ nhất là “mượn đường diệt Quắc”. Tiếp đến là câu chuyện thứ hai, gọi là “Ngũ Cổ Đại phu”.

Tấn Hiến công muốn gả con gái cho Tần Mục công, thế là ông lấy Bách Lý Hề làm một trong những… của hồi môn để đưa đến nước Tần. Sau đó Bách Lý Hề đào thoát sang nước Sở. Tần Mục công sau khi lấy con gái của Tấn Hiến công, phát hiện trong lễ vật mang đến thiếu mất cái tên… Bách Lý Hề. Tần Mục công biết Bách Lý Hề là người hiền tài nên không muốn mất đi một người như thế. Do đó Tần Mục công quyết tâm tìm bằng được Bách Lý Hề.

Bấy giờ, thủ hạ của Tần Mục công là một Đại phu tên Công Tôn Chi mới kiến nghị rằng: “Ngài không thể trả nhiều tiền để chuộc Bách Lý Hề. Bởi vì nước Sở còn chưa biết ông ấy là hiền tài. Hễ ngài trả nhiều tiền chẳng phải người nước Sở sẽ biết chuyện đó sao? Người nước Sở sẽ không giao nộp ông ấy cho ngài đâu. Ngài nên dùng giá của nô lệ bình thường để chuộc Bách Lý Hề”.

Thế là Tần Mục công bèn lấy năm tấm da dê màu đen đưa đến nước Sở, truyền lệnh rằng: “Tôi có một tên tù nhân đào thoát, hy vọng có thể dẫn độ tên ấy về nước”. Khi đó Bách Lý Hề quan hệ rất tốt với nhiều người nước Sở, nên khi mọi người nghe thấy Bách Lý Hề bị bắt đem về nước Tần bèn khóc lớn. Nhưng Bách Lý Hề lại cười nói: “Lão già giống như tôi đây mà Tần Mục công lại mang đến những năm tấm da dê để chuộc. Tôi vốn dĩ không đáng đến… năm tấm da dê. Ông ấy muốn tìm tôi để giúp ông ấy đó thôi”. Đây là câu chuyện “Ngũ Cổ Đại phu”.

Bách Lý Hề mỉm cười trên xe chở tù nhân hướng về nước Tần. Sau khi về đến nơi, quân vương nước Tần nhìn thấy Bách Lý Hề thì thất vọng nói: “Chao ôi, ông đã 70 tuổi rồi. Thật là quá già!”. Bách Lý Hề nói: “Năm đó khi Chu Văn Vương đến sông Vị tìm Khương Tử Nha rồi bái ông ấy làm thầy thì Khương Tử Nha đã 80 tuổi rồi. Hiện tại tôi mới có 70 tuổi, ngài lệnh tôi lên núi để bắt hổ như tráng sĩ thì tôi không làm được. Còn như việc đưa ra chủ ý, định ra kế sách thì tôi làm được, tôi lại còn trẻ hơn Khương Tử Nha đến 10 tuổi ấy chứ!”.

Tần Mục công cảm thấy Bách Lý Hề rất thú vị bèn hỏi: “Đối với sự phát triển của nước Tần, ông có định hướng gì không?”. Bách Lý Hề đã nói rất đúng chỗ mà Tần Mục công quan tâm. Ông nói rằng: “Hiện nay đô thành nước Tần tại Ủng (1). Vùng đất này còn lưu lại dấu tích năm xưa Chu Văn Vương và Chu Vũ Vương khởi binh phạt Trụ. Đây là nơi “núi như răng chó, đất như rắn trườn”, chính là nơi phong thủy rất tốt, là nền móng của nghiệp bá vương. Ngài có thể chiếm được một mảnh đất có vương khí tốt như thế này, chính là nền tảng để nước Tần phát triển mạnh trong tương lai. Phía tây của nước Tần là nước của tộc Nhung. Thứ nhất, sức chiến đấu của họ rất yếu, sức sản xuất cũng không cao, binh khí không tốt lắm. Thứ hai, đô thành của họ nhỏ nên chúng ta có thể chiếm dần dần. Chiếm đến đâu chúng ta có thể canh tác đến đó, đồng thời binh sĩ và bách tính của nước họ có thể làm binh sĩ của nước Tần. Như vậy chúng ta có đất, có nhân khẩu, chờ đến một ngày Trung Nguyên có biến, chúng ta có thể vượt qua Hoàng Hà, một bước có thể xưng bá Trung Nguyên”.

Những câu này như điểm trúng chỗ ngứa của Tần Mục công. Tần Mục công nói: “Ông quả là người có thực tài! Ta phong ông tước vị Thượng khanh, đây là tước vị cao nhất”. Bách Lý Hề nói: “Tôi không cần tước vị này. Tôi có một người bạn tên Kiển Thúc, tài năng ông ấy còn gấp 10 lần tôi. Tôi hy vọng ngài có thể mời được Kiển Thúc về, tôi nguyện ý làm trợ thủ của ông ấy”. Thế là Tần Mục công mời Kiển Thúc đến nước Tần. 

