Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.

Trong lịch sử khó tìm được một vị quốc sĩ nào như ông, không những nổi danh ở đất Việt mà còn “mang chuông đi đánh xứ người” khiến cho ngoại bang phải nể phục. Cuộc đời ông giống như một hành trình phiêu lưu kỳ thú. Chúng ta đang nói đến lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Hoa sen trong giếng ngọc

Mạc Đĩnh Chi (1280 – 1346), tên tự là Tiết Phu, hiệu là Tích Am, là một quan đại thần triều Trần, lưỡng quốc Trạng nguyên. Đĩnh Chi mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên sự nghèo khó ấy càng mài dũa cho ý chí tự lập của Mạc Đĩnh Chi. Ông luôn nung nấu quyết tâm học hành thành tài để thay đổi vận mệnh, giúp sức cho đời.

Gia cảnh tuy nghèo khó nhưng mẹ ông vẫn nhịn ăn nhịn mặc, chu cấp cho Đĩnh Chi ăn học đến nơi đến chốn. Cảm động tấm lòng của mẹ nên Mạc Đĩnh Chi rất ham học, không lúc nào ngơi đọc sách, nghiền ngẫm nghĩa sách, kể cả lúc gánh củi đi bán. Không có sách học, thì mượn thầy mượn bạn, Mạc Đĩnh Chi cố tìm học sách thánh hiền.

Không có tiền mua nến, để đọc sách Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thì lấy lá rừng đốt lên mà học. Hoàn cảnh thật vô cùng gian khổ nhưng ông không hề nản chí. Do có nghị lực phi thường, cộng với bản tính thông minh trác việt, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng là thần đồng Nho học xứ Đông (tức Hải Dương ngày nay). 

Trời cũng chiều lòng người, nhất là người thành tâm hướng thiện và nhẫn chịu khó khăn không lời oán thán. Cuối cùng cơ hội cũng đến với ông. “Lịch triều hiến chương loại chí” có chép: “Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc mở học đường, tập hợp văn sĩ bốn phương, chu cấp cho ăn mặc, đào tạo nhiều nhân tài, trong đó có Mạc Đĩnh Chi“. 

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu, v.v… gồm 20 người, đều được dùng cho đời“. 

Năm 1304 đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi Cống sĩ lấy 44 người đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên; Bùi Mộ đỗ Bảng nhãn, Trương Phóng đỗ Thám hoa. Khi mới nhìn thấy dung mạo ông, nhà vua chê xấu. Mạc Đĩnh Chi bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Sen trong giếng ngọc) để tự ví mình với sen. Trong bài phú có đoạn: 

Há rằng trống rỗng bất tài
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay
Nếu ta giữ mực thẳng ngay
Mưa sa gió táp xem nay cũng thường

Vua Trần Anh Tông xem, khen hay, bèn thăng ông làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.

Mạc Đĩnh Chi thi đỗ trạng nguyên. (Ảnh dẫn theo truyenxuatichcu.com)

Làm quan thanh liêm, đạo đức sáng ngời

Sống một cuộc đời nghèo khó từ nhỏ, sau khi đỗ đạt hiển hách, làm đại quan triều đình, rất nhiều người sẽ bị danh lợi cám dỗ mà bán rẻ lương tâm, tham ô của công, không việc xấu nào không làm. Nhưng Mạc Đĩnh Chi là một trường hợp hoàn toàn khác. Ông chính thực là người đạo đức cao thượng, luôn sống rất trong sạch, một lòng nghĩ cho dân cho nước.

Một lần, vua Trần Minh Tông cho gọi viên quan nội thị đến nói nhỏ :

– Nghe nói các quan và dân chúng đều nói Mạc Đĩnh Chi là người liêm khiết, thẳng thắn lắm. Trẫm định thử xem có đúng như thế chăng?

Nói đoạn, vua Minh Tông lấy 10 quan tiền đặt vào tay viên quan nội thị, rồi ghé sát tai thì thầm to nhỏ. Viên quan nội thị tâu :

– Thần sẽ làm đúng như ý bệ hạ sai bảo.

Sáng ấy, Đĩnh Chi dậy sớm hơn thường lệ. Trời còn chưa sáng rõ, ông đã tập xong hai bài quyền. Ông vươn người hít thở không khí trong lành của buổi sớm ban mai. Xong công việc thường lệ, ông lững thững vào nhà. Vừa bước lên bậc cửa, bỗng ông kêu lên kinh ngạc :

– Ô kìa! tiền của ai đánh rơi mà nhiều thế kia?

Ông nhặt lên đếm, vừa tròn 10 quan. Ông thầm nghĩ: “Thật kỳ quái! Đêm qua không có ai lại chơi, sao có tiền rơi?“. Ông vội vã khăn áo chỉnh tề, vào yết kiến nhà vua :

– Tâu bệ hạ, thần sáng nay có bắt được 10 quan tiền ở trước cửa nhà, hỏi khắp cả mà không ai nhận, thần xin trao lại để bệ hạ trả lại kẻ mất của.

Vua Minh Tông mỉm cười gật đầu :

– Không ai nhận tiền ấy thì người cứ lấy mà dùng…

-Thưa bệ hạ, tiền này không ít, người mất của chắc xót xa lắm, nên tìm người trả lại thì hơn.

– Nhà ngươi yêu tâm, cứ giữ lấy mà dùng. Tiền thưởng lòng chính trực, liêm khiết của nhà ngươi đấy.

Mạc Đĩnh Chi bấy giờ mới vỡ lẽ ra là nhà vua đã thử lòng mình. Ông tạ ơn rồi quay trở về.

Đi sứ Trung Hoa

Do là Trạng nguyên tài học cao nhất nước nên Mạc Đĩnh Chi được cử đi sứ nhà Nguyên. Lúc này hai nước chỉ vừa trải qua hơn 20 năm hòa bình sau một cuộc chiến khốc liệt nên quan hệ khá căng thẳng. Trạng nguyên vào thời kỳ này phải có tài học tuyệt đỉnh của Nho gia cũng như lòng dũng cảm phi thường của một võ tướng thì mới đảm đương được. Qua hàng loạt thử thách cân não về bản lãnh và cả dũng khí, ông đã được vua Nguyên phong làm Lưỡng Quốc Trạng nguyên. Hãy xem Mạc Đĩnh Chi đã trải qua những thử thách nơi xứ người ra sao.

Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi nhận chiếu chỉ của vua Anh Tông đi sứ nhà Nguyên. Dạo ấy vào đầu mùa Hạ, tuy trời ít mưa, nhưng đã mưa thì như đổ nước từ trên trời xuống. Đường sá, đồng ruộng, nước trắng băng một màu, việc đi lại gặp trở ngại lớn. Vì vậy đoàn sứ bộ đến quan ải chậm mất hai ngày. Quan coi ải một mực không cho qua. Mạc Đĩnh Chi giận lắm, toan quay trở về nhưng nghĩ đến mệnh vua mà mình gánh vác chưa trọn nên nán lại xin đi. 

Mạc Đĩnh Chi đi sứ Trung Hoa. Ảnh dẫn theo vanessbooking.vn

Ngẫm nghĩ hồi lâu , viên quan coi ải nói :

– Nghe nói ngài là người có tài văn chương, tài ấy sao không sử dụng lúc này? Bây giờ tôi ra một vế câu đối, nếu đối thông suốt, sẽ mở cửa ải, bằng không xin mời ngài quay lại .

Yên lặng giây lát, viên quan nọ hí hửng ra đối :

– Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.

(Đến cửa ải chậm, người coi cửa đóng cửa không cho khách qua)

Không cần suy nghĩ lâu, Mạc Đĩnh Chi đối ngay :

– Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.

(Ra đối thì dễ, đối lại thì khó, mời tiên sinh đối trước).

Quan coi ải vái ông hai vái, tỏ ý phục tài, rồi mở cửa cho đi.

Trong “Việt sử giai thoại” (Nguyễn Khắc Thuần) có kể lại một câu chuyện như sau:

Khi sang đến Trung Hoa, Mạc Đĩnh Chi thấp bé nên người Nguyên tỏ vẻ khinh thường ông. Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có treo bức trướng mỏng, trên thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ làm như mình nhầm tưởng là chim sẻ thật rồi chạy đến bắt. Người Nguyên thấy vậy cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu (thô bỉ, quê mùa).

Bất thình lình, Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống, xé đi. Mọi người lấy làm lạ, hỏi tại sao, Đĩnh Chi đáp rằng:

“Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay bức trướng của tể tướng lại có hình chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là biểu tượng của bậc quân tử, chim sẻ là biểu tượng của kẻ tiểu nhân. Tể tướng làm như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy, tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân vậy“.

Mọi người nghe vậy đều phục tài ông.

Muốn biết chuyến đi sứ bão táp của Mạc Đĩnh Chi diễn biến tiếp ra sao, xin mời quý độc giả đón đọc kỳ sau. 

(Còn tiếp)

Tĩnh Thủy

Xem thêm: