Trong lịch sử lập quốc của Mỹ, có một vị tướng quân dù đại bại nhưng vẫn được nhân dân ngưỡng mộ và tôn kính… 

6. Hòa ước của những người quân tử

Trong năm 1864, bằng tài năng chiến lược của mình và sự trợ giúp đắc lực của một số danh tướng dưới quyền, tướng Lee đã giành được một số chiến thắng nhất định như trận Cold Harbor, hay chuỗi trận tấn công lên miền Bắc đến tận Washington DC vốn là lãnh địa của tướng Jubal Early, tuy nhiên vẫn không thể đảo chiều cuộc chiến với liên minh miền Bắc vốn hùng mạnh hơn cả về quân sự và kinh tế.

Đầu năm 1865, tướng Ulysses S. Grant dần dần đánh bại lực lượng miền Nam qua chiến dịch Richmond-Petersburg (hay còn gọi là Cuộc vây hãm Petersburg). Đội quân của Lee bị áp đảo và kiệt quệ bởi cuộc chiến tranh dưới chiến hào kéo dài suốt mùa đông trên một mặt trận dài 48km với nhiều trận đánh, bệnh tật và nạn đào ngũ. Quân miền Nam lúc này chỉ còn hai nơi: Binh đoàn Bắc Virginia của tướng Lee đang bị vây tại Petersburg và Binh đoàn Tennessee dưới quyền tướng Joseph E. Johnston tại Bắc Carolina. Mấy chục nghìn quân miền Nam phải đối mặt với lực lượng quân miền Bắc lên đến 280.000 lính.

Ngày 2/4, thủ đô miền Nam là Richmond đã thất thủ, đội quân của tướng Lee bị kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh dần siết chặt vòng vây tại tiểu bang Virginia. Bộ tham mưu quân đoàn đề nghị phân tán để giữ gìn lực lượng, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh du kích lâu dài, nhưng Lee đã quyết định đầu hàng. Vị danh tướng miền Nam đứng trước danh dự bản thân và binh sĩ của mình, ông đã chọn điều thứ hai. Ông nói ngắn gọn với bộ tham mưu của mình:

“Tôi sẽ đến gặp tướng Grant, cho dù điều đó quá nhục nhã đối với tôi”.

(Nguyên văn: I will go and see General Grant and I would rather die a thousand deaths).

Ngay lập tức, ông đích thân soạn một lá thư gửi tướng Grant để yêu cầu sắp xếp một buổi gặp mặt càng sớm càng tốt vì ông không muốn hy sinh thêm bất cứ một sinh mạng nào nữa.

Tướng Grant vô cùng vui mừng khi nhận thư. Dù đối phương đang yếu thế, nhưng với tài năng của tướng Lee, bản thân vị tư lệnh miền Bắc này dù binh hùng tướng mạnh cũng không thể nắm chắc được chiến thắng sau cùng mà không phải trả một cái giá xương máu vô cùng đắt. Với tất cả lòng tôn trọng, ông ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc tỏ bất cứ hành động vô lễ nào với vị tướng tư lệnh miền Nam bại trận.

Trưa 9/4/1865, tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến điểm hẹn trước. Ông vận một bộ quân phục mới màu xám nhạt, hông mang trường kiếm, chòm râu quai nón bạc trắng kết hợp với ánh mắt oai nghiêm của vị tướng thân trải trăm trận càng thể hiện đầy đủ khí phách của một người anh hùng. Khi hai người đi qua, đoàn quân nhạc của lính miền Bắc lập tức đứng “Nghiêm” và thổi kèn chào đón. Khoảng nửa giờ sau, tướng Grant đại diện cho quân đội miền Bắc mới tới. Ông mặc một bộ quân phục như thường ngày và không đeo kiếm. Hai người chào nhau, tướng Grant tiếp tướng Lee thân mật như hai người bạn, chứ không phải giữa một người chiến thắng với kẻ chiến bại. 

Tướng Robert E. Lee gặp tướng Ulysses S. Grant để kết thúc cuộc chiến. (Ảnh: wsj.com)

Sau khi đọc xong văn kiện đầu hàng do tướng Grant trao, thần sắc tướng Lee nhẹ nhõm hẳn khi biết rằng binh sĩ dưới quyền ông được trở về nguyên quán sinh sống như những người dân bình thường, không phải chịu bất cứ một hình thức trả thù nào. 

Ông nói: “Điều này thật tốt đối với mọi người, đặc biệt là với người của chúng tôi”. Tuy nhiên, ông có thêm 2 yêu cầu:

  1. Cho phép binh sĩ của ông được mang ngựa, lừa và súng tay về quê quán để sử dụng trong nông trại, vì không giống như quân đội miền Bắc, đây là tài sản của riêng họ mang theo khi gia nhập quân đội.
  2. Chu cấp lương thực cho 1.000 tù binh quân đội miền Bắc ông đang giữ và các binh sĩ của ông đang đói và hết lương thực.

