Một người tu hành phạm một lỗi nhỏ không có gì đáng kể nhưng bị Thần truy vấn và trách tội. Anh cho rằng việc Thần làm là chuyện bé xé ra to, mê hoặc không hiểu nổi. Cuối cùng được Thần khai thị, anh đã hiểu rõ sự từ bi và dụng ý của Thần.

Người tu hành
bị Thần quở trách

Có một người tu hành tâm địa vô cùng thiện lương, thuần tịnh và tinh tấn. Anh dựng căn nhà tranh trong rừng, hàng này học Pháp tụng kinh dưới gốc cây đại thụ, trì chú giữ giới luật, đả tọa nhập định.

Nhưng một giai đoạn thời gian trở lại đây, anh đả tọa thường xuất hiện trạng thái mê mờ. Một hôm anh đả tọa, vẫn trong trạng thái mê mờ nhập định đó, khi xuất định, anh cảm thấy còn chút mê mờ nên bước đi dạo quanh khắp nơi. Đột nhiên khi ngẩng đầu lên, anh thấy trước mặt là một hồ sen, hoa sen đã nở rộ kín đầm, đang lắc lư đón gió, vô cùng xinh đẹp.

Trong lòng anh bỗng nhiên cảm thấy rất vui vẻ, nảy sinh ý nghĩ: “Hoa sen đẹp như thế này, hái một bông đem về tinh xá cắm trong bình dâng lên lễ Phật, khi tọa thiền lại có thể ngửi được hương thơm thấm sâu vào tâm can như thế này, thì đả tọa nhất định sẽ thanh tỉnh nhập định, cảm giác này giống như ở trên Thiên thượng vậy”.

Thế là anh nhẹ nhàng khom người lựa chọn một bông hoa sen ưng ý ven hồ rồi hái lấy. Người tu hành dùng hai tay nâng đóa hoa sen trước ngực, lòng tràn ngập niềm vui. Đúng lúc anh chuẩn bị cất bước trở về thì bên tai vọng đến âm thanh lớn trầm trầm vang vọng: “Ngươi có phải là người tu hành không? Sao lại dám tùy tiện hái trộm hoa sen của ta?”.

Người tu hành nhớn nhác nhìn quanh, chẳng thấy bất kỳ người nào cả. Trong lòng nghi hoặc, anh đành ngửa mặt nói với hư không rằng: “Ông là ai? Tại sao nói hoa sen này là của ông?”.

Âm thanh từ hư không vọng xuống, bình tĩnh uy nghiêm: “Ta chính là Thần hồ sen này, tất cả những bông sen trong hồ đều là do ta chăm chút trông nom nên mới sinh trưởng và nở đẹp như thế này đó. Ngươi là người tu hành, trong tâm khởi niệm tham lam, ngươi không ước thúc bản thân, để mặc lòng tham làm chủ ngươi, sai khiến ngươi đi hái trộm hoa sen của ta. Đến tận bây giờ mà vẫn chưa biết lỗi chưa biết xấu hổ phản tỉnh ư, là đạo lý gì vậy?”.

Người tu hành nghe xong đột nhiên cảm thấy xấu hổ. Thấy mình trái lý, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy lăn tăn rằng Thần hồ sen việc bé xé ra to. Tuy vậy, anh cho rằng vẫn nên nói lời xin lỗi với Thần. Thế là anh hướng lên hư không đảnh lễ nói: “Thần hồ sen tôn kính, tôi biết lỗi rồi, từ nay trở đi tuyệt đối sẽ không tham lấy bất kỳ vật gì không thuộc về mình nữa”.

Con bạc hái hết hồ sen
Thần lại không
một lời trách tội

Đúng lúc anh nói lời xin lỗi thì có một người lạ mặt không biết từ đâu chạy đến bên hồ sen. Anh chỉ thấy người này cúi đầu nói một mình: “Ôi, nhiều hoa sen nở rộ như thế này! Đẹp quá! Sao mình không hái đem ra chợ bán nhỉ, có thể kiếm được khối tiền đây! Lần này không phải buồn nữa rồi, bán đi có tiền lại vào sòng bạc, nhất định phải thắng lại số tiền đã thua bạc ngày hôm qua!”.

Nói rồi, người này liền nhảy xuống hồ sen. Rất nhanh chóng, anh ta đã hái hết sạch hoa sen trong hồ. Anh ta hái thô bạo, còn làm giập nát rất nhiều lá sen, giẫm bùn đục ngầu khắp mặt hồ. Hồ sen xanh ngát với những bông sen tươi tắn thơm ngát trong chốc lát đã thành một hồ nước tan hoang vẩn đục. Sau đó, anh ta đắc chí nghênh ngang ôm bó hoa sen đi.

Người tu hành trông thấy thế thì ngây người há hốc miệng ra nhìn. Điều khiến anh càng không thể hiểu nổi là Thần hồ sen – chúa tể của hồ sen này lại chẳng nói một lời nào, cứ như là không có chuyện gì xảy ra vậy. Đến khi con bạc trộm sen kia đi khuất, quanh hồ sen vẫn lặng ngắt như tờ.

Người tu hành lúc này trong lòng đầy nghi hoặc, lại có cảm giác ấm ức và không hài lòng. Anh lại hướng lên hư không nói: “Thần hồ sen à, tôi chẳng qua cũng chỉ hái có một bông sen mà ông lại trách mắng nghiêm khắc như thế! Vừa rồi có người đã hái sạch hoa sen trong hồ của ông, thậm chí còn bẻ gãy lá, giẫm đạp hồ như thế mà ông vẫn chẳng nói một lời, nhìn mà như không thấy, như thế có công bằng không?”.

Thần hồ sen nói đạo lý

Lúc đó, từ trên hư không lại vọng xuống âm thanh từ bi của Thần hồ sen:

“Một tấm vải trắng tinh khiết, bị một giọt nước bẩn vấy lên thì vết bẩn hiển hiện rất rõ ràng. Nhưng chỉ cần bỏ công sức giặt rửa là sẽ lại trắng trong tinh khiết như cũ. Một miếng giẻ lau, quanh năm suốt tháng dầm trong nước bẩn, vừa bẩn lại vừa cứng, e rằng có giặt rửa cũng không thể tẩy sạch được.

Ngươi là một người tu hành, giống như tấm vải trắng tinh kia. Ta trách mắng ngươi là để nhắc nhở ngươi kịp thời ý thức được mình đã bị nhiễm một vết bẩn, cần phải trừ sạch nó đi, thăng hoa cảnh giới của mình. Nghe được lời phê bình, ngươi nên cảm thấy vui mừng mới đúng.

Còn người nghiện cờ bạc kia đã sa đọa quá lâu rồi, khó mà có được ý nghĩ gột rửa tâm hồn, sửa đổi lỗi lầm. Anh ta sẽ tự rơi vào ác đạo chịu báo ứng. Ta việc gì phải quở trách anh ta đây?”.

Người tu hành nghe lời khai thị của Thần hồ sen thì vô cùng xấu hổ. Thần lại tiếp tục chỉ dạy anh rằng: “Là một người tu hành, việc gì cũng nên trước tiên tu chính hành vi bản thân. Làm sao có thể không suy xét bản thân, hướng vào nội tâm tìm lỗi lầm khiếm khuyết của mình, mà lại còn hướng ra bên ngoài tìm cầu, cứ chăm chăm nhìn lỗi lầm của người khác như thế?”.

Người tu hành lúc này ngộ Đạo. Chẳng phải vừa rồi mình cứ chăm chăm nhìn lỗi lầm của người khác, tự thấy bất bình, trong tâm cứ mãi không buông bỏ ư? Thảo nào mình đả tọa cứ chìm trong mê mờ, không thanh tỉnh chính định. Cứ chăm chú một mực tụng kinh, trì chú thì cũng chưa phải là tu hành. Gặp sự việc không biết tìm lỗi lầm của bản thân, lại còn bực tức với lỗi lầm của người khác, thế thì sao có thể được giải thoát đây!

Theo Vision Times

Biên dịch:
Kiến Thiện

Ảnh trong bài:
Minghui.org

Thiết kế:
Tự Minh

Biên dịch: Kiến Thiện
Ảnh trong bài: Minghui.org