Phú quý vinh hoa ai cũng muốn, nhưng không phải ai cũng đạt được. Danh lợi tiền tài ai cũng thích, nhưng không phải ai cũng đắc được. Cuộc sống này, phải chăng đã có an bài? 

Khi thời điểm đến, có những điều cố gắng bao nhiêu cũng không thay đổi được. Ngẩng mặt hỏi trời xanh, trời không nói, cúi đầu xuống hỏi đất, đất lặng thinh, khiến lòng này càng thêm trăm mối muộn phiền. 

Từ xưa tới nay, sinh mệnh chỉ tựa như hạt bụi, đến rồi đi như gió thoảng mây trôi. Trong lịch sử từng xảy ra nhiều sự việc không ai có thể giải thích được, ngày nay hậu thế mới có thể lý giải được phần nào. Người ta vẫn nói: Phú quý vinh hoa ai cũng muốn, nhưng không phải ai cũng đạt được. Danh lợi tiền tài ai cũng thích, nhưng không phải ai cũng đắc được. Cuộc sống này, phải chăng đã có an bài? 

Sau đây là hai câu chuyện được trích từ Thái Bình Quảng Ký, cho chúng ta thấy nhân quả là Thiên lý, được mất đều có nguyên do.

Hoàng tử không thoát được luật nhân quả

Một quan viên thời nhà Đường là Vương Phiếu từng nói: “Hết thảy mọi thứ xảy ra trong cuộc đời đều đã được định trước bởi số mệnh và nhân duyên nghiệp báo. Phúc họa khi nào đến sẽ đến, vậy nên không cần phải sợ hãi”. Sau đó, ông đã kể câu chuyện về một vị hoàng tử dưới thời Võ Tắc Thiên.  

Trong những năm tại vị, Võ Tắc Thiên từng có ý định kết liễu hoàng tử, lệnh xử tử được thi hành ở chùa Đại Lý. Hoàng tử nhận thấy trước kết cục của mình, trong lòng thầm nghĩ: “Ta đằng nào cũng không thể thoát khỏi cái chết, vậy sao cần phải làm vấy bẩn gươm đao?”, và trong đêm đó ngài đã treo cổ tự vẫn bằng khăn áo của mình. Nhưng bất ngờ là hoàng tử không chết, ngài đã sống lại, không những vậy còn tỏ ra vui vẻ và bình thản chờ án tử đang tới gần.

Sau đó hoàng tử kể rằng: “Khi chết ta đã xuống âm phủ gặp Diêm Vương, ngài nổi giận nói: “Ngươi đáng ra phải bị giết chết, tại sao lại tự sát mà xuống đây? Mau mau quay lên mà chịu hình phạt của mình đi!”. Thấy ta ngơ ngác không hiểu gì, Diêm Vương liền mở sổ Nam Tào, trong sổ có ghi rằng ta kiếp trước từng sát nhân hại mệnh, nên theo luật nhân quả thì kiếp này sẽ bị người khác giết. Ta kinh hãi nhận ra sự thật, vì thế sau khi sống lại mới có thể bình tĩnh chờ ngày tận số đến như vậy”. 

Trời định chức quan, người không thể đổi

Vào một năm Trinh Quán dưới triều vua Đường Thái Tông, Trương Bảo Tàng trên đường trở về quê thì gặp một người thợ săn đang vui vẻ ăn thịt, uống rượu. Ngẫm lại hoàn cảnh của mình, Trương Bảo Tàng buồn bã ngồi tựa vào gốc cây mà than rằng: “Ta sống đến tuổi này rồi mà chưa từng được ăn thứ gì thơm ngon như vậy, thật đáng thương làm sao!”. 

Bỗng nhiên, từ đâu một nhà sư đi đến và nói: “Ông đừng lo lắng nữa, trong vòng 60 ngày tới ông sẽ làm đến chức quan tam phẩm, vậy có gì phải than thở đây?”. Vị tăng nhân dứt lời liền đi mất, không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Trương Bảo Tàng nghe vậy lấy làm lạ, liền lập tức quay lại kinh thành. Đúng lúc ấy Hoàng đế Đường Thái Tông mắc trọng bệnh, đã ra chiếu lệnh mời những vị lương y tài giỏi trong dân gian vào cung, bất cứ ai chữa khỏi cho nhà vua sẽ được trọng thưởng.

Bảo Tàng trước kia từng mắc một căn bệnh tương tự, nên đã đem bài thuốc của mình dâng lên hoàng thượng. Quả nhiên, bệnh tình của Thái Tông dần dần thuyên giảm, còn Bảo Tàng thì được thăng chức quan tam phẩm. 

Lúc ấy, tể tướng Ngụy Trưng vì trong lòng có chút hoài nghi nên vẫn chưa vội thăng chức cho Bảo Tàng, nhưng sau đó thấy bệnh của Thái Tông lại tái phát, phải uống bài thuốc đó thì mới có tác dụng. Thái Tông hỏi: “Ta từng ban lệnh thăng chức cho người chữa bệnh lên tam phẩm, sao khanh còn chần chừ chưa ban bố?”. Ngụy Trưng vội trả lời: “Khi hoàng thượng ban lệnh, thần không rõ là quan văn tam phẩm hay quan võ tam phẩm?”. Thái Tông phẫn nộ quát lớn: “Chữa được bệnh cho ngươi sẽ thăng chức tam phẩm, nhưng chữa được bệnh cho thiên tử không lẽ lại không được hay sao?”.

Sau đó, hoàng đế lập tức ban chiếu chỉ thưởng cho Bảo Tàng quan hiệu  Hồng Lư Khanh. Và ngày hôm đó cũng chính là ngày thứ 60 mà vị tăng sư kia từng nói. 

Theo Hiểu Tịnh, Secretchina
Quỳnh Chi biên dịch

Video: Bạn lựa chọn cúi đầu làm bông lúa hay ngẩng đầu làm cỏ dại?

videoinfo__video3.dkn.tv||386848dcc__