Bách Lý Hề “trong tướng phủ, nhận ra vợ”

Sau khi Bách Lý Hề làm Tể tướng nước Tần, ông rất giàu sang phú quý. Năm đó khi Bách Lý Hề rời khỏi nhà, vợ ông là Đỗ thị ở nước Sở, một mình nuôi con trai, nhưng họ sống rất khó khăn. Cả hai mẹ con bèn đến nơi khác xin ăn, sau đó lưu lạc đến nước Tần. Bà nghe nói đến Đại phu Bách Lý Hề của nước Tần, bà muốn xem xem có phải là chồng mình hay không. Nhưng khi Bách Lý Hề di chuyển, ông ngồi trong xe ngựa nên bà không thể thấy rõ mặt. Sau này bà nghĩ cách đến tướng phủ làm công việc giặt giũ quần áo. Bà rất chịu khó lại hài hước, còn biết ca hát, do đó mọi người đều yêu mến bà.

Có một lần Bách Lý Hề dùng yến tiệc với khách, Đỗ thị nói: “Tôi có thể chơi cổ cầm và ca hát, liệu tôi có thể biểu diễn một lần được không?”. Bách Lý Hề đồng ý. Bà bèn thương lượng với nhạc công, đưa cho bà cổ cầm. Bà tấu lên một khúc nhạc vô cùng thê lương sầu thảm. Còn các nhạc công thì cảm thấy bà chơi giỏi hơn họ rất nhiều.

Sau đó bà bắt đầu hát một bài, nội dung đại ý như sau: “Bách Lý Hề, Ngũ Cổ Đại phu. Ông còn nhớ lúc rời quê hương, tôi đã kéo vạt áo của ông mà khóc… Khi đó nhà chúng ta không có gì ăn, tôi bổ cửa làm củi hầm gà mái… Giờ đây ông đã làm Tể tướng nước Tần, thân ông mặc áo gấm nhưng tôi vẫn làm mướn giặt đồ cho người ta… Hiện tại ông phú quý rồi, ông có còn nhớ người vợ nghèo năm ấy không…”.

Bách Lý Hề nghe xong bài hát liền giật mình. Ai có biết được rõ ràng chuyện năm xưa khi ông ly hương chứ? Ông bèn bảo người phụ nữ đến trước mặt ông, nhìn một cái thì quả nhiên là thê tử của mình. Hai vợ chồng ba mươi mấy năm mới gặp lại, hai người ôm nhau mà khóc. Bách Lý Hề hỏi thê tử: “Thế con trai chúng ta đâu?”. Bà đáp: “Con trai đi săn bên ngoài rồi”. Bách Lý Hề tìm con trai rồi gia đình họ ở trong tướng phủ. Tần Mục công sau khi nghe tin đó lập tức chúc mừng gia đình họ đã đoàn tụ, đồng thời thưởng cho họ một ít tiền. Con trai ông sau này làm một vị đại tướng tên Mạnh Minh Thị (2).

Đây là câu chuyện thứ ba về Bách Lý Hề: “trong tướng phủ, nhận ra vợ”.

Chèo thuyền cứu tế

Câu chuyện thứ tư gọi là “chèo thuyền cứu tế”. Sau khi Bách Lý Hề là Tể tướng nước Tần. Tần Mục công đã từng “ba lần giúp nước Tấn chỉ định quốc vương” (tam trí Tấn quân – 三置晉君). Vì ban đầu quốc vương nước Tấn là Tấn Hiến công có 5 người con trai, 2 người trong đó là Di Ngô và Trùng Nhĩ, Trùng Nhĩ là anh còn Di Ngô là em. Trùng Nhĩ chính là Tấn Văn công, sau này là một trong Ngũ bá thời Xuân Thu. Sau khi Tấn Hiến công tạ thế, nước Tấn phát sinh nội loạn, chi tiết ở đây chúng ta không đề cập đến, chỉ nói những nét cơ bản. Khi đó Di Ngô thỉnh cầu Tần Mục công để ông ấy làm quân vương nước Tấn.

Điều kiện ban đầu mà Di Ngô đưa ra là: “Nếu ngài cho tôi làm quốc vương nước Tấn, tôi sẽ cắt toàn bộ 8 thành trì vùng phía tây sông Hoàng Hà giao cấp cho ngài”. Tần Mục công nghe vậy liền đồng ý. Tần Mục công cho Di Ngô làm vua nước Tấn. Di Ngô chính là Tấn Huệ công. Sự kiện này xảy ra năm 650 TCN.

Sau khi Di Ngô làm vua nước Tấn liền bội ước. Vì sao vậy? Ông ta cho rằng khi giao ước với Tần Mục công thì ông chỉ là tên thất phu tức dân thường mà thôi, không có chút đất nào nói chi đến 8 thành trì. Nhưng sau khi lên làm vua nước Tấn ông lại không nỡ cắt 8 thành trì đó giao cho Tần Mục công. Di Ngô là người không có có tín nghĩa. Tần Mục công khi đó nhẫn nhịn, cũng không đả động gì tới việc động binh.

Tấn Huệ công sau khi lên ngôi đã giết rất nhiều đại thần và làm nhiều chuyện bất nghĩa. Tấn Huệ công làm vua được 4 năm thì ở nước Tấn xảy ra thiên tai, bách tính nước Tấn lâm vào nạn đói. Tấn Huệ công đến nước Tần để mượn lương thực cứu tế nhân dân.

Khi đó một tướng quân nước Tần tên Phi Báo nói với Tần Mục công rằng: “Không thể cho Tấn Huệ công mượn lương thực, vì ông ta là con người không có tín nghĩa. Chúng ta nên nhân cơ hội này phát binh đánh ông ta”. Bách Lý Hề nghe xong bèn đứng lên nói: “Quân vương nước Tấn đắc tội với đại vương chúng ta nhưng bách tính của nước Tấn có tội lỗi gì chứ? Nếu họ gặp nạn đói, chúng ta nên cứu tế họ mới phải”.

Tần Mục công cũng là bậc vương giả có phong thái cốt cách, ông nghe theo kiến nghị của Bách Lý Hề. Thế là ông mở lớn kho lương, từ 3 con đường thủy của sông Phần thủy, Vị thủy và Hoàng Hà, vận chuyển lương thực từ đô thành Ủng của nước Tần đến đô thành Giáng (3) của nước Tấn. Đồng thời trên bờ cũng vận chuyển lương thực. Xe, thuyền trên 3 con đường thủy và đường bộ lũ lượt nối đuôi nhau đến 800 dặm, đem lương thực từ nước Tần sang nước Tấn. Lịch sử gọi đây là “chèo thuyền cứu tế” – một câu chuyện rất nổi tiếng.

Trận chiến Hàn Nguyên 

Tần Mục công dùng nhiều lương thực, bỏ công sức lớn như thế, lại không nhớ hiềm khích năm xưa với Tấn Huệ công. Đến năm sau nước Tần gặp thiên tai, trong khi đó nước Tấn lại mùa màng bội thu. Tần Mục công nói rằng: “Năm nay nước chúng tôi gặp thiên tai, xin mượn lương thực của nước Tấn, ít nhất là bằng số lương thực mà năm ngoái nước Tấn mượn”. Thế là Tần Mục công phái người đến nước Tấn thương lượng với Tấn Huệ công. Tấn Huệ công thấy nước Tần gặp thiên tai bèn nói: “Đây là cơ hội tốt để đánh hạ nước Tần”.

Qua lời nói này ta thấy Tấn Huệ công là người lấy oán báo đức, làm chuyện điên rồ. Thế là Tấn Huệ công bèn xuất binh tấn công nước Tần. Tần Mục công nổi giận, lập tức khởi binh nghênh chiến. Hai bên đánh nhau ở Hàn Nguyên. Đây cũng là trận chiến rất nổi tiếng trong lịch sử, gọi là “trận chiến Hàn Nguyên”.

Trong trận chiến Hàn Nguyên, Tần Mục công khi đó binh mỏng lương ít nên giai đoạn đầu gặp bất lợi. Ông bị binh sĩ nước Tấn bao vây rất chặt. Lúc Tần Mục công rơi vào tình cảnh vô cùng nguy hiểm, đột nhiên xuất hiện 300 dân thôn dã (dã nhân – 野人). Thời đó, người ở trong thành gọi là “quốc nhân” còn người sống ngoài thành gọi là “dã nhân”. 300 người đó võ nghệ cao cường, chạy nhanh như bay, tay cầm đại đao xông vào quân Tấn, gặp được ai thì chém người ấy. Do đó quân Tấn bị đẩy lui, Tần Mục công nhờ vậy mà được cứu.

Tần Mục công hỏi họ là ai, những dân thôn dã đó trả lời rằng họ đến để báo ơn ông. Tần Mục công nói: “Đó là ơn nghĩa gì?”. Vốn là mấy năm trước, Tần Mục công mất vài con ngựa rất quý, thế là ông phái quan lại đi tìm thì phát hiện những con ngựa bị những người dân thôn dã này ăn thịt. Khi đó vị quan lại bắt những người này lại, định dùng hình phạt với họ. Nhưng Tần Mục công nói: “Ta sao có thể vì con ngựa mà giết nhiều người như vậy chứ. Ta nghe nói ăn thịt ngựa quý mà không uống rượu sẽ sinh bệnh. Cho nên hãy đem rượu ngon để cho họ uống”. Tần Mục công không những không giết những người này, mà còn đưa thêm rượu ngon cho họ uống.

Những người dân thôn dã biết được sự việc đó thì vô cùng cảm động. Họ nghe nói Tần Mục công bị quân Tấn bao vây nên đến cứu để báo đáp ân tình năm xưa. Cách cư xử có đạo đức này đã giúp Tần Mục công có được con đường lui cho mình. Những người dân thôn dã sau khi cứu Tần Mục công, họ còn bắt được Tấn Huệ công. Tần Mục công muốn tặng thưởng nhưng họ không nhận, chỉ bái tạ mà rút đi.

Tần Mục công đã đối đãi với người tiểu nhân làm chuyện điên rồ là Tấn Huệ công như thế nào? Ông không giết hại mà dùng lễ của chư hầu mà tiếp đãi Tấn Huệ công, sau đó thả Tấn Huệ công về nước. Tấn Huệ công về nước, cảm thấy vô cùng hổ thẹn, thế là ông cắt 8 thành trì của vùng Tây Hà giao cho Tần Mục công.

Tần Mục công lấy được Tây Hà là dựa vào “lấy đức vỗ về, thay cho công sức chinh phạt” (4), ông đã dùng đạo đức cảm hóa mà giành được thắng lợi. Còn Thương Ưởng lấy Tây Hà là dùng mưu kế với Công tử Ngang của nước Ngụy. Bách Lý Hề khuyên quân chủ là Tần Mục công dùng phong thái của bậc vương giả để đối đãi, do đó Bách Lý Hề cùng Tần Mục công đi theo vương đạo chứ không phải bá đạo (chuyên quyền, độc đoán) như của Thương Ưởng.

Bách Lý Hề Nhân – Nghĩa – Trung -Trí

Từ bốn câu chuyện về Bách Lý Hề, chúng ta có thể thấy được nhân phẩm của ông. Ông thấy rõ được kế “mượn đường diệt Quắc” của Tấn Hiến công, đây gọi là Trí. Lúc nước Ngu bị diệt, thà chấp nhận làm tù binh chứ không chịu làm quan ở nước Tấn, đây gọi là Trung. Ông tiến cử người bằng hữu có thực tài là Kiển Thúc, hơn nữa còn đặt Kiển Thúc lên trên cả bản thân, nghĩ đến đại cục quốc gia chứ không phải lợi ích cá nhân cho riêng mình, đây gọi là Nghĩa. Khi giàu có, ông không bỏ người vợ tào khang, ở tướng phủ mà nhận vợ, không quên những gì thê tử đã làm cho mình, khuyên Tần Mục công cứu tế bách tính nước Tấn, đây gọi là Nhân. Hơn nữa cuộc sống của ông cũng thanh đạm tiết kiệm, chính là giống như Triệu Lương nói: “ra ngoài trời nóng cũng không mang ô, lúc mệt cũng không ngồi trên xe nghỉ”.

Dưới sự phò tá của Bách Lý Hề, Tần Mục công đã dần thu phục được tộc người Nhung, truyền bá văn hóa Trung Nguyên đến tây vực. Đồng thời Tần Mục công cũng liên minh với họ, làm cho quốc lực tăng cường. Ông lại dựa vào đức mà vỗ về dân chúng, lấy được vùng đất quan trọng Tây Hà, làm biên giới nước Tần trải rộng về phía đông đến lưu vực Hoàng Hà. Tất cả những điều đó đã đặt định cho nước Tần sau này có thể thống nhất thiên hạ.

***

Quay lại thời kỳ Chiến Quốc, ta biết rằng nhân lúc nước Ngụy thất bại, Thái tử nước Ngụy bị bắt làm tù binh, bên đó còn mất một vị tướng có khả năng cầm binh đánh trận; đến năm 340 TCN Thương Ưởng dựa vào những điều kiện bất lợi của nước Ngụy mà đoạt lại Tây Hà (trước đây Ngô Khởi của nước Ngụy chiếm Tây Hà). Vậy thì, cụ thể thất bại năm ấy của nước Ngụy là gì, mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo “Tôn Bàng đấu trí”.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch

Ghi chú:

(1) Đất Ủng: gần thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc hiện nay

(2) Mạnh Minh Thị: họ Bách Lý, tên Thị, tự là Mạnh Minh.

(3) Đô thành Giáng của nước Tấn hiện nay thuộc huyện Khúc Ốc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

(4) Nguyên gốc là: Đức phủ nhi lực chinh – 德撫而力征.