Nhiều danh y trong lịch sử Trung Quốc đều là người tu đạo. Tôn Tư Mạc cũng vậy, ông còn được mệnh danh là ông tổ Trung y. Ông từng làm quan ngự y của vua Đường Thái Tông và sống đến hơn trăm tuổi. Trước khi qua đời, ông đã để lại cho hậu thế kiệt tác dược phương có một không hai, mỗi bài thuốc đều đáng giá ngàn vàng. 

Năm 674, Tôn Tư Mạc đã lui về núi ở ẩn. Lúc ông rời đi, Đường Cao Tông đã tặng cho ông một con ngựa tốt. Sau khi ẩn cư, ông sống tại núi Vương Ốc thuộc tỉnh Hà Nam cho đến khi qua đời. Tại đây, ông vừa tu đạo vừa hành nghề y cứu người. Trong những năm hành nghề y, ông đã để lại bộ sách nổi tiếng có tên “Thiên Kim Phương”. Bộ sách này bao gồm 2 bộ sách lớn về y học, gọi là “Thiên Kim Yếu Phương” (phương thuốc cần thiết đáng giá ngàn lượng vàng), và “Thiên Kim Dực Phương” (phương thuốc bổ túc đáng giá ngàn lượng vàng). Thiên Kim Phương cũng là một kiệt tác tiêu biểu cho sự phát triển của y học đời Đường, có ảnh hưởng lớn và đóng góp đáng kể cho sự phát triển của y học sau này, nhất là các bài thuốc để lại cho hậu thế. Những kiệt tác này cũng đóng góp vào sự phát triển của y học Nhật Bản và Triều Tiên. Năm 1974, Nhật Bản đã thành lập viện nghiên cứu Thiên Kim Yếu Phương và cho in ấn cuốn sách bản in thời Nam Tống. Bộ sách cũng được ca ngợi là “kho báu của nhân loại”. 

Dưới đây là câu chuyện huyền thoại về cuốn sách. 

Tôn Tư Mạc cứu “con rắn nhỏ”, Long Vương đưa tặng phương thuốc tốt

Khi còn nhỏ, Tôn Tư Mạc là người rất thông minh. Năm 7 tuổi ông đã có thể học thuộc 1000 chữ trong một ngày. Lúc đó Độc Cô Tín, vị tướng quân của nước Ngụy chứng kiến tài năng của ông đã không khỏi thốt lên: “Cậu bé này thật thánh thiện, xem ra là người đại căn khí, rất khó thấy được ở thế gian”. 

Sau khi Tôn Tư Mạc lớn lên, năm 20 tuổi, ông có thể đĩnh đạc đàm luận về học thuyết Lão Tử, Trang Tử, đồng thời cũng tinh thông việc biên soạn kinh điển Phật gia. Năm Chu Tuyên Đế giữ ngôi vị, thời cuộc loạn lạc, ông sống ẩn cư tại núi Thái Bạch thuộc Thiểm Tây học đạo, luyện khí dưỡng thần, tìm phương thuốc cứu tế thế nhân. Ông tinh hiểu rõ thiên văn, tinh thông y dược và âm thầm làm nhiều việc thiện.

Chân dung Tôn Tư Mạc tại bảo tàng nhà Thanh (Ảnh: Nhà bảo tàng Tử Cấm Thành, Bắc Kinh) 

Một lần ông nhìn thấy một con rắn nhỏ bị mục đồng gây thương tích. Nhìn vết thương của con rắn, ông đã xé tay áo của mục đồng đắp thuốc cứu lấy con rắn này rồi thả nó lại bụi cỏ bên cạnh.

Hơn 10 ngày sau, trên đường đi hái thuốc, Tôn Tư Mạc gặp được chàng thanh niên mặc áo trắng cưỡi ngựa đi tới. Đến nơi, cậu thanh niên liền xuống ngựa rồi hành lễ bái tạ Tôn Tư Mạc. Cậu nói: “Cảm ơn ngài đã cứu em trai tôi”. Tôn Tư Mạc nghe thấy lấy làm kinh ngạc không biết chuyện gì đang xảy ra. Chàng thanh niên lại mời Tôn Tư Mạc tới nhà làm khách một chuyến. 

Chàng thanh niên đưa ngựa cho Tôn Tư Mạc cưỡi còn bản thân dắt ngựa đi bên cạnh. Tuy nhiên, những bước chân của anh nhẹ nhàng như chân không chạm đất. Chớp mắt một cái, hai người đã đến một lâu đài lộng lẫy nguy nga. Chàng thanh niên mời Tôn Tư Mạc bước vào. Một người mặc áo lễ phục, đầu đội mũ, theo sau còn có nhiều người hầu, nét mặt tươi cười đi tới đón chào. 

Người này hướng đến Tôn Tư Mạc liên tục nói lời cảm ơn: “Nhận được ân nghĩa của ngài nên tôi đã sai con trai đi mời ngài tới nhà thăm một chuyến”. Người này vừa nói vừa chỉ vào cậu bé mặc áo xanh và nói: “Mấy hôm trước, thằng bé đi ra ngoài một mình, bị mục đồng làm thương tổn, may mắn được ngài xé áo đắp thuốc cứu lấy nên mới sống sót”. Nói rồi người này đã để cậu bé khấu đầu tạ ơn Tôn Tư Mạc. Lúc này Tôn Tư Mạc mới nhớ ra là đã cứu một con rắn nhỏ mấy ngày trước. Nghĩ rồi ông mới hỏi nhỏ người bên cạnh xem nơi này là nơi nào. Người này nói cho ông biết: “Đây là Kính Dương thủy phủ”. Hóa ra ông đã cứu không phải là con rắn nhỏ mà con trai của Long Vương.

Lúc này, Long Vương cho bày yến tiệc thiết đãi Tôn Tư Mạc. Thấy vậy, Tôn Tư Mạc đã từ chối nói bản thân sống ẩn cư, tịch cốc dưỡng khí, chỉ uống chút rượu. Qua 3 ngày, Long Vương cho người mang tới gấm vóc châu ngọc tặng cho Tôn Tư Mạc nhưng ông không nhận. Thấy vậy, Long Vương lại sai con trai cả mang tới cuốn sách 30 phương đưa cho Tôn Tư Mạc nói: “Đây là những bài thuốc giúp người tu đạo có thể tế thế cứu người”. Sau đó, Long Vương mới sai người đưa Tôn Tư Mạc trở về. 

Sau khi sử dụng các phương thuốc này, Tôn Tư Mạc phát hiện ra nó vô cùng hiệu nghiệm. Thế là ông đã chép lại những phương thuốc này vào “Thiên Kim phương”.

Tôn Tư Mạc cứu Long Vương nhận được 3000 phương thuốc tiên

Tôn Tư Mạc từng ẩn cư tại núi Chung Nam. Ông thường qua lại đàm đạo thành quả tu luyện cùng hòa thượng Tuyên Hóa. Có năm thành Côn Minh gặp hạn lớn, một hòa thượng ở Tây Vực hướng tới Hoàng đế thỉnh cầu lập đàn cầu mưa. Hoàng đế liền lệnh cho quan lại chuẩn bị hương đèn. 

Sau 7 ngày nước trong hồ Côn Minh lại giảm vài thước. Bỗng một đêm có ông lão đến kêu hòa thượng Tuyên Luật cứu giúp. Ông lão nói: “Ta là Long Vương cai quản thành Côn Minh, trời không mưa không phải là nguyên nhân của ta. Tên hòa thượng Tây Vực muốn lấy não của ta làm thuốc nên đã lừa hoàng đế lập đàn cầu mưa. Hiện tại ta đang trong tình thể nguy hiểm, hy vọng ngài sử dụng pháp lực cứu giúp”. 

Hòa thượng Tuyên Luật nói: “Tôi phải giữ giới luật. Ông có thể cầu xin Tôn tiên sinh giúp đỡ”. Thế là ông lão liền đến thạch thất của Tôn Tư Mạc cầu cứu. Tôn Tư Mạc nói với ông lão: “Tôi biết long cung của thành Côn Minh có 3000 phương thuốc tiên, ông đem nó truyền lại cho tôi, tôi sẽ cứu ông”. 

Ông lão nói: “Thiên đế không cho phép loạn truyền tiên dược. Hôm nay xảy ra sự tình khẩn cấp, cũng không cần luyến tiếc thứ tốt nữa”. Một lát sau, ông lão liền lấy ra tiên dược đưa cho Tôn Tư Mạc. 

Cầm phương thuốc tiên trên tay, Tôn Tư Mạc nói: “Ông trở về đi, không cần lo sự tình của vị hòa thượng Tây Vực nữa”. Cũng kể từ thời điểm đó, mực nước trong hồ Côn Minh dâng lên, mấy ngày sau thì nước trong hồ chảy tràn ra ngoài. Vị hòa thượng Tây Vực vô cùng xấu hổ tức giận mà chết. 

Tôn Tư Mạc lại lấy 3000 phương thuốc tiên đem viết vào trong Thiên Kim Phương.  

Duyên phận của Tôn Tư Mạc và hai vị hoàng đế nhà Đường 

Tùy Văn Đế từng mời Tôn Tư Mạc làm quốc tử tiến sĩ nhưng ông không nhận. Tôn Tư Mạc cũng từng nói: “50 năm nữa sẽ xuất hiện một vị thánh nhân, lúc đó tôi mới đi trợ giúp người này tế thế cứu dân”. Mãi đến sau này, khi được Đường Thái Tông mời ông mới chịu xuất sơn. Nhìn thấy Tôn Tư Mạc, Đường Thái Tông cảm thấy vô cùng kinh ngạc trước tướng mạo quá trẻ của ông. Đường Thái Tông nói: “Người có đạo thật là đáng kính. Tôi chỉ là một lão già không đáng nói đến”. 

Ba năm sống ở Vĩnh Huy, lúc đó Tôn Tư Mạc đã hơn 100 tuổi. Một hôm, sau khi tắm gội sạch sẽ, ông mặc quan phục rồi nói với con cháu: “Hôm nay ta phải đi ra ngoài du ngoạn một chuyến, ít nữa sẽ trở về quê hương”. Không lâu sau đó Tôn Tư Mạc qua đời. Tuy nhiên, thi thể của ông vẫn hồng hào hơn một tháng sau đó. Đến khi đưa ông vào quan tài thì chỉ thấy có mỗi bộ quan phục. 

Đường Huyền Tông khi lánh nạn tại đất Thục, một hôm ông mơ thấy Tôn Tư Mạc muốn ông gửi cho một ít hùng hoàng. Thấy vậy ông lập tức sai sứ giả mang 5 cân hùng hoàng đến núi Nga Mi. Khi chưa lên đến đỉnh núi, vị sứ giả đã gặp một người, đầu đội khăn vuông, mặc áo dân thường, râu tóc bạc trắng, đi theo bên cạnh là một tiểu đồng búi tóc hai bên. Người này chỉ tay vào khối đá lớn rồi nói: “Ngươi có thể đem thuốc thả ở chỗ này. Trên tảng đá sẽ ghi tấu tạ ơn hoàng thượng”. Vừa ném thuốc lên tảng đá, trước mặt sứ giả xuất hiện 100 chữ viết lớn. Vị sứ giả đem sao chép lại, viết xong chữ nào thì chữ ấy trên tảng đá biến mất. Sau khi các chữ được ghi lại thì trên tảng đá không còn chữ nào. Trong nháy mắt bỗng có một luồng khí trắng xuất hiện, vị sứ giả nhìn sang thì không thấy bóng người đâu.

Theo Sound Of Hope
San San biên dịch

Từ Khóa: