Thuở nhỏ xem Tây Du, đại chiến 300 hiệp, chỉ là xem náo nhiệt. Trải qua khổ nạn nửa đời người lại xem Tây Du Ký, mới biết nó chứa đầy chân ngôn: từng chữ là Phật lý, từng câu là kinh văn; mới thấu hiểu được rằng Thần Phật đã an bài hết thảy sự vật trên thế gian này.

Mở đầu Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân đã viết:

“Phúc tái quần sinh ngưỡng chí nhân,

Phát minh vạn vật giai thành thiện.

Dục tri tạo hóa hội nguyên công,

Tu khán Tây Du thích ách truyện”.

Dịch thơ:

Che chở khắp nhờ ơn trời đất.

Phát minh ra muôn vật tốt thay.

Muốn hay tạo hóa công dày,

Tây Du truyện ấy đọc ngay đi nào.

Có người nói: nếu bạn có thể thật sự hiểu được Tây Du Ký, vậy thì bạn đã thấu hiểu hết thảy mọi khổ nạn trên thế gian, cũng là hiểu được ý nghĩa thật sự của cuộc đời này.

Thuở nhỏ xem Tây Du, đại chiến 300 hiệp, chỉ là xem náo nhiệt. Trải qua khổ nạn nửa đời người lại xem Tây Du Ký, mới biết nó chứa đầy chân ngôn: từng chữ là Phật lý, từng câu là kinh văn; mới thấu hiểu được rằng Thần Phật đã an bài hết thảy sự vật trên thế gian này.

Nếu Thần Phật muốn an bài những sự việc trọng đại tại nhân gian, thì cần phải tạo nên các loại sự tình, hoàn cảnh, tình huống, và người để thực thi sự việc đó. Nhìn bề ngoài là Phật Như Lai an bài Kim Thiền Tử hạ thế đi thỉnh kinh, nhưng thật sự chính là muốn an bài con đường tu luyện đắc chính quả cho Kim Thiền Tử.

Con đường đến Tây Thiên phải vượt qua biết bao khổ nạn khó khăn mà thân người dường như không kham nổi. Vậy nên để trợ giúp Kim Thiền Tử, Thần đã an bài Tôn Ngộ Không, nhờ hấp thụ linh khí của đất trời mà sinh ra từ tảng đá, được chân truyền cho 72 phép biến hóa thần thông đạt được kim thân bất hoại, mình đồng da sắt, hỏa nhãn kim tinh, có thể lên trời xuống đất. Như thế mới có thể bảo vệ Đường Tăng đến Tây Thiên thỉnh được chân kinh.

Thế nhưng một Tôn Ngộ Không vẫn chưa đủ khả năng bảo hộ Đường Tăng; thế là Quan Âm Bồ Tát phái Bát Giới và Sa Tăng cùng hạ phàm. Và cả Bạch Long Mã kia, nếu chỉ là một sinh mệnh bình thường thì cũng không xứng đáng đi Tây Thiên thỉnh kinh, nên Quan Âm Bồ Tát đã cho gọi Tam Thái Tử của Tây Hải Long Vương hóa thành Bạch Long Mã, để chuộc lỗi lầm do làm hỏng báu vật mà Ngọc Hoàng Thượng Đế ban tặng. Cả 4 sư đồ cùng với Bạch Long Mã đều có sứ mệnh, thân thế đặc biệt, duy chỉ có Tam Tạng pháp sư là mang thân thể người phàm. Mặc dù là đi cùng một đường nhưng mỗi người là tu luyện ở mỗi tầng thứ khác nhau, nhiệm vụ của ai người nấy đảm nhận, hết thảy đều là thành quả của quá trình tu luyện từ trong ma nạn.

Bốn thầy trò cùng một đường đồng hành, nhưng mỗi người là tu luyện ở mỗi tầng thứ khác nhau, nhiệm vụ của ai người nấy đảm nhận. (Ảnh: getit01.com)

Thân người khó được

Tây Du Ký hồi thứ 22, Tôn Ngộ Không nói với Bát Giới: “Lão Tôn có Cân Đẩu Vân tuyệt đỉnh, chỉ cần nhảy một cái là bay xa 10 vạn 8 nghìn dặm, cỡ năm bảy ngàn dặm thì so gì, ta chỉ cần khom người một cái đã tới nơi rồi!”.

Bát Giới: “Huynh à, nếu dễ dàng như vậy, sao huynh không cõng sư phụ nhảy đại qua sông đi…”

Ngộ Không: “Ngươi cũng biết đằng vân, sao ngươi không cõng sư phụ mà bay thử?”.

Bát Giới: “Sư phụ thân phàm xác thịt, nặng như núi Thái Sơn…”

Ngộ Không: “Vậy chúng ta cõng sư phụ đằng vân sao nổi? Lời xưa từng nói: Chuyển Thái Sơn nhẹ như hạt cải, dắt phàm phu khó thoát hồng trần… Nhưng chỉ cần sư phụ đi qua hết các nước mới có thể siêu thoát khỏi bể khổ, do đó mỗi bước đều khó đi. Ta và đệ chỉ có thể làm người hộ vệ, bảo vệ thân thể tính mạng sư phụ chứ không chịu thay những khổ não này được, cũng không thể lấy được kinh…”

Nếu không có được thân người, dù cho năng lực lớn mạnh tới đâu vẫn không thể đắc chính quả. Còn nếu mang thân phàm mắt thịt, thì dù không có thần thông như Thần Tiên, mà ý chí tu luyện kiên định, tất sẽ có ngày viên mãn. Một người chỉ cần ý chí kiên định tu luyện Phật pháp, sẽ tự có Thần Phật bảo hộ, lấy thân người tu thành chính quả. Câu nói “Thân người khó được” là có đạo lý như vậy.

Chỉ cần tâm nguyện chí thành, niệm niệm quy chính, sẽ thấy Linh Sơn

Tây Du Ký hồi thứ 24, Đường Tam Tạng hỏi: “Thầy trò chúng ta đi còn bao xa nữa mới đến chùa Lôi Âm?”.

Ngộ Không: “Từ Đông sang Tây phải mất 10 vạn 8 nghìn dặm đường, hiện tại 10 phần chúng ta chỉ mới đi được 1 phần mà thôi”.

Bát Giới: “Sư huynh à, vậy biết đi mấy năm mới đến?”.

Ngộ Không: “Với khả năng của hai đệ thì ước tầm cỡ chục ngày là đến; còn ta một ngày vừa đi vừa về năm mươi lần mà mặt trời còn chưa lặn; nếu là sư phụ thì thôi chẳng trông đợi gì”.  

Đường Tăng: “Ngộ Không, ngươi nói ta đi mấy mươi năm mới tới?”.

Ngộ Không đáp: “Nếu là sư phụ tự đi thì phải tái sinh luân hồi mấy lần đi còn khó, nhưng hiện tại đã có chúng con bảo vệ người, người chỉ cần thành tâm chí nguyện, dù cho có gặp phải khó khăn cản trở nào thì hãy giữ vững chính niệm, lúc đó sẽ thấy rằng Tây Phương không còn xa”.

Đây chính là con đường tu luyện mà Thần đã an bài cho Đường Tăng. Mặc dù thân người phàm đó là Kim Thiền Tử chuyển thế đi nữa, thì chỉ có luôn giữ chính niệm kiên định mới có thể vượt qua mọi khổ nạn.

Mặc dù là Kim Thiền Tử chuyển thế đi nữa, Đường Tăng cũng phải luôn giữ chính niệm kiên định mới có thể vượt qua mọi khổ nạn. (Ảnh: xuehua.us)

Muốn tu thành chính quả cần phải vượt qua nhiều khổ nạn

Hồi thứ 35, Thái Thượng Lão Quân hiện trên mây nói: “Tôn Hành Giả, trả bảo bối cho ta”.

Ngộ Không nhảy lên mây hỏi rằng: “Ông đòi bảo bối nào chứ?”.

Lão Quân nói: “Hồ lô là ta đựng linh đan, Tịnh bình là ta đựng nước, gươm Thất Tinh là đồ ta trộn thuốc, Ba Tiêu phiến là đồ quạt lửa, Hoảng Kim thằng là dây đai ta; còn Kim Giác là đồng tử coi lò vàng, Ngân Giác là đồng tử coi lò bạc…”

Ngộ Không nói: “Ông quản không nghiêm, thả chúng ra làm yêu ma…”

Lão Quân nói: “Ta không oán trách ngươi, đây là Bồ Tát hỏi mượn ta để chúng ở đây hóa yêu tạo ma nạn cho thầy trò các ngươi, nếu không các ngươi đi Tây phương thỉnh kinh cũng quá dễ dàng”.

Nhìn suốt Tây Du Ký, chín chín tám mươi mốt nạn, quan nạn nào cũng phải vượt qua, mỗi bước đi đều gian nan. Nhưng đó chính là an bài cẩn thận từng bước từng bước một của Quan Âm Bồ Tát dành cho năm thầy trò Đường Tăng, muốn vượt qua chín chín tám mươi mốt khổ nạn này không hề đơn giản chút nào.

Con người sống trên thế gian này, có kẻ hưởng phúc có người thì khốn khổ, không phải tự nhiên như thế mà đều có nhân duyên tồn tại. Bất luận một người gặt hái được thành tựu gì cũng phải trải qua nhiều gian khổ, khó khăn chứ không hề dễ dàng. Có người cảm thấy mình không tầm thường; thật ra, thế gian này vốn chỉ là sân khấu kịch mà Thần Phật tạo hóa nên. Thần chính là chiểu theo nhân duyên thiện ác của mỗi người mà an bài kịch bản khác nhau cho mỗi từng nhân vật diễn xuất. Con người phải tôn kính Thần Phật, tuân theo Thiên Đạo, dù cho có gặp bất kỳ khó khăn, trắc trở nào cũng đều phải bỏ ác hành thiện, thì tự sẽ có Thiên Thần theo bảo hộ, mới có được hạnh phúc bình an.

Muốn tu thành viên mãn thì phải bỏ đi mọi oán thán, cao ngạo

Tây Du Ký hồi thứ 15, Tôn Hành Giả níu lấy áo Bồ Tát không thả, nói: “Ta không đi, ta không đi đâu! Tây phương đường đi gập ghềnh khó khăn, dẫn theo ông thầy người phàm này thì đi bao lâu mới đến được chứ? Hết nạn này đến nạn kia, lão Tôn tính mạng còn khó bảo toàn huống gì là đạt được công quả viên mãn”.

Bồ Tát nói: “…Tu hành thì phải chịu khổ, dày công quả mới thành… Nếu sau này ngươi gặp phải khó nạn không vượt qua nổi, ta hứa ngươi kêu trời thì trời ứng, gọi đất thì đất cứu. Dù cho có là ngàn cân treo sợi tóc, ta cũng sẽ đến cứu ngươi. Ngươi qua đây, ta tặng cho ngươi một bảo bối”.

Bồ Tát lấy ra ba chiếc lá, để sau ót Ngộ Không thổi một cái liền biến ra ba sợi lông dài, gọi là lông cứu mạng. Bồ Tát dạy Ngộ Không: “Lúc nào gặp khó nạn, có thể tùy cơ ứng biến, sẽ cứu mạng ngươi”. Ngộ Không nghe xong mừng rỡ liền vái lạy Bồ Tát đại từ đại bi.

Tây Du Ký hồi thứ 57, Ngộ Không thấy Bồ Tát, liền vái lạy mà tuôn lệ không ngừng khóc. Bồ Tát nói: “Ngộ Không, đừng quá bi thương, hãy nói rõ ràng cho ta nghe, chớ khóc nữa, ta sẽ giải nỗi oan này cho ngươi”.

Ngộ Không rơi lệ bái lạy nói: “…Tôi từng được Bồ Tát cứu nạn, giáo hóa tu hành đi theo bảo hộ Đường Tăng sang Tây Thiên, trải qua không biết bao khó nạn đều là tôi xả thân liều mình cứu nguy, hóa giải ma nạn cho thầy. Không ngờ thầy tôi quên ơn phụ nghĩa, chẳng nghĩ lại tình nghĩa thiện duyên thầy trò, chẳng xét lẽ phải!”

“…Đường Tam Tạng không phân biệt phải trái. Tôi vì thầy trên đường bắt yêu trừ ma, đem hết sức lực bình sinh mà đánh giết yêu ma vậy mà thầy nói tôi là hành hung làm ác, không xem tôi là đồ đệ nữa, đuổi tôi đi, đã viết giấy đuổi làm chứng, vĩnh viễn không dùng tôi nữa”.

Sau đó, Đại Thánh quỳ lạy Như Lai mà bạch rằng: “Sư phụ con nhất định không quan tâm con nữa, con có đi theo cũng đuổi, vì người đã quyết lòng. Vì vậy xin Phật Tổ từ bi hãy niệm chú trút bỏ vòng kim cô này, con dâng trả lại cho Phật Tổ, rồi hoàn tục trở về”.

Phật Như Lai nói: “Ngươi chớ nghĩ lung tung, Quan Âm sẽ đưa ngươi đi gặp Tam Tạng mà nói giùm, nhất định Tam Tạng sẽ nhận lại ngươi. Hãy đi theo bảo hộ sư phụ ngươi cho tốt, sau khi thỉnh được chân kinh, ngươi cũng đạt thành chính quả”.

Không nói đến Đường Tăng đuổi Tôn Ngộ Không đi là đúng hay sai, chỉ nói đến Ngộ Không, có thể lên trời xuống đất, trừ yêu diệt ma, thật sự có thể bảo vệ được Đường Tăng, đạt được thành tựu viên mãn. Nhưng vì Ngộ Không năng lực quá lớn, nên ngạo khí tự nhiên cũng lớn. Thần Phật đều giảng tâm phải từ bi, tâm cao khí ngạo thì sẽ khó tu được tâm từ bi. Phật Như Lai biết rằng Đường Tăng mang thân người phàm thì sẽ khó phân biệt thị phi thật giả; cuộc hành trình này, Đường Tăng luôn nghe theo Trư Bát Giới xúi giục, niệm chú kim cô giày vò Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không dù cho có thành tâm bảo hộ, liều mạng giải cứu thế nào đi chăng nữa, thì cũng không lay chuyển được tâm ý của Đường Tăng. Phật chính là muốn tạo cơ hội cho Tôn Ngộ Không cảm thấy oan trái ủy khuất để vứt bỏ đi cái tâm cao ngạo kia; tâm bình khí hòa mới có thể tu thành.

Ngoài ra, Quan Âm Bồ Tát còn an bài Trư Bát Giới theo Đường Tăng đi Tây Thiên lấy kinh. Trư Bát Giới này là hóa thân của dục vọng con người, thể hiện đầy đủ đậm nét con người tham sắc dục, tham ăn uống, lười nhác, thêu dệt nói dối, xúi giục ly gián… Không có biểu hiện ly gián các loại của Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không có thể đã giảm được rất nhiều oan khuất, nhưng như thế thì cũng khó mà tu bỏ được ngạo khí của Tôn Ngộ Không. Đến Linh Sơn, ngạo khí của Tôn Ngộ Không cũng đã được tiêu trừ, đắc được chính quả.

Hồi thứ 100, Như Lai nói: “Tôn Ngộ Không quy y Phật giáo, thật vui đã ức chế cái ác, phát dương cái thiện, trên đường có công hàng ma diệt quái, có thủy có chung, tấn thăng đại chức chính quả, phong ngươi làm Đấu Chiến Thắng Phật”.

Tôn Ngộ Không được tạo cơ hội nhiều lần để vứt bỏ đi cái tâm cao ngạo. (Ảnh: youtube.com)

Thành quả mà mỗi người xứng đáng đạt được

Hồi thứ 100, Như Lai nói: “Trư Ngộ Năng, (…) ngươi tuy là người tu hành, có công bảo hộ Thánh tăng đi thỉnh kinh, nhưng vẫn còn cố chấp, sắc tình chưa dứt, vì có công gồng gánh, nay ta phong chức cho ngươi làm Tịnh Đàn sứ giả”.

Bát Giới liền ca thán: “Tại sao họ đều thành Phật, còn chỉ có con là làm Tịnh Đàn sứ giả?”.

Như Lai nói: “Tại nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày thì to. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ Đạo ta rất nhiều, phàm làm các việc Phật sự, đều mời nhà ngươi làm Tịnh Đàn, đó cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt?”.  

Cùng một đường đồng hành, bốn người tu thành chính quả Kim Thân, chỉ riêng Trư Bát Giới đạt được chức Tịnh Đàn sứ giả, có thể ăn hết tất cả các cống phẩm khắp thiên hạ.

Còn Sa Tăng, từ khi đi theo Đường Tăng đến Tây Thiên, trên đường đi tận chức tận trách, thành tâm thành ý, cuối cùng tu thành chính quả La Hán. Hồi thứ 100, Như Lai nói: “Sa Ngộ Tịnh, ngươi vốn là Quyển Liêm Đại Tướng, (…) may mắn thay theo ta quy y thiện quả, thành kính tu trì, bảo hộ Thánh tăng, leo núi dẫn ngựa có công lao, nay ta phong cho con là Kim Thân La Hán”.

Như Lai cũng gọi Bạch Long Mã, nói: “Ngươi vốn là thái tử Tây Hải Long Vương. Quy y tu hành, nhưng mỗi ngày thiệt thòi ngươi suốt chặng đường đến Tây Thiên phải cõng Thánh Tăng, (…) nay ta phong chức cho ngươi là Bát Bộ Thiên Long”. Chỉ trong giây lát, Bạch Long Mã toàn thân biến hóa, thay da đổi sừng, toàn thân triển hiện lên kim lân, quai hàm dưới cằm sinh ra râu bạc, toàn thân sinh thụy khí, móng vuốt có mây lành.

Trải qua sự tu luyện gian khổ, mỗi người đều thành tựu quả vị khác nhau. (Ảnh: youtube.com)

Nhớ lại trước đây, hồi thứ 15, Bồ Tát nói với Ngộ Không: “Con rồng ấy có tội, ta đã tấu với Ngọc Đế, bảo hắn ở đây mà chờ, sau này sẽ làm ngựa cho sư phụ ngươi cưỡi. Nếu là con ngựa phàm từ Đông Thổ tới kia làm sao có thể vượt qua vạn thủy thiên sơn mà tới Tây Thiên được? Nên cần phải có Long Mã, mới có thể đi…”

Quan Âm Bồ Tát đã biến rồng thành ngựa, rồi nói: “Ngươi cần tu tâm mà tiêu đi nghiệp chướng, về sau sẽ công thành viên mãn, đạt được Kim Thân chính quả”. Tiểu Long tâm niệm lĩnh chỉ. Bạch Long Mã một đường cõng Thánh tăng, thành tâm tận lực, cuối cùng thực sự đã tu thành chính quả.

Khi đến Linh Sơn, Đường Tăng mới nói lời cảm tạ Ngộ Không. Hành Giả nói: “Đều là thầy trò chúng ta nương tựa nâng đỡ lẫn nhau. Cùng đi trên con đường tu luyện để mong đạt thành chính quả giải thoát, sư phụ đã vất vả bảo hộ, giáo hóa chúng con… Sư phụ, người nhìn xem phía trước cảnh đẹp thoát tục của hoa cỏ tùng trúc, loan phượng, hạc hươu, nếu so với chỗ yêu tà diễn hóa kia, chỗ nào là xấu chỗ nào mới là đẹp? Cái gì thiện cái gì hung?”. Tam Tạng cảm tạ mãi không thôi.

Trên thế gian, muốn đạt thành bất cứ điều gì, đều phải có sự đồng tâm hiệp lực, phối hợp lẫn nhau. Vợ chồng phải hiểu nhau, gia đình mới hòa thuận; cấp trên nếu có thể khiêm tốn thấu hiểu cấp dưới, thì sự nghiệp nhất định thành công; lãnh đạo quốc gia nếu như có thể tu đức yêu dân, nhất định đất nước sẽ hùng cường.

Làm người không cần quá tranh giành háo thắng; có năng lực như Tôn Ngộ Không còn phải tu bỏ đi tính cao ngạo mới có thể thành công. Làm người cũng không cần cảm thấy mình vô năng ủ rũ; như Sa Tăng và Bạch Long Mã, chỉ cần thành tâm hết sức hoàn thành việc bản thân nên làm, thì cũng đều đạt được thành công.

Theo Soundofhope.org
Tuệ Liên biên dịch