Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Cam Mậu bắt đầu tấn công Nghi Dương, quả nhiên Nghi Dương không dễ đánh, mấy tháng rồi vẫn không công hạ được. Sư Lý Tật cùng các đại thần khác đều tâu với Tần vương rằng: “Ngài xem chúng ta đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền, chết không biết bao nhiêu người, hay là chúng ta đừng đánh nữa, dẫu sao cũng không hạ được thành đó đâu”.

Tần Vũ vương thật sự đã cho người đến tiền tuyến bảo Cam Mậu thu binh, nhưng Cam Mậu không làm vậy mà chỉ đưa cho Tần vương một phong thư, trong đó chỉ có hai chữ “Tức Nhưỡng” – chính là nơi giao ước giữa hai người họ.

Tần Vũ vương sau khi thấy hai chữ “Tức Nhưỡng” xong, nhớ lại năm xưa hai người đã có giao ước trước với nhau. Thế là Tần Vũ vương phái thêm đại quân đến chi viện cho Cam Mậu, cuối cùng đã đánh hạ được Nghi Dương.

Sau khi đánh hạ Nghi Dương, đại quân nước Tần đã đến vùng ngoại thành của Đông Chu, chính là vùng ngoại thành Lạc Dương. Khi đó nhà Chu đã suy yếu lắm rồi, Chu thiên tử đích thân đến vùng ngoại thành nghênh tiếp Tần Vũ. Tần Vũ vương đi vào trong tông miếu nhà Chu, nhìn thấy chín cái đỉnh.

Chín cái đỉnh này là năm xưa khi mà vua Đại Vũ trị thuỷ đã chia thiên hạ thành chín châu, mỗi châu dùng đồng đúc một cái đỉnh đồng. Trên đỉnh đồng này có khắc núi sông, phong tục, con người, vật phẩm… của châu đó, vậy  nên chín cái đỉnh này là bảo vật trấn quốc, là tượng trưng cho vương quyền của thiên tử nhà Chu vậy.

Tần Vũ vương nhìn kỹ chín cái đỉnh này, ông chỉ vào cái đỉnh có khắc Ung Châu nói, cái đỉnh này chính là chỉ nước Tần của chúng tôi, tôi phải mang nó về. Ông bèn đi đến dời cái đỉnh này.   

Cái đỉnh đó cực kỳ cực kỳ nặng, Tần Vũ vương này vốn là đại lực sĩ, ông ta cậy mình sức lực hơn người dùng hết sức để nhấc cái đỉnh đó lên, kết quả vừa mới đi được vài bước thì không giữ nổi nữa, cái đỉnh đó liền rớt xuống đập trúng ngay chân ông ta, khiến bàn chân ông nát bét như tương vậy. Tần Vũ vương la lên một tiếng rồi chết vì quá đau đớn. Năm đó là năm Tần Vũ vương thứ tư.

Lời bạch: Đả thông được đường Tam Xuyên, Tần Vũ vương đến tham quan đô thành của Chu thiên tử. Việc tấn công Tam Xuyên là chủ trương nhất quán của Trương Nghi. Trước đó, năm 317 TCN, lúc Tần Huệ Văn vương và Tư Mã Thác tranh luận có nên thảo phạt đất Thục hay không, Trương Nghi đã đề ra kế hoạch tấn công nước Hàn. Mười năm sau, kế hoạch đó mới được Tần Vũ vương thực thi. Nhưng Tần Vũ vương cũng vì nhòm ngó chín cái đỉnh của thiên tử nhà Chu rồi hành sự lỗ mãng khiến bản thân mất mạng. Sau khi ông chết, người em trai cùng cha khác mẹ của ông là Doanh Tắc kế vị. Doanh Tắc tại vị 56 năm, ông chính là Tần Chiêu Tương vương nổi tiếng lịch sử. Tất cả những việc ông làm trong thời gian chấp chính đã đặt định nền tảng cho việc thống nhất thiên hạ của nước Tần.

Sở Hoài Vương vào đất Tần

Năm 229 TCN, tức năm thứ tám Tần Chiêu Tương vương, trong thời gian 8 năm sau khi Tần Chiêu Tương vương kế vị, hai nước Tần và Sở từng phát sinh mấy lần chiến tranh, lần nào nước Sở cũng đều thua trận.

