Tôi không định kể về những kỉ niệm buồn vui hay chiến tích oanh liệt gì. Tôi chỉ muốn chia sẻ những trải nghiệm của tôi xoay quanh hai chữ “định mệnh”. Ở đời, nhất là những người trẻ tuổi thành đạt không mấy khi tin vào định mệnh. Tôi cũng nằm trong số đó. Cho đến khi sống gần hết đời người tĩnh tâm nhìn lại tôi mới nhận ra: Mọi sự trên đời là do thiên định, con người khó thoát khỏi sự an bài của số phận.

Một tuổi thơ “dữ dội”

Tôi không may mắn, sinh ra trong một gia đình bố mẹ không hạnh phúc. Tôi sớm phải ở với bên nội, vì bố mẹ tôi không chịu ở cùng nhau. Khi tôi lớn hơn một chút thì họ về sống chung, nhưng chẳng mấy yên lành. Lại vào thời buổi đang diễn ra cải cách ruộng đất, ông ngoại tôi là chánh tổng, nhà chỉ có hơn một mẫu ruộng, tuy có hai con rể là bộ đội chống Pháp nhưng ông tôi vẫn bị qui sai, phải ngồi tù, rồi ông tôi mất trong tù. 

Mẹ tôi vì chịu nhiều đau buồn, sức khoẻ yếu ớt nên đã ra đi sớm. Lúc ấy, tôi mới 12 tuổi. Nhà có 2 anh em, nhưng sau khi mẹ tôi qua đời một thời gian ngắn, em tôi cũng gặp bạo bệnh mà mất. Tôi còn lại một mình, cảm thấy thật cô đơn và chán chường.

Bố tôi quyết định lấy vợ khác, rồi họ cũng có con, ông bắt tôi phải bỏ học ở nhà trông em. Ông chặt hết sách vở của tôi, khi đó, tôi mới học xong lớp 5.

Niềm đam mê học hành, khao khát có con chữ để rời quê hương lập nghiệp cứ thôi thúc tôi. Nhưng lúc này, bà ngoại tôi đã già, dì thì đi lấy chồng xa lại ốm đau bệnh tật, cậu tôi cũng đi dạy học ở xa, nên tôi không biết cậy nhờ ai. Tôi bỏ nhà đi cùng đứa em con nhà chú, nó cũng mồ côi như tôi. Hai đứa chúng tôi dựng lều trên mảnh đất bỏ hoang của người ta để ở, kiếm được gì ăn nấy. Sau đó, tôi đi đóng gạch thuê. Năm 14 tuổi, tôi theo người ta lên Yên Bái làm đường để kiếm sống. Việc học hành vẫn chưa như ý nguyện…

Dù nghỉ học đã vài năm nhưng tôi luôn ấp ủ giấc mơ đi học lại. Trải qua bao sương gió của cuộc đời, cuối cùng tôi trở về làng, vừa đóng gạch thuê vừa đi học. Biết được hoàn cảnh của tôi thầy cô giáo rất thương và giúp tôi học hành, nhà trường cũng giảm học phí cho tôi. Tuy nghèo khó, vất vả nhưng với tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên không ngừng, tôi đã được đi thi học sinh giỏi. Cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp vào năm 1965.

Tôi cứ nghĩ học xong cấp 3 là sẽ thi tiếp lên đại học. Nhưng bất hạnh không buông tha tôi, do tôi có lý lịch “xấu”. Tôi xin đi bộ đội thì chính quyền địa phương cũng không cho đi. Cuộc sống của tôi lúc đó rất bế tắc. Tôi lại muốn bỏ làng ra đi lần nữa. Cái danh vị chánh tổng ấy đã giết chết ông tôi, giờ nó cũng muốn phá hủy cả cuộc đời tôi nữa. Nó như cái gông kìm kẹp cả tương lai tôi vậy… Tôi biết tìm ánh sáng ở nơi đâu?

Bác Nguyễn Cao Thuyên (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phía sau cơn mưa là cầu vồng  

Sau bao nhiêu nhiêu đau khổ, trầm luân, may mắn đã mỉm cười với tôi khi tôi xin được vào làm công nhân đường sắt. Rồi đời tôi bước sang một ngã rẽ mới khi tôi đi dạy bổ túc, vào làm trong đội tự vệ của cơ quan. Sau đó, họ cử tôi đi học trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một trường đại học được xem trọng thời bấy giờ. Khi trường tách ra, tôi trở thành sinh viên của đại học Thủy sản Hải Phòng. Giấc mơ được học hành tử tế của tôi ngày xưa còn dang dở, giờ đã trở thành hiện thực.

Chưa dừng lại ở đó, may mắn khác lại đến. Thời ấy, nhà nước thấy cần chọn một số sinh viên con nhà bình dân có học lực tốt vào quân đội. Những người được chọn sẽ được đi đào tạo ở nước ngoài. Tôi có tên trong danh sách đó. Đây là điều mà nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới. Trong vài tháng trong quân ngũ, tôi ở Binh chủng phòng không không quân sư 367. Đây là đơn vị cơ động của Bộ Quốc phòng. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng nhất lúc này cầu Bến Thủy.

Năm 1967 tôi được gọi về Hà Nội nhận quyết định đi học sĩ quan ở nước ngoài. Tôi sang Hungary, lần đi này, tôi đi cùng đoàn học sinh quân sự. Chúng tôi ở doanh trại quân đội Puephi và học ở trường quân sự Budapest.

Ở đây, người ta quản sinh viên hết sức nghiêm ngặt. Đi đâu cũng phải có 3 người cùng đi chung. Tôi học 5 năm học máy chỉ huy điều khiển tự động pháo, 2 năm học đào tạo thành chỉ huy binh chủng hợp thành. Bảy năm trên đất bạn ấy là những tháng năm tuổi trẻ đẹp nhất của tôi. Từ một cậu bé nghèo phải lao động cật lực để kiếm ăn qua ngày, giờ đây đã có thể tận hưởng ánh nắng ban mai ở một khung trời tự do khác. Budapest rất đẹp, chẳng thế mà nó được mệnh danh là “Trái tim của châu Âu”. Giữa những bài giảng, những máy móc khô khan và khốc liệt, tôi may mắn vẫn còn cảm nhận được hơi thở của cuộc sống nhờ bầu trời trong xanh rực rỡ trên đầu.

Đến năm 1974, tôi về nước, công tác ở Viện Kỹ thuật quân sự (Trung tâm nghiên cứu công nghệ quân sự), rồi bén duyên với cô đồng nghiệp dễ thương. Chúng tôi nên vợ nên chồng và bắt đầu một chặng đường mới…

Bác Nguyễn Cao Thuyên và vợ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Một ngã rẽ cuộc đời hoàn toàn khác…  

Cuộc sống cứ đều đều tiếp diễn, đến khi những sợi tóc bắt đầu lác đác ngả màu năm tháng… Không rượu chè, cờ bạc, thuốc lá, nhưng sức khỏe của tôi rất kém. Tôi tìm đến đủ các phương pháp chữa trị, từ đông y đến suối nguồn tươi trẻ, dịch cân kinh, trở thành chủ nhiệm câu lạc bộ dưỡng sinh thái cực trường sinh đạo, rồi yoga. Tất cả thời gian tôi tập luyện các môn đó cũng khoảng 17 năm, nhưng cơ thể vẫn yếu ớt và không có cải biến nhiều.

Năm 2010 tôi bị ung thư dạ dày phải cắt đi ⅘ dạ dày. Thân thể tôi rất yếu, dù đã áp dụng các phương pháp ăn uống khoa học. Tôi cũng uống nhiều thuốc bổ để tăng cường sức khỏe, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Đến khi cơ thể suy kiệt, tôi không thể tập luyện môn nào nữa. Hai vợ chồng tôi chỉ có thể đi bộ ở công viên Nghĩa Đô, Hà Nội. Bấy giờ, tôi xanh xao, yếu ớt.

Tôi cứ nghĩ một chuỗi bất hạnh của cuộc đời lại ập đến, nhưng may mắn một lần nữa lại gõ cửa…

Đó là một ngày tháng 5 năm 2012, thấy sức khỏe của tốt không tốt nên anh Đỗ Như Lân, nguyên là thủ thư chùa Quán Sứ, đã giới thiệu cho tôi môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Qua lời chia sẻ của anh, tôi được biết có bao nhiêu kì tích đã xuất hiện với những người mắc bệnh hiểm nghèo nhờ tu tập bộ môn này. Thấy vậy, tôi và vợ bắt đầu tập luyện 5 bài công pháp. Rất nhanh sau đó, tôi đã khỏe dần lên. Giờ tôi có thể tự đi xe máy, đi chợ, đi luyện công ở công viên.

Vợ tôi cũng mang một thân thể đầy bệnh: tiền đình, dạ dày, huyết áp, chân tay nứt nẻ chảy máu, mùa đông không chạm vào nước được, chữa chạy không khỏi. Nhưng sau sáu năm tu luyện, vợ chồng tôi không cần dùng đến bất cứ một viên thuốc nào. Ở cái tuổi mà chồng 75, vợ đã 65 là điều khó tin, vậy mà chúng tôi không phải đi viện hay phải dùng đến thẻ bảo hiểm y tế.

Hai vợ chồng bác Nguyễn Cao Thuyên và cháu trai (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vui nhất là bác sĩ Tuấn, người đã thực hiện ca mổ cho tôi ngày trước (lúc ấy bác sĩ là Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện 108). Khi không thấy tôi trở lại bệnh viện tái khám, bác sĩ Tuấn đã hỏi thăm người quen của tôi và tưởng tôi “đi rồi”. Bạn tôi cười nói: “Ông ấy có mà đi khối ấy, ông ấy chạy xe máy vèo vèo kia kìa, thỉnh thoảng còn đi chợ giời kia. Mà đã bảy mấy xuân rồi cơ đấy!”.

Thấy sự chuyển biến kì diệu về sức khoẻ của tôi, con dâu, con trai tôi cũng bắt đầu đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Cuốn thiên thư này đã mở ra cho chúng tôi những nhận thức mới mẻ về nhân sinh quan, thế giới quan và vũ trụ quan. Những vấn đề mà bạn có tìm kiếm ở bất cứ thư viện nào trên thế giới cũng không thấy câu trả lời, thì quyển sách này sẽ giải đáp cho bạn. Các con các cháu của tôi hiểu được đạo lý sống tốt đẹp và biết hiếu kính với cha mẹ. Chuyện tài chính của gia đình chúng tôi cũng ổn định.

Tôi không biết tìm lời nào cho đủ để cảm tạ ngài Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp môn Pháp Luân Đại Pháp, người đã ban cho chúng tôi sức khỏe và một tinh thần an vui. Mà tinh thần an vui là quan trọng và đáng quý hơn hết thảy. Nhưng các bài tập và các bài dạy làm người của ngài Lý Hồng Chí theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn đã đưa cuộc sống gia đình tôi sang một lối đi khác. Chúng tôi đang được đi trên con đường tươi sáng, hạnh phúc, an nhiên tự tại…

Gia đình bác Nguyễn Cao Thuyên (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Có ai thực sự hạnh phúc mà không phải trải qua khổ đau?

Người già thường hay nhớ lại quá khứ, thường thấy cô đơn và bất lực trong thực tại, luôn không bằng lòng với nhiều thứ… Cứ thỉnh thoảng, những năm tháng tuổi thơ đau khổ, những nỗi buồn thăm thẳm hằn trên khuôn mặt mẹ, và cả sự cơ cực của một đứa trẻ cô độc lại hiện về trong tâm trí tôi, rõ như vừa mới hôm qua…

Từ khi tôi rời nơi “chôn nhau cắt rốn” là làng Dục Nội, Đông Anh, Hà Nội với lý lịch “xấu” để ra đi. Rồi tôi lại được đi học ở nước ngoài, khi về nước tôi về Viện Kỹ thuật quân sự (Trung tâm nghiên cứu công nghệ quân sự) làm việc. Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy định mệnh đã ưu ái và an bài tất cả như vậy cho tôi. Tôi nhận ra, đôi khi những điều mình nghĩ là xấu nhưng không thực sự xấu, đó có thể là một “bước đệm” để tôi nhận được những phúc lành, may mắn khác trong cuộc sống. Có ai thực sự hạnh phúc mà không phải trải qua muôn trùng khổ đau?

Tu luyện Pháp Luân Công cho tôi hiểu rằng, mọi chuyện xảy ra đều chẳng ngẫu nhiên, nếu không vì để trả nghiệp nợ ta đã từng gây ra trong quá khứ, thì cũng là để trui rèn nên một trái tim, một tâm hồn thiện lương mà mạnh mẽ. Nếu không có cay đắng, thì chẳng biết thế nào là ngọt bùi, nếu không có bất hạnh, thì không biết trân quý hạnh phúc…

Bác Nguyễn Cao Thuyên đang ngồi tập luyện bài công Pháp số 5 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tôi ngẫm rằng: Chỉ có tu tâm dưỡng tính, thực hành mọi việc chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn thì mới có thể phân biệt được tốt – xấu, đúng – sai. Mọi sự ở đời là do thiên định, là sự an bài. Nếu cố tranh tranh đấu đấu thì tâm thái luôn bất an, bệnh tật phát sinh. Chúng ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng chúng ta được chọn cách mình sẽ sống. Tôi mong tất cả mọi người không ai còn bị nghiệp bệnh hành hạ, không ai còn bị dày vò bởi những kí ức đau thương, ai cũng có cuộc sống an vui, hạnh phúc. Tôi tin tưởng rằng những ai chân tu Pháp Luân Đại Pháp cũng đều được như vậy. Vì vậy, đừng bỏ lỡ khi cơ duyên đến, chắc chắn các bạn sẽ cảm ngộ được nhiều điều bất ngờ và kỳ diệu, giống như tôi đã từng trải nghiệm bằng cả cuộc đời mình…

Nguyễn Cao Thuyên