Nhìn chung tất cả gia đình, nhà nào hạnh phúc nhà nào không, rất dễ phát hiện ra…

Gia đình hạnh phúc, các thành viên trong nhà đó ai nấy đều tâm bình khí hòa, nói năng ôn hòa nhã nhặn, mang lại cho người ta một bầu không khí thoải mái dễ chịu; còn gia đình nào không hạnh phúc, thường thì mọi thành viên trong nhà, người nào người nấy đều trong tâm trạng buồn bực khó chịu, luôn có một hoặc hai người cảm thấy căm phẫn bất bình, cằn nhằn nói kháy lẫn nhau, bầu không khí “thù sâu như biển” bao trùm khắp cả gia đình.

Căn bệnh “ác khẩu”

Sau khi quan sát sâu thêm bước nữa còn có thể phát hiện, với những gia đình không hạnh phúc, căn nguyên không hạnh phúc đó chính là nằm ở: trong gia đình đó luôn có người “ác khẩu”. Loại người này, những lời phát ra từ miệng thật sự rất khó nghe, nhưng lại rất hình tượng, cứ gọi nó là “mồm miệng đanh đá” hoặc “ác khẩu” vậy.

Đúng là như vậy, chính là cái vị mồm miệng đanh đá đó không ngừng đẩy gia đình đến mâu thuẫn.

Người mà mồm miệng đanh đá, năng lượng phụ diện trong tâm rất nhiều, tâm thái lúc nào cũng ở vào trạng thái không được khỏe mạnh. Người này nhìn cái gì cũng đều không thuận mắt, thấy chuyện gì cũng đều không vừa lòng. Không phải cảm thấy việc này không làm được tốt, thì là cảm thấy phương diện đó thua kém người khác; không phải mắng chửi người này không bản sự, thì là giận người kia không chịu cố gắng. Không phải phát hiện hàng xóm phía đông đang chèn ép mình, thì là cảm giác hàng xóm phía tây đang gài bẫy mình…

Người mà mồm miệng đanh đá, năng lượng phụ diện trong tâm rất nhiều. (Ảnh: youtube.com)

Một ngày từ sáng đến tối, luôn có thể nghe người ấy cằn nhằn lải nhải, mắng nhiếc không thôi, khiến cho cả nhà gia đình chẳng được giây phút nào yên.

Những người “ác khẩu”, thường không tôn trọng các thành viên trong gia đình. Người mồm miệng đanh đá, tâm trạng thường không được tốt, một khí có cảm xúc, cứ mặc sức phát tiết. Cảm thấy người nào có vấn đề, liền mắng chửi người ta, hơn nữa không lưu tình chút nào, thậm chí ngay trước mặt mọi người, cũng chua chát mắng mỏ đối phương thậm tệ, bóc trần khuyết điểm, phơi bày mặt xấu của đối phương như chốn không người vậy!

Họ không biết rằng, chứng bệnh này của mình, từ sớm đã tổn thương hết tôn nghiêm của đối phương, khiến người ta cảm thấy “lòng như đã chết” vậy, tích lại oán hận sâu sắc, từ đó tâm ý nguội lạnh như tro tàn!

Người thật sự có bản sự, sẽ không một mực phê bình đối phương. Mà sẽ nghĩ làm sao mới có thể giải quyết vấn đề; còn người “ác khẩu” thì chính bởi vì bản sự không đủ, vậy nên giải quyết không được vấn đề. Một khi đụng phải khó khăn, hết đường xoay xở, liền gắt gỏng bất an, mở miệng chửi mắng theo thói quen, than này trách nọ, toàn là sai ở người khác, đều là người khác bất tài. Những lúc nghiêm trọng, còn sẽ đổ lỗi cho thiếu sót của người khác. Còn đến phiên mình, thì chính là biểu hiện rõ trên miệng, tiếng chửi rủa chanh chua đanh đá, không bao giờ chịu thua, dẫu có chết cũng phải bảo vệ sĩ diện bản thân. Cái miệng lải nhải không có hồi kết, khiến cho các thành viên trong gia đình mệt mỏi tinh thần, sống không ngày nào được yên.

Thật khó chịu nếu ai đó cứ suốt ngày nói về những chuyện tiêu cực, trong tâm của họ chỉ toàn là lợi ích cá nhân, lo sợ đủ điều. (Ảnh: infosalus.com)

Người miệng lưỡi đanh đá, thường dễ khiến gia đình bất hòa. Với loại người này, hết thảy đều “hỏng” ngay từ trên cái miệng đó. Chuyện gì không vừa ý rồi, liền “bới lông tìm vết” tìm cho ra thủ phạm, sau đó chính là trách mắng một trận theo thói quen. Chỉ cần đối phương mở miệng một chút, tiếng chửi liền “mỗi lúc một mãnh liệt”, mãi cho đến khi anh ta cho rằng đã “áp đảo cục diện”, tiêu tan hết chướng khí trong người, mới miễn cưỡng thu dọn hiện trường.

Tính cách của loại người này giống như thùng thuốc nổ, hễ va đụng phải liền phát nổ. Thói quen của họ là những lúc không nói thì trợn mắt nhìn, còn khi nói thì mở miệng làm tổn thương người khác, rất dễ khơi mào lục đục tranh chấp. Đây kỳ thật là căn nguyên chung của những gia đình bất hạnh.

Tóm lại, trong những gia đình không hạnh phúc, hoặc ít hoặc nhiều đều có thể tìm được hình bóng của “người miệng lưỡi ác khẩu” kia. Tuy mức độ biểu hiện có khác nhau, nhưng hậu quả lại thật giống nhau vô cùng. Đó chính là nguyên nhân khiến cho không khí gia đình căng thẳng lục đục, quá hơn nữa sẽ khiến cho gia đình tan vỡ.

Bởi miệng lưỡi “ác khẩu”, nên nếu không phải mắng chửi người này, thì là mắng chửi người kia. Nếu giữa vợ chồng với nhau thì tình cảm rạn nứt chỉ là vấn đề sớm muộn mà thôi, gia đình tan vỡ cũng không phải là chuyện mới lạ gì.

Nếu là mẹ chồng con dâu, căng thẳng trong mối quan hệ cũng là kết cục đã định trước, tình huống loại này rất là phổ biến. Còn nếu như cha mẹ con cái với nhau, mối quan hệ trở nên xấu đi cũng là điều khó tránh khỏi, nhiều khi thậm chí trở mặt thành thù cũng không phải hiếm.

“Kê đơn bốc thuốc”…

Biết được tác hại của “ác khẩu” nên mỗi người trong gia đình cũng cần nhẫn nại nhiều hơn, cố gắng xây dựng bầu không khí gia đình hài hòa tốt đẹp. (Ảnh: wisie.com)

Cổ nhân có câu: “Bệnh nhập tùng khẩu; họa xuất tùng khẩu”, ý tứ là: Bệnh nhập vào là từ cái miệng; họa khởi phát ra cũng là từ cái miệng, bởi vậy nếu như bạn có dấu hiệu là loại người “ác khẩu” trong gia đình, nhất định phải nâng cao nhận thức: nói ít làm nhiều.

Ít mắng chửi người khác, bày tỏ khen ngợi nhiều hơn, phàm là chuyện gì cũng nhẫn nại nhiều hơn, cố gắng xây dựng bầu không khí gia đình hài hòa tốt đẹp. Nếu không, bạn nhất định sẽ đẩy hạnh phúc của gia đình đến vực thẳm.

Trong gia đình mà có một người “ác khẩu”, nếu như có thể, mọi người cũng hãy gắng sức nhẫn chịu, tránh phát sinh xung đột. Nhưng mà, chỉ như vậy thôi vẫn chưa đủ, bạn còn phải kiên nhẫn khuyên bảo, bằng cả thiện tâm mà chỉ rõ cho người đó, để cho họ dần dần nhận thức được tính phá hoại trong hành vi của bản thân mình, gắng sức giúp đỡ đối phương dần dần nhận thức sửa đổi, cho đến cuối cùng có thể hoàn toàn cải chính lại. Chỉ khi như vậy, gia đình mới có hy vọng duy trì hạnh phúc bền lâu.

Theo Cmoney
Thuận An biên dịch