Cả hai yêu cầu này của tướng Lee đều được tướng Grant đồng ý. Ông ra lệnh cung cấp ngay cho các tù binh và binh sĩ miền Nam 25.000 khẩu phần ăn.

Họp xong, tướng Lee đứng dậy bắt tay tướng Grant, chào mọi người rồi bước ra khỏi phòng họp. Bên ngoài hội trường, các sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đang có mặt đều đứng nghiêm chào vị tướng bại trận. Sau này, khi viết về sự kiện đầu hàng trên, lịch sử Hoa Kỳ đã gọi đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement) vì cả hai bên đều cư xử với nhau bằng một tinh thần nghĩa hiệp và bình đẳng, không áp bức người bại trận.

Trên đường trở về doanh trại, các binh sĩ miền Nam đã dàn hàng nghiêm trang chào vị danh tướng của lòng họ, người mà họ sẵn sàng hy sinh mạng sống để chiến đấu dưới cờ ông. Dù rằng ông vừa ký văn kiện đầu hàng, nhưng ai cũng hiểu đó là điều tốt nhất mà Đại tướng đã làm cho mình. Trước mặt nhiều sĩ quan và binh sĩ đang chờ đợi tại quân doanh, tướng Lee nói:

“Sau 4 năm chiến đấu khó khăn, với sự can đảm và ngoan cường chưa từng thấy, binh đoàn Bắc Virginia bị bắt buộc phải nhượng bộ một lực lượng được hậu thuẫn quá to lớn”.

7. Không có kẻ thù, chỉ có những chiến binh anh em đáng được tôn trọng

Tin đầu hàng của tướng Lee lan ra nhanh chóng, tiếng súng của binh sĩ miền Bắc vang lên khắp nơi để reo mừng chiến thắng. Ngay lập tức, tướng Grant ra lệnh phải chấm dứt hành động đó ngay lập tức:

“Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chiến tranh đã chấm dứt. Giờ họ là đồng bào của chúng ta, chúng ta không được reo mừng trên nỗi đau của họ”.

Ngày 12/4 là ngày quân đội miền Nam nộp súng ống và cờ xí cho quân đội miền Bắc. Tướng Grant giao việc này cho Đại tá Joshua Chamberlain phụ trách. Còn phía miền Nam thì tướng Gordon nhận trách nhiệm. 

Có một điều vô cùng đặc biệt đã xảy ra ngày hôm đó, khi các binh sĩ miền Nam đi theo đội ngũ tới địa điểm để giao súng ống và cờ xí. Đại tá Chamberlain của quân miền Bắc đã ra lệnh cho binh sĩ của mình “bồng súng” và đứng nghiêm chào với một nghi lễ cao nhất cho các binh sĩ miền Nam đi ngang để bày tỏ lòng kính trọng.

Trong hồi ký được viết 40 năm sau sự kiện, Chamberlain đã mô tả những gì xảy ra tiếp theo: “Trong giây phút đó, không hề có một tiếng kèn hay tiếng trống, không một tiếng reo mừng, không một lời nói, không cả một tiếng thì thầm, không một cử động, nhưng là một sự tĩnh lặng khủng khiếp, mọi nhịp thở như ngừng lại và như thể họ đang nhìn những hồn tử sĩ đi qua”.

Tướng Gordon của quân miền Nam vốn chưa bao giờ nhắc về việc này, nhưng sau khi đọc hồi ký của Chamberlain, ông đã gọi Chamberlain là “người sĩ quan hào hiệp nhất của quân đội miền Bắc”.

Với sự đầu hàng của tướng Lee trong trận Appomattox ngày 9/4/1865, tuy quân miền Nam vẫn còn một số lực lượng rải rác khắp nơi nhưng đã phải chịu một tổn thất tinh thần khủng khiếp. Hai tháng sau, toàn thể lực lượng miền Nam phải buông súng và quân miền Bắc chiến thắng, kết thúc cuộc Nội chiến Hoa Kỳ.

Quân phục của binh sĩ Liên Bang trong Nội chiến Hoa Kỳ năm 1863. (Ảnh: wearethemighty.com)

8. Không dựng tượng đài, tất cả vì sự hàn gắn nước Mỹ sau chiến tranh

Sau khi đầu hàng để bảo toàn tính mạng cho binh lính và đạt được thỏa thuận với tướng Grant về việc cho các binh sĩ về quê và không truy cứu chuyện cũ, tướng Lee còn được biết đến vì những đóng góp rất lớn cho sự hàn gắn hai miền sau chiến tranh. Một trong những việc đó là phản đối dựng tượng đài cho các tướng sĩ miền Nam.

Sau khi Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc, ông nhiều lần được đề nghị dựng tượng nhưng luôn từ chối. Trong lá thư năm 1866, ông viết: “Tôi tin rằng, cho dù điều ấy có mang lại cảm giác tri ân cho miền Nam như thế nào thì nỗ lực này trong điều kiện hiện tại của đất nước cũng chỉ mang lại ảnh hưởng trì trệ thay vì thúc đẩy thành tựu; và khiến những khó khăn mà nhân dân miền Nam đang phải chịu đựng tiếp tục tiếp diễn thậm chí là lớn thêm lên” (Nguyên văn: “my conviction is, that however grateful it would be to the feelings of the South, the attempt in the present condition of the Country, would have the effect of retarding, instead of accelerating its accomplishment; [and] of continuing, if not adding to, the difficulties under which the Southern people labour”).

Tháng 6/1866, tướng Lee cũng bác bỏ đề xuất dựng tượng Stonewall Jackson, vị tướng mà tài năng và sự nổi tiếng chỉ đứng sau mình. Ông nói rằng sẽ là không công bằng khi yêu cầu gia đình các cựu binh Liên minh miền Nam quyên tiền để dựng tượng trong khi họ đang vất vả mưu sinh sau chiến tranh. 

Lee tin rằng thay vì bỏ tiền của lẫn thời gian để tưởng niệm các vị tướng Liên minh thì người ta nên “bảo vệ những ngôi mộ và ghi dấu những địa điểm an nghỉ cuối cùng của những người đã ngã xuống” (nguyên văn: “All I think that can now be done is… to protect the graves [and] mark the last resting places of those who have fallen…”).

Tất cả những điều trên, theo giáo sư sử học James Cobb của Đại học Georgia, là do: “Ông ấy bảo ông ấy không hứng thú với bất kỳ tượng đài nào cho mình hay cho phe Liên minh. Tôi không nghĩ rằng điều đó có nghĩa là ông sẽ cảm thấy vui khi những đồng đội chiến đấu cho Liên minh bị quên lãng. Nhưng ông không muốn một sự sùng bái cho miền Nam” (Nguyên văn: “He said he was not interested in any monuments to him or to the Confederacy. I don’t think that means he would have felt good about the people who fought for the Confederacy being completely forgotten. But he didn’t want a cult of personality for the South”).

Trong những năm cuối đời, tướng Lee không viết bất kỳ hồi ký nào kể lại các chiến tích “Bắc chinh”. Thay vào đó, ông viết một quyển tiểu sử ngắn về bố mình, Henry “Light-Horse Harry” Lee, một người hùng của cuộc chiến giành độc lập nước Mỹ. Có lẽ nguyên nhân giống như sử gia Horn nói: “Ông ấy có lẽ chỉ muốn giấu kín câu chuyện (lịch sử), để tiến về phía trước, hơn là đối mặt với những vấn đề đó” (Nguyên văn: “He might just want to hide the history, to move on, rather than face these issues”).

Vậy những vấn đề đó có thể là gì? Đó là nguy cơ rạn nứt sự đoàn kết dân tộc, chia rẽ và xung đột vùng miền, ảnh hưởng đến sự thống nhất của nước Mỹ. Theo thiển ý của người viết thì chỉ nên dựng tượng đài cho các cuộc chiến chống ngoại xâm, còn các cuộc nội chiến thì nên để nó bị lãng quên càng sớm càng tốt. Sự vững mạnh hòa hợp của một đất nước sau chiến tranh phải được coi trọng hơn tâm lý tự thỏa mãn tư tưởng ‘vùng miền’.

9. Thời gian cuối đời: một biểu tượng tôn kính cho cả hai miền Bắc Nam

Năm 1865, Robert E. Lee trở về Richmond – Virginia và nhận lời mời từ phía hội đồng quản trị một trường đại học đang mong muốn nỗ lực trẻ hóa đội ngũ trường sau chiến tranh. Ông trở thành Chủ tịch trường Đại học Washington (Washington College) ở Lexington, Virginia.

Dưới sự lãnh đạo của ông, số lượng sinh viên nhập học vào ngôi trường vốn đang tồn tại chật vật này đã tăng từ vài chục lên hơn 300 người. Ông đã góp phần vào sự ổn định của đội ngũ giảng viên, cải tiến chương trình giảng dạy và điều kiện vật chất của nhà trường.

Thời gian cuối đời, Robert E. Lee trở thành một biểu tượng của miền Nam, một hình tượng trang nghiêm và khắc kỷ được tôn trọng bởi cả hai miền Bắc và Nam với những hành động và suy nghĩ luôn ủng hộ cho việc hàn gắn hai miền, không khơi lại vết thương chiến tranh. Ông bị đột quỵ vào ngày 28/9/1870, và sống thêm hai tuần nữa trước khi qua đời. Sau khi Robert E. Lee mất, ông được chôn ngay trong khuôn viên trường, ngôi trường đã đổi tên từ Đại học Washington thành Đại học Lee (Lee College).

Trong lịch sử nước Mỹ, Robert E. Lee là vị tướng quân dù đại bại nhưng vẫn được ngưỡng mộ vì thái độ của ông đối với thắng thua và lòng nhân hậu bao dung, luôn biết suy nghĩ cho người khác. 

Tĩnh Thuỷ
(Hết)

Bạn đang đọc bài viết: “Vì sao người Mỹ lại tôn kính vị bại tướng này (P.2)” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||f2f7d61aa__

Từ Khóa: