Rốt cuộc có cái gọi là thế giới bên kia và luân hồi chuyển thế hay không? Đây có lẽ là bí ẩn mà nhiều người không thể giải thích được. Nhưng ít nhất, lý thuyết của Phật Gia cho tới hiện giờ vẫn đang có những điểm thuyết phục nhờ những ví dụ thực tế từ đời sống.

Phật gia tin rằng chủ thể thực sự của con người chính là nguyên thần, nguyên thần thì không chết, cơ thể mang nguyên thần chỉ là xác thịt bên ngoài, mà cơ thể xác thịt ở mỗi đời, mỗi kiếp là khác nhau, đây là do quả báo mà mỗi người tự tạo ra. Hơn nữa con người không phải đời đời kiếp kiếp đều làm người, Phật nói rằng, sinh mệnh (nguyên thần) là nhận quả báo trong lục đạo luân hồi.

Phật giảng dạy “nhân quả tam thế”, trong Tam thế nhân quả kinh có viết:

Muốn biết nhân kiếp trước, xem kiếp này nhận được gì
Muốn biết quả kiếp sau, xem kiếp này đã làm gì

Chính là nói nhân quả thông cả tam kiếp: Kiếp trước, kiếp này và kiếp sau. Kiếp này nhận được phúc khí hay tai ách khó khăn đều là nhân quả của kiếp trước, mà tất cả những việc đang làm trong kiếp này, lại trở thành phúc khí, tai ách và khó khăn của kiếp sau, đây chính là khái niệm “nhân quản tam thế”. Kiếp trước không chỉ là một kiếp mà là tất cả những kiếp đã đi qua, kiếp sau cũng không phải chỉ có một kiếp mà bao gồm những kiếp đời sau này.

Kinh Phật nói cho chúng ta biết tất cả đều có liên quan đến nhân quả: Nhân có thể sinh ra quả, quả tất có nhân, hành thiện là nhân, phúc báo là quả, làm việc ác là nhân, khổ báo là quả. Có người không nhìn thấy được quả báo nhân quả ngay trước mắt, trong lòng sinh ra hoài nghi. Nhưng theo cái lý của Phật gia, thiện ác tất đều có báo, chứ không phải là không báo, trước sau rồi sẽ đến! Nhân duyên trùng hợp đều là quả báo tạo thành.

Những thực tế hỗ trợ thuyết “nhân quả tam thế”

Trong những năm cuối của triều đại Đông Hán, có một cao tăng tên là An Thế Cao, ông chính là người dịch cuốn Tam thế nhân quả kinh. Mà chính ông cũng là người đã chứng thực nhân quả tam thế, điều này khiến người đời vô cùng kinh ngạc.

Ảnh minh họa: Alohaflaminggo/ Shutterstock.

Theo ghi chép của Thần tăng truyện – quyển 1 – Thế Cao truyện, An Thế Cao là thái tử của Tây Thành, An Tức Quốc (một quốc gia cổ đại trên cao nguyên Iran, ở khu vực xung quanh Iran ngày nay), cả đời cực kỳ hiếu thuận, không thích vương vị chỉ thích tu hành. Từ nhỏ đã thông minh am hiểu rất nhiều tri thức, đối với thiên văn, ngũ hành, y học, dị thuật đến cả ngôn ngữ của chim muông và thú dữ không gì là không biết. Vua cha qua đời, ông thừa kế ngai vàng và trở thành quốc vương, sau này nhường ngôi cho chú mình, từ bỏ vương vị để đi tu. Ông đi đến nhiều quốc gia ở Tây Thành để truyền bá Phật Pháp, từ năm thứ hai Hán Hoàn Đế lập nên nhà Đông Hán (công nguyên năm 148) ông đến Trung Thổ, Lạc Dương, ở Đông Hán làm phiên dịch suốt 20 năm.

An Thế Cao rất thần thông, danh tiếng truyền xa, ông cũng nhìn thấy nhân quả kiếp trước của bản thân mình, kiếp trước ông là một người xuất gia, từng vì muốn trả món nợ kiếp trước nữa mà đi hàng nghìn dặm đến Quảng Châu, chết dưới kiếm của một chàng trai trẻ, để trả món nợ cho người thiếu niên này. Sau này ông chuyển kiếp sinh ra làm An Thế Cao, thái tử của An Tư Quốc.

Đông Hán, Hán Linh Đế, năm thứ 3 (Công nguyên, năm 170), An Thế Cao hoàn thành bản dịch kinh điển, ông biết bản thân trong những kiếp trước không chỉ nợ một sinh mệnh, mà còn những món nợ chưa trả. Nên ông đã đến Dập Kê (nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) và bắt đầu con đường trả nợ của mình. Khi ông đi qua núi Lư Sơn cũng nhân tiện hoàn thành một tâm nguyện kiếp trước.

Trong kiếp tu hành trước, ông từng có một đồng tu, tu hành mặc dù tiến bộ, nhưng khi đi xin đồ ăn gặp người không bố thí, trong lòng nảy sinh tức giận. Kiếp trước An Thế Cao thường xuyên khuyên bảo anh ta, nhưng sau hơn 20 năm tu hành anh ta vẫn luôn làm theo ý mình. An Thế Cao nói với anh ta: “Sự thấu đáo và tinh thông của anh đều vượt qua tôi, nhưng anh rất dễ giận dữ, căm phẫn, kiếp sau đầu thai nhất định sẽ ở dạng quỷ xấu xí, nếu như tôi đắc đạo nhất định sẽ đến hóa độ cho anh”.

Ông đến Lư Sơn cũng chỉ vì tâm nguyện này, đồng tu kiếp trước của ông đã trở thành một con trăn xấu xí, kiếp này không ở trong hình dạng con người, không thể tu hành, phúc phần do tu hành kiếp trước của ông đều dùng hết, con trăn khổng lồ sắp chết, sau khi chết sẽ phải xuống địa ngục. An Thế Cao vì thế đã hóa cho nó, giúp nó thoát khỏi hình dạng xấu xí, trở lại đầu thai thành người và đi vào con đường lương thiện.

Sau đó, An Thế Cao đến Quảng Châu tìm chàng trai trẻ đã từng giết mình kiếp trước mà ông vẫn đang nợ nghiệp anh ta, khuyên giải cho anh ta về đạo lý nhân quả tuần hoàn, buông bỏ thù hận, thoát khỏi sự luân hồi của cái ác. Người thiếu niên lúc này đã trở thành một ông lão tóc trắng. Khi ông nhìn thấy An Thế Cao, liền có cảm giác thân quen, nghe về Phật Pháp, liền quỳ xuống cảm thấy hối lỗi về những tội ác mình đã làm và tình nguyện theo An Thế Cao đến Hội Kê. An Thế Cao đến Hội Kê để trả nợ kiếp trước, vừa vào thị trấn thì tình cờ gặp phải chuyện hỗn loạn. Trong tình thế hỗn loạn, ông lão đi bên cạnh đánh nhầm vào đầu An Thế Cao, khiến ông ngã xuống đất và chết, vậy là món nợ với chàng trai trẻ vẫn phải trả, chỉ khác là không phải xuất phát từ lòng căm hận mang theo từ kiếp trước mà thôi.

Tại sao đôi khi nhìn không thấy quả báo

Tại sao đôi khi chúng ta không nhìn thấy quả báo? Bởi vì nhân quả báo ứng sẽ tích lũy từ kiếp này sang kiếp khác mới phát sinh! Tam thế nhân quả, kiếp trước, kiếp này và kiếp sau đều tương thông, luân chuyển không ngừng, giống như câu nói: “Không phải không báo, mà là thời điểm chưa tới! Khi nhân duyên tụ họp, cũng là lúc quả báo phát sinh!”

