Những lúc rảnh rỗi tâm rất dễ rơi vào trạng thái mơ màng, nên dùng trạng trái yên tĩnh để soi chiếu sự giác ngộ. Những lúc bận rộn, hoặc có chuyện xảy ra thì tâm rất dễ hỗn loạn và hấp tấp, nên dùng sự giác ngộ để làm chủ tâm khiến tâm bình tĩnh lại.

Nhiều người chia sẻ rằng, lúc không có chuyện đề phòng như có chuyện, thì mới có thể xử lý được biến cố ngoài ý muốn; lúc có chuyện bình tĩnh như không có chuyện, mới có thể loại bỏ được nguy cơ của cục diện.

Không có chuyện đề phòng như có chuyện

Những lúc bình yên vô sự nên thường xuyên cảnh giác đề phòng, cẩn thận như là đang đối mặt với một chuyện lớn. Có vậy, người ta mới có thể xử lý được những biến cố xảy ra ngoài ý muốn, không đến nỗi để có chuyện rồi mới nghĩ cách giải quyết, chân tay lúng túng không biết phải làm gì.

Lão Tử nói: “Kỳ vị triệu dịch mưu”, khi sự việc vẫn chưa xuất hiện điềm báo rõ ràng thì dễ trù liệu kế hoạch sẵn từ trước.

Hình vẽ về Lão Tử cưỡi trâu rời Trung Hoa (ảnh: Wikipedia).

Bất luận là chuyện gì, trong lúc tất cả đang ổn định thì đều là dễ dự liệu, chuẩn bị nhất. Khi mọi chuyện vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu biến đổi, vẫn còn nằm trong tầm tay thì rất dễ kiểm soát. Cũng vậy, trong lúc còn yếu ớt thì dễ giải quyết, trong lúc còn nhỏ bé thì dễ loại trừ. Vì thế, muốn duy trì một việc gì đó ổn định, ít xảy ra vấn đề thì phải làm tốt việc đó khi nó vẫn chưa có sự thay đổi, phải xử lý thật tốt khi nó vẫn chưa xảy ra biến động gì.

Đây chính là “nhìn một biết mười” mà ngày thường chúng ta hay nói đến, tức là phải khéo léo phát hiện ra những biểu hiện của vấn đề, giải quyết vấn đề và biến cố khi nó đang trong trạng thái vừa nảy mầm.

Tô Đông Pha nói: “Vô sự tắc thâm ưu, hữu sự tắc bất cụ”. Ý nghĩa câu nói này là trong lúc chuyện vẫn chưa xảy ra mà có thể lo nghĩ sâu xa, thì khi chuyện xảy ra rồi mới không bị hoảng sợ.

Con người nếu không biết lo xa, chắc chắn sẽ có nhiều phiền muộn trước mắt. Con người cần có ý thức lo nghĩ. Khi bình yên vô sự có thể lo nghĩ cho tương lai, có sự chuẩn bị trước, thì khi chuyện xảy ra tự nhiên sẽ không sợ hãi.

Nếu ngày thường không lo không nghĩ, đột nhiên có chuyện xảy ra, người ta sẽ không có sự chuẩn bị tâm lý từ trước. Khi ấy chắc chắn sẽ hoảng hốt lo sợ, không biết làm sao ứng phó, sẽ sản sinh tâm lý hoảng sợ và cuối cùng là không đủ dũng khí để giải quyết được vấn đề nữa.

Giống như Lão Tử nói: “Họa là nơi phúc tựa, phúc là nơi họa nấp”, lúc bình an vô sự, đặc biệt là lúc mọi chuyện đều được như ý nguyện là lúc cực kỳ dễ thả lỏng cảnh giác, thậm chí là nuông chiều bản thân, rất dễ gây ra những chuyện phiền toái. Vì vậy, dù là lúc thái bình vẫn nên giữ cảnh giác và thận trọng, phòng khi rối loạn xảy ra. Cái lý “vật cực tất phản” cũng là như vậy, sự vật đi đến cùng rồi sẽ xuất hiện trạng thái mới, đảo ngược.

Hoàng đế Đường Huyền Tông lúc trẻ tập trung tinh thần để nghĩ cách trị quốc, cuối cùng tạo dựng được thời “Khai Nguyên thịnh thế” vĩ đại nhất lịch sử. Về sau trong trạng thái thiên hạ thái bình, ông lại dần dần mất đi ý thức lo nghĩ, cuối cùng tự tay mình tạo ra mầm loạn “Loạn An Sử” tàn khốc. Nhà Đường từ hưng thịnh chuyển thành suy yếu.

Có chuyện thản nhiên như không có chuyện

Khi gặp chuyện rối loạn xảy ra cần ung dung bình tĩnh, giữ được lý trí tỉnh táo như lúc bình yên vô sự. Có như thế người ta mới có thể loại bỏ được nguy cơ của cục diện, không đến mức tâm trí rối loạn, đưa ra quyết định sai lầm, dẫn đến một nguy cơ lớn hơn.

Khang Hi khuyên dạy những đứa con trai của mình: Gặp chuyện lớn cần phải tĩnh khí (ảnh: Soudofhope).

Hoàng đế Khang Hy của nhà Thanh từng viết một bài “Đình Huấn”, dùng để dạy bảo các hoàng tử, hoàng tôn trong vương triều. Trong “Đình Huấn”, có một đoạn ghi chép như sau:

Giai đoạn “Loạn Tam Phiên”, chủ lực của quân Thanh và đội quân của Ngô Tam Quế quyết chiến, nửa tháng trôi qua vẫn chưa có tin tức của tiền tuyến. Trong thành Bắc Kinh lòng người hoang mang.

Trong tình huống này, Khang Hy ngày thường vốn luôn chăm lo việc chính sự nay vẫn điềm tĩnh duy trì sự kiên định trong lòng. Ngoài mặt, ông vẫn thể hiện với mọi người bộ dạng an nhàn vui chơi, mỗi ngày đều đến Cảnh Sơn cưỡi ngựa, bắn cung.

Có người nói,  hiện nay tình thế nguy cấp, chuyện quốc gia đại sự nhiều như vậy, sao hoàng đế còn có thể đi khắp nơi vui chơi chứ? Nhưng Khang Hy vẫn không màng tới. Khang Hy đã mượn chuyện này khuyên dạy những đứa con trai của mình rằng: Gặp chuyện lớn cần phải giữ được tĩnh khí.

Cục diện lúc đó thật sự rất nguy hiểm. Trong thành Bắc Kinh, những người trung thành thì không có chủ kiến, những người có lòng dạ khó đoán thì vô cùng nóng lòng, lúc này mọi người đều chờ xem Hoàng đế xử trí ra sao.

Kết quả là Khang Hy không hề sợ hãi, điềm tĩnh ung dung, một mặt vừa gấp rút điều binh khiển tướng ra, một mặt vẫn duy trì tâm trạng vui vẻ bình thường. Điều đó khiến cho những người trung thành quanh ông cảm thấy trong lòng rất yên tâm, còn những người muốn tạo phản thì không dám manh động nữa.

Đổi lại, nếu trong lúc này Khang Hy cũng hoảng hốt lo sợ như mọi người thì hậu quả đúng là không thể tưởng tượng nổi.

Từ xưa đến nay những bậc Thánh hiền đều là người điềm tĩnh, càng gặp phải chuyện kinh thiên động địa thì tâm lại càng tĩnh lặng như mặt nước, điềm tĩnh mà tìm ra cách ứng phó.

Tĩnh lặng mới có thể đạt đến cảnh giới cao, bình tâm mới có thể tĩnh khí, tĩnh khí mới có thể làm đại sự, làm đại sự mới có thể thành công.

Tĩnh khí là một tâm thái tích cực và cân bằng, là quá trình bình tĩnh quan sát, suy ngẫm nhiều lần, là niềm tin yên bình tự tại, giữ vững ý chí ứng phó, ung dung không nôn nóng, mãi mãi không chịu thua.

Nuôi dưỡng tĩnh khí chính là theo đuổi một sự cân bằng, giữ một trái tim thản nhiên để đối mặt với mọi chuyện. Tâm tĩnh mới có thể nghe được âm thanh của vạn vật, tích lũy một giới hạn, thành tựu một cảnh giới. Tâm thấu suốt mới có thể nhìn thấy bản chất của vạn vật.

Điềm tĩnh xử thế, tĩnh khí dưỡng thân, khám phá ra con người thật của mình trong cuộc sống bình thường này, chính là thêm vào cuộc sống bình dị này một luồng ánh sáng chói lóa. Thân ở chốn hồng trần, xảy ra chuyện thì ứng phó, chuyện qua rồi xem như không có, như vậy là tốt nhất.

Nuôi dưỡng một chút tĩnh khí, tạo cho bản thân mình một bầu trời quang đãng. Bình tĩnh lại, thử tìm hiểu bản thân một chút, dò xét một chút, bạn sẽ hiểu ra cái gì mới là thứ mình thực sự cần, cái gì mới là gánh nặng của cuộc đời. Làm đẹp lại tư tưởng một chút, tiếp tục kiên trì những thứ nên kiên trì, buông bỏ những thứ nên buông bỏ, nhẹ nhàng lên đường, thưởng ngoạn những phong cảnh mà bạn chưa từng được nhìn thấy.

Trong bài thơ “Thu nhật ngẫu thành” (Ngày thu, ngẫu hứng thành thơ), bậc danh nho Trình Hạo viết: “Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc”, nghĩa là yên lặng xem xét vạn vật, thì tự đắc được niềm hạnh phúc. Làm người, đơn giản là được. Cuộc sống, yên bình là được.

Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch