Chỉ 20 chữ ngắn ngủi mà thực đã vẽ nên một cảnh tượng lạnh lẽo hoang vu…  Tác giả thả mình vào sơn thủy, rèn giũa nội tâm trong sự cô đơn, tịch mịch mà ngộ ra chân lý.

Liễu Tông Nguyên (773 – 819), tự Tử Hậu, là một nhà thơ nổi tiếng thời trung Đường. Ông được hậu thế xếp vào hàng “Đường Tống bát đại gia” (8 nhà văn nổi tiếng nhất thời Đường, Tống), ngang hàng với những Tô Thức, Âu Dương Tu, Hàn Dũ… Họ Liễu có tài nhưng con đường hoạn lộ lắm trắc trở, chông gai. Ông bèn trút cả tâm tình vào thơ văn. “Giang tuyết” là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Liễu Tông Nguyên, được hậu thế ca ngợi là tuyệt bút.

Liễu Tông Nguyên từ nhỏ đã được khen là thần đồng, ông “tinh nhanh tuyệt luân”, 21 tuổi đỗ tiến sỹ cập đệ, vợ ông là con gái Dương Phùng – Lễ bộ, binh bộ lang trung. Năm 24 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Mật thư tỉnh hiệu thư lang. Năm 31 tuổi, ông đã làm Giám sát ngự sử của kinh thành. Quả là tiền đồ vô lượng! 

Ông lại được Vương Thúc Văn, thầy của vua, đánh giá cao, được đề bạt làm Lễ bộ viên ngoại lang, chuẩn bị được trọng dụng hơn nữa. Không ngờ, điều này lại thở thành vết thương chí mạng của cuộc đời Liễu Tông Nguyên. 

Thời kỳ Trung Đường là những năm hỗn loạn, hoàng triều bề ngoài yên bình thực tế đã bị chia năm xẻ bảy vỡ vụn rồi. Hoàng đế Thuận Tông hết lòng coi trọng Vương Thúc Văn, mong muốn cứu vãn cục diện quốc gia nguy cấp hỗn loạn.

Vương Thúc Văn áp dụng một số biện pháp đổi mới, xóa bỏ tệ nạn cũ (lịch sử gọi là Đổi mới Vĩnh Trinh), kết quả lại gây ra triều thần và hoàng thân quốc thích liên kết chống lại. Vua Thuận Tông thoái vị, Vương Thúc Văn bị ban cho cái chết, đổi mới thất bại, tổng cộng chỉ kéo dài 180 ngày. 

Liễu Tông Nguyên do có quan hệ với Vương Thúc Văn mà bị giáng chức lưu đày. Ông thụ mệnh đến Thiệu Châu (Thành phố Thiệu Dương tỉnh Hồ Nam ngày nay) đảm nhiệm chức Thứ sử. Vẫn chưa kịp đến nhậm chức thì giữa đường lại bị giáng chức làm Tư mã Vĩnh Châu (thành phố Vĩnh Châu tỉnh Hồ Nam ngày nay). Bị rơi thẳng xuống vực sâu như thế, mỗi bước lại càng rời xa kinh thành, cũng rời xa tất cả hy vọng trên con đường quan lộ.

Vĩnh Châu là một vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi. Liễu Tông Nguyên, một người từng được người người ca ngợi là một kỳ tài, đường quan lộ chưa bao giờ trắc trở, lại đột nhiên bị giáng lưu đày đến vùng hoang vu hẻo lánh này, nỗi đau khổ trong lòng thật khó mà nói nên lời.

Lúc mới đến vùng đất heo hút này, thậm chí còn không có phòng ốc để ở, không quen phong thổ khí hậu lại trong ngoài lo lắng suy nghĩ, ông bị bệnh tật dày vò: “Thân mang trăm bệnh, lá nách sưng kết cục, không ăn mà vẫn thấy no. Lúc thì sốt rét, lúc nóng lúc lạnh”. (Thư gửi Hứa Kinh Triệu Mạnh Dung).

Ông cũng đã từng nghĩ đến việc học theo Khuất Nguyên trầm mình xuống sông tự tử, nhưng lại nghĩ đến gia đình chưa có con trai kế tự, không thể có lỗi với gia tộc. Thế là ông cắn răng chịu đựng, khổ cực chống chọi suốt 10 năm trời.

Tháng Giêng năm Nguyên Hòa thứ 10 (năm 815), Liễu Tông Nguyên cuối cùng cũng nhận được chiếu thư hồi kinh. Ông bôn ba mấy tháng, khó khăn lắm mới về tới Tràng An, nhưng ở Tràng An chưa được bao lâu, lại bị giáng đày đến Liễu Châu (Thành phố Liễu Châu tỉnh Quảng Tây ngày nay). Lần này, ông không còn cơ hội hồi kinh nữa.

Bức tranh “Hàn giang độc điếu đồ” (câu một mình sông lạnh) của Chu Thụy đời Minh.

Liễu Tông Nguyên từ nhỏ đã thích Phật giáo và Đạo giáo. Lần này không chỉ còn là về lý luận, ông đã buộc phải tu luyện tâm tính của mình một cách thực sự. Liễu Tông Nguyên thả mình vào sơn thủy, rèn giũa nội tâm trong sự cô đơn, tịch mịch mà ngộ ra chân lý. Ông đã tiêu trừ được kiêu ngạo và phù phiếm. Văn thơ ông như núi tuyết ngưng kết trong trẻo, thanh cao thoát tục.

Một mình đứng ngoài hạnh phúc nhân gian, trong sương gió, ông đã viết “Giang Tuyết”, bài thơ được truyền tụng qua ngàn năm:

Thiên sơn điểu phi tuyệt,
Vạn kính nhân tông diệt.
Cô chu thoa lạp ông,
Độc điếu hàn giang tuyết.

Dịch nghĩa:

Nghìn ngọn núi chim bay hết,
Vạn con đường không có dấu tích con người.
Một con thuyền cô độc, có ông lão mặc áo tơi, đội nón lá
Một mình câu trên con sông tuyết lạnh.

Tạm dịch thơ:

Chim ngàn bay đi hết,
Muôn lối chẳng người qua.
Áo tơi nón lá thuyền không,
Một mình câu cả dòng sông tuyết hàn.

Chỉ 20 chữ ngắn ngủi mà thực đã vẽ nên một cảnh tượng lạnh lẽo hoang vu: Tuyết trắng vây kín núi, không bóng người qua lại, không dấu chim bay. Giữa cảnh tượng khắc nghiệt ấy, nét bút chợt bừng lên khi có sự xuất hiện của con người. Ngư ông kiên nhẫn đội gió tuyết buông câu. 

Hai câu trước còn đang lạnh lẽo, khiến người ta bủn rủn chân tay. Hai câu sau đã thấy ánh lên khí chất bừng bừng. Ngư phủ là một hình ảnh quen thuộc của thơ ca cổ điển. Ngư phủ buông câu lại càng quen hơn. Nhưng giữa cảnh tượng này, hình ảnh đó lại trở nên vô cùng đặc biệt.

Tuyết rơi chừng như đông cứng cả dòng sông. Ông lão ấy buông câu thử hỏi là để câu gì? Rõ ràng, không phải là câu cá. Cũng giống như Khương Tử Nha năm nào buông câu ở sông Vị mà câu cá bằng lưỡi thẳng vậy.

Lão ngư phủ xuất hiện giữa bức tranh tuyết lạnh, cô liêu nhưng không hề chìm lấp. Ngược lại khí độ thanh thản, tâm thái tĩnh như nước hồ, sự nhẫn nại đã làm ông nổi bật lên hẳn. Có thể thấy góc nhìn của bài thơ thu phóng rất tuyệt diệu. Đầu tiên là từ những ngọn núi xa xăm, đến con đường vắng người lại qua, thu đến dòng sông băng tuyết, rồi thu đến chiếc thuyền câu lẻ bóng, cuối cùng thu đến chiếc cần câu của ông lão.

Và tuyết vẫn không ngừng rơi. Ngư ông, bỗng nhiên vung cần câu, chừng như chờ đợi điều kỳ diệu xuất hiện dưới làn nước sông băng tuyết. Điều đó chẳng phải là tâm sự của họ Liễu đó sao? Giữa khó nạn khắc nghiệt, giữa khổ đau ngang trái, Liễu Tông Nguyên vẫn nhẫn nại, nhẫn nại, vẫn thanh thản để ngoài tai thế sự. Đó chẳng phải là cái tĩnh đáng kinh ngạc của người tu Phật, tu Đạo đó sao?

Bức tranh “Hàn giang độc điếu đồ” (Một mình câu trên sông lạnh) của Viên Thượng Thống, đời Minh.

Ngày qua ngày, Liễu Tông Nguyên dần quên đi nỗi đau của mình, chuyển sang thương cảm cho nỗi khổ đau của người dân. Liễu Châu là mảnh đất “bệnh đói”, dân nghèo thường phải đem con cái mình đi cầm cố để đổi mấy đồng sống qua nạn đói. Một khi quá hạn không có tiền chuộc lại, con cái họ trở thành nô tì suốt đời cho nhà giàu. 

Người trong cảnh khốn cùng phải chăng không được lựa chọn? Phải chăng chỉ có thể bất lực sống lay lắt qua ngày trong đau khổ trước cảnh gia đình tan nát? Liễu Tông Nguyên không thể thay đổi được vận mệnh của mình, nhưng ông đã quyết định đi cứu người, thay đổi vận mệnh của người. 

Ông dùng gia sản của nhà, tìm cách tạo việc làm cho dân nghèo để họ có thể tự lực chuộc được con cái về. Những đứa trẻ mà người nhà đã chết, không ai chuộc về, ông liền dùng tiền lương của mình để mua lại chúng. Rất nhiều gia đình đã đoàn tụ, đã chấm dứt nỗi đau cốt nhục chia lìa. Rất nhiều đứa trẻ đã lại có tương lại. Mọi người cảm ơn ông không nói nên lời.

Tấm lòng ông rộng lớn nhân ái biết bao, ông chăm nom, bảo vệ người dân thật vô tư biết nhường nào! Sĩ tử miền Nam đều ngưỡng mộ ông mà tìm đến, xin ông chỉ bảo và giúp đỡ. Liễu Tông Nguyên không từ chối, ông lại gánh vác trọng trách, dạy dỗ các sĩ tử làm người, chỉ bảo họ văn chương. Nhiều người đã thành danh, nhân dân như gặp nước cam lồ, tôn kính gọi ông là “Liễu Liễu Châu” (Ông Liễu – Liễu Châu)

Liễu Liễu Châu được mọi người kính trọng, đã đi hết cuộc đời ông ở nơi hoang vu xa xôi này. Như ông lão ôm cần câu trong gió tuyết, ông chẳng câu cái gì cho mình, mà dùng sức nhỏ bé của mình chống lại gió rét.

Cũng giống như lương thiện không thỏa hiệp với tà ác, nhiệt tình cũng không chịu thỏa hiệp với tuyết sương. Một bậc quân tử trong thời loạn, rốt cuộc phải gánh chịu bao nhiêu? Liễu Tông Nguyên chẳng thể hoàn thành lý tưởng lúc thiếu thời, nhưng lại xây thành tương lai cho biết bao nhiêu người.

Ngư ông trên con thuyền cô liêu vẫn không chịu buông cần. Màu trắng thanh khiết vô biên kia, như tâm hồn và ý chí ông không gì có thể ô uế được! “Giang tuyết”, rốt cuộc chính là có ý tứ đó: Muốn vượt khỏi thân người thường, ắt là phải nhẫn chịu sự cô đơn, ngàn vạn cô đơn. 

Nam Phương biên dịch

Xem thêm: