Chu Hi (朱熹) là một học giả Trung Quốc vào thế kỷ 12. Những bài giảng và luận giải của ông về Khổng giáo có sức ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Á Đông. Ông từng viết: “Điều cốt yếu của một ngày nằm ở buổi sáng, của một năm là ở mùa xuân, và của đời người là ở sự siêng năng”. 

Những lời này đã không bị lãng quên. Nhiều thế kỷ sau thời của Chu Hi, đức tính dậy sớm và tận dụng buổi sáng vẫn tiếp tục được những người nổi tiếng và thành công noi theo.

Không bao giờ ngủ nướng

Tăng Quốc Phiên là vị tướng đã lãnh đạo quân Thanh giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa Thái Bình vào thế kỷ 19, cuộc nổi dậy đầy biến động đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người. Hàng ngày, vị tướng này đều thức dậy từ 4 giờ sáng. Trong một lá thư gửi gia đình, ông viết:

“Trong hai thế kỷ qua, các bậc tiền nhân đức hạnh của chúng ta đã hình thành thói quen dậy sớm. Nghe nói là ngay cả trong mùa đông giá lạnh, cụ cố của ta đã dậy trước lúc mặt trời mọc một giờ và cha ta dậy vào lúc mặt trời lên”.

Ông từng dạy con cái rằng: “Hãy dậy sớm, thức dậy vào lúc rạng đông. Khi các con đã dậy thì đừng có lại rơi mình xuống giường nữa”.

Tướng Tăng không chỉ tin vào việc dậy sớm sẽ giúp mình siêng năng mà quả thực, ông coi đó là nền tảng để duy trì sự thành công qua các thời đại. Những thói quen tùy tiện trong một thế hệ là một dốc trượt. Nó sẽ lớn dần lên và rồi đe dọa cả gia đình trong thế hệ kế tiếp.

“Khi một thế hệ sa vào giấc ngủ lười biếng, thế hệ tiếp theo sẽ chìm đắm trong những ý tưởng suy đồi”, ông cảnh báo.

Chân dung Tăng Quốc Phiên. Ảnh qua: tinhhoa.net

Những người dậy sớm gây ấn tượng

Ba vị hoàng đế vĩ đại nhất của triều đại nhà Thanh, triều đại mà tướng Tăng phục vụ, những người đã trị vì đất nước tổng cộng khoảng 140 năm vào thế kỷ 17 và thế kỷ 18 đều thức dậy vào lúc 5 giờ sáng và thiết triều lúc 9 giờ. Những bậc đế vương chuyên cần này đã đóng góp to lớn cho Trung Hoa.

Lý Hồng Chương, một chính khách nổi tiếng từng phục vụ trong quân đội của Tăng Quốc Phiên khi còn trẻ dường như cũng thấm nhuần những lời dạy từ tướng quân của ông. Không đạt mốc 4 giờ sáng như tướng Tăng, nhưng dù sao ông cũng thức dậy lúc 6 giờ để viết hàng trăm chữ thư pháp như một phần trong công việc thường ngày.

“Không khí buổi sáng là trong lành nhất”, người lính mà sau này trở thành tổng đốc đã viết. “Không khí trở nên hôi hám khi phòng ngủ đóng chặt cửa ban đêm. Khi hít khí trời trong lành vào, con người sẽ cảm thấy sáng khoái và đầy khí lực để chống lại bất cứ căn bệnh nào”.

Lý Hồng Chương dẫn đầu đoàn đại biểu đàm phán với phương Tây. Ảnh qua: vietbao.vn

Cho đến thời của Lý Hồng Chương và Tăng Quốc Phiên, các hoàng đế nhà Thanh đều thức dậy muộn và điều hành việc triều chính một cách miễn cưỡng. Họ khét tiếng vì lối sống suy đồi và để quyền lực chính trị thực sự rơi vào tay của những người phía sau hậu trường. Trung Quốc thời nhà Thanh đã phải gánh chịu hết thảm họa này đến thảm họa khác vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Mặc dù các nhà cải cách sáng suốt và nhiều vị tướng lĩnh kiên định đã nỗ lực hết mình, nhưng triều đại này đã sụp đổ vào năm 1911 dưới sức nặng của vấn nạn tham nhũng và sự hư nát cả về chính trị và xã hội.

Giữa sự tham nhũng và suy đồi cuối thời nhà Thanh, Lý Hồng Chương đã nổi bật lên như một tấm gương hiếm hoi của một viên quan đầy năng lực. Mặc dù ông không thuộc dân tộc Mãn Châu (của các hoàng đế nhà Thanh) mà là một người Hán, triều đình vẫn trao cho ông rất nhiều quyền lực.

Với thẩm quyền của mình, Lý Hồng Chương đã đưa các phương pháp quân sự, kinh doanh, và công nghiệp hiện đại vào Trung Quốc. Ông cũng nuôi dưỡng một thế hệ những quan viên có hoài bão và tài năng từ quê nhà của ông là tỉnh An Huy.

Dậy sớm cũng có nghĩa là tiến về phía trước

Lucius Annaeus Seneca, một triết gia La Mã thuộc trường phái khắc kỷ, đã từng nói: “Cuộc sống ta nhận được không hề ngắn ngủi, nhưng chúng ta biến nó thành ngắn, và cũng không phải chúng ta thiếu nó, mà là đang lãng phí nó”.

Kim Woo-choong, nhà sáng lập và đồng thời là chủ tịch Tập đoàn Daewoo, nói: “Tất cả chúng ta đều có 24 giờ trong một ngày. Mọi người sinh ra đều bình đẳng về khía cạnh này. Chính cách sử dụng quỹ thời gian đó khiến chúng ta khác nhau”.

Trong một sưu tầm về những tục ngữ dân gian và châm ngôn Trung Quốc có đoạn trích: “Ai đến trước thì chỉ huy, ai đến muộn sẽ bị chỉ huy. Bạn không thể khẳng định mình là người đến đầu tiên, bởi người làm chứng chính là những người đã đến trước bạn”.

Một thành ngữ khác, tương tự như câu “Chữa ngay đỡ gay sau này“ (a stitch in time save nine) là: “Dậy sớm sẽ không phải vội vã, dậy muộn phải vật lộn với số phận”.

Hồng Liên biên dịch 

Xem thêm: