Mâm ngọc lưu ly, bày đầy ắp thuốc tiên thái ất
Bình quý mã não, cầm chen nhau cây cảnh san hô
Của lạ thiên cung đủ cả
Thế gian muôn thuở đừng mơ!
Cửa ngọc nhà vàng chen phủ tía
Hoa thơm cỏ lạ thoảng hương đưa
Ngọc Thỏ lướt qua phiên triệu hội
Kim Ô soi bóng trước thềm vua
Hầu vương có phúc lên thượng giới
Trần gian giũ sạch bụi không mờ.

Ấy là đoạn thơ nói về việc Tôn Ngộ Không được Thượng đế chiêu an, Thái Bạch Kim Tinh dẫn lên trời nhậm chức Bật Mã Ôn. Nhưng chẳng bao lâu sau, biết mình phải làm quan chăn ngựa, Ngộ Không đã nghiến răng căm tức, đạp đổ công án, vút về động Thuỷ Liêm. Thuở trẻ, đọc cố sự Tôn Ngộ Không chăn ngựa trên thiên đình, tôi không khỏi bất bình thay cho Mỹ hầu vương, tự hỏi vì sao các vị Thần Tiên nỡ lòng “lừa” một vị khách ngây thơ như thế! Ngày nay đọc lại, bất chợt ngộ ra sự từ bi của Thần Phật, mới biết Ngộ Không đã bỏ lỡ cơ hội quý ngàn vàng!

Sau khi bị Bồ Đề Tổ Sư đuổi khỏi sư môn, Tôn Ngộ Không trở về núi Hoa Quả, tiêu diệt Hỗn Thế ma vương, “ăn chặn” gậy Như Ý dưới Long cung, “ngày ngày đi mây về gió, ngao du bốn biển, chơi khắp nghìn non, trổ tài võ nghệ thần thông, tìm tòi, kết giao với anh hùng hào kiệt”. Sau đó lại làm náo động điện Sâm La, xóa hết tên tuổi loài khỉ vượn trong sổ sinh tử, phá hoại luân hồi. Đông Hải Long vương và Địa Tạng vương Bồ tát dâng sớ lên Thượng đế, xin phái thiên binh đi hàng phục Ngộ Không. Thái Bạch Kim Tinh quỳ tâu Thượng đế mở lòng từ bi, xuống một đạo thánh chỉ chiêu an, trao cho Tôn Ngộ Không một chức quan nhỏ nào đó để ràng buộc ở cõi trời. Ngọc đế thuận lời, nên Ngộ Không mới được thăng thiên, nhậm chức quan Bật Mã. 

Tây du ký*, hồi thứ tư “Quan phong Bật mã lòng đâu thỏa/ Tên gọi Tề Thiên dạ chẳng yên” có viết:

“Thượng đế sai Mộc Đức tinh quân đưa Ngộ Không về Ngự mã giám nhận việc.

Lúc ấy, Hầu vương thích chí lắm, cùng Mộc Đức tinh quân đi ngay. Xong việc, Mộc Đức tinh quân về cung. Ở trại Ngộ Không tập trung cả Giám thừa, Giám phó, Điển bạ, Lực sĩ các quan viên to nhỏ trong trại hỏi han công việc, thấy trại này chỉ có khoảng nghìn con ngựa. Toàn là:

Xích thố, truy phong, toàn giống quý
Ngày phi vạn dặm dễ như chơi
Băng mây lướt gió, thần hăng hái
Giòn giã vó tung dậy đất trời

Hầu vương kiểm tra sổ sách đếm đủ số ngựa trong trại. Điển bạ coi việc rơm cỏ đầy đủ; lực sĩ giữ việc tắm rửa, đun nấu ăn uống cho ngựa; Giám thừa, Giám phó đôn đốc công việc; Bật mã ngày đêm không ngủ, trông nom ngựa trại. Ban ngày còn chơi đùa được, ban đêm chăm chỉ giữ gìn. Ngựa ngủ, đánh thức cho ăn cỏ; ngựa lồng, nhốt lại trong chuồng. Bầy ngựa thấy Bật mã ôn là cúp tai dúm vó, nhưng ngược lại, chúng được nuôi dưỡng béo tốt. Thấm thoắt đã hơn nửa tháng. Một hôm rỗi việc, giám quan trong trại bày tiệc rượu, một là để đón tiếp, hai là để chúc mừng Bật mã ôn.

Đang lúc ăn uống vui vẻ, Hầu vương bỗng đặt chén xuống hỏi:

– Bật mã ôn thuộc hàm quan nào? 

Mọi người thưa:

– Chỉ có tên quan suông như vậy thôi. 

Hầu vương lại hỏi:

– Chức quan này thuộc phẩm hàm nào? 

Mọi người đáp:

– Chẳng thuộc phẩm hàm nào cả. 

Hầu vương nói:

– Không có phẩm hàm thì là to nhất rồi! 

Mọi người thưa:

– Không to đâu, không to đâu, mà là “chưa liệt vào hàng quan”.

Hầu vương hỏi:

– Thế nào gọi là “chưa liệt vào hàng quan”? 

Mọi người thưa:

– Nghĩa là hạng bét nhất. Chức quan ấy thấp nhất, bé nhất, chỉ có việc trông ngựa thôi. Tựa như ngài đây, sau khi nhận chức, chăm chỉ cần cù, nuôi ngựa béo tốt, thì người ta chỉ buông một lời khen “tốt”. Còn như để ngựa hơi gầy, thì bị khiển trách ngay. Nhất là để ngựa bị thương tích, thì còn phải chuộc tiền, bị phạt.

Hầu vương nghe xong, bất giác trong đầu bốc hỏa, nghiến răng căm tức nói:

– Thật là khinh rẻ lão Tôn quá lắm! Lão Tôn này ở động núi Hoa Quả, xưng vua xưng chúa, cớ sao đánh lừa ta đến đây nuôi ngựa? Nuôi ngựa là công việc của hạng vô danh tiểu tốt, ti tiện nhỏ nhen, mà lại dám đem đãi ta sao? Không thèm làm nữa! Không thèm làm nữa! Ta đi đây!

Đoạn, Ngộ Không hừ một tiếng, đạp đổ công án, rút bảo bối trong tai ra, múa tít, nó bỗng to bằng cái bát, uyển chuyển, nhịp nhàng, ra khỏi Ngự mã giám, thẳng đến cửa Nam Thiên. Thiên binh biết Hầu vương có tên trong sổ tiên, là Bật mã ôn, không dám ngăn cản, để mặc Hầu vương ra khỏi cửa trời”.

Trong câu chuyện này, thoạt nhìn thấy công việc của Tôn Ngộ Không thật thấp hèn, vất vả: “Bật mã ngày đêm không ngủ, trông nom ngựa trại. Ban ngày còn chơi đùa được, ban đêm chăm chỉ giữ gìn. Ngựa ngủ, đánh thức cho ăn cỏ; ngựa lồng, nhốt lại trong chuồng”. Chẳng những vất vả cả ngày lẫn đêm, mà còn chẳng được tính công ban thưởng, hơi tí là bị khiển trách ngay. Một Mỹ hầu vương tung hoành ngang dọc, xưng vua xưng chúa chốn trần gian chịu làm sao thấu! Vậy nên, hừ một tiếng đạp đổ công án, lại quay về làm yêu quái như xưa.

Người xưa thường nói: “Tâm viên ý mã” (tâm vượn ý ngựa), bởi vì cái tâm con người nhảy nhót lăng xăng như khỉ, ý niệm cuồng vọng như con ngựa bất kham. Một đời ngược xuôi vì danh lợi, tháng năm tất tả bởi chữ tình. Trong Tây du ký, Tôn Ngộ Không là hình tượng hoá cái tâm của người tu luyện, vì thế mà Đường Tăng bước đầu tiên trên hành trình thỉnh kinh là thu phục Ngộ Không và Bạch Long Mã. Thượng đế phong cho Tôn Ngộ Không chức Bật Mã Ôn, chính là để tâm hàng phục ý, dùng tâm ước thúc từng ý niệm của bản thân mình. Tây du ký có nhiều bài thơ nhắc đến điều này, ví như:

Ý ngựa buông tuồng đừng thả sổng,
Lòng hầu ngỗ ngược phải dày công
Tính tình đã định muôn duyên hợp,
Rực rỡ trăng tròn lúc đổ lòng.

hay như:

Linh đài chẳng vật gọi là thanh,
Tịch mịch an nhiên niệm chẳng sinh.
Khỉ ngựa giữ gìn đừng thả lỏng,
Tinh thần cẩn thận chớ chênh vênh. 

Vậy nên có thể nói, Thượng đế cho Mỹ hầu vương làm chức quan chăn ngựa chính là từ bi an bài cơ hội tu luyện cho Tôn Ngộ Không. Từ khi Ngộ Không khởi niệm kiêu căng hiển thị, bị Tổ Sư Bồ Đề đuổi khỏi sư môn, Mỹ hầu vương đã càng ngày càng ngông cuồng phóng túng, tâm tính trượt dài chẳng hơn gì một yêu tinh. Thượng Thiên từ bi, nhận ra căn cơ của Hầu vương nên thiết lập một hoàn cảnh tu luyện để Ngộ Không quay trở về bản tính chân thiện. Tiếc là Ngộ Không lúc này chẳng ngộ ra, coi công việc khổ sở thấp kém là sự vũ nhục đối với mình, nên bỏ lỡ cơ duyên vạn năm chẳng gặp. 

Kỳ thực, Thần Phật nhìn sự việc là phản đảo so với con người. Hoàn cảnh khổ sở, địa vị thấp hèn đối với con người là việc xấu, nhưng Thần Phật lại coi đó là cơ hội tốt giúp người tu luyện nhanh chóng tiêu nghiệp, đề cao tâm tính, khai công khai ngộ. Ví như Ngũ tổ Thiền tông là Hoằng Nhẫn, khi mới gặp Lục tổ Huệ Năng thì đã nhận ra ngay căn cơ của ông, nhưng lại giao cho Huệ Năng công việc chẻ củi vo gạo trong nhà bếp, vất vả tối ngày chứ chẳng được nhàn nhã nghe kinh. Sau này, Huệ Năng là người duy nhất được Ngũ tổ trao truyền tâm pháp, trở thành Lục tổ Thiền tông. Công việc chăn ngựa của Tôn Ngộ Không so với chẻ củi vo gạo của Huệ Năng ít ra vẫn còn có quan chức, thế mà Mỹ hầu vương ngang tàng kiêu ngạo đã không chịu nổi rồi.

Khi Tôn Ngộ Không trở về núi Hoa Quả, lũ khỉ biết chuyện liền nói: “Về hơn chứ! Về hơn chứ! Đại vương làm vua ở nơi phúc địa động núi này, được tôn trọng sung sướng biết chừng nào, tội gì phải làm anh nuôi ngựa cho ai”. Thì đúng là như thế, nên lũ khỉ muôn đời chỉ làm khỉ thôi, mà chẳng thành chính quả. Càng sung sướng, càng được nâng niu trọng vọng thì càng khó đề cao, đây là cái lý mà nhiều người khó lòng hiểu được.

Hình ảnh Tôn Ngộ Không căm giận “hừ một tiếng, đạp đổ công án” là một ẩn dụ sâu sắc. “Công án” nguyên nghĩa là văn thư, thể lệ, các bản kiện tụng đã quyết định xong trong quan phủ. Nhưng trong Phật gia, công án còn là một phương pháp tu tập thiền định. Nó có thể là một đoạn kinh, một câu chuyện tu hành, một cuộc đàm thoại… không thể được giải đáp bằng lý luận thông thường. Ở đây, Tôn Ngộ Không đạp đổ công án là ẩn dụ sinh động cho việc Hầu vương buông bỏ tu luyện, không giác ngộ được dụng ý của Thần. Dùng nhận thức của con người mà đo lường Thần Phật thì vĩnh viễn không đắc được Đạo chân thật.

Thế là, Tôn Ngộ Không đã một lần bỏ lỡ cơ hội tu luyện Trời cho, chấp mê bất ngộ nên trượt dài trong cuộc đời yêu quái. May mắn thay, Thần Phật là từ bi hồng đại, chẳng những giam Ngộ Không 500 năm dưới núi Ngũ Hành để tiêu trừ nghiệp chướng, mà còn tiếp tục an bài cho Ngộ Không phò tá Đường Tăng để tu luyện bản tâm. Ngẫm lại trong cuộc đời chúng ta, đã bao lần được Thượng Thiên an bài cơ hội tu tâm mà cứng đầu chối bỏ? Chỉ muốn thoải mái tự do, không ngộ ra thì tiếp tục chịu khổ, vĩnh viễn chìm đắm trong luân hồi. Còn Ngộ Không, trải qua trùng trùng ma nạn trên đường thỉnh kinh, đến trước núi Bình Đính thì đã hiểu ra, nói với Đường Tăng rằng:

Trong tâm quét sạch bẩn,
Bên tai rửa bụi trần.
Không nhận điều đau khổ,
Khó làm bậc thượng nhân.

Ảnh: Phim Tây Du Ký 1986

*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.

Video: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__