Một người có tấm lòng hào phóng, rộng rãi, sẵn sàng khoan dung cho người khác, nội tâm tự nhiên sẽ an bình, tràn ngập ánh mặt trời. 

Trong “Quản Tử – Tâm Thuật” viết: “Tâm chi tại thể, quân chi vị dã”, ý tứ là, trong thân thể con người thì Tâm là chủ. Nội tâm của một người sẽ quyết định cuộc đời của họ. Khi tâm rộng lớn thì tầm nhìn sẽ mở rộng, hiểu biết nhiều hơn, đường đời cũng ngày càng rộng mở. Khi tâm an bình thì cuộc sống cũng trở nên bình yên, dù rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt cũng đều có thể tìm thấy chốn nghỉ ngơi cho mình.

Khoan dung và tha thứ cho người khác cũng chính là buông tha cho bản thân mình

Trong cuộc đời, Tô Đông Pha từng phải chịu án oan “Ô Đài thi án”. Lúc ấy, Ngự Sử Trung Thừa Lý Định dựa vào câu thơ trong “Hồ châu tạ thượng biểu” để buộc tội rồi bắt Tô Đông Pha đến Ô Đài, giam giữ ông trong bốn tháng, khiến ông phải chịu đủ mọi vất vả đắng cay. Cũng từ đó con đường của ông đầy chông gai, trắc trở. Ông gặp vô số khó khăn, gian khổ, không ngừng bị giáng chức từ Hoàng Châu, đến Huệ Châu, rồi lại tới Đam Châu, mỗi lần giáng chức lại là một lần bị đày ải đến nơi xa xôi và hoang vắng lạnh lẽo hơn.

“Hạc Lâm Ngọc Lộ” của La Đại Kinh ghi chép: “Tô Tử Chiêm trích Đam Châu, dĩ Chiêm dữ Đam tự tương cận dã”, ý nói rằng Tô Đông Pha bị giáng chức đến đảo Hải Nam là vì từ “Chiêm” trong tên của ông gần giống với từ “Đam” trong Đam Châu (Tô Đông Pha còn có tên là Tô Thức, hay Tô Tử Chiêm, trong khi Đam Châu lại nằm ở đảo Hải Nam). Mặc dù Tô Thức và Vương An Thạch bất đồng chính kiến nhưng hai người lại rất tôn trọng nhân phẩm của nhau, vì vậy Vương An Thạch không hề tra tấn hay làm khó ông. Người khiến cho Tô Thức rơi vào bước đường gian truân này lại chính là người bạn thân thiết thuở xưa của ông, đó là Tể tướng Chương Đôn.

Khi Tô Thức bị giáng chức đến Đam Châu, Tể tướng Chương Đôn đã hạ lệnh không cho ông được sống trong nhà quan, mà chỉ có thể mượn nhà tranh làm nơi nghỉ ngơi. Hơn hai ngàn ngày ông phải chịu cảnh gió lạnh mưa ướt trong căn nhà vô cùng tồi tàn, lụp xụp.

Dù thế, Tô Thức vẫn giữ lòng lạc quan, tuy sống trong căn nhà lá ở Hải Nam ông vẫn viết thơ: “Cửu tử nam hoang ngô bất hối/ Từ du kỳ tuyệt quan bình sinh” (Hoang đảo phương nam chết không hận/ Kỳ hoa dị thảo lạ chưa kìa).

Tô Đông Pha từng phải chịu án oan “Ô Đài thi án”. trải qua bao nhiêu ngang trái nhưng ông vẫn giữ tấm lòng lạc quan. (Ảnh: vitalk.vn)

Khi ở Huệ Châu, Tô Đông Pha đã làm thơ rằng: “Vi báo thi nha xuân thuỵ túc, đạo nhân khinh đả ngũ canh chung” (Vì không muốn làm thi nhân tỉnh giấc, người gõ chuông gõ rất nhẹ tay). Khi câu thơ này truyền đến kinh sư, Chương Đôn cho rằng ông ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt mà vẫn có thể sống vui vẻ như vậy, cho nên lại giáng chức ông đến Xương Hoa.

Bởi vì nhà Tống có tổ huấn không được giết người có học vấn và những bậc đại phu, cho nên Chương Đôn chỉ có thể giáng chức Tô Đông Pha đến vùng biên cương xa xôi hẻo lánh. Bức hại đến nhường này, cho dù là ai cũng không thể thoải mái, hơn nữa người hại mình lại là bạn bè thân thiết, đã từng cùng nhau đối ẩm ngâm thơ.

Sau này khi Tô Thức được tha trở về phương bắc, con trai của Chương Đôn là Chương Viện viết cho ông một phong thư, bày tỏ mong muốn ông sẽ không ghi thù và oán hận Chương gia. Tô Thức cũng viết thư trả lời, đại ý rằng: Đọc những lời này cảm thán không dứt. Mỗ và Thừa tướng quen nhau hơn 40 năm, tuy thăng trầm khác nhau nhưng giao tình xưa nay vẫn trước sau như một. Tin bạn cao tuổi lưu lạc nơi ven biển, lòng này đã thấu. Chuyện xưa nói lại có ích gì…

Những bức hại từng phải chịu đựng ông chỉ dùng một câu đơn giản “mọi chuyện đã qua không cần phải nhắc đến nữa” rồi bỏ qua, hơn nữa còn gửi tặng dược phẩm giúp Chương Đôn dưỡng bệnh, mong Chương Đôn sớm ngày bình phục. Ông chỉ âm thầm chịu đựng khổ nạn, dành khoan dung và tình yêu cho người khác, cho dù người đó đã từng mưu hại mình tới bước đường lưu lạc. Đó là bởi trong lòng ông luôn thắp lên ánh sáng, trong tâm không vương vấn hận thù. Tâm rộng lớn thiên địa rộng lớn, tâm an bình nơi nơi an bình, nếu không thể buông bỏ những vướng bận trong tâm thì việc trở lại phương bắc sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, cũng chỉ giống như thay đổi một phương thức chịu khổ khác mà thôi.

Một người có tấm lòng hào phóng, rộng rãi, sẵn sàng khoan dung cho người khác, nội tâm tự nhiên sẽ an bình, tràn ngập ánh mặt trời. Trong cuộc sống ngoại trừ thù hận thì vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ đợi chúng ta, khoan dung và tha thứ cho người khác thực ra cũng chính là buông tha cho bản thân mình.

Khoan dung cho người khác, nội tâm tự nhiên sẽ an bình, tràn ngập ánh mặt trời. (Ảnh: dkn.tv)

Nơi khiến cho tâm hồn an bình chính là cố hương

Khi xảy ra “Ô Đài thi án”, Tô Thức thiếu chút nữa đã rước họa sát thân, bạn của ông là Vương Định Quốc cũng bị liên luỵ, bị giáng chức đến Tân Châu hoang vắng, lạnh lẽo ở Lĩnh Nam. Khi Vương Định Quốc bị giáng chức, Ngụ Nương (Nhu Nô) vẫn một lòng đi theo, chưa từng rời khỏi ông. Cho đến Nguyên Phong năm thứ sáu, Vương Định Quốc mới có thể trở về phương bắc. Trên bàn tiệc, Nhu Nô mời rượu Tô Thức, Tô Thức hỏi có phải nàng chưa quen với người, vật, gió, đất của Lĩnh Nam? Nhu Nô mỉm cười trả lời: “Nơi nào khiến cho tâm an định thì nơi đó chính là cố hương”. Tô Thức nghe xong rất cảm động bèn viết thành thơ.

Nguyên văn:

Thường tiện nhân gian trác ngọc lang,
Thiên ứng khất dữ điểm tô nương.
Tự tác thanh ca truyền hạo xỉ,
Phong khởi, tuyết phi viêm hải biến thanh lương.
Vạn lý quy lai nhan dũ thiếu,
Vi tiếu, tiếu thì do đái lĩnh mai hương.
Thí vấn Lĩnh Nam ứng bất hảo,
Khước đạo, thử tâm an xử thị ngô hương.

Dịch nghĩa:

Thường hay ngưỡng mộ những bậc nam nhi tuấn lãng như được điêu khắc từ ngọc giữa nhân gian (ý chỉ Vương Định Quốc)
Ngay cả ông trời cũng thiên vị họ, đưa đến bên họ một cô nương xinh đẹp (ý chỉ Ngụ Nương)
Người người đều ca ngợi giọng hát nhẹ nhàng và nụ cười dịu dàng của nàng,
Khi gió thổi lên, tiếng hát như một bông tuyết bay giữa bầu trời mùa hạ, làm cho nhân gian thanh mát.
Nàng trở về từ nơi xa xôi, nhưng nhìn lại trẻ trung hơn xưa
Nụ cười vẫn vậy, nhưng dường như còn mang theo hương hoa Mai thơm ngát trong trẻo của Lĩnh Nam.
Ta hỏi nàng: “Gió đất Lĩnh Nam có phải không được hiền hòa?”
Nàng thản nhiên mỉm cười trả lời: “Nơi nào khiến cho tâm an định thì nơi đó chính là cố hương”.

“Thử tâm an xử thị ngô hương”, cố hương là ở nơi đâu? Đó chính là nơi gởi gắm hy vọng, nơi nương tựa, nơi để tưởng niệm, là ánh đèn của vạn nhà trong đôi mắt phiêu bạt, là nơi chúng ta vẫn muốn quay về cho dù bản thân đã thay đổi không còn như xưa.

Một người có nguyện ước trở về nhà thì trong lòng luôn có cố hương. Bất luận trong hoàn cảnh khắc nghiệt nào cũng có thể lập tức thích ứng, tìm ra phương hướng.

Tâm rộng lớn thiên địa rộng lớn, tâm an bình nơi nơi an bình. (Ảnh: tinhhoa.net)

Chính bản thân Tô Thức cũng từng vùng vẫy, từng bàng hoàng chua xót. Đó là khi cô tịch “Giản tận hàn chi bất khẳng tê” (cho dù ra đi lạnh lẽo vẫn không nguyện lòng ở lại), hay là uất hận “Hà thì vong khước doanh doanh?” (Lúc nào mới thoát khỏi được vòng danh lợi?), thì bản thân ông cũng đã nếm trải hết thảy mọi đắng cay khổ ải rồi.

Sau khi rời khỏi chốn quan trường, cho dù ở ngoài đồng ruộng cúi đầu làm việc, hay khi mở học đường trong căn nhà tồi tàn của mình, thì ông đều có thể tận hưởng những tháng ngày gió mát trăng thanh, vui với điền viên, lại vui với cuộc đời.

Con người ta, sướng vui hay khổ ải không phải do ngoại cảnh, mà là do tâm mình. Tâm rộng rãi thản đãng sẽ có thể dung chứa vạn vật; tâm từ bi hiền hoà sẽ có thể yêu thương hết thảy, thứ tha hết thay; tâm an bình sẽ khiến cho nơi nơi an bình…

Theo Soundofhope
Khởi Phong biên dịch