Hãy cùng tìm hiểu xem các vĩ nhân trong lịch sử đọc sách và trui rèn kỹ năng học tập của mình như thế nào qua loạt bài 2 phần của chúng tôi.

Xem thêm: Phần 1

Nhiều người thường có suy nghĩ rằng, chúng ta dành 1/4 năm tháng đầu đời cho việc học tập, 3/4 còn lại là làm việc và hưởng thụ thành quả làm ra. Nhưng “Bể học là vô bờ” và như Khổng Tử đã dạy “Học nhi bất yếm” (Học không biết chán).

Chẳng thế mà bao bậc tài danh trí đức vẫn mưu cầu kiến thức, miệt mài học tập đến già. Chính niềm đam mê học tập suốt đời ấy đã tạo nên những vĩ nhân, và tên tuổi họ lưu danh trong lịch sử vì những đóng góp trí tuệ cho nhân loại.

Lịch sử Trung Hoa đã ghi nhận những anh hùng thiên cổ đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời cho việc học. Ở phần 2 này, chúng ta sẽ tìm hiểu 2 nhân vật cuối.

1. Hoàng đế Khang Hy

“Khổng Tử nói: “Khi ta 15 tuổi vẫn lập chí học tập”. Câu nói gắn liền với cuộc đời của bậc Thánh nhân chính là “lập chí học tập”. Ngoài ra, chân chính siêng năng và kiên trì học tập mới là nguyên nhân khiến cho một người trở thành bậc Thánh nhân. Từ xưa đến nay, các bậc Thánh hiền cũng là người thường như chúng ta, vậy tại sao chúng ta lại cam tâm buông bỏ mà không chịu cố gắng học tập?

Ai có thể cản ngăn mong muốn học hỏi để đạt tới cảnh giới của các nhà hiền triết nếu ta luôn nuôi chí học tập mãi mãi? Vì vậy, khao khát học tập là điều đầu tiên cần có nếu muốn trở thành một bậc Thánh hiền.

Đổng Trọng Thư, đại sư kinh học đời Tây Hán từng nói: “Khi đọc sách không nên để bản thân bị mê hoặc, không phân biệt được thực giả, như vậy mới có thể xưng là người thông minh, cơ trí. Gió không khiến cho nhành cây phát ra âm thanh, mưa không khiến cho đất bị xói mòn, mới có thể xem là thái bình thịnh thế”.

Nếu như gió không thể khiến cho nhành cây phát ra âm thanh, vậy thiên địa vạn vật phải dựa vào thứ gì khiến chúng lay động, sinh trưởng? Nếu mưa không thể làm cho đất đai xói mòn thì cánh đồng phải canh tác và gieo trồng như thế nào?

Từ những điểm này có thể thấy được, không nên tin tưởng những lời trống rỗng thoạt nghe có vẻ tốt đẹp”.

“Những người khiêm tốn sẽ tiến bộ trên con đường truy cầu học vấn, ngược lại, những người tự mãn sẽ phải thoái lui. Những người thuộc tầng lớp thấp kém, có trình độ học vấn thấp nhất, ta tuyệt đối sẽ không vì thế mà có những nhận xét thiếu công bằng cho họ. Ta sẽ tìm ra được nguồn gốc của học vấn và ghi nhớ. Ta sẽ không tự cho rằng bản thân là bậc đế vương mà không chịu học hỏi những mặt tốt của bọn họ.

Một người không thể sinh ra đã là bậc Thánh hiền, mà do cả đời họ tích lũy, kiên trì học hỏi theo năm tháng mới hình thành, dần trở thành một người có đạo đức.

Một người không thể sinh ra đã là bậc Thánh hiền, mà do cả đời họ tích lũy, kiên trì học hỏi theo năm tháng mới hình thành, dần trở thành một người có đạo đức. (Ảnh: ebay.com)

Từ một người có đạo đức cao thượng dần trở thành một bậc quân tử, và rồi dần dà trở thành bậc Thánh nhân. Trong đó, sự khác biệt giữa tầng lớp thượng lưu và hạ lưu là tùy thuộc vào kiến thức và mức độ hiểu biết của họ.

Mạnh Tử giảng: “Muốn đạt được cảnh giới của “nhân” (trong nhân nghĩa) cũng phải tích lũy mới thành công”. Những người chú ý tích lũy công đức cũng phải chờ đợi đến thời điểm thích hợp mới có thể thành công.

Vì vậy, những người có thiện chí, khởi đầu cần phải có sự chuẩn bị thật tốt, nỗ lực tiến về phía trước, không để khó ngại làm bản thân chùn bước. Cứ bền chí lâu dài như vậy, tự nhiên sẽ đạt được thành quả.

Khi có thành quả, bản thân sẽ hứng khởi, khi đó việc hấp thu kiến thức đương nhiên sẽ dễ dàng hơn, và tâm trí ngày càng mở mang, sáng suốt, thật sự đạt được trí tuệ thông minh hơn người. Từ đây, chúng ta có thể thêm hiểu tác dụng của việc tích lũy kiến thức?

“Dịch Kinh” giảng: Ngày ngày ham học tiến bộ có thể gọi đó là một loại phẩm đức cao thượng. Những người đam mê học tập thường không để thời gian trôi qua vô ích. Mỗi loại kiến thức, kỹ năng khi mới bắt đầu học thì thấy vô vàn khó khăn, thậm chí đôi khi tưởng không bao giờ có thể làm được. Nếu chỉ vì một chút khó khăn như vậy mà nhụt chí, từ bỏ không học nữa, thì người ấy không làm được bất cứ việc gì và dễ gặp thất bại trong cuộc sống.

Vì vậy, điều đáng quý nhất chính là ý chí, không bao giờ từ bỏ một khi đã quyết định và kiên trì theo đuổi việc học. Thêm nữa, phải có quyết tâm không ngừng tiến bộ, và quan trọng nhất là học đi đôi với hành. Nếu làm được như vậy thì loại kỹ năng, kỹ thuật khó đến mấy ta cũng đều có thể học được.

Khi hiểu biết mọi thứ, trong tâm sẽ có chủ kiến, và khiến ta có cái nhìn rõ ràng, minh bạch, và một cách tự nhiên sẽ phân biệt được chính tà. Nếu gặp khó khăn ngáng trở, ta chỉ cần hành theo đạo lý thì dù thất bại cũng không hổ thẹn với lương tâm.

“Thượng Thư” giảng: “Học giáo lý của cổ nhân ắt sẽ thu được lợi ích”. Mỗi câu từ trong các điển cố của bậc Thánh hiền đều ẩn chứa đạo lý sâu xa, và ta nên nghiền ngẫm, chiêm nghiệm lý giải, để tìm ra chân lý, đạo lý thâm sâu ấy. Theo thời gian, ta sẽ hoàn toàn lĩnh ngộ được hàm ý trong sách, khi gặp phải chuyện khó, tâm trí sáng suốt, sẽ nghĩ ra được nhiều ý tưởng mà không cần khổ nhọc suy nghĩ.

Ta từ nhỏ đã đọc sách, học tập, chỉ cần một từ không hiểu, bằng mọi giá cố gắng tìm tòi, tra từ để lý giải đến cùng, hiểu thấu đáo mới yên tâm. Không chỉ trong việc học mà ngay cả trị lý thiên hạ quốc gia cũng cùng một đạo lý như vậy”.

Đúc kết: Trọng tâm của việc học là:

1. Đặt mục tiêu và kiên trì, nhẫn nại.
2. Khi đọc cần phải suy ngẫm nhiều.
3. Giữ tâm thái khiêm nhường, không ngại ngần học hỏi người khác, không vì sự hạn chế kiến thức của một người mà cho rằng lời nói của họ không có tác dụng tham khảo.
4. Sự học cần phải được tích lũy từng ngày.
5. Yêu cầu bản thân nỗ lực tiến bộ trong việc học hằng ngày.
6. Khi học có chỗ không hiểu, phải tìm cách để hiểu cho được, không nên lơ là, bỏ qua.

2. Tôn Trung Sơn

Lịch sử nhân loại có thể ghi lại suốt 5.000 năm mà không bị gián đoạn là nhờ có văn tự Trung Hoa. Chúng ta nên trân trọng những tài liệu này, và phải nghĩ đến việc sử dụng chúng như thế nào cho mục đích của mình. (Ảnh: britannica.com)

“Lịch sử nhân loại có thể ghi lại suốt 5.000 năm mà không bị gián đoạn là nhờ có văn tự Trung Hoa. Chúng ta nên trân trọng những tài liệu này, và phải nghĩ đến việc sử dụng chúng như thế nào cho mục đích của mình”.

Để có thể áp dụng đạo lý và quan điểm cũng như trí tuệ của cổ nhân mà không gây bối rối hay chênh lệch quan điểm với thời nay, cần áp dụng những đạo lý ấy vào thực tiễn đúng thời điểm, mà không phải cố chấp thực hiện và nô lệ hóa dưới luận điểm của cổ nhân. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ thu hoạch được nhiều kiến thức của cổ nhân và khi ấy những ghi chép lịch sử hữu ích để lại cho chúng ta sẽ càng hữu ích hơn.

Đúc kết: Cần áp dụng các đạo lý và quan điểm của cổ nhân một cách thích hợp, và biết cách giải quyết hài hòa những vấn đề chúng ta gặp phải.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Khải Phong biên dịch