Năm 303 TCN, Sở Hoài vương gửi con trai của mình là Mị Hoành đến nước Tần làm con tin. Kết quả Mị Hoành xích mích đánh nhau với quan đại phu của nước Tần. Thái tử Mị Hoành đã đánh chết quan đại phu này. Sau khi đánh chết người, Mị Hoành liền trốn chạy về nước Sở.

Sở Hoài vương thấy thái tử Mị Hoành đánh chết quan đại phu nước Tần, rất sợ nước Tần sẽ kéo quân đến báo thù, ông lại gửi thái tử đến nước Tề làm con tin, một mặt là tránh việc nước Tần đòi đánh nước Sở, đồng thời qua đó ông cũng đã thiết lập quan hệ đồng minh với Tề.

Năm 299 TCN, Tần Chiêu Tương vương đã viết một phong thư cho Sở Hoài vương, trong thư nói rằng: “Hai nước chúng ta vốn là hai nước liên hôn với nhau. Con trai ông là công tử Lan đã cưới con gái nước Tần, đồng thời thái tử của ông cũng từng làm con tin ở nước chúng tôi, giết người xong liền bỏ trốn, ta cũng không truy cứu y. Hiện nay ta rất mong có thể tái thiết lập quan hệ ngoại giao với ông, kiến lập một quan hệ chiến lược, như vậy chúng ta mới có thể hiệu triệu chư hầu rồi”.  

Bởi vốn dĩ nước Sở và nước Tần đều là hai nước lớn, Tần Chiêu Tương vương nói có thể hẹn gặp nhau ở Vũ Quan hay không. Vũ Quan là bên trong huyện Đan Phụng, tỉnh Thiểm Tây bây giờ. Sở Hoài vương sau khi nhận được phong thư rất lưỡng lự nên đi hay là không đi, nếu không đi nước Tần sẽ rất tức giận, còn như nếu đi thì lại sợ bên trong có âm mưu gì, chính đang phân vân ở chỗ này.

Có hai người kiên quyết phản đối ông đi, một người là tể tướng tên Chiêu Thư, còn một người nữa chính là Khuất Nguyên không muốn để ông đi.

Có hai người chủ trương ông đi, một người là công tử Lan cưới con gái nước Tần, một người là nịnh thần Cận Thượng. Hai người họ dốc hết sức thuyết phục Sở Hoài vương nên đi, nói rằng: “Thực lực quân sự của Sở so với nước Tần thì quả thật kém rất xa, trước nay chỉ mong sao kết giao được một đồng minh có thế lực lớn mạnh như vậy. Dù Tần không mời thì Sở vẫn muốn đi, huống hồ hiện giờ họ đã chủ động mời chúng ta rồi, sao chúng ta có thể không đi được đây?”.

Sở Hoài vương liền nghe theo kiến nghị của Cận Thượng và công tử Lan, khinh suất đi đến nước Tần.

Sở Hoài vương vừa đi vào cổng thành nước Tần, nước Tần liền cho đóng cửa thành lại, rồi bắt ông đưa đến Hàm Dương (kinh đô nước Tần). Đến nơi, Tần Chiêu Tương vương bắt ông phải dùng lễ phiên thần với ông ta. 

Sở Hoài vương vô cùng giận dữ không làm theo, mắng rằng: “Nhà ngươi lừa ta đến đây rốt cuộc muốn làm gì?”. Tần vương nói: “Tôi rất thích mảnh đất Kiềm Trung này, không biết liệu ông có thể cắt nhượng mảnh đất Kiềm Trung đó cho nước Tần chúng tôi được không, nếu được vậy tôi sẽ thả ông về nước ngay”.

Sở Hoài vương nói: “Nếu ông cần đất, thế thì cứ đường hoàng nói với tôi, sao lại bắt tôi đến đây, bức ép tôi như vậy. Như vậy đi, chỉ cần ông cho tôi về nước, tôi sẽ lập một hiệp ước với ông, đảm bảo cắt nhượng miếng đất đó cho ông, nhưng ông hãy thả tôi về nước trước đã”.

Tần vương cười lớn nói: “Hiệp ước cái thứ đồ đó sao có thể tin được đây, chỉ cần ông không cho tôi đất, thì ông đừng bao giờ nghĩ đến chuyện trở về”. Thế là bèn giam lỏng Sở Hoài vương lại.

Chúng ta thấy Sở Hoài vương kỳ thực vừa đáng thương lại vừa đáng giận. Nói người này đáng thương, ấy là về sau ông ta đã chết ở nước Tần, trong 3 năm bị giam lỏng ở nước Tần cũng từng bỏ trốn một lần, về sau lại bị nước Tần bắt lại được. Giam lỏng ở dịch quán 3 năm thì bệnh chết, đương nhiên còn có một khả năng nữa ấy là bị tức chết, thật sự chết rất thảm.

Còn như nói người này đáng giận, bởi bản thân ông ta đầu óc hồ đồ, bị nước Tần lừa hết lần này đến lần khác, năm lần bảy lượt bị mắc lừa, về sau đánh trận rồi cũng thua, chết không biết bao nhiêu người, cuối cùng rồi lại bị lừa.

Tây phương có câu ngạn ngữ như vậy: “Cheat me once, shame on you; cheat me twice, shame on me“, ý là anh lừa được tôi lần đầu, ấy là sự sỉ nhục của anh, anh lừa được tôi lần hai, ấy là sự sỉ nhục của tôi. Vì sao dối gạt được tôi lần đầu lại chính là nỗi nhục của anh? Bởi tôi tin rằng người trong thiên hạ đều là người quân tử, thật không ngờ rằng anh lại chính là kẻ tiểu nhân, vậy nên anh dối gạt được tôi. Nhưng nếu anh dối gạt được tôi lần hai thì đó chính là sự sỉ nhục của chính bản thân tôi, vì sao vậy? Bởi tôi đã bị anh dối gạt một lần rồi mà không ghi nhớ, điều này nói rõ bản thân tôi rất ngu xuẩn, vậy nên nếu anh liên tiếp dối gạt được tôi hai lần, đó chính là nỗi nhục của tôi. Còn Sở Hoài vương này cứ thế bị dối gạt hết lần này đến lần khác, bị mắc lừa hết lần này lần khác.

Sở Hoài vương bị giam cầm ở nước Tần, nước Sở phải đối mặt với một vấn đề rất nghiêm trọng, chính là trong nước không có vua. Trong tình huống đó, họ đã đến nước Tề yêu cầu cho thái tử Mị Hoành đang làm con tin về lại nước Sở lên ngôi.

Khi đó, vua Tề cũng bàn bạc với chúng đại thần rằng có thả thái tử Mị Hoành về nước hay không? Có người kiến nghị không cho về, nếu cho về rồi thì không thể lấy thái tử làm canh bạc để trao đổi nữa, vậy nên hãy đưa ra đề nghị buộc nước Sở phải cắt miếng đất ở Hoài Hà về phía bắc cho Tề. Một chủ trương khác là nếu nước Sở đã đến đòi người thì cứ trả thái tử lại. Bởi Sở Hoài vương không phải chỉ có một người con trai này, nếu chẳng may nước Sở lập một người khác kế vị, Tề giữ lại người này cũng không có tác dụng gì, trái lại còn kết oán với nước Sở, vậy nên tốt nhất là cứ thả y về nước vậy.

Vua Tề nghe theo ý kiến thứ hai, hộ tống thái tử Mị Hoành từ nước Tề về lại nước Sở, thái tử Mị Hoành kế ngôi, chính là Sở Khoảnh Tương vương. Sau khi Mị Hoành lên ngôi, ông ta không những trọng dụng công tử Lan và Cận Thượng, hơn nữa 7 năm sau đó lại kết minh hôn ước với nước Tần. Khi đó có một đại thần vô cùng tức giận, đại thần này chính là Tam lư đại phu Khuất Nguyên.

Tam Lư đại phu là chức vị gì đây? Chính là chức quan chưởng quản thờ cúng tông miếu và dạy học cho con em dòng dõi hoàng tộc. Ông một lòng mong muốn nước Sở có thể lớn mạnh hơn lên để báo thù rửa hận. Nhưng ông nhìn thấy Sở Khoảnh Tương vương công tử Lan và những đại thần khác hiện giờ tất cả đều an hưởng giàu sang, không quản làm sao mới có thể khiến nước Sở thực hiện được nước giàu binh mạnh, mỗi ngày chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, rất mau đã quên đi nỗi nhục của nước nhà.

Khuất Nguyên thường nói những việc này, đương nhiên Sở vương không thích nghe, cuối cùng Sở vương đã lưu đày Khuất Nguyên về lại quê nhà của ông, chính là Tỷ Quy.

Khuất Nguyên nơi quê nhà xõa tóc bước đi, đến bờ sông dạo bước ngâm thơ. Ông đã viết bài thơ bất hủ chính là “Ly Tao”. Tư Mã Thiên rất đồng tình với Khuất Nguyên, trong “Sử Ký” ông đã đặc biệt dành ra một chương viết về Khuất Nguyên. Tư Mã Thiên viết “Khuất Bình theo đạo ngay đi đường thẳng, dốc hết lòng trung, đưa hết trí khôn ra thờ vua,nhưng lại bị kẻ gièm pha ly gián, có thể gọi là ở vào cảnh khốn cùng vậy! Mình tín mà bị ngờ vực, mình trung mà bị chỉ trích, làm sao khỏi oán thán! Khuất Bình viết Ly Tao là do oán thán mà ra vậy!”. 

Khuất Nguyên ở quê nhà hàng ngày cứ thế đến bờ sông, xõa tóc đi, ngâm nga trên bờ đầm, sắc mặt tiều tụy, hình dung khô héo. Về sau, có một lần ông gặp một ông lão đánh cá, ông lão đánh cá đó hỏi Khuất Nguyên rằng: “Ông là quan tam lư đại phu đấy phải không? Vì sao ông đến nỗi này?”.  

Khuất Nguyên nói: “Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ một mình ta trong, tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên ta mới thống khổ như vậy”.

Lão đánh cá khuyên ông rằng: “Người thánh nhân không khư khư ở một vật, mà biết thay đổi theo đời. Tất cả đều nhơ đục sao ông không xuôi theo dòng làm cho sóng lên cao? Tất cả mọi người đều say, sao ông không nhai bã rượu và húp rượu? Vì cớ gì lại ôm ngọc cẩn, giữ ngọc du trong người để đến nỗi bị đuổi!”.

Khuất Nguyên đáp rằng: “Tôi nghe nói, hễ khi người ta gội đầu xong thì người ta phủi mũ, hễ khi người ta tắm xong thì người ta giũ áo, lẽ nào để cái thân trong trắng bị vật làm nhơ bẩn đi. Ta thà gieo mình xuống sông Tương, chôn mình trong bụng cá, lẽ nào để cái bản chất trắng ngần của ta chịu bụi bặm của đời?”.

Khuất Nguyên là một nhà thơ có tên có họ trong lịch sử Trung Quốc, chúng ta biết rằng thời Xuân Thu, Khổng Tử đã từng chỉnh lý qua toàn bộ tập thi ca đầu tiên của Trung Quốc “Kinh Thi”. “Kinh Thi” có tổng cộng 305 bài, nhưng nếu hỏi tác giả của mỗi một bài thơ trong đó là ai? Hoàn toàn không có tên. Khuất Nguyên là nhà thơ có tên có họ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, ông không chỉ viết thơ, mà đã khai sáng thể văn “Sở Từ” này, hơn nữa mọi người đều biết đấy là thơ do ông viết.

Khuất Nguyên không phải vừa mới về đến quê nhà liền gieo mình xuống sông mà chết, ông ở quê nhà tròn 14 năm, trồng ruộng ở đó ròng rã suốt 14 năm. Năm 278 TCN, Sở Khoảnh Tương vương năm thứ 21, Võ An quân Bạch Khởi của nước Tần đã công hạ được đô thành của nước Sở. Lúc này Khuất Nguyên cảm thấy nước Sở không còn hy vọng gì nữa, bèn làm bài phú “Hoài Sa”, đoạn ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La mà chết.

Khi đó rất nhiều người trong vùng đều thương tiếc ông, lũ lượt tranh nhau chèo thuyền đến vớt ông lên. Mọi người sợ thi thể của Khuất Nguyên bị cá ăn mất, liền lấy cơm gạo gói lại ném xuống sông cho cá ăn. Vậy nên lễ hội  đua thuyền rồng và ăn bánh chưng chính là bắt nguồn từ sự việc Khuất Nguyên gieo mình xuống sông.

Năm 299 TCN, năm mà Sở Hoài vương bị lừa đến nước Tần, cùng trong năm này tướng quốc của nước Tề là Mạnh Thường Quân cũng bị lừa đến nước Tần. Sở Hoài vương thì chết ở nước Tần, nhưng Mạnh Thường Quân lại trốn thoát được. Thế thì Mạnh Thường Quân đã trốn chạy thành công khỏi nước Tần như thế nào, rốt cuộc ông dựa vào điều gì mà trốn thoát được nước Tần? Xin mời các bạn đón đọc phần sau.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ – Vũ Dương biên dịch