Trong Tứ đại danh tác, Hồng Lâu Mộng được coi là “tuyệt thế kì thư”, nghĩa là pho sách kỳ lạ nhất thế gian. Sức hấp dẫn của tác phẩm làm người ta say mê thích thú, trong dân gian cũng lưu truyền hai câu thơ rằng:

Khai đàm bất thuyết Hồng Lâu Mộng
Độc tận thi thư diệc uổng nhiên

Nghĩa là:

Văn chương không nói Hồng Lâu Mộng
Đọc hết Thi, Thư liệu ích gì?

Giữa đôi bờ hư thực

Chỉ riêng dung mạo của một mình Lâm Đại Ngọc thôi, trong sách viết như thế nào?

“Đôi lông mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi con mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui. Má hơi lúm, có vẻ âu sầu. Người hơi mệt, trông càng tha thướt. Lệ rớm rưng rưng, hơi ra nhè nhẹ. Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ; dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió. Tim đọ Tỉ Can hơn trăm khiếu, bệnh so Tây Tử trội vài phân”.

Còn Hưng Nhi, vốn là người trong nhà, khi hình dung về Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa thì nói rằng:

“…Hai chị em họ hoặc là ngồi xe ra ngoài, hoặc là gặp nhau trong khuôn viên, chúng tôi ngay đến cả thở cũng không dám thở mạnh nữa là, chỉ sợ chẳng may thở mạnh quá, sẽ thổi ngã Lâm cô nương mất; hoặc như hơi thở ấm quá, sẽ tan chảy Tiết cô nương thì thật là nguy”. 

Miêu tả tinh tế lại dạt dào khoảng không tưởng tượng như vậy, chẳng trách người đời sau chọn diễn viên dù xinh đẹp thế nào, vẫn luôn cảm thấy có phần tục khí.

“Hồng Lâu Mộng” là tinh hoa trong các danh tác cổ điển, toàn bộ quyển sách đã miêu tả tới hơn 500 nhân vật, trải qua đủ mọi vinh hoa phú quý, mưu cầu danh lợi, bi hoan ly hợp, đến cuối cùng hết thảy danh lợi tình chốn thế gian đều chỉ là một tràng hư không. Trong đó đã bao hàm luân lý đạo đức của Nho gia, đồng thời cũng bao hàm đời sống thanh tâm quả dục, một lòng hướng đạo tu hành, thoát khỏi bể khổ của Phật gia và luyện đan xuất thế của Đạo gia. Hơn nữa mỗi nhân vật chính đều có thủy có chung, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.

“Hồng Lâu Mộng” đã hỏi thế gian suốt hơn 200 năm, từ Trung Quốc cho đến toàn thế giới, những người nghiên cứu nó, cũng chính là những Hồng học gia (các chuyên gia nghiên cứu Hồng Lâu Mộng), số lượng nhiều đến nỗi không một bộ tác phẩm thứ hai nào có thể sánh được. Luận văn nghiên cứu, tác phẩm chuyên ngành nhiều đến mức nếu lấy chữ số mà luận bàn, thì từ lâu đã vượt quá nguyên tác trăm nghìn lần. Nhưng đáng tiếc là, e rằng chẳng có mấy ai dám tự tin rằng bản thân thật sự đọc hiểu “Hồng Lâu Mộng”.

Bởi vì, những chỗ mê khó giải trong Hồng Lâu Mộng thật sự quá nhiều. Người đời vẫn cho rằng những gì sờ không được, nhìn không thấy, liền cho là không có thật, bèn phủ nhận sự tồn tại của nó. Mà vừa khéo thay chỗ mấu chốt có sức hấp dẫn nhất, sinh động nhất, cũng là chỗ khiến người ta khó hiểu Hồng Lâu Mộng nhất, lại là những sự tình mà bản thân chúng ta chưa trải qua, cũng chưa từng chứng kiến trong cuộc sống hiện thực.

Ví như, trong hồi thứ 5, Giả Bảo Ngọc trong một giấc mơ hết sức ngắn ngủi, thần thức đã trải nghiệm chuyến đi vào trong Thái Hư Cảnh Ảo. Dưới sự dẫn dắt của tiên cô Cảnh Ảo, cậu đã du ngoạn khắp tiên cảnh “không một chút dấu vết bụi trần”.

Cảnh Ảo tiên tử còn cho phép Bảo Ngọc xem quyển chính, quyển phụ của “Kim Lăng thập nhị thoa”, bên trên đã chép số mệnh của những phụ nữ thuộc hàng thượng, trung, hạ trong Giả phủ, nội dung là dùng tranh vẽ vần thơ biểu thị. Cảnh Ảo tiên tử thấy Bảo Ngọc xem xong vẫn chưa thể từ trong tình sắc mà tỉnh ngộ, liền dẫn cậu đến nơi cột vẽ xà chạm, rèm châu màn thêu hoa tiên để lắng nghe diễn xướng 12 tiên khúc trong Hồng Lâu Mộng.

Mãi đến khi Bảo Ngọc gặp phải nguy hiểm trong mơ, có rất nhiều dạ xoa, quỷ biển muốn lôi cậu xuống, sợ đến khắp người ướt đẫm mồ hôi, cậu mới thất thanh hét lên: “Khả Khanh, cứu tôi!”. Lúc này, Tần Khả Khanh, người mời cậu vào phòng nghỉ, chỉ vừa mới đi ra bên ngoài, bước đến dưới mái hiên của cánh cửa thôi, vậy mà giấc mơ của Bảo Ngọc đã trải qua rất nhiều biến cố rồi. Điều được viết ở đây hiển nhiên là hai khái niệm thời gian, không gian khác nhau.

Vậy nên trong sách nhiều lần đề cập đến hai câu đối trong Thái Hư Cảnh Ảo, trên đó viết: “Giả bảo là chân, chân cũng giả. Không làm ra có, có rồi không”. Chỗ khó giải trong Hồng Lâu Mộng chính là thật giả khó phân, nhưng chúng ta lại thường quen với việc lấy giả làm thật.

Nói về việc “vì sao Lâm Đại Ngọc thích khóc?”

Bao nhiêu năm qua, dựa theo phân tích quy nạp trong các bài viết của các chuyên gia nghiên cứu Hồng học, đại khái quy thành ba nguyên nhân dưới đây:

1. Lâm Đại Ngọc mất cha mẹ từ khi nàng còn nhỏ, phải xa quê nhà đến kinh thành sống cảnh ăn nhờ ở đậu (tức là do hoàn cảnh dẫn đến).
2. Người nàng yếu ớt lắm bệnh, đa sầu đa cảm (tức nguyên nhân giữa tính cách và sức khỏe).
3. Nàng bụng dạ hẹp hòi, thích đố kỵ (tức phương diện tình cảm).

Tạo hình Lâm Đại Ngọc trong phim Hồng Lâu Mộng 1987.

Thứ nhất, Đại Ngọc xác thật là cha mẹ đã mất ngay khi nàng còn nhỏ, xác thật là nghìn dặm xa xôi từ Dương Châu đến Kinh Thành, nương nhờ nhà bà ngoại. Nhưng trong sách, những tình tiết cho thấy nàng đau buồn bởi điều này thật sự rất ít.

Thứ hai, cô Lâm quả thật là yếu đuối nhiều bệnh. Đã có thời, người ta thường nói “em Lâm liễu yếu đào tơ” để ám chỉ một cô gái ốm yếu. Nhưng đây cũng không phải là nguyên nhân thích khóc thật sự của nàng. Đại Ngọc đã từng khóc đến nôn ra máu, nhưng lại chưa lần nào vì chuyện nôn ra máu mà sợ sệt khóc lóc.

Thứ ba, trong “Hồng Lâu Mộng”, xác thực là đã tốn không ít giấy mực để viết về Đại Ngọc, rằng giữa nàng và Bảo Ngọc tình cảm rất hòa thuận, thân mật như keo sơn, không hề xích mích nhau điều gì. Vậy mà đột nhiên lại xuất hiện một nàng Bảo Thoa, hơn nữa chị Bảo này “phẩm cách đứng đắn, phong tư lộng lẫy, cư xử khoát đạt, tùy phận theo thời, rất được lòng mọi người trên dưới trong phủ”.

Chị Bảo có duyên với Bảo Ngọc hơn, em Lâm thật sự rất lo lắng. Về sau, quả thật là Bảo Ngọc và Bảo Thoa đã nên duyên, nhưng điều này cũng chỉ cho thấy những lo lắng trong tâm Đại Ngọc là có đạo lý, chứ không thể khẳng định nàng thích khóc là vì đố kỵ với Bảo Thoa.

Một là, Đại Ngọc thích khóc là đặc điểm trước khi Bảo Thoa xuất hiện. Hai là, em Lâm tuy thích khóc thật, nhưng nàng tuyệt đối không phải là mẫu người yếu đuối, tự ti. Trái lại, em Lâm trước nay bản tính kiêu kỳ tự phụ, chẳng chịu kém ai, luôn thích nói kháy người khác.

Ở Vinh quốc phủ, “miệng lưỡi của cô Lâm còn ghê gớm hơn cả lưỡi dao”. Đồng thời, tài thơ văn của nàng càng là không ai có thể bì được. Trong làng thơ của Đại Quan viên, thơ của Đại Ngọc được khen ngợi nhiều nhất. Một Lâm Đại Ngọc cao ngạo, tài hoa dạt dào, chẳng chịu kém ai như vậy, sao có thể vì đố kỵ người khác mà khóc lóc sầu khổ đây?

Thế thì, nguyên nhân thích khóc thật sự của em Lâm rốt cuộc là gì? Đọc kỹ một lượt Hồng Lâu Mộng, sẽ không khó để nhận ra rằng lần nào em Lâm khóc cũng đều có liên quan tới Bảo Ngọc.

Ví dụ, nàng từ Dương Châu đến Giả phủ, lần đầu tiên một mình rơi lệ cũng là đêm đầu tiên nàng đến nơi. Mọi người đều đã ngủ, Đại Ngọc ngồi trên giường buồn rầu gạt nước mắt. Vì sao vậy? Bởi vì ban ngày, Bảo Ngọc mới gặp Đại Ngọc lần đầu mà như đã quen thân, bèn nói với Giả Mẫu rằng: “Em gái này, con đã từng gặp qua”, sau đó hỏi nàng: “Em có ngọc hay không?”.

Đại Ngọc từng nghe mẹ kể, người anh họ của nàng ngay lúc chào đời trong miệng đã ngậm một miếng ngọc, bèn đáp lại rằng: “Em không có ngọc. Thứ ngọc của anh là vật rất hiếm, phải đâu người nào cũng có?”. Bảo Ngọc nghe vậy, nổi giận đùng đùng, dứt viên ngọc vứt phăng đi, la ầm lên: “Vật này hiếm gì mà hiếm! Không phân biệt được người hơn kém, thế thì bảo nó thiêng hay không thiêng? Tôi không cần cái thứ vô dụng này!”.

Mọi người sợ hãi, xô nhau lại nhặt viên ngọc, dỗ dành cậu đeo vào. Bảo Ngọc nước mắt giàn giụa nói: “Các chị em trong nhà không ai có, chỉ một mình cháu có cũng chẳng thú gì. Ngay cô em mới đến đây, người đẹp như tiên mà cũng không có, càng biết cái này chẳng quý hóa gì”.

Đại Ngọc nghĩ đến chuyện mới xảy ra mà khóc thút thít. Sau này, nàng và Bảo Ngọc đều ở trong phòng của Giả mẫu, thân thiết như hình với bóng. Nhưng không phải là vì Bảo Ngọc chọc nàng khóc, mà chính là bởi Bảo Ngọc quá cẩn thận, quá chu đáo, khiến nàng cảm động rơi lệ. Về sau họ vào sống trong vườn Đại Quan, tình cảm vẫn y như vậy, chỉ là khóc nhiều hơn so với trước mà thôi.

Đại Ngọc và Bảo Ngọc trong phim Hồng Lâu Mộng 1987.

Ví như trong hồi 26: Một ngày kia, sau khi dùng bữa tối xong, Đại Ngọc từ nơi mình ở là Tiêu Tương quán đi đến Di Hồng viện thăm Bảo Ngọc. Vừa khéo a hoàn của Bảo Ngọc là Tình Văn đang cãi nhau với Bích Ngạn, hai người không ai chịu ra mở cửa. Đại Ngọc lớn tiếng nói: “Là tôi đây! Còn chưa mở cửa sao?”. Tình Văn vẫn không nghe rõ, lại gắt lên: “Chị là ai cũng mặc kệ, cậu Bảo đã dặn tôi nhất thiết không để người nào vào!”.

Đại Ngọc nghe thấy những lời này, nước mắt chảy xuống ròng ròng, thật đúng là về không tiện, đứng cũng không tiện. Đương lúc phân vân, nghe ở trong nhà có tiếng cười nói, lắng tai mãi thì ra tiếng Bảo Ngọc và Bảo Thoa. Đại Ngọc càng giận, nghĩ quanh nghĩ quẩn, sực nhớ tới việc sáng hôm nay: “Có lẽ vì anh ấy giận ta, cho là ta đi mách anh ấy. Nhưng khi nào ta lại mách! Anh ấy không chịu nghe ngóng kỹ, lại giận ta đến nỗi này à! Hôm nay không cho ta vào, liệu ngày mai không gặp mặt được sao?”.

Càng nghĩ càng đau xót, thôi thì mặc kệ rêu xanh sương lạnh, đường hoa gió lùa, một mình thơ thẩn, đứng dưới bóng cây bên góc tường, rầu rầu thổn thức, nức nở nghẹn ngào. Đại Ngọc vẫn sẵn dáng điệu tuyệt vời, nhan sắc hiếm có. Ngờ đâu trận khóc này làm chim chóc đương đậu trên cành liễu và khóm hoa gần đấy, cũng xào xạc bay xa, không nỡ nghe những tiếng khóc than ai oán.

Lại như hồi thứ 34, sau khi Bảo Ngọc bị cha đánh, nằm thiếp trên giường, mông đau như kim châm dao cắt, người nóng như lửa đốt, hễ cựa quậy một chút là phải kêu lên mới chịu được. Đương lúc bàng hoàng hoảng hốt, chợt có người lay dậy, nghe những tiếng khóc lóc thảm thương, Bảo Ngọc giật mình thức tỉnh đưa mắt nhìn, thì thấy không phải ai xa lạ mà chính là Đại Ngọc. Ngỡ là mình nằm mê, Bảo Ngọc vội vươn người lên nhìn vào mặt người kia, thì thấy hai mắt sưng mọng, nước mắt giàn giụa, không phải Đại Ngọc thì còn là ai?

Bảo Ngọc muốn nhìn nữa, nhưng vì nửa người phía dưới đau quá không thể chịu nổi, liền kêu “Ối chao” một tiếng rồi lại nằm vật xuống, thở dài và nói: “Em lại đến đây làm gì? Mặt trời mới lặn, đất hãy còn nóng, nếu bị cảm nắng thì làm thế nào? Anh bị đòn, không đau lắm đâu. Anh giả cách làm ra thế này để đánh lừa họ đồn đại đến tai ông đấy thôi, em đừng tin là thực”. Bấy giờ Đại Ngọc khóc không ra tiếng, cứ nức nở sụt sùi càng thêm não ruột. Bảo Ngọc nói xong, Đại Ngọc lòng càng ngổn ngang trăm mối, nghẹn ngào không thốt nên lời.

Vậy nên, không phải là Bảo Ngọc vô ý chọc em Lâm khóc, mà chính là tấm chân tình của chàng đã cảm động nàng. Nàng luôn khóc vì Bảo Ngọc, vì Bảo Ngọc mới khóc.

Vì sao Đại Ngọc nhất định phải “khóc”, nhất định phải “khóc” như vậy?

Trong hồi thứ nhất của Hồng Lâu Mộng, nhà sư đã kể một câu chuyện như sau:

“Thật là câu chuyện nghìn xưa ít thấy. Chỉ vì bên bờ sông Linh Bà ở Tây phương, bên cạnh hòn đá Tam Sinh có một cây Giáng Châu được Thần Anh làm chức chầu chực ở cung Xích Hà, ngày ngày lấy nước cam lộ tưới bón nó mới tươi tốt sống lâu. Đã hấp thụ tinh hoa của trời đất, lại được nước cam lộ chăm bón, cây Giáng Châu thoát được hình cây, hóa thành hình người, tu luyện thành người con gái, suốt ngày rong chơi ngoài cõi trời Ly Hận, đói thì ăn quả “Mật Thanh”, khát thì uống nước bể “quán sầu”.

Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới, cho nên trong lòng nó vẫn mắc míu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương một mối tình gì đây. Gần đây, Thần Anh bị lửa trần rực cháy trong lòng, nhân gặp trời đất thái bình thịnh vượng muốn xuống cõi trần để qua kiếp “ảo duyên”, nên đã đến trước mặt vị tiên Cảnh Ảo ghi sổ. Cảnh Ảo liền hỏi đến mối tình bón tưới, biết chưa trả xong, muốn nhân đó để kết liễu câu chuyện. Nàng Giáng Châu nói: ‘Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!”. 

Vậy nên, trong hồi thứ nhất của Hồng Lâu Mộng, tác giả đã đem mối quan hệ nhân duyên đời trước của hai người bàn giao rõ ràng. Thì ra, giữa hai người là một loại quan hệ báo ân, chứ không phải là quan hệ tình duyên. Vậy nên, dù cho tình cảm giữa Đại Ngọc và Bảo Ngọc sâu đậm thế nào, yêu nhau tha thiết bao nhiêu, đến phút cuối cùng cũng chỉ là “Một người là trăng in đáy nước, một người là hoa lồng bóng gương”, vì thế mà em Lâm chỉ có thể “nước mắt chảy dài cả năm ròng”.

Đến đây, bạn có thể thắc mắc, nếu như trong hồi thứ nhất đã bàn giao rõ ràng như vậy rồi, vậy tại sao người đời vẫn xem không hiểu đây? Thật ra, “không hiểu” được nói đến ở đây, nói rõ hơn nữa thì chính là “không tin”.

Không tin con người ta có kiếp trước kiếp sau. Không tin ân huệ đời trước cần phải báo đáp, nợ nghiệp đời trước ắt phải hoàn trả.

Không tin ngoài không gian mà chúng ta đang sinh tồn này còn có khái niệm thời gian khác nữa, hoặc là không gian không có khái niệm thời gian.

Không tin rằng con người ta khi vừa mới sinh ra, số mệnh một đời của anh ta đã đồng thời tồn tại trong không gian khác rồi.

Chính bởi vì “không tin” này, vậy nên hậu thế mới không thể tìm được đáp án của những ẩn đố khó giải trong “Hồng Lâu Mộng”. Nghiên cứu nhiều chục năm, thậm chí cả một đời, cũng chỉ có thể phân tích, quy nạp, khảo chứng những hiện tượng phức tạp trong sách, nhưng trước sau lại không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.

Lâm Đại Ngọc một đời “hoa lồng trong gương, trăng in đáy nước”, cuối cùng khóc đến nước mắt cạn khô, ôm hận mà qua đời. Thật ra tất cả được thể hiện trong truyện chỉ là toàn bộ quá trình Giáng Châu tiên tử hạ phàm, vì để báo đáp cái ân tưới nước cam lồ mà nếm trải bể khổ của kiếp người mà thôi. Thật đúng là:

“Khi giả làm thật, thật cũng giả
Không xem là có, có về không”

Theo epochtimes
Thiện Sinh biên dịch

Video: 6 câu nói của cổ nhân giúp bạn thấy rõ lòng người thật giả

videoinfo__video3.dkn.tv||c2ffc7adb__