Từ góc nhìn bình thường, bởi vì nhận thức về không gian và thời gian có hạn nên chỉ nhìn thấy được một chút mờ nhạt của nhân quả báo ứng, một phần của tảng băng nổi. Phần nổi trên mặt nước này giống như một đời người, dễ dàng nhìn thấy, còn phần chìm trong mặt nước là mối quan hệ nhân quả đời đời kiếp kiếp, rối rắm, phức tạp. Vậy rốt cuộc nhân quả tích lũy bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp? Người bình thường không hề biết, nhân kiếp này tạo ra, không nhất thiết là kiếp này báo. Nhân tạo ra trước không nhất thiết quả của nó sẽ đến trước, nhân tạo ra sau chưa chắc quả sẽ đến sau. Khi nhân duyên đến, thiện ác đều có báo!

Quả báo có thể tích ba đời mới có báo ứng. Kiếp tu hành giúp An Thế Cao kiếp sau được làm vương tử, đăng quang vương vị, nhưng sau đó, phúc báo cũng không thể miễn cho ông việc không phải trả nợ nhân quả kiếp trước của mình. Mặc dù quả báo của ác nghiệp có thể được giảm nhẹ bằng cách hành thiện, tuy nhiên, nghiệp tạo ra từ kiếp trước sẽ không tự động mất đi. Người đồng tu kiếp trước của An Thế Cao vì quả báo oán hận khiến ông ta đầu thai không được sống trong hình người, khiến người ta càng biết được tầm quan trọng của việc tu tâm dưỡng tính.

Chứng thực từ Phương Tây

Nói ở phương Đồng rồi chúng ta sang phương Tây. Dưới đây nói về câu chuyện về nhà tiên tri ngủ nổi tiếng Edgar Cayce (1877—1945).

Nhà tiên tri Cayce khi ngồi thiền có thể đến không gian mà con người không biết tới, biết những tin tức vượt qua hiểu biết của chúng ta. Chỉ cần cho ông ấy tên đầy đủ, ngày sinh và nơi sinh của một người nào đó, ông ấy có thể mô tả một cách chính xác tính cách, sở trường, tật xấu, khuyết điểm, hoàn cảnh sống và những thứ khác về người đó. Thậm chí có thể nhìn thấy những kiếp đã trải qua của người đó và dự đoán về tương lai.

Theo thông tin trên trang Epoch Times, cả đời Cayce đã nhập thiền giải thích khoảng 15 nghìn lần, những lần nhập thiền của ông đều được ghi lại và lưu giữ. Những giải thích của ông chủ yếu là về chẩn đoán và chữa bệnh, trong đó có khoảng 8.976 hồ sơ y tế, phần lớn các trường hợp ông đều giúp giải thích một cách rõ ràng nhân quả của người được soi kiếp, chính là nguyên nhân căn bệnh không phải từ không gian vật chất của kiếp này mà là nghiệp báo luân hồi. Những sai lầm của những kiếp trước tạo nên căn bệnh đau khổ của kiếp này, tự bản thân tạo ra nhân, thì tự bản thân phải gánh chịu quả. Thông qua giải thích, ông chẩn đoán và điều trị các bệnh khó chữa về mặt y tế, đồng thời hướng dẫn mọi người thoát khỏi luân báo, hướng thiện. Muốn khỏi bệnh, bắt buộc phải cải biến từ tinh thần.

Có một ví dụ như thế này: Một bé gái mắc bệnh bại liệt ở tháng thứ 6, khiến cột sống của cô bé bị uốn cong, chân bị tập tễnh. Cha cô bé thờ ơ không quan tâm đến cô, thậm chí còn cướp đi số tiền cô ấy kiếm được từ việc nuôi gà cực khổ. Người yêu đầu tiên của cô đã chết trong Thế chiến thứ nhất. Sau này cô đính hôn với người khác, nhưng người này sau này cũng bỏ rơi cô. Tuy nhiên, khổ đau vẫn chưa kết thúc ở đó, một lần cô bị ngã cầu thang, gây nên chấn thương cột sốn phải nằm liệt giường.

Cayce cho biết: “Người phụ nữ này kiếp trước từng sinh ra trong một gia đình quý tộc La Mã. Trong kiếp đó, cô thường ngồi trên khán đài của đấu trường thể thao, cười nhạo những đấu sỹ chết thảm khi đối mặt với dã thú”. Ví dụ này cho thấy, một người làm tổn thương, thơ ơ hoặc cười nhạo người khác, chính là tự tạo nghiệp chướng cho chính bản thân mình. Khoản nợ này sẽ theo người đó đời đời kiếp kiếp cho đến khi món nợ được trả hết.

Bức tranh The Christian Martyrs Last Prayer của Jean-Léon Gérôme mô tả cuộc đàn áp tàn bạo các tín đồ Cơ đốc giáo ở Rome cổ đại: Nhóm người tu hành ở giữa sẽ bị xé xác bởi những con thú hung dữ và vô số người trên khán đài chứng kiến cảnh tượng bi thảm này như một trò mua vui (ảnh: Wikipedia).

Còn một ví dụ khác về trường hợp y tế: Có một người mù theo chỉ dẫn của Cayce chữa trị, chỉ trong ba tháng mắt trái của ông ấy đã có 10% thị lực. Ở kiếp trước, ông được sinh ra trong một bộ lạc man rợ ở Ba Tư, bộ lạc này thường bắt và tra tấn tù binh bằng cách dí que thép hàn nóng vào da thịt họ, và người làm nhiệm vụ này là chính là người mù này. Ví dụ này cho thấy ngay cả khi họ làm điều xấu theo chỉ thị và hướng dẫn của người khác thì họ vẫn phải trả nợ.

Làm thế nào để thoát khỏi tam thế nhân quả, luân hồi vô tận

Kẻ ác thì người sợ chứ Trời không sợ, người ngốc người khinh Trời chẳng khinh. Làm thế nào để thoát khỏi tam thế nhân quả, luân hồi vô tận? Các ví dụ về phương Đông và phương tây phía trên đều chỉ ra rằng chỉ có hướng thiện, tu tâm dưỡng tính, đề cao đạo đức, mới có thể cải thiện vận mệnh.

Trong các nền văn minh cổ xưa có những câu nói mang tính thuyết phục như: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Trong Kinh Dịch – Hệ từ hạ có viết: “Không tích thiện, không đủ công danh; Không tích ác, không hủy diệt bản thân” (Thiện bất tích bất túc dĩ thành danh. Ác bất tích bất túc dĩ diệt thân) . Câu này rất hợp với cách nói của Phật gia: Làm việc tốt được quả báo tốt, làm việc xấu tương lai sẽ hình thần toàn diệt.

Kinh dịch – Khôn Quái nói: “Nhà có tích thiện, tất có điềm khánh, nhà không tích thiện, tất có tai ương”.

Kinh Dịch – Hệ từ hạ cũng viết: “Tiểu nhân thấy điều lành nhỏ mà chẳng làm, thấy điều ác nhỏ mà chẳng tránh xa, nên ác tích chẳng thể che đậy, tội tình quá lớn, chẳng thể giải nổi” (Tiểu nhân dĩ tiểu thiện vi vô ích nhi phất vi dã. Dĩ tiểu ác vi vô thương nhi phất khứ dã. Cố ác tích nhi bất khả yểm. Tội đại nhi bất khả giải). Đừng chỉ cho đó là “tiểu thiện” mà không muốn đụng tay vào làm, đừng nghĩ rằng “tiểu ác” không có thương tổn gì, thì không cần ăn năn, không cần tu dưỡng để loại bỏ nó. Tội lớn đều từ những việc ác nhỏ mà ra, đại thiện cũng từ những hạt cát thiện nhỏ mà thành tháp.

Ví dụ thực tế về thiện có thiện báo

Có một cách nói trong Tam thế nhân quả kinh: “Nhân quả không phải không nhìn thấy, xa là đời con cháu, gần là đời mình”. Từng có một bằng chứng thực sự về thiện có thiện báo ở Đài Loan như thế này.

Hơn 100 năm trước, ở bờ biển Bắc Hải Đài Loan, từ Cơ Long đến Kim Sơn, từng xuất hiện một vụ đắm tàu ở bờ biển Dã Liễu, con tàu có biệt hiệu là “Đại Phúc Hoàn”, trên khoang có khoảng 100 người và có 90 người bị nước nuốt chửng. Có một thiếu niên 16 tuổi tên là Lâm Thanh Kỳ, được giải cứu trong tình trạng hôn mê mất nước, mà thứ đưa anh ta vào bờ là một con rùa biển lớn.

Bố của Lâm Thanh Kỳ, Lâm Tra Mỗ là một nhà từ thiện, từng cứu mạng con rùa này. Bởi vì năm đó, người ta từng khắc lên mai con rùa chữ “Ích Nguyên Hào phóng sinh”, nên họ đã dễ dàng nhận ra hai con rùa là một. Hôm đó là ngày 6 tháng 4 theo Hoàng Lịch (Âm lịch), là ngày chào đón Thánh Mẫu trên trời của Đài Loan, vụ đắm tàu này được đăng trên rất nhiều mặt báo vì thế người dân Đài Loan đều biết tới câu chuyện này.

Lâm Tra Mỗ từng ở Kim Bao kinh doanh vải vóc và có một cửa hàng tạp hóa tên là “Ích Nguyên Hào”. Trước sự kiện đắm tàu “Đại Phúc Hoàn” một năm, ông đi qua một khu chợ địa phương và nhìn thấy một con rùa khổng lồ nặng hơn 500 kg thu được từ lưới của ngư dân, chuẩn bị được bán để đem đi giết mổ. Con rùa biển biết mình sắp chết, ngẩng mặt nhìn lên nước mắt lưng tròng, Lâm Tra Mỗ cảm thấy nhịn không được, quyết định cứu con rùa, ông bỏ ra một số tiền lớn mua con rùa biển này và thuê công nhân đưa con rùa ra biển phóng sinh. Để đảm bảo rằng con rùa không bị bắt lại, công nhân đã khắc 5 chữ “Ích Nguyên Hào phóng sinh” lên mai của nó. Sau này, chính con rùa này đã cứu con trai ông thoát nạn, về bản thân Lâm Tra Mỗ, ông vốn được tiên đoán chỉ có thể sống đến 66 tuổi, nhưng sau này ông sống đến tuổi 88 mới qua đời mà không hề đau ốm, bệnh tật.

Nhân quả làm sao báo?

Từ quan điểm của “Nhân quả báo ứng”, làm nhiều việc tốt, thường hay làm việc thiện, chắc chắn sẽ có được báo ứng “tốt”. Theo Kinh điển Phật giáo, con người trong nhân gian từ bi hành thiện, sẽ nhận được 5 loại phúc báo: (1) Gia tăng tuổi thọ, (2) Thân thể và tâm hồn an khang, (3) Không bị đao binh hổ sói côn trùng độc làm hại, (4) Sau khi chết được sống trong miền cực lạc, (5) Tuổi thọ cạn kiệt, tái sinh có thể trường thọ, ít bệnh tật.

Làm việc ác, thì ác báo là gì? Theo Kinh Phật, có 10 loại ác báo: (1) Chân tay tàn phế, (2) Già cô đơn không con cháu, (3) Sứt môi hở miệng, (4) Bị thương, trúng độc không ngừng (Khó chữa trị), (5) Không có người thân thích, (6) Khuyết tật nặng, (7) Thiếu lương thực, chịu khổ (khó sống qua ngày), (8) Bệnh tật và thảm họa (cuộc sống không an bình), (9) Tai hoạ diệt thân (chết bi thảm), (10) Chịu hình phạt địa phủ (chết vào địa ngục).

Theo Lý Mai, Epochtimes
Ngọc Linh biên dịch

Video: Người luôn từ bi có được 9 lợi ích 

videoinfo__video3.dkn.tv||d3704e118__